Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm “nghẽn” xuất khẩu nông sản (3 bài)

Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm “nghẽn” xuất khẩu nông sản (Bài 1)

Báo Lâm Đồng – Cập nhật lúc 06:05, Thứ Sáu, 20/09/2019 (GMT+7)

LTS: Sau hơn 10 năm Việt Nam trở thành thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), trên cả nước đã có hàng trăm giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, công tác bảo hộ giống cây trồng đang có chuyển biến tích cực, một số giống cây đã được đăng ký bản quyền, song trên thực tế, tình trạng xâm phạm bản quyền giống cây trồng tiếp tục diễn ra khá phổ biến và chưa được quản lý, bảo hộ nên tạo ra điểm “nghẽn” trong hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh. 

Bùng nhùng cây giống bản quyền

Ðối với các công ty, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hướng đến hoạt động xuất khẩu thì yếu tố bản quyền về giống là điều kiện tiên quyết để tạo nên thành công. Tuy nhiên, những năm qua, việc xâm phạm bản quyền giống đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại tỉnh Lâm Ðồng. Thực tế này đã và đang tạo nên sự thiếu minh bạch trong ngành Nông nghiệp khi giống kém chất lượng mặc sức tung hoành…  

Doanh nghiệp nhập và sản xuất giống có bản quyền, được bảo hộ chỉ sau 1 – 2 vụ đã bị sao chép, sản xuất tràn lan trên thị trường nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để


Xâm phạm bản quyền tràn lan

Ông Nguyễn Văn Bảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết: Hiện, công ty đang đề xuất cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng giám sát tình trạng xâm hại bản quyền đối với 4 giống cúc Calimero và 7 giống hoa cúc Florini. Đây là giống do công ty đã nhận chuyển giao bản quyền từ các đối tác ở nước ngoài và được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới tại Việt Nam có thời hạn lên đến 20 năm. 

Theo ông Bảo, chỉ sau 2 năm kể từ thời điểm công ty tiến hành nhập các loại giống về Việt Nam, năm 2016 đã có rất nhiều nông dân, kể cả doanh nghiệp trong tỉnh đang trồng các loại giống hoa cúc này mà không thông qua công ty của ông là chủ sở hữu bản quyền giống hoa cúc các loại nêu trên. Điều đó dẫn đến việc có những đơn vị xuất khẩu với mức giá thấp, không đúng chất lượng sản phẩm mà Dalat Hasfarm đưa ra. Thậm chí có những đơn vị sản xuất loại hoa trái phép này công khai đăng thông tin mua bán trên các diễn đàn của ngành hoa mà không một chút nghi ngại.

Ông Bảo cho biết thêm: “Mỗi năm, công ty chúng tôi đều đặn nhập các loại giống hoa cúc này về trồng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ trả tiền bản quyền giống cho đơn vị cung ứng dựa theo số lượng cành sản xuất. Tuy nhiên, với thực trạng giống hoa cúc Calimero đang bị nông dân sản xuất tràn lan như hiện nay, công ty rất khó chứng minh sự minh bạch trong sản xuất với đối tác. Từ đó, uy tín của công ty trên thị trường quốc tế giảm sút nghiêm trọng, nhất là khâu nhập giống mới vì đã vi phạm yếu tố bản quyền. Do vậy, buộc công ty chúng tôi phải thỏa thuận lại hợp đồng với đối tác nước ngoài”.

Theo ông Bảo, đối với Dalat Hasfarm, 3/4 sản lượng hoa cúc Calimero của công ty sản xuất sẽ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu sang Nhật với giá cả ổn định. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra tình trạng xâm hại bản quyền giống, nông dân Đà Lạt trồng hoa cúc Calimero tràn lan nhưng chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa với giá rẻ chỉ bằng 1/5 giá xuất khẩu đã khiến công ty và kể cả nông dân mất lợi thế trên thị trường. 

Tương tự, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Thời gian qua, Thanh tra Sở NN-PTNT cũng như Chi cục đã nhận được đơn khiếu nại từ doanh nghiệp về việc các tổ chức, cá nhân cố tình phớt lờ các quy định luật pháp, “cầm nhầm” bản quyền các giống lúa đang được nhiều nông dân huyện Cát Tiên tìm mua như giống OM 4900 và OM 6162 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (Công ty Nha Hố). 

Theo đó, một số cá nhân, hợp tác xã trên địa bàn huyện Cát Tiên đã và đang sản xuất và kinh doanh những giống lúa độc quyền của các Công ty Nha Hố được Cục Trồng trọt bảo hộ trên toàn quốc. Những sản phẩm của các đơn vị này thường không qua kiểm tra chất lượng lúa lẫn nhiều, tỷ lệ nẩy mầm thấp, thông tin không đầy đủ, lập lờ và dễ gây nhầm lẫn nhưng vẫn đóng bao để bán ra ngoài thị trường.

Đáng lo ngại, những giống lúa này làm ra không tuân thủ quy trình sản xuất giống và không có giống gốc đạt tiêu chuẩn (siêu nguyên chủng, nguyên chủng), thiếu cán bộ kỹ thuật có tay nghề, thiếu trang thiết bị sấy, phân loại, đặc biệt không được các cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng kiểm nghiệm, công bố nên không đảm bảo chất lượng hạt giống dẫn đến năng suất giảm, lúa thương phẩm không đồng đều. Vì vậy, một mặt phía Công ty Nha Hố vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu giống lúa OM 4900 và OM 6162 đến với bà con nông dân; mặt khác, Chi cục đã có thông báo trên bao bì sản phẩm, tờ rơi, báo chí để giúp nông dân phân biệt giống với các tổ chức, cá nhân khác tự tổ chức sản xuất mà không được sự cho phép của Nha Hố.

Xử phạt lên đến 50.000.000 đồng hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng

Điều 12 Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về quyền của chủ bằng bảo hộ sẽ phải chịu mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng giống cây trồng đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 Luật Sở hữu trí tuệ.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng quyền của chủ bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân của giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng để thực hiện một trong các mục đích sau: sản xuất hoặc nhân giống; chế biến nhằm mục đích nhân giống; chào hàng; bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường; xuất khẩu; nhập khẩu.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này”.

Lúng túng xử lý

Việc một công ty mua bản quyền khai thác giống ở các nước phát triển là động lực rất lớn để doanh nghiệp và nông dân có cơ hội được tiếp cận những giống mới tốt hơn. Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến bản quyền giống cây trồng đã quy định rõ là không có một cá nhân, tổ chức nào được phép trồng, kinh doanh loại giống đó mà không có sự thỏa thuận đối với công ty mua bản quyền. Tuy nhiên, nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy. Mặt khác, động thái xử lý, giải pháp ngăn chặn từ doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng cũng còn nhiều lúng túng. 

Theo ông Lại Thế Hưng, hiện trên địa bàn tỉnh có 47 giống rau, hoa được đăng ký bảo hộ tại địa phương. Nếu như với cây rau, việc xâm phạm bản quyền là hầu như không đáng kể thì các giống hoa lại đang là một thực tại nhức nhối. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh than phiền khi các giống hoa mới được nhập về chỉ sau 1-2 vụ sản xuất đã bị nông dân tìm cách sao chép giống, sản xuất tràn lan. 

Khi các đơn vị phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền giống thì họ sẽ có văn bản thông báo ngăn chặn việc vi phạm bản quyền, nhưng đa số những trường hợp này thông thường hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau nên cho đến nay chưa ghi nhận có trường hợp nào phải kiện nhau ra tòa giải quyết. Cách giải quyết là yêu cầu bên vi phạm phải nhổ bỏ tất cả những cây giống bất hợp pháp, hoặc bắt buộc phải xin giấy phép hợp pháp và trả tiền bản quyền giống. Nếu không chịu chấp hành thì sẽ thông tin lên các phương tiện truyền thông báo chí hoặc sau cùng sẽ đưa ra tòa giải quyết.

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các hộ nông dân vi phạm bản quyền giống của Công ty Dalat Hasfarm thực tế lại không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, mặc dù Dalat Hasfarm có hẳn một danh sách các đơn vị kinh doanh cúc Calimero đang bị sao chép và công ty đã gửi các văn bản cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng việc ngăn chặn, xử lý không mang lại hiệu quả. Bởi, giống hoa cúc Calimero đã được nông dân Lâm Đồng sản xuất tới mức quá phổ biến, gần như ngập tràn thị trường.

 “Với diện tích trồng hoa cúc nhỏ lẻ chỉ 1.000 – 2.000 m2 của nông dân, chúng tôi không thể bắt nông dân nhổ bỏ, làm thế rất dễ xảy ra xung đột. Còn đối với cơ sở sản xuất giống, chúng tôi cũng không thể chứng minh, nhận diện đó là giống hoa bản quyền của công ty, chỉ khi cây ra hoa mới nhận diện được thì mọi sự đã muộn. Thực sự, chúng tôi đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc khiếu kiện vi phạm bản quyền giống!” – ông Bảo nói.

(CÒN NỮA) 

HOÀNG SA

***

Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm “nghẽn” xuất khẩu nông sản (Bài 2)

BLĐ – Cập nhật lúc 06:51, Thứ Hai, 23/09/2019 (GMT+7)
 
Câu chuyện ngành hoa: Lỡ cơ hội xuất khẩu vì vướng “tấm hộ chiếu”
 
Ngay tại xứ sở hoa Ðà Lạt – niềm tự hào của ngành sản xuất hoa Việt Nam, chỉ khoảng 20% giống hoa sản xuất tại đây có bản quyền giống. Ðiều đó nói lên thực trạng người trồng hoa hiện nay quá “đói” nguồn giống có bản quyền. Và chừng nào chưa có một “danh phận” cho cành hoa Ðà Lạt, dẫu hoa có thắm sắc đến đâu cũng khó có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.
 

Doanh nghiệp đi đầu trong việc xuất khẩu hoa, đa số nông dân đứng ngoài cuộc chơi, canh tác còn theo lỗi cũ.

 
Xuất khẩu hoa, cuộc chơi của các ông lớn?
 
Hiện, diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận khoảng 9.000 ha, sản lượng đạt hơn 3,1 tỷ cành, mỗi năm xuất khẩu được khoảng 310 triệu cành, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của Đà Lạt. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu hoa hiện nay hầu hết do các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn trong nước hoặc các công ty có 100% vốn nước ngoài nắm giữ như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH APOLLO, Công ty TNHH Hoa Mặt trời, Công ty TNHH Hoa Trường Xuân. Trong khi đó, đa số hộ nông dân trồng hoa cá thể hiện đang đứng ngoài cuộc chơi.
 
Có thể thấy, thị trường hoa trong nước đang dần bão hòa khi ngày càng nhiều địa phương bắt đầu mở rộng diện tích. Do vậy, bên cạnh việc giúp người dân trồng hoa Lâm Đồng đứng vững ở trong nước thì việc giải quyết bài toán hội nhập thị trường thế giới cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm.
 
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ: Ngoài các doanh nghiệp thì hiện nay phần lớn nông dân sản xuất hoa Lâm Đồng đang phải tự “bơi”. Trong khi diện tích trồng hoa của Đà Lạt rất lớn với sản lượng không nhỏ. Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ ràng. Các công ty và doanh nghiệp có vốn đầu tư mạnh sản xuất hoa phục vụ phân khúc cao cấp, nông dân chủ yếu tập trung vào phân khúc cấp thấp và cấp trung. Đó là lý do vì sao trong khi diện tích hoa Đà Lạt tăng hằng năm, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn là nội địa chiếm tới 90% sản lượng, còn thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng. 
 
Thị trường xuất khẩu hoa không ngừng mở rộng
 
Theo Sở Công thương, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, một số tư nhân, doanh nghiệp tại thành phố Đà Lạt cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua liên kết, hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại thị trường hướng tới. Thị trường xuất khẩu hoa Lâm Đồng nhiều nhất ở Nhật, chiếm 60% sản lượng, Úc chiếm 3,2%, Đài Loan 3,1%; còn lại tập trung ở các nước như: Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia.

Theo ông Sang, khái niệm “hoa công nghệ cao” chỉ hạn hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp và một số nông hộ tiên tiến. “Nông dân muốn tham gia vào cuộc chơi, vươn ra thị trường thế giới cần trang bị kiến thức hiểu biết và tư duy xuất khẩu. Trong đó quan trọng nhất là thay đổi thói quen sản xuất, diện tích manh mún, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật, chú trọng liên kết và đặc biệt là tôn trọng luật chơi đã cam kết” – ông Sang nói.

Cùng suy nghĩ, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm, ông Nguyễn Văn Bảo dẫn chứng, cũng là hoa sản xuất tại Đà Lạt, nhưng hoa của công ty có giá cao hơn nhiều so với hoa nông dân mà vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Đó là tư duy sản xuất hàng hóa thời kinh tế toàn cầu.
 
“Phương châm của chúng tôi là không cạnh tranh trực tiếp với nông dân, do ở phân khúc sản phẩm khác, nên sản phẩm của công ty sẽ không gặp vấn đề “được mùa mất giá”. Trái lại, một trong các định hướng của Dalat Hasfarm là hợp tác và đào tạo nông dân để họ có thể bán được sản phẩm của mình với giá ngày càng cao hơn, góp phần phát triển sản phẩm ở phân khúc có giá trị cao” – ông Bảo cho hay.
 
Trên cơ sở tiềm năng và thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa Đà Lạt, các cơ quan quản lý và nhiều tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp chiến lược để phát triển ngành hoa Đà Lạt như: Quy hoạch vùng sản xuất hoa chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa; tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá thương hiệu “Hoa Đà Lạt” ra thị trường quốc tế… 
 

Hợp tác sản xuất, liên kết dưới dạng vệ tinh cho doanh nghiệp là hướng đi tất yếu cho nông hộ trồng hoa.

 
Cơ hội nào cho nông hộ?
 
Vài năm trở lại đây, việc trồng hoa xuất khẩu không còn bó hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp mà bắt đầu đã có những nông dân trồng hoa xuất khẩu thông qua các hình thức liên kết. Đây là yêu cầu tất yếu khi ngành hoa Lâm Đồng đang hướng tới những thị trường lớn thông qua hoạt động xuất khẩu. 
 
Việc liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp hình thành được nhiều vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản xuất cho nông dân theo kịp với xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đây cũng là cánh cửa, mở lối cho nông hộ có cơ hội được tham gia vào cuộc chơi, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu hoa ngày càng mở rộng. 
 
Hiện đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại Lâm Đồng liên kết trồng hoa xuất khẩu với nông dân theo quy mô công nghiệp, phát triển khá tốt. Điển hình là Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đang liên kết với hơn 50 hộ nông dân tại huyện Đức Trọng và Di Linh trên diện tích 30 ha lan vũ nữ và 2,5 ha lan hồ điệp, trong đó có 26,5 ha liên kết xuất khẩu sang Nhật. Toàn bộ hoa lan sau khi thu hoạch đều được chuyển đến xưởng đóng gói tập trung xử lý, bảo quản, sau đó phân loại để xuất khẩu bằng đường biển. Sản phẩm hoa tới nước sở tại sẽ được đấu giá, trừ các chi phí, số tiền còn lại được thanh toán cho từng nông hộ. Doanh thu từ lan vũ nữ đạt 5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm. Còn lan hồ điệp cho doanh thu tới 20 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 7,2 tỷ đồng/ha/năm. Hoa xuất khẩu có giá cao gấp 5 – 6 lần so với tiêu thụ nội địa.

Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt trời cho biết, trong liên kết sản xuất, doanh nghiệp và nông dân phải thực sự đặt niềm tin về nhau. Niền tin ấy là, đối với công ty đã ứng tiền trước và ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho từng hộ liên kết nếu đạt được chất lượng đề ra; còn bản thân nông dân cũng cam kết lại với công ty về việc thực hiện tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình sản xuất. 
 
“Có thể nói rằng, bản chất mô hình liên kết sản xuất hoa lan của Công ty TNHH Hoa Mặt Trời với các hộ nông dân là hợp tác, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với người nông dân, tạo động lực cho phương thức sản xuất hợp tác phát triển. Nhờ đó thương hiệu “Hoa Đà Lạt” của liên minh sản xuất Hoa Mặt Trời đã tìm được thị trường và bước đầu có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Nhật Bản” – ông Sơn nói. 
 
Tương tự, nhiều năm nay, Công ty Dalat Hasfarm luôn không ngừng mở rộng, xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân Ðà Lạt và các vùng phụ cận để chủ động nguồn nguyên liệu các loại hoa cắt cành nhà kính, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện Dalat Hasfarm đã thực hiện bắt tay với hơn 200 hộ nông dân sản xuất, cung ứng hoa theo chuỗi giá trị. 
 
Theo ông Bảo, vấn đề đặt ra là tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để hoa Đà Lạt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Nhiều hộ trồng hoa ngày càng có tư tưởng tiến bộ, không muốn làm ăn nhỏ lẻ, tự phát nữa mà mong muốn có sự liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định với giá bán tốt hơn. Đây là tín hiệu cho thấy, nếu có sự hợp tác và đào tạo nông dân tốt, đặc biệt ở khâu sử dụng giống có bản quyền và thực thi việc bảo hộ thì tỉ lệ hoa xuất khẩu cũng sẽ tăng lên rất nhanh trong 5 năm tới.
 
(CÒN NỮA)
 
HOÀNG SA
 
***
 
Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm “nghẽn” xuất khẩu nông sản (Bài 3)
 
BLĐ – Cập nhật lúc 06:34, Thứ Ba, 24/09/2019 (GMT+7)
 
Cởi “nút thắt” giống bản quyền, khơi thông xuất khẩu
 
Kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng, cùng với  cà phê, chè, rau, điều thì hoa là một trong 5 sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong năm 2018, giá trị kinh tế từ xuất khẩu mà ngành hoa mang lại đứng thứ hai chỉ sau cà phê. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, lượng hoa xuất khẩu chiếm 15% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh, “nút thắt” giống bản quyền cần phải sớm được cởi bỏ. 
 

Với dự án “Nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa” nông dân sẽ không còn “đói” giống bản quyền khi được doanh nghiệp chuyển giao

 
Đừng để nước tới chân mới nhảy
 
Mặc dù, hằng năm công tác bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) trên địa bàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực với việc ngày càng có nhiều giống cây trồng đã được đăng ký bản quyền, bảo hộ. Tuy nhiên, so với chủng loại vô cùng phong phú trên cả nước thì vẫn chỉ như… “muối bỏ biển” và chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng cho rằng: Hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền BHGCT cần phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cơ quan chức năng lẫn đơn vị bị xâm hại giống. Đã đến lúc vấn đề BHGCT phải có giải pháp căn cơ để hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch và khỏe mạnh trong lĩnh vực giống cây trồng.
 
Theo ông Phạm S, trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu hoa trong tỉnh liên tục tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây thì những vướng mắc trong bản quyền giống là chuyện cốt tử và đang là điểm yếu của người trồng hoa Đà Lạt. Hoa Đà Lạt để xuất khẩu, bên cạnh phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm dịch thực vật thì cũng phải chứng minh về nguồn gốc giống hoa có bản quyền. Đây là điều bình thường trong ngành thương mại hoa thế giới. 
 
Tuy nhiên, với nông dân trồng hoa Đà Lạt, mối quan tâm đầu tiên trong canh tác là chọn giống hoa nào để bán được giá trên thị trường. Còn nguồn gốc giống hoa từ đâu? Có vi phạm bản quyền giống hoa hay không thì gần như không mấy ai để ý. Để sản phẩm hoa Đà Lạt vững vàng “bước ra biển lớn”, cần có những “cú huých” trong chiến lược phát triển ngành hoa. Đó là phải thay đổi triệt để từ chiến lược đầu tư, kỹ thuật canh tác cho tới tư duy của doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, làm sao để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc chấm dứt tình trạng dùng giống hoa sao chép lậu, không có bản quyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, việc không có kênh thông tin chính thức tầm quốc gia về giống đã khiến nông dân bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Người trồng hoa hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, nơi bán, hình thái cây hoa, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống.
 
Chính điều này đã khiến người trồng hoa đang gặp khó khăn khi liên hệ để mua giống thương mại có bản quyền. Do đó, gấp rút cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết, có thể qua Hiệp hội hoa Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm giúp người dân có thể mua các giống có chất lượng đã hết thời hạn bảo hộ của nước ngoài, phục vụ cho sản xuất.
 

Bên cạnh việc nhập khẩu giống mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu chọn tạo giống mới có chất lượng tốt, có bản quyền, giúp nông dân tự chủ về nguồn giống

 
Cởi trói thủ tục giống cây trồng
 
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng: Quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng, để một giống được công nhận giống cây trồng mới phải qua một số lần khảo nghiệm và sản xuất thử. Quá trình khảo nghiệm cũng sẽ phải triển khai ở các vùng sản xuất, ít nhất từ 1 đến 2 năm. Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt cấp phép cho doanh nghiệp triển khai sản xuất thử nghiệm, với thời gian thực hiện từ 1-3 năm. Quy trình này khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí không đáng có. Việc “mất 3 năm để sản xuất một giống”, thay vì đăng ký và làm công tác bảo hộ, một số doanh nghiệp sẽ giữ bí mật để sản xuất riêng. 
 
Bên cạnh đó, quy trình thực hiện các thủ tục khảo nghiệm, công nhận, đăng ký, bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nay tương đối phức tạp, thời gian công nhận giống còn lâu, dẫn đến nhiều loại giống từ lúc nghiên cứu đến khi được bảo hộ mất cả chục năm (cây ngắn ngày khoảng 3,5 đến 4 năm, cây dài ngày trên 10 năm).Vì vậy, các giống cây trồng mới có triển vọng chậm được đưa vào sản xuất, khi giống đến được với nông dân thì chất lượng đã giảm hoặc không còn phù hợp. Đã thế, một số giống vừa mới công bố bảo hộ, nhưng đã bị xâm phạm bản quyền, rồi lại phải tổ chức khảo nghiệm riêng…
 
Chính điều này đã tạo nên sự thiếu minh bạch về thị trường cây giống có bản quyền. Bởi một số đơn vị rất sợ bị lộ thông tin “chìa khóa” của sản phẩm. Do đó, khi có sản phẩm giống mới dễ bị thất thoát, sao chép thì thay vì công bố bảo hộ rộng rãi, các đơn vị sẽ tự tìm cách giữ bí mật nếu không sẽ mất tính độc quyền. 
 
Chủ thương hiệu hoa lan YSA Orchid nổi tiếng Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Phan Thanh Sang cho biết: Để lai tạo nên những giống hoa lan mới, phục vụ nhu cầu thị trường, công ty đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Từ đây, nhiều loại lan đặc sắc mới đã được lai tạo ra, trong đó phải kể đến những loại lan có hương bưởi, hương dừa, vũ nữ nâu có mùi chocolate như Mitoniopsis, Cattleya, Hồ điệp, lan Hài, Thiên Nga và các loại phong lan Việt Nam… 
 
Tuy nhiên, do chưa xong thủ tục bảo hộ nên ngoài một số giống được công ty nhân giống và công bố rộng rãi ra bên ngoài thì cũng có một loại được công ty sản xuất trong phạm vi bí mật, chưa thể đưa ra thị trường vì rất dễ bị sao chép, dẫn đến thất thoát giống. Cụ thể như cây hoa lan, chỉ cần cắt một đoạn chồi là có thể nhân giống trồng rộng rãi nên nguy cơ bị mất bản quyền giống rất cao.
 
Để nông dân không còn “đói” giống bản quyền
 
Ông Lại Thế Hưng nhận định: Những giống hoa bản địa có bản quyền trên địa bàn tỉnh đã rất “lỗi mốt” so với thú chơi hoa của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, kỹ thuật nhân giống hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng không cao so với các loại cây trồng khác, sâu bệnh nhiều, từ đó làm giảm chất lượng. Hơn nữa các giống hoa hiện nay có xu hướng thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. 
 
Trong năm 2018, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành cấp 9 giấy phép nhập khẩu cho 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH DaLat Hasfarm, Công ty TNHH Linh Ngọc, Công ty TNHH Nông nghiệp Hồng Hoàng để nhập khẩu 109.000 đơn vị giống. Còn trong năm 2019, Chi cục đã cấp 14 giấy phép thêm cho 4 doanh nghiệp nữa gồm Công ty TNHH Langbiang Farm, Công ty THNH Hoa Chi An, Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh và Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa với 22 loại giống, quy mô 339.000 cây, củ, cành, hạt giống.

Theo ông Hưng, hằng năm để phục vụ sản xuất rau, hoa tỉnh Lâm Đồng cần 6,9 tỷ cây giống. Trong đó, 4,45 tỷ giống rau phục vụ sản xuất 67.000 ha rau các loại/năm và 2,45 tỷ cây hoa giống cung cấp sản xuất cho 8.890 ha các loại/năm. Riêng trong năm 2018, lượng giống hoa nhập khẩu các loại đạt 65,4 triệu đơn vị để canh tác từ 450 – 500 ha giống mới và khoảng 5.000 kg hạt giống rau các loại; 116.400 kg củ giống khoai tây để canh tác khoảng 5.400 ha. 

Tuy nhiên, để nhập khẩu các giống mới phục vụ thị trường theo xu hướng hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), gây khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại giống rau, hoa mới theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. 
 
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác nhập khẩu giống cây trồng đang vướng thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Trồng trọt và BVTV triển khai dự án “Nhập khẩu, mua bản quyền giống rau, hoa” và xin phép Cục BVTV cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu không qua PRA cho các doanh nghiệp, đơn vị; đồng thời hỗ trợ kinh phí với mức định mức tối đa không quá 50% chi phí mua giống nhập khẩu. 
 
Khi nhập các loại giống mới, doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng nhu cầu sản xuất phải thực hiện việc chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất đi kèm kiểm soát tốt bảo hộ, bản quyền giống theo phương thức chia sẻ 60/40. Việc này sẽ giúp phá thế độc quyền giống hoa từ các doanh nghiệp, giúp nông dân hưởng lợi từ dự án. 
 
HOÀNG SA

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s