- ‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 – Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài
- ‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 – Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân
- ‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 – Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng
![]() |
Đội ngũ nghiên cứu trẻ của Viện Cây lương thực |
***
‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 – Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài
12/03/2019, 11:17 (GMT+7)Nuôi sống một đất nước gần 100 triệu dân, xuất khẩu nông sản hơn 40 tỉ USD/năm, ước tính khoa học ngành nông đóng góp ít nhất 30% vào sự phát triển của nông nghiệp.
Nhưng đời sống và chất lượng nghiên cứu của giới khoa học hiện nay ra sao, cơ chế nào đang bó buộc họ?
NNVN đã tiến hành cuộc tổng kiểm tra “sức khỏe” của một số viện nghiên cứu để làm rõ vấn đề này…
Hỗn độn và đan xen
Lạc giữa vòng xoay mới làm trên đường về Gia Lộc (Hải Dương) tôi hỏi thăm một nông dân đường về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và được đáp: “Viện ông Của hả chú? Đi theo đường này…”.
Đã hơn 40 năm sau sự ra đi của Viện trưởng Lương Định Của, vị thế của ông trong lòng người dân vẫn còn rất lớn.
Họ nhớ đến cuộc cách mạng mà nhà khoa học này tạo ra cho miền Bắc đang đói kém, điêu tàn trong chiến tranh khi đó. Từ giống lúa địa phương dài ngày chỉ trồng được 1 vụ mùa bấp bênh năng suất chỉ 2-3 tấn/ha, những giống lúa mới ông Của như Nông nghiệp 1, Nông nghiệp 75-1… ngắn ngày, năng suất cao 4-5 tấn/ha đã hình thành nên hệ thống canh tác mới 2 vụ ăn chắc… Sự lạc hậu của miền Bắc hồi ấy gặp những thành tựu khoa học mới như nắng hạn gặp mưa rào, bung ra, phát triển. Viện sỹ Lương Định Của đột ngột mất, để lại một con đường ở Hà Nội mang tên ông, một giải thưởng hàng năm mang tên ông.
Tiếp nối là Viện trưởng Vũ Tuyên Hoàng với con mắt khoa học tinh đến nỗi nhìn thấy trước vấn đề biến đổi khí hậu từ những năm 80 của thế kỷ 20 qua câu tiên đoán ngắn gọn: “Trong tương lai thế giới sẽ xảy ra tranh giành, thậm chí chiến tranh vì nguồn nước”. Tiên đoán đó ngày nay đã thành sự thật. Ngay từ ngày ấy ông đã nghiên cứu một loạt các giống lúa theo hướng chịu hạn, úng, chịu mặn hay giàu protein và giống P6 có tỷ lệ protein lên tới 10,5% (rất cao so với lúa thường 7%) sau 20 năm vẫn còn cỡ 10.000-15.000 ha trong sản xuất.
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là một trong những thành viên lớn nhất của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với diện tích 150 ha, quân số trên dưới 250 người, làm thế nào có thể phát huy và gìn giữ tiếng tăm đã có? Tôi hỏi Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng và anh bảo, đó vẫn là một sự trăn trở lớn.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm |
Mô hình viện nghiên cứu hiện đang quản lý các nhà khoa học theo kiểu hành chính nên khá hỗn độn và đan xen. Dưới viện là các trung tâm, bộ môn nghiên cứu. Hội đồng khoa học của viện đề ra các ý tưởng nhưng việc thực thi ý tưởng lại là của các đơn vị chuyên môn: “Chúng ta đang trong cảnh thừa thầy, thiếu thợ nhưng 10 thầy chỉ khoảng 7 người là xứng đáng. Viện tôi tổng số có 247 người nhưng chỉ có hơn 10 người là công nhân kỹ thuật còn lại là nhà khoa học hết, từ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ đến phó giáo sư. Cơ chế hiện nay hễ kỹ sư mới ra trường, vào được biên chế đều là nghiên cứu viên. Nếu cho quyền tôi chỉ cần dùng 70% số đang gọi là nhà khoa học ấy thôi còn lại là công nhân kỹ thuật vì nhà khoa học mà làm công việc kỹ thuật đơn thuần ngoài đồng thì không thể tốt bằng công nhân kỹ thuật được”.
Ông Khanh phân tích thêm: “Tổ chức như kiểu của ta, quyền lực của người trưởng nhóm nghiên cứu không tác động sâu đến các thành viên trong nhóm bởi không có quyền loại bỏ họ. Ngay cả ông viện trưởng thậm chí cấp trên nữa cũng không có quyền đuổi bất kỳ ai mà phải tuân theo Luật viên chức quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ rồi Luật công đoàn. Trong khi đó tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ lại rất mông lung, phải họp lên, họp xuống cả về đảng và các ban ngành, đoàn thể để xem xét.
Bên cạnh cơ chế giao đề tài, thời gian vừa qua viện từng được đặt hàng đề tài nên hiểu rõ nó có ưu, khuyết điểm gì. Hiện tại, cơ chế đặt hàng cũng chưa phải là công cụ đủ mạnh để chọn ra được những đối tác có tính cạnh tranh tốt nhất. |
Tổ chức của ta cũng đang rất cứng nhắc. Đơn vị bên dưới không có việc, không hoạt động hiệu quả Viện trưởng cũng không có quyền bỏ cũng như xử phạt trừ trường hợp họ vi phạm pháp luật như ăn trộm, ăn cắp, buôn ma túy… Một viện nghiên cứu trong 20-30 năm mà vẫn giữ nguyên cách tổ chức như vậy là không được”.
Ông Khanh cảm chạnh lòng khi so sánh với mô hình phát triển khoa học của Hàn Quốc, nơi mình đã không dưới 10 lần tới để nghiên cứu: “Viện trưởng của họ đóng vai trò “quản gia” còn các nhà khoa học đầu ngành thì làm trưởng các nhóm nghiên cứu. Cán bộ bên dưới gồm công nhân kỹ thuật và kỹ sư chỉ thực hiện các ý tưởng của nhà khoa học. Ai không đạt tiêu chuẩn thì sẵn sàng loại bỏ ngay”.
Mất quá nhiều thời gian cho thủ tục, giấy tờ
Viện phó Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Dương Xuân Tú ngậm ngùi công nhận rằng đúng là đơn vị đang chưa có những sản phẩm chủ lực mạnh để bung ra sản xuất ở một diện rộng như các doanh nghiệp bởi kinh phí và thời gian rất hạn chế của các đề tài nghiên cứu. Bình thường thời gian ra một giống lúa 6-8 năm trong khi đề tài yêu cầu chỉ 3-4 năm. Kinh phí 3-5 tỉ nhưng lại yêu cầu cho ra rất nhiều giống, 1-2 giống chính thức, 2-3 giống công nhận sản xuất thử nên sức ép rất lớn.
![]() |
Đội ngũ nghiên cứu trẻ của Viện Cây lương thực |
“Tôi là người thực tế, mình đang tiêu tiền ngân sách nhà nước thì phải chấp nhận các điều kiện thanh quyết toán kiểu ấy trừ khi thay đổi luật chi tiêu công và đủ các loại luật khác. Nhiều nhà khoa học đã kiến nghị về điều này đã lâu nhưng tôi thấy chẳng có thay đổi gì cả mà thậm chí còn nặng hơn nên không có mơ màng gì nữa”. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm |
Thêm vào đó, cơ chế quản lý tài chính quá phức tạp. Quy định 1 tuần làm việc 40 giờ, 1 năm làm thêm không quá 200 tiếng nhưng đặc thù khoa học nông nghiệp có thể làm suốt ngày ở phòng thí nghiệm hay trên đồng ruộng, làm cả thứ bảy, chủ nhật lại không được thanh toán.
“Bản thân tôi trước đây cũng làm ở Bộ môn Công nghệ sinh học nên biết nhiều đề tài rất mất thời gian cho việc giải ngân, thanh quyết toán bởi cơ chế thực tế rất khó.
Ví dụ như dự toán của Bộ Tài chính cho 1 công lao động đơn giản chỉ có 150.000đ mà yêu cầu có hợp đồng, có chứng minh thư, có xác nhận của chính quyền địa phương và trả bằng chuyển khoản nhưng thực tế thuê phải 200.000-250.000đ và sau mỗi buổi lao động, rửa chân xong đã phải trả tiền. Làm thật mà vẫn phải loay hoay chứng từ là vì thế! Công tác phí hay những việc cần xác nhận của địa phương cũng vậy, không phải đơn giản là đến là người ta ký cho ngay mà phải có “gì đó” cho họ, tham nhũng vặt là vậy”, ông Tú giãi bày.
Bao trí tuệ của nhóm thực hiện tập trung cho việc hoàn thành thủ tục giấy tờ. Một đề tài, từ khi xây dựng, thuyết minh đến khi nghiệm thu kết thúc đống giấy tờ có khi cao quá ông chủ nhiệm, cỡ trên 1m70 nhiều khi phải dùng cả xe ô tô để chở như đề tài công nghệ sinh học chọn tạo giống lúa thơm của tôi cách đây mấy năm chẳng hạn…
![]() |
Khu nhà tập thể của Viện Cây lương thực |
Sợ nhất là làm khoa học kiểu bình bình
“Tôi sợ nhất là làm khoa học kiểu bình bình. Nhà nước và nhân dân trả tiền cho sự sáng tạo chứ không phải sự bình bình, sức ì của giới khoa học. Xuân thu nhị kỳ cứ làm thí nghiệm, chẳng có gì sai nhưng cũng chẳng có gì sáng tạo. Không trách ai được mà vướng ở luật viên chức quy định như thế, luật công đoàn bảo vệ người ta như thế, bao thứ luật ta không thể vượt qua được”. Anh Khanh tiếp tục câu chuyện. Thời gian gần đây trung bình mỗi năm viện bán bản quyền giống được khoảng 1 tỉ trong khi chi phí cho bộ máy hoạt động mỗi năm lên tới 23-24 tỉ. Cụ thể, nhiệm vụ thường xuyên do nhà nước trả lương là 15-17 tỉ còn lại phải tự lo từ các nhiệm vụ không thường xuyên như đấu thầu đề tài, dự án, hợp tác quốc tế đến sản xuất… Bởi thế mà kiếm đề tài trở thành một chủ đề được bàn tán sôi nổi. |
‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 – Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân12/03/2019, 14:21 (GMT+7)Tôi hỏi Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đời sống của cán bộ hiện nay thế nào, anh trả lời: “Mặt bằng chung của những người công tác 10 năm khoảng 4 triệu, so với nông dân thì hơn còn so với công nhân thì thua…”
Phận máy móc, phận con người
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm: “Ngoài lương, anh em làm thí nghiệm thừa ra vài tấn thóc hay ít khoai hoặc đi làm thêm cho các dự án thậm chí là buôn giống, buôn phân, buôn thuốc BVTV cũng được một vài triệu mỗi tháng nữa…”.
Tiến sĩ Phạm Thiên Thành – Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học chuyên về nghiên cứu cơ bản của viện than thở trong những năm gần đây không có nguồn kinh phí đầu tư nào nên phải duy trì bằng cách những đề tài nghiên cứu ứng dụng, có phần nào nghiên cứu cơ bản thì lồng ghép vào.
![]() |
Tiến sĩ Phạm Thiên Thành – Bộ môn công nghệ sinh học đang chỉ những máy móc đắt tiền bị hỏng mà không có kinh phí sửa |
Cách “giật áo, vá vai” này mang tính hạn hẹp chỉ phục vụ cho đề tài đó nên không có định hướng lâu dài, không mở rộng ra được. Việc phối hợp với các đơn vị ngoài viện cũng khó vì nỗi lo… hỏng máy móc, thiết bị.
Nói đâu xa, các máy móc đắt tiền hàng trăm triệu cho đến cả tỉ như ly tâm, nghiền mẫu, nhân gen… của bộ môn đã hỏng tự bao giờ vì không có tiền bảo trì mà vẫn chưa sửa được. Anh Thành chỉ cho tôi chiếc máy nhân gen hỏng từ giữa năm 2018 mà khi liên lạc với hãng, được báo giá sửa là 50 triệu cũng đành bỏ đấy.
Đó là số phận máy móc, còn con người? Khác với nghiên cứu ứng dụng có phần chuyển giao, sản xuất, nghiên cứu cơ bản như bộ môn chỉ chòng chọc trông vào lương ba cọc, ba đồng. Đơn vị có 13 người gồm 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 5 thạc sĩ còn lại đại học, ngoài lãnh đạo bận quản lý không làm thêm thì nhiều nhân viên phải bươn chải bằng đủ các nghề tay trái như bán hàng gia dụng, mỹ phẩm online…
Phân tâm bởi bán hàng online hay quản lý spa
Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lúa thuần nhận định: “Ngày xưa mặt bằng chung của xã hội đều thấp nên nhà khoa học và người dân đời sống giống nhau còn nay đời sống của nhà khoa học đã kém hẳn so với các thành phần khác nên bị phân tâm, số đam mê còn lại rất ít.
Viện cũng đang có những giống khá tốt như HDT 10, U17, N25… hoặc đang kết hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu giống BC15 kháng đạo ôn nhưng cũng không biết cách và không đủ kinh phí để PR truyền thông cho nhiều người biết đến.
Bộ môn cây thực phẩm tiếng là có nhiều đề tài, dự án từ nhỏ đến lớn nhưng số ấy cũng chỉ đủ để trả 20% lương cho cán bộ công nhân viên theo quy định tỷ lệ tự chủ của nhà nước.
Bởi thế, đơn vị có 16 người thì hầu hết đều phải làm thêm, trong đó có 4 người làm rất xa ngành nghề được đào tạo như bán quần áo, mỹ phẩm, quản lý spa. Kỹ sư Trịnh Thị Lan đã có thâm niên 10 năm, hiện lương được 3 triệu cộng thêm các khoản công ngoài giờ, sản phẩm phụ của đề tài như cà chua, dưa… tự đi giao bán cũng thêm được mỗi tháng 1 – 2 triệu. Đồng lương quá ít khiến Lan ngày làm nhà nước, tối về lại làm xuất nhập kho, thu tiền cho công ty bảo vệ thực vật của gia đình để tăng thêm thu nhập.
![]() |
Ban ngày của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà nhưng tối đến phải quản lý tiệm spa |
Phải mất ít nhất là 5 năm với 10 vụ sản xuất mới có thể nghiên cứu được 1 giống lúa mà còn không biết có tốt hay không. Để tiết kiệm chi phí nhiều lúc thạc sĩ Liền phải tự làm cỏ, chuyển mạ, phơi thóc… Sự sáng tạo không được bay bổng mà bị ghì chặt sát xuống ruộng. Mặt đất, mặt người cũng mướt mát mồ hôi. |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà ngày làm việc ở cơ quan, tối và các ngày thứ bảy, chủ nhật làm quản lý sổ sách cho một spa làm đẹp. Lương nhà nước trả cho cô được 4 triệu trong khi đó lương spa trả cho được 6 triệu.
Chủ cơ sở spa bảo nếu Hà chịu nghỉ hẳn để làm cho mình sẽ trả ít nhất là 15 triệu mỗi tháng nhưng cô vẫn tiếc tuổi thanh xuân với nhiều hoài bão khoa học nên cố chọn đi bằng cả hai con đường: “Bộ môn có 16 người thì có 12 là nữ, tỷ lệ ở viện cũng tương tự bởi vì nữ nhiều khi chỉ cần công việc ổn định, có thời gian chăm sóc con cái còn nam thì lại khác, họ bỏ việc rất nhiều”.
Một tối ở khu tập thể sắp sập
Đời sống cán bộ khoa học đã khó khăn thế, công nhân kỹ thuật – tầng lớp thấp nhất của các viện nghiên cứu còn khổ hơn nhiều. Trung bình họ phải nhận sản xuất 2 mẫu ruộng để đủ lương công nhân kỹ thuật và 1 mẫu chuyển đổi để cho hết diện tích, khỏi phải mang tiếng bỏ hoang.
Canh tác quanh năm lại toàn bón phân hóa học nên đất đai bạc màu, sâu nhiều, bệnh lắm, trung bình mỗi vụ phải 10 lần phun thuốc, mỗi lần 40 – 50 bình một ngày. Đời sống cơ cực quá nên ông Mười Ti khi đang phun thuốc trên đồng, nghe tin được nghỉ hưu đã đổ hết cả bình thuốc dở xuống ruộng, vứt đấy, chạy thẳng về nhà…
Tối đó, tôi đến khu tập thể của viện. Những dãy nhà cấp bốn xây từ những năm 70 của thế kỷ trước, xuống cấp và tồi tàn tựa như những cái chuồng trâu, sẵn sàng sụp bất cứ lúc nào. 12 dãy nhà, mỗi dãy 6 gian, rộng chỉ khoảng 15 – 20m2 còn khoảng ¼ là có người sinh sống bên trong. Người kẹt lại là các đối tượng không có tiền để mua đất, xây nhà bên ngoài.
![]() |
Dãy nhà tập thể của viện |
Mới 9 giờ cả khu đã tối om như hũ nút, vắng bặt tiếng người chỉ còn tiếng ếch nhái râm ran. Cặp vợ chồng Dương Văn Quý – Trần Thị Liền đều là thạc sĩ, Quý làm ở phòng khoa học còn Liền làm ở Trung tâm lúa thuần, thâm niên công tác trên 10 năm nhưng lương chỉ 3 – 4 triệu. Họ phải tự trồng rau, nuôi gà, cấy lúa thêm vào. Sản phẩm phụ từ thóc tập đoàn cả trăm giống dùng để nuôi gà còn thóc cấy nhân quan sát thì để người ăn.
Liền là một trong những tác giả của các giống lúa khá có tiếng là N24, N25, riêng giống N25 đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp với giá hàng tỉ nên cô được 20 triệu – một khoản tiền lớn nhất trong đời từng nhận: “Mỗi tháng vợ chồng em tiết kiệm lắm thì được khoảng 1 triệu đồng. Cũng có nhiều công ty hứa trả tiền lương cao nhưng em vẫn không đi vì muốn có thời gian làm việc nhà, chăm con cái. Hiện nay người ta thích làm đề tài hơn là làm nghiên cứu bởi yếu tố kinh tế. Ra giống để trả bài thì dễ nhưng ra giống được thị trường chấp nhận thì rất khó”.
Tôi quen với chị Nguyễn Thị Mậu lúc theo đoàn chuyên gia trồng lúa tại Venezuela năm 2018. Đầu năm nay chị đã có quyết định nghỉ hưu sau 32 năm làm công nhân sản xuất.
Chồng của chị cũng là nhân viên của viện tới nay là 38 năm, chưa được nghỉ. Họ sống trong một gian tập thể tồi tàn truyền từ đời người trước đến đời bố mẹ rồi tới đời mình. Nhiều ngôi khác ở đây còn qua 5 – 7 chủ như vậy, giờ đã bỏ hoang nhưng họ vẫn phải cố bám trụ.
Khoản hơn 1 trăm triệu thu nhập từ 1 năm sang Venezuela cộng với khoản tích góp của cả đời vẫn chưa đủ giúp họ xây một ngôi nhà mới bên ngoài: “Vụ nào khéo thì sản xuất vượt được mức khoán của viện là 8 tấn/ha/năm, dôi ra được cỡ 5 – 7 tạ thóc, bán thêm được 5 – 7 triệu còn không thì chỉ có mỗi lương, phải chắt chiu lắm mới nuôi nổi hai đứa con ăn học”.
![]() |
Cấy lúa ở ruộng thí nghiệm |
Nhiều người vẫn còn nhớ cuộc họp của Bộ NN-PTNT mấy năm trước do Bộ trưởng Cao Đức Phát hồi đó chủ trì: “Tại sao đang làm việc thì rất nhiều nhà khoa học chẳng ra được một giống gì nhưng khi về hưu, làm cho các công ty lại ra rất nhiều giống?”.
Một lãnh đạo viện nghiên cứu đã đứng lên, thẳng thắn trả lời: “Thưa Bộ trưởng, lương của chúng tôi chỉ 7 – 8 triệu nhưng các công ty trả 20 – 25 triệu/tháng cho các cán bộ về hưu làm cho họ thì đương nhiên phải mang cái gì đến chứ ạ? Làm nghề nghiên cứu, chỉ cần giấu chục hạt thì đã thành một giống rồi, trước khi về hưu giấu khoảng 50 giống tốt nhất, cất vào tủ lạnh, mang về quê làm, đến khi nghỉ thì đem các sản phẩm đó chào hàng cho các công ty”. |
‘Sức khỏe’ giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 – Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng
13/03/2019, 13:15 (GMT+7)Viện Nghiên cứu Ngô từng là đơn vị mạnh nhất trong khối nghiên cứu khoa học nông nghiệp đến nỗi thu nhập của cán bộ ở đây khiến nhiều người phải thèm, khu tập thể ở đây trở thành khu phố sầm uất ngang với một thị tứ.
Thế nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, đơn vị này lại chứng kiến nạn chảy máu ồ ạt chất xám như hiện tại…
Uống nhiều nước thì tốn chè
Viện Nghiên cứu Ngô từng có những giống nổi tiếng sánh ngang với nước ngoài, có một công ty riêng của mình mỗi năm lãi 8-10 tỉ, đóng góp một phần kinh phí quan trọng quay lại cho công tác khoa học. Sau cổ phần hóa, dòng kinh phí quay ngược về nghiên cứu bị chặn lại hoàn toàn. Khó khăn đó cộng hưởng với cơ chế quản lý cũ kỹ khiến cho không khí làm việc chùng xuống ở một nơi từng là đơn vị năng động nhất trong khối.
Viện trưởng, TS Bùi Mạnh Cường bảo sự thay đổi của các viện khoa học công lập đang rất chậm so với yêu cầu xã hội: “Bây giờ chúng ta đang sống ở cơ chế thị trường năm 2019 nhưng lại quản lý như những năm 80 của thế kỷ trước. Có 2 mâu thuẫn đang tồn tại, thứ nhất là thu nhập. Có thu nhập cao mới thu hút được người tài. Chỉ cần so sánh một kỹ sư mới ra trường đi làm cho các công ty lương 8 triệu trong khi lương viện trưởng của tôi cũng chỉ hơn 8 triệu, sau hơn 30 năm công tác cũng đủ hiểu. Thứ hai, quan trọng hơn là cơ chế quản lý, nặng về hành chính, đánh kẻng ghi tên, 7h đến làm việc, 11h về, 1h30 đến, 5h về. Biên chế đến hết đời.
Trưởng các bộ môn giống như đội trưởng đội sản xuất còn viện trưởng giống như chủ nhiệm HTX ngày xưa. Chính vì chế độ chấm công điểm mới đẻ ra quan liêu, đẻ ra những kẻ nói chuyện phiếm thì tốn thời gian, uống nhiều nước thì tốn chè”.
![]() |
Kiểm tra ngô thí nghiệm |
Đã từng có thời, người người, nhà nhà mơ ước vào biên chế đơn giản bởi những chế độ ưu đãi. Cách đây 2 năm ông Cường có đề nghị Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho tổ chức thi biên chế để giữ lại một số cán bộ trẻ có năng lực đã hợp đồng 5-7 năm. Thời điểm đó, biên chế vẫn còn là một thứ khá hấp dẫn.
Tuy nhiên đề nghị trên không nhận được đồng ý nên lớp cán bộ đó đã đi gần hết gây ra cuộc khủng khoảng về lao động: “2 năm vừa qua đơn vị tôi ra đi khoảng 50 người trong đó 20% là biên chế, một tốc độ chưa từng có.
Cao nhất ra đi có phó phòng, học hàm thạc sĩ còn đa số là những người trẻ vào đây với hi vọng có biên chế nhưng không được. Trẻ đi hết rồi để lại cho viện lớp người trung niên và già chiếm cỡ gần 70%.
Giờ đây đơn vị đã thiếu những chuyên gia được đào tạo bài bản, làm việc hăng say nhưng nếu không cho thi tuyển viên chức thì 5-10 năm nữa vấn đề sẽ càng trở nên hẫng trầm trọng…
Không vào biên chế thì không được bổ nhiệm gây thiếu hụt cán bộ cốt cán, chuyên gia giỏi sau này. Đây là thực trạng nhiều viện đang gặp phải, tìm được một lãnh đạo rất khó. Hiện nay viện có 141 biên chế, lãnh đạo gồm 1 viện trưởng, 3 viện phó, người trẻ nhất cũng đã 50 tuổi còn lại là 60, 59, 56 hết lượt. Lớp tuổi sinh 1970-1975 thì còn quy hoạch được nhưng sau đó là hụt một khúc dài, không đề bạt được ai hội tụ đủ 3 chữ T là tâm, tầm, tài. Cơ chế hiện nay cộng với lương thấp thường chỉ chọn lọc được những phân khúc lao động có giá trị thấp vào các viện mà thôi”.
Xin cơ chế, không xin tiền
TS Bùi Mạnh Cường cho biết thực trạng, nhiều cán bộ sau hơn 30 năm làm việc nhà nước, nghỉ hưu chỉ xách túi về không vì chẳng có thành quả gì đáng kể, không gắn được với sản xuất. Cơ chế hiện nay xảy ra hai hiện tượng.
Thứ nhất là buông xuôi nghiên cứu khoa học do không đủ năng lực để cho ra được những sản phẩm tốt.
Thứ hai là lớp khá hơn, muốn làm nghiên cứu khoa học nhưng do hạn chế về kinh phí nên không đủ điều kiện để thực hiện nên cũng không ra sản phẩm hoặc chỉ theo kiểu tiền nào của ấy: “Kinh phí để nghiên cứu ra một giống ngô tốt phải cỡ 5 tỉ nhưng hiện nay đề tài chỉ có 3-4 tỉ đó là chưa kể quản lý phí mất 10%, rồi các chi phí khác, tổng cộng không dưới 30%”.
Để gắn chặt nghiên cứu với sản xuất, Viện Nghiên cứu Ngô thời gian gần đây có một quy định ngầm rằng, ai muốn nghiên cứu gì thì nghiên cứu, liệu ra sản phẩm bán được tiền thì hãy tham gia đăng ký đề tài. Bởi thế mà đã thương mại hóa được khoảng 80% các sản phẩm nghiên cứu – một tỷ lệ rất cao so với các viện khác.
Chi phí cho hoạt động của Viện Nghiên cứu Ngô hàng năm khoảng 14-16 tỉ trong đó nhiệm vụ thường xuyên của nhà nước cấp được 9 tỉ, còn lại đơn vị tự sản xuất, kinh doanh phụ vào. Tài chính hiện tại tuy vẫn còn khá ổn nhưng tương lai chẳng biết thế nào. |
Tại một cuộc họp với lãnh đạo Bộ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô đã khảng khái mà rằng: “Báo cáo lãnh đạo Bộ, Viện Nghiên cứu Ngô hôm nay lên không phải xin tiền mà là xin cơ chế để cho tự chủ. Chính Bộ đã bảo lấy nhu cầu xã hội là mục tiêu nghiên cứu, lấy yêu cầu của xã hội là mệnh lệnh của nghiên cứu nhưng các viện lại đang bị vướng rào cản do cơ chế hành chính để lại nên muốn phát triển cũng không được”.
Tự chủ thứ nhất là được chọn định hướng nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, được chọn nguồn nhân lực theo đề tài do chủ nhiệm đề tài quyết định.
Ví dụ như theo quyết định 33 quy định chức năng của viện là nghiên cứu về cây ngô nên khi mở rộng biên sang nghiên cứu, kinh doanh cây ăn quả, dù bán rất được, bổ sung rất tốt kinh phí cho cây ngô nhưng kiểm toán vào lại đòi xuất toán mảng kinh doanh này, nộp cho nhà nước hết.
Ví dụ như lệnh của trên chỉ cho phép viện trưởng được ký hợp đồng lao động trong khi đó các trưởng bộ môn, chủ nhiệm đề tài có nhu cầu lại đành chịu.
![]() |
Sàng chọn ngô giống |
Tự chủ thứ hai là về tổ chức. Ông Cường giãi bày: “Từ ngày tôi lên làm viện trưởng đã thay đổi hết cơ cấu tổ chức nên “được” thanh tra 2 lần về công tác tổ chức, phải làm giải trình với cả cấp trên về chuyện “lạm quyền” này. Tuy nhiên nhờ đó tôi đã tổ chức được ra một bộ máy với các bộ môn nghiên cứu hợp lý, tránh rườm rà, đáp ứng được theo yêu cầu của xã hội với 7 bộ môn, mỗi bộ môn trung bình có 8-10 người”.
Tự chủ thứ ba là về tài chính. Ông Cường than thở: “Những kinh phí mà nhà nước cấp gồm hoạt động thường xuyên, đề tài dự án… thì chi tiêu theo quy chế tài chính còn tiền tự làm ra, vốn tự có phải được đơn giản hóa trong quá trình sử dụng đi. Như nhà thí nghiệm trung tâm của chúng tôi tự đầu tư trị giá hơn 14 tỉ để tăng cường cơ sở vật chất cho khoa học cũng phải đi xin các cấp, làm thủ tục rất khổ mất hơn 1 năm. Như chúng tôi muốn mua một cái xe ô tô mới để đi làm ăn cũng không được mà phải tiếp tục dùng mấy cái xe đã cũ nát…”.
![]() “Mô hình hoạt động của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo tôi tốt nhất chỉ giữ lại 4 viện nghiên cứu cơ bản là Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Tài nguyên Thực vật và Viện Di truyền Nông nghiệp, phải được nhà nước nuôi để làm nhiệm vụ công ích, nghiên cứu những vấn đề chiến lược của ngành. Còn lại tất cả các viện chuyên cây, chuyên con, chuyên vùng nên cho tự chủ, tự bơi hết”. (TS Bùi Mạnh Cường) |
Thấy tội các nhà nghiên cưu khoa học VN quá.
ThíchThích