Đổi mới mô hình quản lý bệnh viện công lập

nhandan – Thứ Sáu, 18-11-2016, 08:48


CEO bệnh viện phải là người có khả năng quy tụ được những người giỏi, thiết kế được một đội ngũ khám, chữa bệnh chất lượng mang lại lợi ích cho người bệnh.. Trong ảnh: Niềm vui đón một em bé chào đời

Chủ trương thí điểm để bệnh viện công thuê giám đốc điều hành (CEO) của Bộ Y tế đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cách làm này được kỳ vọng sẽ tạo tính minh bạch và hiệu quả trong việc điều hành bệnh viện công, tháo gỡ nhiều bất cập nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, song theo một số chuyên gia, để hiện thực hóa điều này hiện vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế chính sách và nhận thức.

Từ nhu cầu đổi mới bệnh viện

Theo dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với việc đổi mới bộ máy quản lý ở các cơ sở y tế tự chủ về tài chính hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, cùng với đổi mới về tài chính y tế (tự chủ tài chính), bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy. Các nhóm tự chủ tài chính đều hoạt động theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm: tổng giám đốc và các giám đốc điều hành (với các đơn vị do Trung ương quản lý) hoặc giám đốc và các phó giám đốc (các đơn vị do địa phương quản lý).

Cùng với việc hoàn thiện nội dung Nghị định, Bộ Y tế cho biết sẽ thí điểm để bệnh viện công thuê giám đốc điều hành (CEO) không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa, mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành. Theo đó, thay vì các giám đốc yêu cầu phải có học hàm và học vị (tùy hạng cơ sở y tế, như bệnh viện tuyến trung ương yêu cầu giám đốc phải có học vị tiến sĩ), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ sẽ thí điểm việc thuê giám đốc chuyên nghiệp điều hành bệnh viện nhằm tạo tính minh bạch và hiệu quả trong bệnh viện công; thay những nhà chuyên môn bằng nhà quản lý chuyên nghiệp nhằm tạo một bước tiến đột phá nâng cao chất lượng bệnh viện, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời trả lại cho các bác sĩ có chuyên môn giỏi về đúng vai trò của mình.

Việc thuê CEO điều hành, được coi là một phương thức đổi mới bệnh viện công trong thời gian tới. Nhìn vào thực tế, hiện nay hầu hết các giám đốc bệnh viện công lập là những người giỏi chuyên môn y khoa, sau quá trình làm việc, phấn đấu qua các vị trí quản lý từ phó, trưởng khoa, lên phó giám đốc và được bổ nhiệm giữ vị trí giám đốc bệnh viện. Chính vì vậy, hầu hết giám đốc bệnh viện là người giỏi chuyên môn nhưng ít được đào tạo bài bản về khả năng quản lý, điều hành hoạt động của bệnh viện nên đa phần đều gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nói chung, quản trị bệnh viện nói riêng. Từ đó xuất hiện nhiều bất cập trong quản trị nguồn lực con người, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị bệnh viện, biểu hiện ở việc chất lượng dịch vụ kém, hoạt động bệnh viện thiếu tính chuyên nghiệp. Minh chứng rõ nhất của việc yếu kém trong quản lý chính là tình trạng quá tải bệnh viện, thái độ chưa phù hợp của một số nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà, lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu, mất an ninh trật tự, bảo vệ lộng hành… tồn tại phổ biến ở các sở y tế công lập.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các bệnh viện công lập hiện nay là cần nâng cao trình độ tổ chức các hoạt động nhằm cung ứng cho khách hàng những dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Điều này liên quan trực tiếp đến năng lực quản trị của những người đứng đầu bệnh viện.

Đến những trở ngại, thách thức

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, chủ trương mới này của Bộ Y tế hiện đang vướng các quy định hiện hành. Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Đa khoa quốc tế Exson (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, Bộ Y tế chỉ thể hiện quyết tâm thí điểm thuê CEO là chưa đủ, mà còn phải có bản lĩnh để vượt qua những trở ngại về quy trình bố trí cán bộ mới có thể tìm được những CEO giỏi, đặt họ vào đúng vị trí với đầy đủ quyền hạn. Phân tích về thực tế này, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho rằng, quy định hiện nay khi bổ nhiệm cán bộ vẫn phải trải qua các khâu giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm từ cấp cơ sở, thước đo bằng cấp, chuyên ngành…, như vậy sẽ rất khó nếu thay đổi hình thức bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện sang hình thức thuê CEO. “Do vậy để chủ trương thí điểm thuê CEO thực hiện trong thực tế cần sự ủng hộ của Bộ Nội vụ trong việc lược bớt quy trình, quy định bổ nhiệm CEO bệnh viện”, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, việc thuê CEO chỉ có thể được thực hiện khi bệnh viện được tự chủ, song thực tế hiện chỉ khoảng 10 bệnh viện trong tổng số hơn 100 bệnh viện công lập đang hoạt động ở Việt Nam tự chủ, đây cũng là lực cản lớn cho chủ trương thuê CEO bệnh viện.

Thay đổi tư duy để tháo gỡ rào cản

Để khắc phục những rào cản, tạo điều kiện cho chủ trương thuê CEO được triển khai trong thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần thay đổi cách quản trị ngành y tế của Nhà nước, thay đổi nhận thức của ngành y tế về quản trị bệnh viện, thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện, thay đổi nhận thức của xã hội và đặc biệt là thay đổi thước đo giá trị đối với nhân sự bệnh viện. Trong đó, điều cần thiết phải tiến hành trước nhất là phải thay đổi về tư duy, cần phải xem bệnh viện là một doanh nghiệp (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh) và người đứng đầu bệnh viện là một nhà quản lý. Ngược lại, nếu vẫn duy trì tư duy về bệnh viện với cơ chế xin – cho và giám đốc bệnh viện như lâu nay thì thuê CEO sẽ không khả thi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đề xuất, có thể vận hành hoạt động của bệnh viện theo cơ chế một tập đoàn, đứng đầu là chủ tịch Hội đồng quản trị, bên dưới là các giám đốc phụ trách chuyên môn, hành chính, nhân sự, kinh tế. Vai trò của Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ như nhạc trưởng, tạo dựng và duy trì môi trường hoạt động y tế hiệu quả và chuyên nghiệp, giảm tình trạng quá tải và mang tới chất lượng phục vụ tốt cho bệnh nhân.

Còn theo quan điểm của GS Nguyễn Lân Việt, Giám đốc Viện Tim mạch Quốc gia, nên chọn bệnh viện nhỏ để thí điểm thuê CEO, qua đó đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Trong ngành y tế hiện nay, nhiều người làm chuyên môn giỏi và quản lý cũng giỏi. Bằng chứng là các bệnh viện vẫn phát triển, nâng quy mô. “Nếu CEO của bệnh viện mà không hiểu về ngành y thì có khi lại là nguyên nhân gây sự cố. Do đó, rất cẩn trọng để bảo đảm chủ trương thuê, tuyển CEO. Bởi bản thân giám đốc dù tâm huyết cỡ nào, kiến thức cỡ nào mà ê-kíp quản lý bên dưới không hiểu, không nắm bắt, không cùng làm thì cũng… như không. Vì vậy giám đốc bệnh viện phải tác động làm sao để nhân viên làm việc trực tiếp với người bệnh phải thật sự xem họ là khách hàng mới thành công được”, GS Nguyễn Lân Việt nêu rõ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành y, việc thuê CEO cho bệnh viện công nếu triển khai cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức của bệnh viện. Chẳng hạn như, dưới CEO cần có các giám đốc chuyên môn, quản trị, tổ chức, tài chính… Còn nếu để nguyên cơ cấu, tổ chức bệnh viện công như hiện nay rồi thuê CEO thì sẽ rất khó điều hành công việc. Mặt khác, cũng có thể chọn những bác sĩ có năng lực về quản lý để đào tạo CEO cho bệnh viện công, khi đó, CEO vừa nắm rõ về chuyên môn y khoa vừa giỏi quản lý. Điều cần quan tâm, bệnh viện công hoạt động theo cơ chế nhà nước, đặc biệt là bảo đảm về chăm sóc sức khỏe cho người dân, thực hiện chính sách an sinh. Do vậy, nếu CEO chỉ tập trung vào tính hiệu quả, sinh lời cho bệnh viện sẽ làm mất ý nghĩa chính trị của bệnh viện công lập.

Thiết nghĩ, thương hiệu của một bệnh viện muốn được khẳng định phải dựa vào đội ngũ các bác sĩ có chuyên môn giỏi, tận tâm với người bệnh. Vậy nên CEO bệnh viện phải là người có khả năng quy tụ, thiết kế được một đội ngũ thầy thuốc khám chữa bệnh chất lượng. Tuy nhiên, CEO của bệnh viện có tạo ra được các giá trị tốt cho ngành y tế hay không còn phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng mạnh dạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để định hình một dịch vụ quản lý mới mang lại lợi ích cho người bệnh.

DƯƠNG NGÂN

Advertisement

1 bình luận về “Đổi mới mô hình quản lý bệnh viện công lập

  1. Cảm ơn Hương đưa ra vấn đề này.

    Đây cũng là một giải pháp tích cực giúp giải quyết phần nào vấn đề quản lý y tế bệnh viện công.

    Việc CEO của bệnh viện không có hiểu biết về về y là không có, vì trong đào tạo có ngành quản lý y tế. Health care management, public health v.v… và phải có đào tạo căn bản về y khoa, bệnh lý….-Vấn đề ở bệnh viện công là vấn đề của cả hệ thống y tế không phải của riêng CEO. Bệnh viện công VN, bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng không có nghĩa là quản lý kém mà bị phiền phức quá nhiều về các về thủ tục, rồi thi đua, thành tích, hình thức nên chẳng thế tập trung quản lý tốt và làm chuyên môn giỏi.

    Việc quá tải ở BV công ở các thành phố lớn (bv tuyến trên) là do bệnh viện tuyến tỉnh (tuyến dưới) không có đủ cơ sở vật chất, và không đủ bác sĩ cho bệnh nặng, nên buộc phải lên bệnh viện lớn

    Đối với bệnh nhân nhẹ thì có hiện tượng bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh hoặc bệnh nhân muốn lên tuyến trên do không yên tâm chữa trị ở tuyến dưới. Có nhiều bệnh đơn giản như hắt hơi sổ mũi, nhổ răng cũng lên bệnh viện tuyến trên khiến bệnh viện công tuyến trên quá tải. Bệnh viện tư thì chi phí còn quá cao với người nghèo. Để giảm tải người dân đến bệnh viện, việc này cần nỗ lực nhiều từ các chương trình và dịch vụ sức khoẻ cộng đồng, biết cách cách tự điều chỉnh chăm sóc trước khi phải đến bệnh viện, hoặc như việc dùng thuốc đúng cách mà không lạm dụng thuốc, vì thuốc ở VN theo đơn hay không theo đơn cũng bán tràn lan mua thuốc dễ như mua rau.

    Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng cần được giải quyết về theo cung cầu thị trường. Để cho các bệnh viện tự cạnh tranh quản lý thu chi, điều trị thì sẽ tránh được tham nhũng như trong mua bán thuốc hay thiết bị y tế ở bệnh viện công. Bảo hiểm y tế và các nhiều hãng bảo hiểm tư nhân hiên nay có nhiều lựa chọn cho người mua và chi trả cho khám chữa bệnh, tuy nhiên BHXH của nhà nước thì vẫn chưa đảm bảo hết được đặc biệt cho người nghèo. Đây là vấn đề chưa được giải quyết cho thị trường. Và cũng cần có những công ty bảo hiểm có những gói sản phẩm sáng tạo phù hợp với người nghèo. Nhà nước cũng cần có luật quản lý chặt các công ty bảo hiểm để người dân không bị lừa.

    Và đào tạo là vấn đề quan trọng, ngành Y luôn thiếu bác sĩ và nhân lực có năng lực tốt do đặc thù của ngành này, thời gian để đào tạo ra 1 bác sĩ hành nghề được tốn gấp 2, 3 thời gian so với các ngành khác, mất cả đến 10 năm để có một bác sĩ hành nghề được thực ra một bác sĩ thì không khi nào ngừng nghiên cứu và học. Để có ra được một bác sĩ giỏi hành thì mất cực kỳ nhiều công sức, yêu cầu về thể chất và tinh thần.

    Thế nên nhà nước muốn hỗ trợ thì nên thực hiện quản lý chất đào tạo và quản lý tốt, hỗ trợ các chương trình đào tạo y khoa bằng các liên kết đào tạo, nghiên cứu, hợp tác, hơn là áp đặt chỉ tiêu thi đua và phân bổ ngân sách cho bệnh viện.

    Nhà nước bộ Y tế, hội đồng y đức phải đảm bảo là cơ quan quản lý chất lượng thì cần làm tốt siết chặt chất lượng thì sẽ giảm những sai phạm đạo đức y học. Từ đó đào tạo ngành y cũng theo nhu cầu thị trường và để cho các trường tự lo chất lượng đào tạo của mình để cạnh tranh.

    Và câu hỏi lớn hơn nữa là làm sao để xây dựng được những bệnh viện chất lượng tốt ở địa phương có sở vật chất tốt thu hút bác sĩ tốt , nhân lực giỏi về địa phương, làm sao để có trường y để cung cấp nhân lực ngành y cho đia phương . Để mà người dân miền Trung không phải lặn lội ra Hà Nội hay vô Sài Gòn mới khám được bệnh, hay người dân ở miền núi, mũi Cà Mau phải lên tận thành phố mới khám chữa được bệnh? Đây là vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của vùng và địa phương

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s