Thập giá và Lưỡi gươm – Linh Mục Trần Tam Tỉnh

Ấn bản 1978 của nhà xuất bản Trẻ

bản điện tử của sachhiem.net (LT và KT đánh máy) 

sachhiem.net – 18 tháng 11, 2008

LTS: Càng ngày đọc giả càng có nhu cầu tìm tòi để đọc thêm những “sự thật” đã bị các thế lực che đậy hoặc ra sức bóp méo. Thỉnh thoảng đọc giả gửi thư cho sachhiem.net yêu cầu cho đăng những quyển sách mà họ từng thấy được trích dẫn trong nhiều bài viết của các tác giả có uy tín trong việc nghiên cứu và sưu khảo. Lý do hiển nhiên là đọc giả không thể tìm được dễ dàng các tài liệu hiếm hoi đó. Trước sự khao khát những sự thật như thế, có một vài đọc giả tình nguyện ra công đánh máy để đăng trên sachhiem.net. Nhân đây Sachhiem.net xin phép tác giả, dịch giả, và nhà xuất bản trong việc giúp phổ biến đến đọc giả trên thế giới, nhất là ở những nơi không có phân phối các quyển sách hiếm quí này. (SH)


Lời nói đầu

Giữa thế kỷ XIX, nhà Nguyễn phong kiến đã buộc lòng phải kiên quyết đối phó với một bộ phận dân chúng theo đạo Thiên Chúa. Do phương phức truyền đạo cứng rắn, do sự gắn bó khắng khít giữa những người truyền đạo và thực dân Pháp xâm lược, đã để lại những trang sử cay đắng cho giáo hội Thiên Chúa và cho cả dân tộc.

Tòa thánh Vatican đã quyết định phong Thánh cho 117 vị Chân phước Tử đạo tại Việt Nam từ năm 1745 đến 1862. Quyết định này đã được tiếp nhận với nhiều phản ứng khác nhau trong giáo hội. Đây là vấn đề tế nhị và phức tạp có liên quan đến khối Đoàn kết dân tộc đã được chăm chút vun bón trong cả quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng.

Xuất bản tập “Thập giá và lưỡi gươm” Nhà xuất bản Trẻ chỉ mong cung cấp cho bạn đọc một số dữ kiện, một số tư liệu lịch sử do linh mục Trần Tam Tỉnh, Viện sĩ viện hàn lâm Hoàng Gia Canada, Giáo sư Đại học Laval tỉnh Quebec (Canada) một người hết lòng trung thành với giáo hội Công giáo Việt Nam viết. Từ cơ sở thực tiễn đó chúng ta có điều kiện để nhận thức rõ vấn đề.

“Thập giá và lưỡi gươm” phản ánh những vấn đề của giáo hội Công giáo từ thế kỷ 18 đến nay, nói rõ thái độ của vua chúa Việt Nam trong việc cấm đạo và giết đạo, truyền thống sống phúc âm trong lòng dân tộc của người Việt Nam Công giáo phản ánh cả cái ánh sáng và bóng tối của giáo hội trong các thế kỷ qua. Chúng tôi tin rằng tập sách này sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu của thanh niên lương cũng như giáo cùng nhau xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

***

 

DẪN NHẬP

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 lúc gần trưa, tiếng sung đã im, lần đầu tiên từ ba mươi năm nay, trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Từ bốn phía, lực lượng Cách mạng tiến về hướng trung tâm Sài Gòn trước những cặp mắt kinh hoàng của người này, hay giữa những tràng pháo tay hoan hô của những người khác. Chuông của một số chùa trang trọng ngân vang, hòa tiếng với những lời reo vui của một bộ phận dân chúng.

Nhưng chuông các nhà thờ thì im lặng. Từ bốn tháng nay, phần đông người công giáo miền Nam sống trong lo âu sợ hãi. Bước tiến như vũ bão của quân đội Cách mạng càng tăng thêm những lời đồn đoán về một “cuộc tắm máu”, lời đồn đoán được nuôi dưỡng ngày này qua ngày khác bởi các luận điệu tuyên truyền rùm beng, ở quốc nội cũng giống như ở nước ngoài.

Ngày 7 tháng giêng năm 1975, Mặt trận Giải phóng đã giải phóng tỉnh Phước Long. Hãng thông tấn Fides của Vatican đưa tin về vụ đó như sau: “Trong cuộc tấn công Phước Long, một số đông dân chúng, đã tìm chỗ núp trong Nhà thờ xứ. Nhưng nhà thờ xứ trở thành mục tiêu chủ yếu của các trọng pháo Cộng sản nã đạn vào và nhiều người đã chết, kể cả 4 linh mục là các Cha Cảnh, Toàn, Lâm, Nhã. Cha Đại đã bị Cộng sản bắt”. Cách đưa tin thời sự kiểu đó ngầm hiểu rằng lực lượng cộng sản lo đánh phá tôn giáo hơn là giải phóng đất nước.

Báo L’Observatore Romano và Đài tiếng nói Vatican loan tin rằng có nhiều linh mục đã bị giết và có cả những Giám mục, như Đức Cha Nguyễn Huy Mai, giám mục Buôn Mê Thuột và Đức Cha Nguyễn Văn Hòa giám mục chỉ định địa phận Nha Trang, có lẽ đã bị bắt hoặc đã bị cộng sản giết chết. Và để nhấn mạnh nguy cơ cộng sản, giáo sư Alesandrini, phát ngôn nhân của Tòa thánh, đã viết trong tờ L’Observatore Della Domenica rằng “ chế độ Hà Nội là xấu xa nhất thế giới”. Đức Phalo VI, trong cuộc tiếp kiến ngày 26 tháng 3 năm 1975, nói đến “cơn hấp hối kéo dài không thể tả xiết, trong nước mắt và máu” của nhân dân Viêt Nam, và ngày 2 tháng 4 ngài cầu xin cho dân công giáo nước này được “lòng can đảm của các tông đồ đầu tiên, để làm chứng cho đức tin của họ và cho lòng bác ái của họ trong những điều kiện khó khăn”.

Nhưng kiểu nhìn theo con mắt tận thế đó, cũng như các mưu đồ của Washington đều chẳng thể nào cứu được chế độ Sài Gòn. Trước cảnh tan rã của quân đội Thiệu, lực lượng Cách mạng đã giải phóng một cách nhanh chóng và ít tổn thất, các vùng cao nguyên, các tỉnh vùng ven biển, đồng bằng song Cửu Long, và sau cùng, qua 55 ngày chiến dịch giải phóng Sài Gòn thủ đô ngụy.

Chiến thắng của Mặt trận Giải phóng và công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam khỏi sự thống trị của Mỹ, phải chăng đánh dấu sự chấm dứt tự do tôn giáo đối với cách suy nghĩ của phần đông người công giáo.

Đoán biết trước sự thất bại hầu như chắc chắng của quân đội Nam Việt, những người đã làm giàu nhờ chiến tranh đều bỏ chạy mang theo hàng triệu đôla chiếm được nhờ tham nhũng và những phương thế bất chính. Bị lôi cuốn vào làn song di tản đó, nhiều người công giáo đã lên những chiếc thuyền mỏng manh, hy vọng khi ra khơi thì tàu gặp được tàu của Mỹ vớt họ và chở họ tới các nước có đạo, để họ bảo vệ được đức tin. Cơn hoảng hốt đó là hậu quả của những tiếng đồn “ cộng sản sẽ giết hết người công giáo gốc di cư 1954” hoặc “ trong các vùng giải phóng, nhiều linh mục đã bị tàn sát, các nữ tu bị hãm hiếp, các nhà thờ bị triệt hạ”.

Song khác với 1954, hàng giáo phẩm lần này đã không tổ chức cho di tản. Các giám mục đều nhất quyết ở lại, dầu có phải dọn mình chịu chết vì đạo như họ vẫn nghĩ. Gần ngày giải phóng cố đô Huế, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã viết cho Giám mục Mercier là bạn thân rằng, Đức Cha thấy bổn phận mình là phải tiếp tục tại vị, để Giáo hội có mặt và Tin mừng vẫn được loan báo, nếu có vì thế mà “phải vào tù, chịu đau khổ bắt bớ không phải bằng lời giảng mà nhiều người rất thèm khát”. Phần riêng mình, Đức Tổng giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình nhắc nhở giáo dân rằng “ không bao giờ Giáo hội ủng hộ việc di tản người công giáo ra nước ngoài”. Tiếp đến, Đức Cha khuyên các linh mục và tu sĩ đừng để bị lôi cuốn vào hoang mang, nhưng phải chứng tỏ sự can đảm và tinh thần hy sinh cho tới cả trường hợp phải tử vì đạo: “Chúng ta phải sẵn sàng trong một tinh thần hoàn toàn tin cậy vào Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa: “ Kẻ chăn tốt dâng mạng sống mình vì đàn chiên (Yn 10, 11) và gương lành của Người: “Đức Kitô đã ban sự sống của Người cho chúng ta, chúng ta phải dâng mạng sống mình vì anh em” (Yn 3,1).

Khi đọc những dòng trên, người ta có thể hiểu được bầu không khí sợ hãi và lo âu trong đồng bào công giáo. Dầu có những lời kêu gọi kể trên, hơn 100 Linh mục và 250 tu sĩ nam nữ người Việt đã ra đi.

Trong bầu không khí như thế, những người công giáo từng gắn bó với nguồn hy vọng của nhân dân – linh mục có, giáo dân có – họ đã phải chiến đấu với hai lần khó khăn. Một đàng họ tìm mọi cách nhằm thuyết phục đồng bào và đồng đạo đang bị lôi kéo hàng ngàn đi di tản rằng phải từ bỏ cuộc chạy trốn điên dại, ngõ cụt không lối thoát đó, và hãy trở về nhà mình đang ở. Trong các xóm nghèo của Sài Gòn, họ đã thành công ngăn chặn được sự bỏ chạy và cơn hốt hoảng, nhờ các hoạt động trấn an hiệu quả của họ.

Đồng thời, họ phải lên tiếng tố cáo thái độ của một vài chức sắc Giáo hội đang liều mình liên lụy đến độ “mất cả sự tự do cần thiết cho sứ mạng Ngôn sứ của mình”. Giữa những bối cảnh bất an của Sài Gòn tháng 4, họ muốn giúp cho Giáo hội đi vào một cuộc đổi thay, không phải theo họ nghĩ tàn mạt, mà là hữu ích. Thái độ của họ trong qúa khứ đã chuẩn bị họ làm công tác này: trong những tháng cuối thời chế độ Thiệu, mặc dầu có những cuộc đàn áp dã man hơn, họ vẫn tiếp tục cố gắng nhiều hơn trong cuộc chiến đấu chống sự có mặt của Mỹ, chống độc tài và ủng hộ việc hòa giải và độc lập hoàn toàn của đất nước. Làm như thế, họ đã góp phần vào việc giải phóng Sài Gòn không có đổ máu.

Tại thành phố từ nay được gọi bằng tên cụ Hồ Chí Minh, cũng như trên khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam được giải phóng, thái độ cởi mở và hòa giải của Mặt trận Giải phóng đều được thừa nhận bởi cả những kẻ thù địch triệt để nhất. Cuộc tắm máu đã không hề xảy ra. Không có đàn áp; không có xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Bây giờ người ta mới tự hỏi: Giáo hội ở miền Nam có chấp nhận cách phân tích tình hình như thế và thay đổi thái độ với chế độ mới chăng? Giáo hội có thể sang trang được không?

Đã có một số câu trả lời cho những thắc mắc đó.

Sáu ngày sau khi Huế được giải phóng, trong một bức thư đề ngày 1 tháng 4 năm 1975 Đức Cha Nguyễn Kim Đền, Tổng giám mục Huế gởi cho giáo dân của Ngài như sau: “Giữa quang cảnh vui mừng hoan hỉ này, đã đến lúc chúng ta phải sẵn sàng cộng tác với hết thảy mọi người thiện chí để xây dựng lại quê hương đã từng chịu đau thương tang tóc biết bao rồi, và việc này ở dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng, hầu đem lại cho đồng bào sự tự do, sự phồn vinh và hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc phải củng cố sự đoàn kết dân tộc, tình yêu thương nhau và phục vụ đồng bào, giúp đỡ và cứu trợ, chia sẻ với đồng bào cơm ăn và áo mặc”.

Ngày 9 tháng 4, Đức Tổng giám mục lại công bố: “ Trên trần gian này, chẳng có sự sống con người, và đối với loài người thì không có gì qúi giá hơn độc lập và tự do.. Sống trong độc lập là một điều có thật tại đây, cố đô Huế. Còn về tự do, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng đảm bảo với toàn thể đồng bào, sự tự do trong đó có sự tự do lương tâm của các tôn giáo. Chính vì vậy mà người công giáo Việt Nam háo hức đóng góp phần tích cực của mình. Và cùng nhau, cùng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội đầy yêu thương, một xã hội tự do, dân chủ, thịnh vượng; ở đó chúng ta được an tâm chu toàn bổn phận mình đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa”.

Ít hôm sau ngày giải phóng Sài Gòn, Tổng Gám Mục thành phố này cũng đã kêu gọi toàn thể người công giáo miền Nam hãy “chu toàn mọi nhiệm vụ công dân của mình một cách nghiêm túc, dưới sự lãnh đạo của chính phủ Cách mạng lâm thời. Đây là sự vui mừng của toàn thể nhân dân ta và theo niềm tin Kitô giáo, đây cũng là ân huệ của Chúa. Với toàn thể đồng bào, chúng ta vui mừng chào đón hòa bình và độc lập”.

Bên ngoài, tại Vatican cũng như ở các miền công giáo, người ta không nói cùng một giọng như thế. Ngày 11 tháng 5, trong báo L’Observatore della Domenica, giáo sư Alesandrini đã viết về chính sách hòa giải của Mặt trận giải phóng như sau: “ Sự hòa giải chân thành, đích thực và thành khẩn là thời điểm duy nhất để có thể có hòa bình; sự hòa giải thật không tự nó đến ngay từ sự im lìm bi thảm của các sự vật, từ sự vắng chiến tranh hay là tình thế bắt buộc, nhưng nó phải được xây dựng và xây dựng lại trong các cõi lòng đã từng tan nát, bị chà đạp”.

Tại sao có thái độ đó từ phía tờ L’Observatore della Domenica? Tại sao có những lập trường bề ngoài xem ra mâu thuẩn nhau đối với một nước Việt Nam đã được giải phóng?

Giáo hội công giáo sẽ ra thế nào trong một nước Việt Nam độc lập và thống nhất? Muốn hiểu bối cảnh hiện nay của Giáo hội công giáo Việt Nam, cần đọc lại lịch sử giáo hội này từ ngày bắt đầu truyền bá Tin mừng vào thế kỷ 16. Cần hiểu biết tất cả quá khứ của Giáo hội, phải khám phá tất cả những gì nó liên lụy với di sản thuộc địa. Phải lấy trí và lòng rất thanh thản mà xem lại sự chuyển biến của Giáo hội, xuyên qua dòng lịch sử của đất nước Việt Nam.

Tập sách này, được viết ra do một trong những người con trung thành của Giáo hội Việt Nam không có một tham vọng nào khác ngoài việc trình bày sự thật lịch sử.

Linh Mục TRẦN TAM TỈNH

Roma, ngày 19-5-1975.

 

Mục Lục

LỜI NÓI ĐẦU

DẪN NHẬP

CHƯƠNG I: HƯƠNG LIỆU VÀ CÁC LINH HỒN

1. HƯƠNG LIỆU VÀ ĐẠI BÁC
2. NHỮNG VIỆC CHÚA LÀM QUA BÀN TAY NGƯỜI PHÁP
3. NHỮNG VIỄN ẢNH
4. GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC
5. THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM
6. GIÁM MỤC PUY-GI-NIÊ
7. GIÁO HỘI DƯỚI CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA
8. CHỦ NGHĨA PHONG KIẾN TRONG ĐẠO
9. TRONG TRẬN GIÓ XOÁY NHỮNG NĂM 30
10. THẬP GIÁ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG

CHƯƠNG II: BINH THÁNH GIÁ, NẠN NHÂN CỦA ĐẠO QUÂN THÁNH GIÁ

1. THẬP GIÁ ĐI CHUNG VỚI NGÔI SAO,
HAY CHỐNG LẠI NGÔI SAO?
2. HỒ CHÍ MINH VÀ LÊ HỮU TỪ
3. THẬP GIÁ BIẾN THÀNH ĐẠI BÁC
4. VÀ CÁI BÃY TAI HẠI BIẾT BAO!
5. CUỘC THÁNH CHIẾN
6. CUỘC XUẤT HÀNH
7. NGƯỜI CÔNG GIÁO, TRỌNG TÂM CỦA CUỘC DI CƯ

CHƯƠNG III: GIÁO HỘI TRONG CƠN BÃO BÙNG

1. GIÁO HỘI CHIẾN THẮNG
2. HOA SEN ĐẪM MÁU
3. AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM.
4. CÁC TƯỚNG TÁ MÚA MAY QUAY CUỒNG
5. ĐỐI DIỆN VỚI CHIẾN TRANH CỦA MỸ
6. GIÁO HỘI ĐỐI DIỆN VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH
7. NỖI HĂM DỌA CỦA HÒA BÌNH

CHƯƠNG IV: GIÁO HỘI TRONG KHÁNG CHIẾN

1. NGƯỜI CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC VÀ NHỮNG NGƯỜI CÁCH MẠNG
2. NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÁNG CHIẾN Ở NAM BỘ
3. CÔNG GIÁO KHÁNG CHIẾN BẮC BỘ
4. CỤ HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI GIÁO HỘI
5. NHỮNG CUỘC ĐỤNG ĐỘ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
6. TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI
7. CÁC CỐ THỪA SAI
8. SỰ ĐÁP TRẢ CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC BÀN TAY ĐƯA RA
9. NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN THỨ HAI
10. THÁNH LỄ VÀ RƯỚC KIỆU
11. VIỆC CẬP NHẬT HÓA 
XUYÊN QUA CUỘC GIẢI PHÓNG
NHỮNG CUỘC RA ĐI
VỤ GIÁM MỤC NGUYỄN VĂN THUẬN
CHỐNG ĐỐI
CỘNG TÁC
DẤN THÂN
NHỮNG TÍN HỮU CƠ SỞ
KẾT LUẬN
HƯỚNG NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

PHỤ LỤC :

– PHONG THÁNH
– TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

(HẾT)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s