English_Trafficking in Persons Report 2017
CÁC LOẠI HÌNH NÔ LỆ THỜI HIỆN ĐẠI
Buôn bán mại dâm
Khi một người trưởng thành tham gia vào một hành vi tình dục mang tính thương mại như mại dâm, vì bị đe dọa bởi bạo lực, lừa gạt, ép buộc hay kết hợp các hình thức trên, thì người đó là nạn nhận của nạn buôn người. Trong những trường hợp như vậy, những người liên quan tới tuyển mộ, chứa chấp, lôi kéo, vận chuyển, cung cấp, sử dụng, bảo kê, gạ gẫm, hoặc nuôi dưỡng một người vì mục đích buôn bán mại dâm là những người phạm tội buôn bán mại dâm. Buôn bán mại dâm cũng có thể xảy ra dưới một hình thức cưỡng ép cụ thể, những cá nhân bị ép buộc tiếp tục bán dâm do phải chịu những khoản nợ trái pháp luật như chi phí vận chuyển, tuyển dụng, hoặc thậm chí việc “bán hàng” của họ – họ bị buộc phải trả hết trước khi được tự do. Ngay cả khi một người lúc đầu đồng ý tham gia mại dâm, vẫn là sai trái nếu sau khi chấp thuận, người đó phải làm việc dưới sự ép buộc bằng tinh thần hoặc vũ lực. Khi đó, họ (bất kể con trai hay con gái) là một nạn nhân của nạn buôn bán mại dâm và nên nhận được sự trợ giúp như đã nêu trong Nghị định thư Palermo và luật pháp hiện hành trong nước.
Buôn bán tình dục trẻ em
Khi trẻ em (dưới 18 tuổi) bị tuyển mộ, lôi kéo, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp, sử dụng, bảo kê, gạ gẫm, hoặc nuôi dưỡng cho hành vi tình dục mang tính thương mại, người phạm tội sẽ bị truy tố tội danh buôn bán người mà không cần chứng minh đã dùng bạo lực, lừa gạt, ép buộc. Luật này không có trường hợp ngoại lệ: không một lý do văn hóa hay kinh tế xã hội nào có thể thay đổi sự thật rằng trẻ em bị bóc lột mại dâm là nạn nhân của buôn người. Sử dụng trẻ em cho mục đích mại dâm bị nghiêm cấm theo luật Hoa Kỳ và theo quy chế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Buôn bán mại dâm gây ra những hậu quả nặng nề đối với trẻ em, gồm những chấn thương về cơ thể và tâm lý, bệnh truyền nhiễm (như HIV/AIDS), nghiện ma túy, có thai ngoài ý muốn, suy dinh dưỡng, bị xã hội xa lánh, thậm chí tử vong.
Lao động cưỡng bức
Lao động cưỡng bức, đôi khi còn được gọi là buôn bán lao động, bao gồm một loạt những hành động – tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp hoặc sử dụng – khi một người dùng vũ lực hoặc đe dọa thể xác, ép buộc tinh thần, lạm dụng quy trình luật pháp, lừa dối hoặc các biện pháp cưỡng ép khác buộc người khác phải làm việc. Khi người lao động bị bóc lột bằng các hình thức như vậy, sự đồng ý trước đó với người chủ lao động không có ý nghĩa pháp lý: người chủ là người buôn bán lao động và người làm thuê là nạn nhân. Những người di cư rất dễ trở thành nạn nhân của hình thức buôn bán người này, nhưng các cá nhân cũng có thể bị cưỡng bức lao động ở chính đất nước của mình. Nạn nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái bị bắt làm nô lệ trong các gia đình, thường bị bóc lột lao động cũng như lạm dụng tình dục.
Lao động trói buộc hay tình trạng nô lệ gán nợ
Một hình thức ép buộc được những kẻ buôn người sử dụng trong buôn bán mại dâm và lao động cưỡng bức là việc áp đặt một giao kèo trói buộc hoặc các khoản nợ. Một số người lao động phải trả những khoản nợ do thừa kế; ví dụ, ở Nam Á, ước tính có hàng triệu nạn nhân của nạn buôn bán người làm việc để trả những khoản nợ của tổ tiên. Một số người khác trở thành nạn nhân của những tội phạm buôn bán lao động hoặc các nhà tuyển dụng, bị bóc lột bất hợp pháp bằng những khoản nợ ban đầu, do cố ý hoặc không cố ý, thông qua điều khoản việc làm. Người buôn bán lao động, cơ sở lao động, người tuyển dụng, và người sử dụng lao động cả ở nước xuất khẩu lao động và nước tiếp nhận lao động có thể góp phần tạo ra tình trạng nô lệ gán nợ bằng việc buộc người lao động phải trả những khoản phí tuyển dụng và lãi suất cao, khiến việc trả nợ rất khó khăn, nếu không nói là không thể. Những tình huống như vậy có thể xảy ra ở những chương trình lao động ngắn hạn trong đó tình trạng pháp lý của người lao động ở nước tiếp nhận lao động bị ràng buộc với người sử dụng lao động vì vậy người lao động lo ngại khi phải tìm kiếm sự bồi thường.
Tình trạng nô lệ gia đình
Tình trạng nô lệ gia đình không tự nguyện là một hình thức buôn bán người được thấy trong các hoàn cảnh đặc biệt – giúp việc ở nhà riêng – gây ra những nguy cơ khác thường cho nạn nhân. Đó là một tội ác trong đó người giúp việc không được tự do rời bỏ công việc của mình và bị lạm dụng, không được trả lương hoặc trả lương không đầy đủ. Rất nhiều người giúp việc không được hưởng những quyền lợi cơ bản và sự bảo vệ thông thường như những nhóm lao động khác – những điều đơn giản như một ngày nghỉ phép. Thêm vào đó, khả năng tự do rời bỏ công việc của họ thường bị hạn chế, và giúp việc ở nhà riêng làm tăng sự cô lập và dễ bị tổn thương. Nhìn chung các tổ chức lao động không có quyền kiểm tra điều kiện làm việc ở nhà riêng. Giúp việc gia đình, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt với rất nhiều hình thức ngược đãi, quấy rối, bóc lột khác nhau, gồm tình dục và bạo lực giới. Những vấn đề này, đồng thời xảy ra, có thể là dấu hiệu của tình trạng nô lệ gia đình. Khi người chủ của người giúp việc có địa vị ngoại giao và được hưởng quyền miễn trừ xét xử dân sự và/hoặc hình sự, nguy cơ dẫn đến tình trạng nô lệ gia đình có thể xảy ra.
Lao động cưỡng bức ở trẻ em
Mặc dù trẻ em có thể tham gia một số hình thức công việc nhất định một cách hợp pháp, trẻ em cũng có thể bị bắt làm việc trong tình trạng nô lệ hoặc gần như nô lệ. Một số dấu hiệu của lao động cưỡng bức ở trẻ em gồm tình trạng trong đó trẻ em bị giam giữ bởi những người không phải thành viên gia đình, trẻ em phải thực hiện những công việc mang lại lợi ích tài chính cho những người ngoài gia đình và trẻ em không có quyền lựa chọn rời bỏ, như bắt trẻ đi ăn xin. Những phản ứng chống lại buôn bán người nên được bổ sung, không phải thay thế, các hành động truyền thống chống lại lao động trẻ em, như sửa chữa và giáo dục. Khi trẻ em bị bắt làm nô lệ, không nên để những kẻ bóc lột thoát khỏi sự trừng phạt pháp luật – một điều xảy ra khi chính phủ sử dụng biện pháp hành chính để giải quyết các trường hợp lao động cưỡng bức trẻ em.
Tuyển dụng bất hợp pháp và sử dụng trẻ em làm binh lính
Sử dụng trẻ em làm binh lính là một hình thức của buôn bán người khi liên quan đến việc tuyển dụng bất hợp pháp hoặc sử dụng trẻ em thông qua vũ lực, lừa gạt hay ép buộc – bởi lực lượng quân đội cho mục đích chiến đấu hoặc các hình thức lao động khác. Những kẻ phạm tội có thể là lực lượng quân đội chính phủ, các tổ chức bán quân sự, hoặc các nhóm quân phiến loạn. Nhiều trẻ em bị bắt cóc bằng vũ lực để làm binh lính. Một số khác bị bắt làm phu khuân vác, đầu bếp, bảo vệ, người hầu, liên lạc hoặc gián điệp. Trẻ em gái có thể bị ép “kết hôn” hoặc bị cưỡng hiếp bởi chỉ huy và binh lính nam. Trẻ em binh lính cả nam và nữ thường bị xâm hại tình dục hoặc bị bóc lột bởi những nhóm vũ trang và phải gánh chịu những tổn thương về thể chất và tinh thần tương tự như ở trường hợp buôn bán tình dục trẻ em