SÁNG ÁNH 19/08/2022 06:42 GMT+7
TTCT – Bao giờ chính trị mới hết sợ nhà văn, qua trường hợp Salman Rushdie lại vừa bị đâm ngay trên đất Mỹ?

Salman Rushdie đã trở thành khuôn mặt đại diện cho tự do sáng tác trong một cuộc xung đột chồng chéo và phức tạp. Ảnh: PEN Canada
Cô ngồi một mình, áo hở rốn, coi dáng rất cô đơn tại quầy rượu mênh mông của khách sạn Atrium ở Praha. Lúc đó đã gần 2 giờ sáng, và hở rốn là vì cô mặc quốc phục sari của Bangladesh. Cô nhìn tôi và tôi đã định lại gần kéo ghế bên cạnh. “Khuya rồi, yên ắng nhỉ, bạn có thấy không, mọi thứ như là chùng hẳn xuống và 2 người mình vàng vọt như trong một bức tranh của Edward Hopper…”, tôi định nói.
Nhưng nào chỉ có 2 người mà là 3, và người thứ 3 cũng ngồi nhìn tôi là anh công an bảo vệ Taslima Nasreen làm tôi mất cả hứng. Năm đó, tại Hội nghị quốc tế Văn bút, nữ nhà văn này vì từ đạo Hồi và viết lách sao đó chống đối nên tính mạng bị đe dọa, và cũng như Salman Rushdie, bị một giáo sĩ treo án tử hình. Nhờ vậy nên mấy ngày trước tôi thấy cô đi xe BMW chống đạn đến đại hội, lúc nào cũng có một anh mặc đồ vest đi theo sau dáo dác. Tình hình rất là chán, tôi quyết định chỉ ủng hộ quyền tự do phát biểu và sáng tác của cô từ xa. Tôi gật đầu chào cô rồi đi ra khỏi khách sạn.
Những đụng độ văn chương, tôn giáo, tự do ngôn luận (và tự do sau ngôn luận) không bắt đầu hay kết thúc ở Salman Rushdie, nhưng với thế giới, nhất là phương Tây, thì văn sĩ 75 tuổi này lại trở thành bộ mặt cho cuộc tranh luận đó.