Lúa ma huyền thoại – Kỳ 1: Vì sao gọi lúa ma?
TT – Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy một gen cực quý có trong lúa ma mà họ lấy mẫu ADN tại tỉnh Tiền Giang và TP Cần Thơ từ 2-3 năm trước.
![]() |
Lúa ma – Ảnh: IWRG Database |
GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) nói phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản là vĩ đại, có thể tạo ra một sự đột phá trong lĩnh vực di truyền và chọn giống lúa. Những thông tin độc đáo này đã thuyết phục chúng tôi vác balô lên đường tìm hiểu kỹ hơn về loài lúa ma huyền thoại.
Vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu (viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) và GS.TS Nguyễn Thị Lang (bộ môn di truyền và chọn giống Viện Lúa ĐBSCL) là chuyên gia đầu ngành về lúa ma tại VN và thế giới hiện nay.
Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn “thọ giáo” để tìm hiểu về lúa ma, GS.TS Nguyễn Thị Lang gật đầu liền.
![]() |
Hạt lúa ma có đuôi rất dài nên chim, chuột rất sợ và không bao giờ ăn – Ảnh: V.Tr. |
Lúa vàng rụng trước bình minh
Theo ông Trần Văn Lương (Sáu Lương, ở Đồng Tháp, một người từng phải ăn lúa ma suốt 10 năm), sở dĩ dân gian gọi lúa hoang là lúa ma vì hạt lúa có đuôi rất dài, chim, chuột rất sợ ăn phải những hạt này vì nếu lỡ ăn thì chắc chắn sẽ chết vì không thể nuốt được.
Ngoài ra, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Ngày xưa nông dân phải thức khuya chống xuồng ba lá vào ruộng thu hoạch lúa ma và trở về nhà trước khi mặt trời mọc.
Hạt lúa ma sống rất lâu trong đất, đến mùa hạt sẽ nảy mầm rồi vươn cao. Nước lũ dâng cao tới đâu thì cây lúa cũng ngoi theo tới đó. “Nói chung loại lúa này có nhiều điểm kỳ lạ, bất thường như là ma vậy” – ông Sáu Lương cười nói.
Do lúa ma thường mọc hoang dại ven sông, rạch, ao nhỏ trong vườn cây ăn trái nên người không có chuyên môn không thể phân biệt được lúa ma với lúa cỏ và cỏ vì hạt lúa nhỏ như bông cỏ. Hễ thấy cây này mọc thì người ta sẽ đốt, nhổ hoặc tìm cách làm cho nó chết đi.
Trong khi đó các nhà khoa học Nhật Bản hằng năm phải bỏ ra rất nhiều tiền để bay sang VN, ít nhất hai lần/năm, tìm từng bụi lúa ma và lấy mẫu ADN mang về nước phân tích.
Và cũng nhờ vất vả đi “săn” mà họ đã tìm thấy được một loài có gen độc nhất vô nhị trong bụi lúa ma mọc ven sông Bảo Định, gần chợ Mỹ Tho (Tiền Giang) và cây lúa trong vườn dâu Phong Điền, TP Cần Thơ.
Vì là gen quý hiếm nên họ vẫn tiếp tục kiểm chứng một cách thận trọng thêm trước khi công bố.
![]() |
Lúa ma ở Vườn quốc gia Tràm Chim vào mùa chín – Ảnh: Vân Trường |
Tổ tiên của lúa trồng
GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết lúa ma có tên khoa học là Oryza, là tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay. Hiện nay trên thế giới có 26 loài lúa ma hoang dại. Riêng ở VN có bốn quần thể gồm: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza nivara và Oryza granulata.
Tuy nhiên loài lúa ma Oryza granulata, vốn chỉ có ở Mường Tè (Lai Châu), thì hiện không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa. Nhưng gen của loài này vẫn đang được bảo quản tại Viện Lúa ĐBSCL.
Thời điểm đầu tháng 11-2015 lúa ma bắt đầu chín – chỉ một lần duy nhất trong năm. Nơi có thể tìm thấy nhiều lúa ma nhất là Vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.
Theo bà Lang, lúa ma ở đây có tên khoa học là Oryza rufipogon. Loài này có nhiều ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu loài Oryza rufipogon cho biết đây là giống lúa có nguồn gen kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt.
Tuy nhiên lúa ma ở đây ngày càng ít đi mà không rõ tại sao.
TS Dương Văn Ni (chuyên gia về đa dạng sinh học Trường ĐH Cần Thơ) là một người lăn lộn ở cánh đồng lúa ma được bảo tồn đặc biệt ở Tràm Chim nhiều năm qua. Năm nào ông cũng đến đây để thăm những đứa con tinh thần của mình.
Ông kể khi các cơn mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan phèn nên lớp nước mặt rất chua (pH < 3). Trong điều kiện chua này, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm, nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất.
Rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng và nước trong đất để tăng trưởng. Vì vậy khi nước lũ tràn về, nhờ rễ đã bám chặt trong đất nên cây lúa không bị nổi và có thể vượt rất nhanh theo nước, thân cây lúa tăng trưởng hơn 10 cm/ngày.
Nước lên cao đến đâu thì cây lúa ma vươn theo đến đó. Đến tháng 10 thì lúa ma trổ và hạt lúa lần lượt chín sau đó khoảng 10 ngày, sau đó tự động rụng vào đất và chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.
Có thể thấy là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay.
Một số giống lúa cao sản gọi là “chịu phèn” hiện nay là do chúng đã được thừa hưởng gen chịu phèn của lúa ma, thông qua kỹ thuật cấy – ghép gen từ công nghệ sinh học.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, lúa ma Oryza officinalis phân bố rộng từ bờ biển phía Tây Ấn Độ kéo dài đến Philippines và Borneo. Nhóm này được tìm thấy ở miền Đông Nam bộ VN, trong bóng mát của rừng cao su, rừng tự nhiên.
Còn tại ĐBSCL thì tìm thấy trong các vườn cây ăn quả Tiền Giang, Cần Thơ, trong bóng mát của rừng ngập mặn Đầm Dơi (Cà Mau)… Cây lúa ma này cao khoảng 2m, bông lúa dài khoảng 30cm, xòe. Hạt lúa rất nhỏ (4 – 5mm), râu hạt ngắn, mềm.
Thời gian trổ bông quanh năm, nhưng chủ yếu từ tháng 8 – 9. Do loài này có gen kháng rầy nâu tốt nên rất có triển vọng lai tạo ra lúa kháng rầy nâu, rầy lưng trắng năng suất, chất lượng cao.
Còn lúa ma Oryza rufipogon được tìm thấy từ miền Bắc đến miền Nam VN, kể cả vùng duyên hải Trung bộ với nhiều quần thể đa dạng về di truyền. Ở ĐBSCL thì Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng bảo tồn in-situ các loài động thực vật quý hiếm, trong đó có lúa ma Oryza rufipogon.
Ngoài ra còn tìm thấy ở ven sông, kênh, rạch sông Cửu Long, Vàm Cỏ và các vùng nước lợ tại Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang. Đây là loài có liên hệ rất gần với các giống lúa nổi ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên như tàu binh, nàng tri, nàng tây đùm, nàng lên…
“Lúa ma” (giới khoa học gọi là lúa hoang, nông dân VN gọi là lúa trời) là một từ nghe quen quen mà cũng… lạ hoắc. Quen ở chỗ thi thoảng người ta có nghe nhắc đến hay vô tình đọc được trên mạng Internet.
Còn lạ là vì ít có ai nhìn thấy lúa ma trong thực tế. Các nhà khoa học hàng đầu về lúa ma trên thế giới vẫn đang miệt mài giải mã bí ẩn của 26 loài lúa ma bởi nó liên quan đến sự sống của hàng tỉ người trong tương lai. Đặc điểm quan trọng nhất, quý nhất và cũng là bí ẩn nhất của lúa ma chính là ở chỗ nó có sức sống kỳ diệu, đã tồn tại hàng triệu năm qua và sẽ không bao giờ chết, bất kể ở trong môi trường khô hạn, ngập lụt, phèn mặn và sâu bệnh. |
Lúa ma huyền thoại – Kỳ 2: Nửa đêm đi gặt lúa trời
TT – Lúa ma chỉ trổ bông duy nhất một lần trong năm, thường là từ tháng 10 hoặc tháng 11. Đó là khi nước lũ bắt đầu rút đi. Có điều muốn thu hoạch được lúa ma thì phải đi vào lúc nửa đêm như… ăn trộm.
![]() |
Ông Sáu Lương chuẩn bị đi gặt lúa ma – Ảnh: V.Tr. |
Chúng tôi về Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) để xem cách thu hoạch lúa ma mà người dân Đồng Tháp Mười từng làm xưa kia.
Xuống xuồng lúc 3g sáng
Đã hẹn trước với ông Trần Văn Lương (Sáu Lương, 57 tuổi, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), 3g sáng chúng tôi thức dậy ra bến tàu của Vườn quốc gia Tràm Chim. Nghe hơi người, muỗi bu lại “tấn công” khiến chúng tôi không thể ngồi mà phải di chuyển liên tục để né bớt.
Một lúc sau ông Sáu Lương cầm đèn pin đi tới. Ông ôm một đống vật dụng chuẩn bị sẵn đem xuống bến để lắp ráp chiếc xuồng thu hoạch lúa ma.
Ông Sáu Lương kể chiếc xuồng thu hoạch lúa ma (nông dân ở đây gọi lúa ma là lúa trời) mà ông đang lắp ráp đúng y chang kiểu dáng, kích thước xuồng của người dân vùng này dùng cách đây hơn 40 năm.
Giữa xuồng gắn một miếng manh bồ cao chừng 1m, dài 2m. Phía đuôi xuồng gắn hai cây tre cong hướng về phía mũi xuồng giống như chiếc cần câu. Ở đầu hai cây tre này có cột dây thòng xuống để giữ cố định hai khúc tre đặt hai bên mạn xuồng.
Người ngồi sau xuồng sẽ điều khiển hai khúc tre này lùa những cây lúa ma ở hai bên mạn xuồng ngả vào trong. Khi bông lúa chạm với manh bồ ở giữa xuồng, những hạt chín sẽ rụng xuống.
Ráp xong, ông Sáu Lương cột dây cố định chiếc xuồng vào bên hông vỏ lãi rồi kéo ra kênh Phú Đức 2.
Ông quay sang nói với tôi: “Giờ mình ra khu A1, khu vực xã Phú Hiệp. Ở đó mới có lúa ma”. Chiếc vỏ lãi phóng đi trong màn đêm. Chim, cò đang ngủ nghe tiếng động giật mình kêu oang oác rồi bay đi…
Vỏ lãi chạy khá nhanh, nước từ kênh bắn tung tóe cộng với gió ngược chiều đủ khiến chúng tôi run lập cập. Ông Sáu Lương kể vào những năm 1970-1980 người dân vùng này sống và bám trụ lại được là nhờ lúa ma. Mùa nước lụt không ai trồng được lúa nên nhà nào cũng thiếu ăn. May là khi nước ngập thì lúa ma ở đây lại mọc rất nhiều.
Thường là tháng 3 âm lịch lúa ma bắt đầu đâm chồi mọc rất nhiều trên những cánh đồng hoang, khi những cơn mưa đầu mùa làm ướt đất. Nước dâng cao tới đâu thì cây lúa ma ngoi lên tới đó.
Khoảng tháng 9 âm lịch lúa ma trổ bông. Chừng 2-3 tuần sau thì bắt đầu chín. Nhưng mỗi ngày chỉ chín 1-2 hạt. Khi lúa chín hết bông thì mất khoảng hai tuần. Nước ngập mênh mông nên muốn vào đây thu hoạch chỉ có cách duy nhất là đi bằng xuồng.
Hạt lúa ma rất dễ rụng nên người dân không thể cắt rồi đem về nhà đập mà phải tìm cách rung cho lúa rụng vô xuồng luôn. Những năm đó ba của ông Sáu Lương chống xuồng, còn ông ngồi sau xuồng điều khiển hai cây tre lùa lúa ma vào xuồng. Có hôm thu được gần cả giạ lúa, nhưng có hôm chỉ vài lít.
Mọi người cứ chống xuồng chạy bừa vô ruộng rồi huơ đại, may thì trúng cây lúa có hạt chín, không may thì coi như… tập thể dục. Ông Sáu Lương nói nhờ theo cha đi thu hoạch lúa ma nhiều năm nên ông mới biết lúa ma chín từng hạt và sẽ rụng khi nắng lên.
Ông giải thích: “Trên đường đi tui nhìn thấy và đánh dấu những chỗ có lúa chín, định sáng trở về sẽ thu hoạch nhưng kỳ lạ là khi quay về thì chẳng còn hạt chín nào. Từ đó tui để ý và phát hiện khi nắng lên thì những hạt lúa ma đang chín tự nhiên rụng xuống dù không ai đụng chạm gì tới”.
Không giống như lúa trồng, hạt lúa ma ở Tràm Chim (loài Oryza rufipogon) chỉ dài khoảng 3-4mm (hạt lúa trồng dài trung bình 6-7,5mm) và có đuôi dài gấp 3-4 lần hạt lúa thường nên sau khi thu hoạch phải ngâm ba ngày cho râu mềm rồi dùng một khúc cây hoặc con dao “dần” cho đuôi lúa rụng.
Xong, người ta đem lúa phơi khô. Muốn ăn thì đem lúa giã cho bong vỏ trấu ra mới nấu cơm được.
“Cơm lúa ma vùng này có mùi thơm nhưng hơi cứng. Nhờ nó mà gia đình tui và người dân vùng này sống được, nếu không có lúa ma thì không biết ra sao, nhất là sau trận lụt kinh hoàng năm 1978 khiến người dân các nơi đói khổ” – ông Sáu Lương nhớ lại.
![]() |
Chiếc xuồng với dụng cụ gặt lúa ma nhưng không thể tìm thấy lúa chín khi mặt trời lên – Ảnh: V.Tr. |
Cơm lúa ma: chỉ còn trong ký ức
Sau một tiếng ngồi vỏ lãi chúng tôi cũng tới được khu vực mà ông Sáu Lương nói là có nhiều lúa ma nhất trong Vườn quốc gia Tràm Chim. Ông mở dây rồi chống xuồng ba lá vào trong ruộng. Chị Hằng (người thân ông Sáu Lương) ngồi phía sau xuồng làm nhiệm vụ lùa cây lúa ma vào xuồng.
Trong bóng tối lờ mờ chúng tôi căng mắt nhìn để học cách ông Sáu Lương chống xuồng, cách chị Hằng lùa lúa ma hai bên mạn xuồng. Nước lũ năm nay khá thấp nên chiếc xuồng di chuyển rất khó khăn.
Chống một hồi, ông Sáu Lương đứng ở mũi xuồng thở dốc vì mệt. Chợt nhớ điều gì đó, ông bật đèn pin rọi vào trong xuồng: chỉ có vài hạt lúa ma! Ông liền rọi đèn ra đám ruộng kiểm tra: lúa ma thì ít, cỏ thì nhiều.
Chúng tôi ngồi trên xuồng chờ trời sáng. Cánh đồng bạt ngàn hiện ra trước mắt. Nhưng hỡi ôi, lúa ma chỉ mọc lưa thưa xen trong những đám cỏ năn và các loại cỏ khác. Những bông có màu sáng mà chúng tôi nhìn thấy trong đêm thực chất là bông cỏ. Hèn gì huơ cả buổi chỉ được mấy hạt lúa ma.
Tôi sốt ruột: “Còn khu nào có nhiều lúa ma nữa không chú Sáu? Mình phải đến đó trước khi mặt trời mọc”. Ông Sáu Lương quả quyết: “Những năm trước khu này lúa ma nhiều lắm. Tui từng đưa các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến đây nghiên cứu. Ngoài khu này thì không còn chỗ nào có”.
Ông Sáu Lương bảo rằng mấy chục năm nay không còn ai đi gặt lúa ma để ăn nữa. Khu A1 ở Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi có rất nhiều lúa ma và được bảo tồn nghiêm ngặt, không ai vào thu hoạch được. Lúa chín tự rụng rồi tự mọc… Mới năm trước lúa ma bạt ngàn mà năm nay lèo tèo như vậy khiến ông cũng bất ngờ.
Mặt trời lên cỡ cây sào. Nắng chói chang. Chim, cò trong các khu rừng tràm nguyên sinh gọi nhau bay đi tìm thức ăn. Chiếc vỏ lãi quay về nơi xuất phát lúc nửa đêm. Trên đường đi chúng tôi nhìn thấy nhiều lúa ma mọc lác đác hai bên bờ kênh.
Đang mùa lúa trổ, chúng tôi hái vài bông lúa để quan sát kỹ hơn. Đuôi hạt lúa non có màu hồng pha chút nâu trông rất đẹp. Còn đuôi của hạt lúa chín lại chuyển sang màu trắng như râu ông già. Trung bình mỗi bông lúa ma có 7-9 nhánh sơ cấp, mỗi nhánh có gần 10 hạt lúa nhỏ xíu.
Tôi hỏi ông Sáu Lương: “Trên mạng có bài viết nói hạt lúa ma ở Tràm Chim to hơn hạt lúa trồng nhưng sao hạt lúa ma này chỉ bằng một nửa hạt lúa thường thôi?”.
Ông Sáu Lương cười khà khà: “Nhà báo nào viết hạt lúa ma to hơn hạt lúa trồng chứng tỏ họ chưa bao giờ nhìn thấy. Mấy nhà khoa học vô đây nhìn thấy và nói hạt cỡ này là to hơn các loài lúa ma khác rồi”.
Lúa ma huyền thoại – Kỳ 3: Người Nhật đi tìm lúa ma
TT – Từ năm 2006 đến nay đã có hàng chục chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản sang VN để săn tìm lúa ma, lấy mẫu ADN mang về nước nghiên cứu.
![]() |
GS Ryuji Ishikawa (thứ ba từ phải qua) và các nhà khoa học Nhật Bản trong một chuyến sang VN tìm lúa ma lấy mẫu về nghiên cứu – Ảnh: tư liệu |
Mặc dù chưa công bố chi tiết thông tin về gen này, nhưng chỉ với việc họ đã công nhận học vị tiến sĩ cho hai nghiên cứu sinh giải mã gen “lạ” này cho thấy đây không phải là một phát hiện tầm thường.
Niềm đam mê của người Nhật
GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) kể năm 2006 bà bắt đầu hợp tác với chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản nghiên cứu sâu về lúa ma tại VN và nhiều nơi khác trên thế giới. Giáo sư Taka của Trường ĐH Kobe là người thường xuyên sang VN nhất. Ông đi rất nhiều tỉnh, thành phía Nam để tìm và lấy mẫu ADN lúa ma về phân tích.
Kết quả ban đầu của sự hợp tác này là Trường ĐH Kobe mời bà sang giảng dạy về sự tiến hóa của lúa ma cho cán bộ và sinh viên ngành nông nghiệp trường này vào năm 2008. Sau đó Bộ Nông nghiệp và Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thông qua dự án hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu chuyên sâu về lúa ma.
Bà Lang kể mặc dù ở Nhật Bản hiện không có lúa ma, nhưng các nhà khoa học và sinh viên của họ say mê tìm hiểu loài này một cách kỳ lạ. Khi bà nói về lúa ma VN, họ rất quan tâm ghi chép tỉ mỉ và hỏi rất nhiều. Sau đó họ lần lượt đặt vé máy bay sang VN, đi thực tế để được nhìn thấy lúa ma VN như thế nào rồi lấy mẫu về nghiên cứu.
Do không thể mang hết những cây lúa ma ở VN về nước nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản lấy lá lúa ma ép vào giữa hai miếng giấy thấm rồi đập nhẹ cho dịch (ADN) trong lá thấm vào giấy. Giấy chứa dịch ADN lúa ma được họ bảo quản kỹ càng để mang về nước phân tích và lưu trữ.
Ngoài ra, các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Lúa ĐBSCL còn mang một số bụi lúa ma đã được lấy mẫu về trồng trong nhà lưới của viện nhằm bảo tồn và tiếp tục lấy mẫu phân tích khi cần thiết. Bà Lang kể: “Họ mang về trồng trong chậu đặt chỗ nào thì họ nhớ rất rõ. Có lần chúng tôi thay chậu, thay đất cho lúa phải di dời một số chậu đi chỗ khác. Khi sang VN, họ phát hiện ngay có sự thay đổi vị trí chậu lúa ma mà ông Taka mang về và lập tức tỏ thái độ không hài lòng. Ông yêu cầu phải sắp xếp lại đúng vị trí ban đầu để ông theo dõi, đánh giá, so sánh với các chậu lúa ma khác. Phải nói là họ làm việc rất khoa học, nghiêm túc và có sự đam mê rất lớn”.
Nhóm của GS.TS R. Ishikawa (phó khoa nông nghiệp và khoa học cuộc sống Trường ĐH Hirosaki) dẫn đầu là một trong nhiều nhóm sang VN nghiên cứu lúa ma, nhưng đây là nhóm say mê nhất, làm việc chăm chỉ nhất và đương nhiên thu được nhiều kết quả nhất.
Năm 2013 nhóm này bay sang VN nhờ vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang đưa đi các tỉnh để tìm và lấy mẫu ADN lúa ma đem về Nhật. Bà Lang kể: “Mỗi năm nhóm này sang VN 2-3 lần, họ rất quý và trân trọng các loài lúa ma VN và nghiên cứu rất kỹ. Họ làm việc rất bí mật, mình chỉ thấy họ quan sát, ghi chép tỉ mỉ, lấy mẫu mang về Nhật Bản nghiên cứu. Kết quả thế nào thì họ không nói. Một lần trao đổi email với tôi, họ có gửi kèm bức ảnh cho thấy gen lúa ma VN khác hẳn với gen lúa ma ở những nơi khác trên thế giới. Họ rất hạnh phúc về phát hiện này”.
Có lần sang VN gặp lúc vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu bận đi công tác không hướng dẫn được nên ông R. Ishikawa không thể vào được Đồng Tháp Mười để tìm lúa ma. Do ông không biết đường đi và lịch công tác tại VN cũng sắp kết thúc nên ông phải hủy chuyến đi này.
Tuy nhiên ngay sau khi về nước, ông lập tức lên kế hoạch trở lại VN và tự thuê xe đi thẳng vào Đồng Tháp Mười. Chỉ riêng chuyện này cũng đủ thấy các nhà khoa học của Nhật Bản say mê công việc nghiên cứu lúa ma, đặc biệt là lúa ma VN như thế nào!
GS.TS Nguyễn Thị Lang kể thêm khi sang Nhật công tác bà đã nhìn thấy GS Kato hơn 80 tuổi rồi nhưng vẫn chăm sóc và bảo quản cây lúa ma ông mang về từ Lào như chăm cháu của mình vậy.
Chỉ có một bụi lúa ma thôi nhưng ông Kato làm cho nó nhà kính và bảo vệ chẳng khác gì một báu vật, vì loài lúa ma ở Lào có gen chịu nóng rất quý. Bà Lang buông giọng buồn buồn: “Nhìn thấy mấy người Nhật chăm chút, trân trọng, say mê nghiên cứu lúa ma tôi thấy chạnh lòng lắm. Tôi đã làm đề nghị xin nhiều lần nhưng chưa bao giờ được duyệt chi một đồng để nghiên cứu lúa ma. Còn các cán bộ trẻ của viện thì không mấy người thích nghiên cứu lúa ma…”.
![]() |
Các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu lúa ma tại Viện Lúa ĐBSCL – Ảnh: tư liệu |
Lo cho tương lai
Nhóm nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy gen quý trong lúa ma VN đến từ nhiều trường ĐH khác nhau. Trưởng nhóm là GS.TS R. Ishikawa ở Trường ĐH Hirosaki. Các thành viên còn lại là PGS.TS Tadashi Sato (ĐH Tohoku) và các cộng sự ở ĐH Chiba…
Các chuyên gia này đặt mối quan hệ hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL từ năm 2012 với mục đích thu thập mẫu tất cả các loài lúa hoang ở ĐBSCL và ở một vài vị trí đã biết để làm đối chứng. Đem các loài này trồng trong nhà lưới của viện lúa để kiểm soát và xác định đặc tính sinh học, chu kỳ tăng trưởng, phân tích hình thái. Ly trích ADN từ mẫu lá tươi của lúa ma. Phân tích ở cấp độ phân tử để đánh giá đa dạng di truyền của lúa ma.
Mang tiếng là hợp tác nhưng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không duyệt chi kinh phí theo đề nghị của Viện Lúa ĐBSCL, phía Nhật Bản phải hỗ trợ một phần, GS.TS Nguyễn Thị Lang xin một phần từ các dự án khác của nước ngoài để theo đuổi sự hợp tác này.
“Tôi thấy hợp tác nghiên cứu với Nhật rất có lợi cho VN. Họ có chuyên gia giỏi, có máy móc, thiết bị cực kỳ hiện đại và tâm huyết với công việc này. Đây là cơ hội rất tốt để mình nghiên cứu, học hỏi và đào tạo được một số cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong 5 – 6 năm hợp tác với Nhật Bản nên dù ngân sách không chi tiền tôi vẫn cố gắng theo đuổi, cũng vì đam mê thôi” – bà Lang nói.
Theo bà Lang, hiện nay các nhà khoa học Nhật Bản đặc biệt quan tâm nghiên cứu lúa ma tại VN, Thái Lan, Lào và Campuchia bởi vì chỉ ở bốn nước này mới còn nhiều lúa ma mọc hoang dại và có nguồn gen quý. Chẳng hạn lúa ma VN có gen kháng rầy nâu, chịu phèn, mặn và chịu ngập giỏi; lúa ma Lào thì chịu nóng…
Nguồn gen vô cùng quý này không có ở bất kỳ giống lúa hiện đại nào. Cho nên các nhà khoa học Nhật Bản mong muốn khám phá càng nhiều gen quý của lúa ma càng tốt để phục vụ cho việc nghiên cứu, lai tạo ra những giống mới để sống được trong các điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
“Lúa ma tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác chưa bao giờ chết dù sống trong bất cứ môi trường tự nhiên nào, trong khi lúa cao sản hiện nay có vòng đời hơn ba tháng. Lúa cao sản cho dù kháng rầy, chịu mặn được nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó. Điều này chỉ có thể tìm thấy ở lúa ma mà thôi. Do đó các nhà khoa học Nhật Bản vẫn miệt mài đi tìm và bảo vệ nguồn gen quý của lúa ma để chuẩn bị cho tương lai” – bà Lang nói.
Lúa ma huyền thoại – Kỳ 4: Đứa con đầu lòng và ‘Nàng Tiên 2016’
Khoảng năm 1998 – 1999 GS.TS Bùi Chí Bửu (hiện là viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) sang IRRI hợp tác nghiên cứu lúa với TS Darshan Brar (người Ấn Độ, làm việc tại IRRI).
Kỹ sư Lê Hùng Lân và đứa con lai Nàng Hoa 9 – Ảnh: V.TR.
Khi ông Bửu về nước thì TS Brar cũng đi theo để tìm lúa ma ở vùng ngập nước Đồng Tháp Mười mang về lai với lúa cao sản.
Sau đó GS.TS Nguyễn Thị Lang cũng sang IRRI phối hợp với vị tiến sĩ người Ấn Độ phân tích gen, cho lai với giống IR64 nổi tiếng thế giới vào thời điểm đó.
Đứa con đầu lòng AS996
Một năm sau bà Lang trở về Việt Nam mang theo hơn 1.000 dòng lúa lai từ hai giống này để trồng thử nghiệm, chọn ra dòng ưu việt nhất. Năm 2000, bà Lang đã chọn ra được hai dòng xuất sắc nhất có số thứ tự là 996 và 1009 và đem ra ruộng ở vùng Gò Công (Tiền Giang) trồng thử.
Kết quả trồng thực tế cho thấy dòng 996 chịu phèn, mặn giỏi, cứng cây, ít đổ ngã, năng suất đạt 7 – 8 tấn/ha. Còn dòng 1009 yếu cây, dễ ngã.
Cuối cùng bà Lang chọn dòng 996 để nhân giống ra sản xuất đại trà và đặt tên giống là AS996. Trong đó AS là chữ viết tắt của từ tiếng Anh “acid sulphate soils” (đất phèn), còn 996 là số thứ tự dòng con lai giữa bố là lúa ma ở vùng Đồng Tháp Mười với mẹ là IR64 được chọn.
Và đây cũng là giống lúa duy nhất được đặt tên AS của Viện Lúa ĐBSCL từ trước đến nay. Các giống lúa do viện nghiên cứu ra đều đặt tên là OM (tức là lấy tên địa danh nơi đặt trụ sở viện là Ô Môn, TP Cần Thơ).
Sau khi lai tạo thành công giống AS996, bà Lang thông báo cho TS Darshan Brar biết. Ông lập tức bay sang Việt Nam, đến các thửa ruộng đang trồng giống này để kiểm chứng, đánh giá rồi viết báo cáo khoa học về sự thành công của phép lai lúa ma với lúa cao sản.
Giống AS996 được IRRI thừa nhận là giống quốc tế. Mấy năm sau đó giống này không chỉ được sản xuất trên diện rộng ở Việt Nam mà các nước châu Á như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… cũng sử dụng rất nhiều.
Những năm qua Viện Lúa ĐBSCL đã tiếp tục sử dụng giống AS996 làm bố để lai tạo với những giống cao sản chất lượng cao khác nhằm cho ra đời những đứa cháu vừa khỏe mạnh, vừa “xinh đẹp”.
Đứa con đầu tiên của AS996 và cũng là cháu nội của lúa ma Đồng Tháp Mười có tên là OM8108. Đây là kết quả của “mối tình” Việt – Nhật.
Khoảng năm 2006 bà Lang quyết định cưới “dâu” là cô gái Nhật có tên M362 cho đứa con trai ở vùng bưng biền Đồng Tháp Mười AS996. Đến năm 2009, những đứa con đầu tiên của cặp lai này chào đời và được đưa ra ruộng để tiếp tục chọn lọc.
Những năm sau đó giống mới này được trồng khảo nghiệm ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL và nhiều tỉnh miền Trung.
Kết quả từ đồng ruộng cho thấy giống này có khả năng chịu phèn, mặn và chịu nóng tốt, thời gian sinh trưởng từ 85-95 ngày, năng suất đạt từ 7 – 9 tấn/ha. Bà Lang đặt tên cho giống này là OM8108.
Đứa cháu thứ hai có tên là OM6677, cũng là kết quả của mối tình trai Việt (AS996) và gái Nhật (M22). Năm 2011 bà chọn được đứa cháu xinh đẹp, khỏe mạnh nhất để làm giống và đặt tên là OM6677.
Đứa cháu này chống chịu rầy nâu, chịu phèn, chịu mặn rất tốt. Hiện nhiều nước châu Á đã đề nghị xin giống OM6677 và OM8108 về trồng vì có nhiều ưu điểm nổi trội, phù hợp với vùng đất phèn, mặn (như Bạc Liêu, Sóc Trăng).
Tuy nhiên do cả hai đang trong giai đoạn đề nghị công nhận giống quốc gia nên bà Lang vẫn giữ bản quyền giống này.
MNR4 và MNR5 là hai đứa con mới rất xuất sắc của ông bố AS996. Cháu MNR4 là kết quả của mối tình rất đẹp giữa chàng trai AS996 và Jasmine 85 – một cô gái được xem là “xinh đẹp” nhất trong vương quốc lúa gạo Việt Nam hiện nay.
Đây là giống lúa thơm do người Mỹ lai tạo thành công được du nhập vào Việt Nam nhiều năm trước. Những năm qua Jasmine 85 luôn đứng đầu bảng xếp hạng về chất lượng gạo thơm và sản lượng xuất khẩu.
GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết bà mong muốn sự kết hợp này sẽ cho ra đời đứa cháu vừa khỏe giống bố, vừa “xinh đẹp” như mẹ thì sẽ rất tuyệt vời. Kết quả là MNR4 (Lúa Miền Nam 4) có chất lượng gạo rất ngon, lại chịu mặn giỏi nên rất phù hợp trồng ở vùng bán đảo Cà Mau.
Còn giống MNR5 là con của ông bố AS996 và mẹ OM1490. Chất lượng gạo MNR5 được đánh giá ngang ngửa với gạo IR64 của IRRI trước đây, nhưng khả năng kháng rầy nâu, chịu mặn tốt hơn nhiều. Cả hai đứa cháu này đang được cho ra ruộng thử thách để chọn ra dòng tốt nhất.
Tiến sĩ Darshan Brar – Ảnh: IRRI
Nàng Hoa 9, rồi Nàng Tiên 2016
Nếu như Viện Lúa ĐBSCL chọn giống AS996 lai với Jasmine 85 để tạo ra giống MNR4 thì kỹ sư Lê Hùng Lân (Công ty hạt giống Hoa Tiên TP.HCM) cũng quyết định cưới cô hoa khôi Jasmine 85 cho chàng trai cơ bắp AS996.
Kết quả của mối tình này là một đứa cháu “xinh đẹp” hơn cả mẹ chúng. Ông Lân chọn cho cô gái này một cái tên mỹ miều: Nàng Hoa 9.
Ông Lân kể ông bắt đầu lai tạo giống AS996 và Jasmine 85 từ năm 2005. “AS996 nổi tiếng chịu phèn, chịu mặn giỏi như tổ tiên lúa ma của nó. Còn Jasmine 85 là loại gạo thơm cao cấp nhất không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng trồng. Tôi hi vọng sự kết hợp này sẽ cho ra giống lúa mới chịu được đất phèn, nước mặn, chất lượng gạo ngon, xuất khẩu được giá cao, đời sống người nông dân sẽ khá hơn” – ông Lân nói.
Ba năm sau ông Lân mới chọn được cá thể đầu tiên có nhiều đặc tính nổi trội. Tuy nhiên lúc này hạt gạo vẫn còn màu đỏ – dấu tích của lúa ma.
Ông tiếp tục cải tiến giống và đến năm 2011 thì may mắn chọn được giống với các đặc điểm: hạt gạo trong, dài 7,2mm; thơm tự nhiên; kháng bệnh đạo ôn và rầy nâu tốt; cơm mềm, thơm và lâu thiu. Nàng Hoa 9 đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền và được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), giống lúa Nàng Hoa 9 đã được nông dân ở đây sản xuất khoảng ba năm nay, diện tích ngày càng tăng do năng suất cao, gạo thơm, cơm ngon và giá lúa luôn cao hơn Jasmine 85 khoảng 500 đồng/kg.
Điều đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đặt mua gạo này với số lượng không hạn chế, nông dân vừa thu hoạch là có người thu mua ngay. Giá gạo xuất khẩu trung bình 700 – 900 USD/tấn. Hiện nông dân ở nhiều tỉnh ĐBSCL rất ưa chuộng giống này.
Ông Lê Hùng Lân cho biết thêm: hai năm qua ông đã ký hợp đồng cung cấp cho một doanh nghiệp xuất khẩu ở Campuchia hàng ngàn tấn lúa giống xác nhận Nàng Hoa 9.
Doanh nghiệp này cung cấp cho nông dân trồng rồi bao tiêu, chế biến, đóng gói xuất khẩu với tên mới bằng tiếng Khmer là “Phka Kravan” và tiếng Anh là “Forest Flower”, nghĩa là “Hoa Rừng”.
Tiếp tục lai tạo giống AS996 và Jasmine 85, ông Lân vừa tìm được một đứa cháu thứ hai “đẹp như hoa khôi” bởi chất lượng không thua kém gì Khao Dawk Mali của Thái Lan và Basmati của Ấn Độ nổi danh thế giới. Đương nhiên gạo này ngon hơn Jasmine 85 và Nàng Hoa 9.
Ông dự định đặt tên cho giống lúa mới này là “Nàng Tiên”. Thời gian “Nàng Tiên” ra mắt nông dân dự kiến là cuối năm 2016.
Lúa ma huyền thoại – Kỳ 5: Chuyện ở nhà lưới số 5
TT – Nhà lưới số 5 tại Viện Lúa ĐBSCL được các nhà khoa học Nhật Bản gọi vui là “bảo tàng lúa ma”. Mỗi lần sang VN, họ đều phải đến nơi này nghiên cứu.
![]() |
GS.TS Nguyễn Thị Lang và bông lúa lai dài 32cm, sản phẩm lai tạo từ lúa ma Bến Tre và giống OM7347 – Ảnh: V.Tr. |
Ở đó, có cả chục dòng lúa ma được mang về từ nhiều nơi trên thế giới.
Với 360 chậu lúa ma nhiều sắc thái, kiểu hình luôn được chăm sóc, giữ gìn chu đáo, “bảo tàng lúa ma” còn được xem là một ngân hàng gen sống rất quý không chỉ đối với Viện Lúa ĐBSCL.
Những “đứa con” trong nhà lưới
Vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu – Nguyễn Thị Lang là cặp đôi nhà khoa học hiếm hoi cùng say mê và dành cả đời để nghiên cứu về lúa ma. “Có lần tui đang ngồi say mê ngắm cây lúa ma mọc ven đường, lát sau nhìn lên có rất nhiều người đứng xung quanh nhìn tôi xì xào. Họ tưởng tôi bị khùng, tự nhiên ra đường ngồi ngắm… cỏ. Rồi nghe đồng nghiệp bảo ở hồ Lắk tận Buôn Ma Thuột có lúa ma, tui cũng lên tận nơi kiếm. Giống này có gen kháng rầy nâu rất tốt. Nhờ vậy mà bây giờ trong nhà lưới này mới có được 360 chậu lúa ma” – bà Lang kể.
Đang theo dõi 90 tổ hợp lai GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết trong thời gian qua bà dành rất nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới mà bố là lúa ma. Ngoài ba loài lúa ma tại VN, bà còn thử lai lúa ma ở Lào, Úc, châu Phi… với các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Thái Lan, Ấn Độ, VN. Tất cả những thử nghiệm này nhằm tìm ra những giống lúa mới vừa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vừa cho năng suất cao giúp nông dân tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo cao cấp của người tiêu dùng. Hiện bà đang theo dõi sát sao gần 90 tổ hợp lai như thế. |
Đưa tay vuốt ve chậu lúa ma nằm gần cổng nhà lưới dãy bên trái, bà Lang bảo đây là lúa ma Bến Tre. Mấy năm trước trong một lần đi công tác Bến Tre, bà nhìn thấy nó mọc ven con kênh khá lớn. Bà mon men sát bờ kéo cây lúa vào để nhổ mang về trồng. “Bùm”. Bà trượt chân rơi xuống kênh. Dù quần áo ướt hết và lấm lem bùn đất nhưng bà cũng cố gắng “bứng” trọn bụi lúa ma này rồi bò lên bờ. Cây lúa ma này sau khi được nuôi dưỡng một thời gian thì ra bông. GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lấy gen của nó lai với giống OM7347 cho ra đời một đứa con, hứa hẹn sẽ là “siêu lúa” trong tương lai.
Mặc dù bông lúa của mẹ OM7347 từng gây ngạc nhiên cho mọi người vì rất dài, nhưng theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, bông của đứa con lai từ lúa ma Bến Tre này còn dài hơn, hạt nhiều hơn. “Mấy chục năm trong nghề chọn tạo giống lúa, tôi chưa bao giờ nhìn thấy bông lúa nào như thế” – bà Lang quả quyết. Vì đang trong giai đoạn đầu của quá trình lai và chọn tạo nên bông lúa này vẫn còn nhiều khuyết điểm bắt buộc phải khắc phục. Mặc dù vậy bà vẫn tin tưởng sẽ lai tạo thành công và cho ra đời “siêu lúa” từ sự kết hợp lúa ma Bến Tre và OM7347. “Tôi sẽ tiếp tục lai với mục tiêu tạo ra cây lúa cứng cáp, chống chịu phèn, mặn, sâu bệnh tốt, bông lúa vẫn dài như thế này, hạt gạo thơm ngon như Khao Dawk Mali hay Jasmine 85” – bà Lang nói.
Ở góc gần cuối nhà lưới, phía bên phải có mấy chậu lúa ma rất đặc biệt vì không phải là lúa ma VN. Chỉ vào chậu cây thấp, lá nhỏ, bà Lang bảo đó là lúa ma châu Phi (Oryza eichingeri). Giống này bà mang về VN từ hạt gạo và cứu sống phôi nên mới có được nó như bây giờ. Ở ngay bên cạnh là chậu lúa ma trông khá bệ vệ với lá to, xòe và đang trổ bông. Thấy tôi dừng lại khá lâu để ngắm và chụp ảnh bông lúa, bà Lang giải thích thêm: “Đó là lúa ma Oryza australiensis, được tìm thấy ở vùng nhiệt đới Úc, thuộc loài ưa sáng, bông lúa xòe, hạt lúa dài và rộng hơn bông lúa Oryza officinalis của VN. Lúa này cung cấp gen kháng rầy nâu đã được khai thác thành công”.
Trong nhà lưới số 5 hiện giờ có ba dòng lúa ma VN và các dòng lúa ma châu Phi, Úc, Mỹ, Lào, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên loài lúa ma châu Mỹ và Philippines trồng để bảo tồn là chính vì không dùng để lai tạo giống mới được. Nói gì thì nói, lúa ma VN vẫn rất có giá trị về mặt khoa học, có triển vọng lai tạo ra được nhiều giống mới rất tốt cho tương lai.
![]() |
GS.TS Nguyễn Thị Lang hướng dẫn học trò nghiên cứu lúa ma ở nhà lưới số 5 – Ảnh: V.Tr. |
25 năm cùng lúa ma
Người đầu tiên gầy dựng ngôi nhà riêng cho lúa ma là GS.TS Bùi Chí Bửu (hiện là viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam). Đó là vào năm 1990. Lúc đó ông là một trong số ít người đầu tiên nghiên cứu sâu về lúa ma VN.
Ông đã đi rất nhiều nơi để nghiên cứu bốn dòng lúa ma có tại VN là: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza granulata và Oryza nivara. Tất cả bốn loài này ông đều mang về trồng tại viện. Tuy nhiên sau đó chậu Oryza granulata có nguồn gốc ở Mường Tè chẳng may “qua đời” nên chỉ còn ba chậu để ở một góc khiêm tốn trong khu nhà lưới của viện. Được chăm sóc kỹ nên ba chậu này luôn xum xuê. Khi cây lúa già cỗi thì ông cắt bỏ, những chồi non từ các đốt thân bung ra, lớn lên. Cứ thế, các chậu lúa ma này đã ở đó được 25 năm.
Từ năm 1998, GS.TS Nguyễn Thị Lang (vợ ông Bửu) bắt đầu nghĩ tới chuyện tìm kiếm và đem các loài lúa ma ở nước ngoài về bổ sung vào bộ sưu tập lúa ma của chồng. Viện Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines là nơi có khá nhiều lúa ma do các nước gửi về nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên tất cả những nơi như thế này đều có quy định cấm mang hạt lúa hay cây trồng ra ngoài. Các hội nghị về lúa gạo nói chung, lúa ma nói riêng tổ chức tại Thái Lan họ đều đem luộc chín hạt lúa trước khi đưa ra trưng bày hoặc giới thiệu. Do vậy khi đi Thái Lan, bà Lang đã tìm cách ra đồng ruộng tham quan để tìm lúa ma rồi bẻ lóng cây hoặc hái bông lúa mang về.
Còn những nơi nào trưng bày bông lúa, hạt lúa khô còn sống thì bà sẽ lấy vài hạt tách vỏ trấu để mang… gạo về. Bà Lang giải thích: “Họ cấm đem hạt lúa ra khỏi cơ quan hoặc hội nghị. Hạt lúa thì họ cấm nhưng hạt gạo thì mang ra được vì họ cho rằng gạo thì không thể cho nảy mầm được”. TS Lang đã “cứu sống phôi” trong những hạt gạo đó để chúng nảy mầm rồi lớn lên. Và cũng có lần bà phải nhờ đồng nghiệp ở nước ngoài lấy bông lúa ma đã chín ép vào quyển sách rồi gửi về VN. Không ai biết và cũng không ai quan tâm trong đó có giống lúa ma vô cùng quý giá. Nhờ vậy mà Viện Lúa có thêm một số cây lúa ma có nguồn gốc từ châu Phi, Úc, Mỹ…
Ngay cả khi đi công tác ở Lào và Campuchia, bà Lang đều bỏ thời gian đi tìm lúa ma. Hiện một số chậu lúa ma Campuchia đang xanh tốt trong nhà lưới. “Tui tính cuối năm nay thu xếp trở lại Lào. Ở ngay thủ đô Vientiane có rất nhiều lúa ma. Lúa ở đây có gen chống nóng rất quý và thân cây thấp, gần giống lúa trồng nên bằng mọi giá tui phải mang về để nghiên cứu, lai tạo ra giống mới chịu được khô hạn. Chỉ có cách duy nhất là lấy một đoạn có vài thân đốt về ghim xuống đất cho nó đâm chồi chứ không lấy hạt nữa” – bà Lang nói.
Lúa ma huyền thoại – Kỳ cuối: Lúa ma và những đơn hàng mới
TT – Ít ai biết rằng nhiều thị trường lớn đã và đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu ra những loại lúa gạo đặc biệt, với điều kiện bố là… lúa ma.
![]() |
Tiến sĩ Darshan Brar (Viện Lúa quốc tế) kiểm tra ruộng lúa AS 996 (lai từ lúa ma) ở Tiền Giang – Ảnh tư liệu |
Thế nhưng hiện nay nhà khoa học chuyên sâu về lúa ma trên thế giới không nhiều, chỉ hơn 20 người, chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc và VN.
Trong khi bí ẩn về lúa ma vẫn chưa được giải mã hết thì số nhà khoa học trong lĩnh vực này ngày càng ít đi do tuổi cao, sức yếu. Bên cạnh đó, lúa ma trong tự nhiên cũng không còn nhiều, đặt ra vấn đề cần phải gấp rút bảo tồn, giữ gìn nguồn gen quý cho mai sau.
Chục năm chưa xong
Người ta vẫn hay hỏi: “Người Mỹ có thích ăn gạo thơm Jasmine 85 do nhà khoa học của nước họ là Hank Beachell lai tạo thành công từ năm 1989 (năm đăng ký nhãn hiệu độc quyền) không? Những người dân giàu có ở Trung Đông thích ăn gạo thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan hay Basmati của Ấn Độ không?”.
Câu trả lời là: “Không hoàn toàn như vậy!”.
Nếu họ đã hài lòng với những loại gạo cao cấp nhất thế giới mà chúng tôi vừa nêu thì họ đã không đặt hàng các nhà khoa học di truyền và chọn giống lai tạo cho họ những loại lúa gạo mà bố phải là lúa ma.
Những đơn đặt hàng này đã có từ nhiều năm nay nhưng không ai tiết lộ bởi vì nó quá khó và cho đến nay chưa có giống lúa nào ra đời được.
“Người Mỹ thích ăn gạo có kích cỡ hạt trung bình nhưng có tính chất dược liệu. Còn người ở xứ sở dầu mỏ giàu có Trung Đông thì thích ăn gạo thơm, hạt dài. Một số nước thì muốn có gạo mà trên hạt phải có vết đục.
Nhiệm vụ của các nhà khoa học di truyền và chọn giống là phải nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa mà từng thị trường có nhu cầu để nông dân sản xuất. Khi nào mình đáp ứng được nhu cầu đó thì họ mới nhập khẩu với giá cao, sản lượng lớn” – GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Mỹ đã đặt hàng các nhà khoa học lai tạo giống lúa ma của Mỹ với các loại gạo khác để cho ra đời loại lúa gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao để sản xuất thực phẩm chức năng.
Đó là xu thế tất yếu của thế giới khi mà người ta giàu có hơn, dư dả hơn, không còn lo nghĩ đến chuyện chỉ cần “ăn đủ no, mặc đủ ấm” nữa.
Bà Lang nói thêm: “Hiện nay không có giống lúa nào đạt được các tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra. Chúng tôi bắt tay nghiên cứu hơn 10 năm rồi vẫn chưa đạt kết quả. Cái khó nhất là họ yêu cầu gạo phải có hàm lượng acid phytic thấp. T
uy nhiên trong thực tế dù được coi là ngon xuất sắc thì hàm lượng acid phytic vẫn cao hơn ngưỡng mà Mỹ đặt ra. Acid phytic cao sẽ làm phân hủy protein nên cơ thể không hấp thu được dưỡng chất từ thức ăn.
Do đó ăn cơm và thức ăn ngon, giàu dinh dưỡng thì… cũng như không. Họ muốn có gạo mà hàm lượng acid phytic cực thấp là điều dễ hiểu, nhưng lại không dễ thực hiện”.
Chỉ riêng việc đi tìm giống lúa dược liệu làm thực phẩm chức năng, bà Lang và cộng sự đã làm cả trăm tổ hợp lai nhưng vẫn chưa tìm được.
Còn người Trung Đông thì đặt hàng gạo thơm, cơm ngon mà… dễ bốc. Lý do là dân ở vùng này có truyền thống dùng tay bốc cơm, cho nên họ cần gạo vừa thơm, ngon, dễ bốc ăn.
Theo bà Lang, lúa thơm VN đem qua Trung Đông trồng cho năng suất tới 10 tấn/ha nhưng họ lại không thích trồng mà muốn nhập khẩu cho nhanh.
Đơn đặt hàng của họ là phải dùng lúa ma Ai Cập và lúa ma VN lai với lúa thơm đặc sản Basmati của Ấn Độ và cho ra gạo phải ngon bằng hoặc hơn Basmati.
Nhìn vào yêu cầu này ai cũng tưởng dễ nhưng kỳ thực đó là đơn đặt hàng siêu khó. Bà Lang giải thích:
“Lúa ma thì có gen để lai, nhưng lúa Basmati đưa vào lai với bất kỳ giống lúa nào đều bị dội trở ra hết. Con lai của tổ hợp này không còn giữ được các đặc tính nổi trội của mẹ Basmati, tức là con giống cha nhiều hơn. Chúng tôi đã lai lúa ma Ai Cập, VN với Basmati nhưng chưa thành công. Đau đầu nhất là ở chỗ gạo không thơm bằng Basmati”.
Đơn đặt hàng dễ hơn một chút là tạo ra giống lúa mà hạt gạo có vết đục để làm rượu thì sắp có kết quả.
Theo bà Lang, loại gạo này được dùng để làm rượu, nhưng phải là gạo thơm, ngon chứ không phải gạo cấp thấp dùng để nấu rượu như ở VN.
Vết đục trên hạt gạo có tác dụng giúp lên men tốt hơn, làm cho rượu ngon hơn. Ở VN giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào có vết đục trên hạt nên cũng được dùng làm mẹ trong phép lai này.
![]() |
Bộ sưu tập các loại gạo của Viện Lúa quốc tế – Ảnh: IRRI |
Cấp thiết bảo tồn lúa ma
Theo TS Dương Văn Ni – chuyên gia về đa dạng sinh học Trường ĐH Cần Thơ, từ những năm 1960, nhiều nước đã bắt đầu chương trình thu thập nguồn gen của các loài cây có giá trị kinh tế như bắp, đậu nành, mía, mè, lúa… trên khắp thế giới.
Mục đích của việc làm này là nhằm sở hữu các nguồn nguyên liệu di truyền để sau này có thể tạo ra giống mới hay cải thiện chất lượng các giống đang có.
Tuy nhiên sau gần chục năm thực hiện, các nhà khoa học đã kết luận là việc lưu trữ mẫu trong các kho lạnh hay quy tập về trồng trong các trại thực nghiệm đã làm suy thoái các nguồn gen này.
Để các nguồn gen này giữ được các đặc tính ưu việt vốn có của nó, cách tốt nhất là duy trì loài đó tại nơi tìm thấy chúng và tìm cách bảo vệ nguyên trạng cả hệ sinh thái đó. Lúa ma cũng vậy.
Tuy nhiên ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị mất rất nhiều loài đặc biệt trên đất phèn nặng. Lý do là chúng ta đã và đang tìm mọi cách để cải tạo đất phèn làm đất nông nghiệp.
Với hệ thống kênh mương chằng chịt nhằm thoát lũ, tháo chua, xổ phèn nên diện tích đất phèn nặng đã giảm nhanh chóng.
Đặc biệt là chế độ khô – ngập và chất lượng nước không còn theo quy luật tự nhiên, do đó những loài tồn tại được nhờ vào khả năng thích nghi với môi trường đất – nước khắc nghiệt đã bị biến mất nhanh chóng.
“Dù chúng ta đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ những vùng đất phèn tự nhiên như Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), song tính đa dạng sinh học của nơi này suy giảm rất đáng kể.
Chẳng hạn vì sợ cháy rừng tràm mà các nhà quản lý luôn tìm cách đào kênh, đắp đê để giữ mực nước mùa khô càng cao càng tốt.
Chế độ thủy văn này làm thay đổi đặc tính hóa – lý của lớp đất mặt như: đất ít chua hơn, thời gian khô ngắn hơn… nên các loài chịu ngập có điều kiện phát triển nhanh và lấn lướt các loài tự nhiên, trong đó có loài lúa ma” – TS Ni nói.
Trong hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim, lúa ma đóng vai trò là một loài chủ lực. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng để duy trì sự sống cho các loài khác trong những giai đoạn đặc biệt khó khăn như khi nước ngập sâu hay lúc khô hạn.
Rễ, thân, lá, hạt lúa ma là nguồn thức ăn cho rất nhiều loài trong lúc nước ngập mênh mông. Hạt lúa ma trong đất là nguồn tinh bột cho nhiều loài sống sót trong lúc khô hạn. Vì vậy, khi loài lúa ma bị biến mất thì chuỗi thức ăn của hệ sinh thái này sẽ bị xáo trộn trầm trọng.
Dễ thấy là các loài sống nhờ vào lúa ma trong lúc nước ngập sâu hay khô hạn sẽ bị giảm về số lượng và dần biến mất trước tiên.
Việc lúa ma ngày càng mất dần cũng đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn gen quý giá để lai tạo ra những giống lúa mới ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy việc quy hoạch, bảo tồn lúa ma cho thế hệ tương lai là rất cấp thiết.
Tạo ra các giống gạo hạt to và thơm có lẽ là tốt cho thị trường VN. Nhưng tại các thị trường “dư đường” thì các loại gạo đó có nhiều carbohydrate (tinh bột) quá, dễ làm người ta béo phì. Cho nên cho những thi trường ở các nước dư thực phẩm (Mỹ, Nhật, Âu châu, và ngưỡi người dư dả ở mọi nước) loại gạo rất ít tinh bột như lúa ma chính hiệu, hay chỉ lai một chút, hạt rất nhỏ và rất ít tinh bột, thì sẽ có giá trị hơn.
Gạo Batisma của Ấn rất nổi tiếng trên thị trường thế giới vì rất ít tinh bột, ăn vào là biết ngay đó là gạo còn mang rất nhiều nét hoang dã.
Gạo chúng ta ăn hàng ngày ở VN, đã được tạo giống và nuôi dưỡng cả nghìn năm, mục đích chính là tăng tinh bột trong một thế giới thiếu thực phẩm của ngày xưa. Ngày nay thực phẩm tràn đầy, và người ta bị béo phì hay tiểu đường nhiều, các loại gạo hoang dã, ít tinh bột, có gia trị hơn rất nhiều.
Cho nên các nhà khoa học cố gắng lai giống hoang dã để có hạt gạo to tròn có lẽ chưa hiểu thị trường gạo tại các quốc gia phát triển.
ThíchĐã thích bởi 3 người
Hay quá!
ThíchThích