Vốn FDI vẫn chậm “chảy” vào Đà Nẵng!

Quốc Hùng – Thứ Hai,  11/4/2016, 18:10 (GMT+7)

Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng sụt giảm nhiều trong những năm qua. Ảnh: báo Đà Nẵng

(TBKTSG Online) – Là thành phố được đánh giá là nơi đáng sống nhất Việt Nam, đứng đầu về sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, và liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… nhưng Đà Nẵng hiện vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố này luôn đứng sau nhiều tỉnh, thành khác về nguồn vốn FDI cam kết hàng năm.

Vốn FDI cam kết thấp

Điểm đáng chú ý là kết quả báo cáo thường niên về chỉ số PCI năm 2015 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố cho thấy Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng, trở thành địa phương có ba năm liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng về chỉ số này, và đánh dấu lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Ngoài ba năm liền vừa qua, trước đó (giai đoạn năm 2008-2010), Đà Nẵng cũng có chỉ số PCI đứng đầu cả nước.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu tiên của năm 2016 (tính đến ngày 20-3), các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh thành phố, thì Đà Nẵng xếp cuối trong danh sách 42 địa phương, và chỉ thu hút được số vốn đăng ký 6,91 triệu đô la Mỹ.

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, dường như những “thành tích” đạt được và những thay đổi tích cực từ phía chính quyền thành phố hiện vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm đến Đà Nẵng, nhất là đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu tiên của năm 2016 (tính đến ngày 20-3), các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh thành phố, thì Đà Nẵng xếp cuối trong danh sách 42 địa phương, và chỉ thu hút được số vốn đăng ký 6,91 triệu đô la Mỹ.

Vào năm ngoái, cả nước thu hút được hơn 24 tỉ đô la Mỹ vốn FDI cam kết mới và tăng thêm, thì theo Cục Đầu tư nước ngoài, “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” này chỉ thu hút được vỏn vẹn 44,3 triệu đô la Mỹ, đứng vị trí thứ 33 trong số 53 tỉnh thành thu hút được vốn FDI trong năm qua.

Còn nếu quay lại năm 2014, thì nguồn vốn FDI cam kết vào Đà Nẵng cũng chỉ đứng vị trí thứ 28 trong số 54 tỉnh thành có vốn FDI cam kết, với 30 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký là hơn 126 triệu đô la Mỹ và 16 dự án tăng vốn đầu tư với nguồn vốn tăng thêm 30,26 triệu đô la Mỹ. Như vậy, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là đạt gần 157 triệu đô la Mỹ, giảm đến 47% so với năm trước đó…

Rõ ràng trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI cam kết vào Đà Nẵng không những không tăng mà còn có xu hướng sụt giảm so với những năm trước đó. Và đến thời điểm này, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan dù môi trường đầu tư và môi trường sống ở đây được đánh giá là khá cao và thông thoáng hơn nhiều so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Sụt giảm theo bất động sản, du lịch?

Thực tế trong con mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Đà Nẵng cũng từng được xem là một trong những địa phương có môi trường đầu tư khá hấp dẫn, nhưng chưa hẳn là nhờ vào chỉ số xếp hạng PCI dẫn đầu, mà theo giới quan sát, phần lớn là dựa vào sự nóng sốt của làn sóng đầu tư vào bất động sản Việt Nam ở thời điểm đó.

Đó là giai đoạn của những năm 2005-2009, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng khá sôi động với phần lớn là các dự án bất động sản và du lịch. Ở giai đoạn đó, địa phương này đã thu hút được con số kỷ lục với hơn 2,1 tỉ đô la Mỹ vốn FDI cam kết, tăng khoảng gấp 4 lần so với giai đoạn trước đó. Và từ đó, hàng loạt các dự án du lịch quy mô lớn và cao cấp đã được triển khai và phát triển tại thành phố này với các khu giải trí, khu resort nghỉ dưỡng ven biển, khách sạn và căn hộ, cao ốc văn phòng… được hình thành và ra đời, góp phần đưa Đà Nẵng vào bản đồ du lịch thế giới.

Thế nhưng, làn sóng đầu tư mạnh mẽ đó lại chưa xuất hiện trong các lĩnh vực mà thành phố kỳ vọng như công nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, logistics…

Từ sau năm 2009 trở lại đây khi thị trường bất động sản trầm lắng hoặc đóng băng, vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng cũng giảm mạnh theo. Giai đoạn 2010-2015, vốn FDI cam kết vào Đà Nẵng giảm sâu so với giai đoạn trước đó, dù những năm này lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng và luôn ở mức cam kết trên 20 tỉ đô la Mỹ/năm.

Còn kém cạnh tranh

Du lịch là điểm mạnh của Đà Nẵng. Trong ảnh là du khách đến Đà Nẵng bằng đường biển. Ảnh: Nguyên Thanh

Xác nhận về sự sụt giảm nguồn vốn FDI mới với giới truyền thông trước đó, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng cho rằng đây là kết quả không mong muốn dù chính quyền thành phố này đã rất nỗ lực.

Ngoài những yếu tố khách quan như phức tạp Biển Đông, tình hình kinh tế thế giới hồi phục chậm, điều kiện thời tiết không thuận lợi, quy mô thị trường miền Trung nhỏ hẹp, sức mua yếu, nguyên nhân chính được cho là do địa phương này chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc.

Để bảo đảm môi trường du lịch và phát triển bền vững, thời gian qua chính quyền thành phố Đà Nẵng có chủ trương chỉ thu hút các dự án dịch vụ có giá trị gia tăng cao, những dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và là các dự án “sạch”, không gây ô nhiễm.

Do đó, dù có một số nhà đầu tư trong lĩnh vực da giầy, dệt nhuộm … đến Đà Nẵng khảo sát và dự định đầu tư với các dự án quy mô lớn lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ để đón đầu cơ hội mở ra khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), nhưng do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên Đà Năng không níu giữ nhà đầu tư.

Từ chối các dự án đầu tư sản xuất có thể dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, nhưng Đà Nẵng lại gặp nhiều thách thức trong việc thu hút các dự án đầu tư theo định hướng là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dự án sản xuất “sạch”.

Đối với những dự án công nghệ cao, Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích quy hoạch hơn 1.130 héc ta nhưng mới triển khai được gần 150 héc ta, trong khi hạ tầng sản xuất và lực lượng lao động có tay nghề cho lĩnh vực công nghệ cao tại đây thì khó có thể sánh bằng hai khu công nghệ cao ở TPHCM và Hà Nội, trong khi chính sách ưu đãi với những dự án đầu tư công nghệ này thì như nhau.

Thậm chí các địa phương khác, ngoài những chính sách ưu đãi chung theo luật, thì để kéo được các nhà đầu tư công nghệ cao vào đã sẵn sàng bỏ tiền ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư đến “tận răng” cùng nhiều cam kết hỗ trợ khác. Do đó, không ít nhà đầu tư đến Đà Nẵng tìm hiểu, khảo sát rồi bỏ đi nơi khác.

Đối với lĩnh vực công nghiệp sản xuất “sạch”, công nghiệp hỗ trợ … thì các khu công nghiệp ở Đà Nẵng lại khó có thể cạnh tranh thu hút đầu tư so với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… với các khu kinh tế có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt hơn về thuế so với chính sách đầu tư vào khu công nghiệp…

Những ưu đãi tại các khu kinh tế các tỉnh lân cận thậm chí còn có thể ngang bằng ưu đãi tại khu công nghệ cao của Đà Nẵng mà không cần phải đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề và lĩnh vực đầu tư ở khu công nghệ cao, như phải đáp ứng các điều kiện về doanh nghiệp công nghệ cao, suất đầu tư, tỷ lệ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Đó là chưa kể các khu công nghiệp tại Đà Nẵng có quy mô nhỏ, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, các chủ đầu tư phát triển hạ tầng chỉ chú trọng đầu tư mặt bằng, nhà xưởng để cho thuê lại, chưa chú ý đến dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, phúc lợi xã hội như nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí… nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong mắt các nhà đầu tư, ngành công nghiệp hỗ trợ mỏng và yếu, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là những thách thức lớn mà Đà Nẵng cần cải thiện.

Tính đến tháng 3-2016, Đà Nẵng có hơn 390 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,66 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, lĩnh vực bất động sản – du lịch có 26 dự án với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 54% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 123 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 32% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 12 dự án, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s