Thanh niên ngày càng dễ “nới lỏng” tính liêm chính – Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014

Thanh niên ngày càng dễ “nới lỏng” tính liêm chính

YIS-2014-launch

TT – Tuy tôn trọng các giá trị liêm chính, thanh niên có xu hướng dễ dàng thỏa hiệp hơn, nhất là để đảm bảo lợi ích gia đình và bạn bè

Hà nội, ngày 4 tháng 8 năm 2015 41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình và 20% thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè.

Đây là hai trong số những phát hiện quan trọng của Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam2014 (gọi tắt là YIS 2014) do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp thực hiện.

Thanh niên dễ thỏa hiệp và hoài nghi hơn

Khi đứng trước các quyết định liên quan đến liêm chính, thanh niên Việt Nam thể hiện xu hướng dễ thỏa hiệp. So với kết quả của cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 2011, thanh niên hiện nay có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn liêm chính (35% năm 2014 so với 31% năm 2011) và sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình hoặc tình cảm với bạn bè (41% năm 2014 so với 35% năm 2011).

Đồng thời, thanh niên cũng có cái nhìn bi quan hơn về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Năm 2014, tỉ lệ thanh niên đánh giá ‘rất tốt’ về mức độ liêm chính của các cơ quan này đều giảm. Trong đó, đánh giá ‘rất tốt’ dành cho cảnh sát giao thông và y tế công đều giảm gần một nửa so với năm 2011, từ 12% xuống còn 6% (cảnh sát giao thông) và từ 11% xuống 6% (y tế công). Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao (trên bậc trung học phổ thông) thể hiện sự bi quan rõ hơn với mức độ đánh giá khắt khe nhất về vấn đề này (chỉ có tối đa 7% đánh giá ‘rất tốt’ trong khi có tới 19% đánh giá ‘rất kém’).

“Khoảng thời gian gần 3 năm giữa hai cuộc khảo sát (năm 2011 và 2014) giúp nhóm nghiên cứu xác định rõ hơn các xu hướng về liêm chính trong thanh niên. Kết quả so sánh các dữ liệu quan trọng nhất cho thấy: Thanh niên đang hoài nghi tính liêm chính của môi trường xung quanh nhiều hơn. Họ cũng không cảm nhận được bất kỳ ảnh hưởng tích cực nào từ các chương trình giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng chính thức. Thực tế này phần nào lý giải một trong những phát hiện quan trọng nhất của YIS 2014: Khi đứng trước lựa chọn giữa liêm chính và tình cảm với gia đình hay bạn bè, thanh niên cho rằng vi phạm liêm chính trong các trường hợp này là ‘chấp nhận được’”.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, đồng tác giả của YIS 2014.

Thanh niên sẵn sàng tham gia các sáng kiến phòng, chống tham nhũng

Tuy vẫn gặp khó khăn khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến liêm chính, 87% thanh niên Việt Nam được hỏi trong năm 2014 sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp (chỉ tới bậc tiểu học) đang thể hiện quan điểm tích cực hơn với 84% tin rằng thanh niên đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tăng mạnh so với 67% năm 2011.

Internet và mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng đến quan điểm của thanh niên về liêm chính: trong nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao, 92% (năm 2014) cho rằng Internet góp phần hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính. Đối với nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp, số người đồng tình với quan điểm này cũng tăng mạnh: từ 2% (2011) lên 16% (2014) đối với Internet và từ 3% lên 24% đối với mạng xã hội.

###

Minh bạch Quốc tế (TI) là một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng.

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tải báo cáo toàn văn tại đây.

[Interactive] Tìm hiểu 5 phát hiện thú vị trong YIS 2014 tại đây.

[Infographic] Xem các thay đổi chính trong tính liêm chính của thanh niên Việt Nam sau 3 năm (2011-2014) tại đây.

Liên hệ báo chí

Nguyễn Thu Hương
Tổ chức Hướng tới Minh bạch

E: nguyenhuong@towardstransparency.vn

*****

Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014

khao-sat-liem-chinh-trong-thanh-nien-Vietnam-2014

TT – Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam –  công bố kết quả Khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam (YIS) 2014 ngày 4/8/2015.

Khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014

Lý do thực hiện YIS 2014

Kể từ khi Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam lần đầu tiên được công bố năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã có thêm nhiều cam kết và hành động nhằm giải quyết vấn nạn tham nhũng cũng như khuyến khích sự tham gia của xã hội vào phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường đại học, tổ chức phi chính phủ và các đơn vị khác tham gia thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt biệt là thanh niên, về tham nhũng, minh bạch và liêm chính.

YIS 2014 được thực hiện nhằm cung cấp các dữ liệu chi tiết và xác định các xu hướng liên quan đến hiểu biết, trải nghiệm và hành vi của thanh niên Việt Nam tới các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan giáo dục, báo chí, thanh niên, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức, cá nhân khác – những người quan tâm đến chủ đề liêm chính trong thanh niên Việt Nam. Việc sử dụng dữ liệu này có thể giúp nâng cao hiệu quả của các chương trình và hoạt động giáo dục về liêm chính và phòng, chống tham nhũng cho thanh niên.

YIS 2014 đo lường tính liêm chính như thế nào?

YIS 2014 áp dụng định nghĩa liêm chính của tổ chức Minh bạch Quốc tế, theo đó, liêm chính được hiểu là “những hành vi và hành động phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, được các cá nhân cũng như tổ chức chấp nhận, tạo nên rào cản đối với tham nhũng”. Để có thể so sánh với kết quả năm 2011 và xác định các xu hướng, bảng hỏi gần như được giữ nguyên không thay đổi, gồm 3 phần và xoay quanh 4 khía cạnh khác nhau của khái niệm liêm chính:

  • Phẩm chất và đạo đức – hiểu biết về khái niệm và các chuẩn mực hành vi
  • Các nguyên tắc – khả năng phân biệt đúng, sai
  • Tuân thủ pháp luật – mức độ tuân thủ khung pháp lý do xã hội đặt ra
  • Đấu tranh chống tham nhũng – khả năng phòng, chống tham nhũng

Bảng hỏi của YIS 2014 và YIS 2011 đã được tổ chức Minh bạch Quốc tế sử dụng làm cơ sở cho khảo sát tương tự tại Fiji, Sri Lanka, Indonesia và Hàn Quốc. Phần 1 của bảng hỏi bao gồm các câu hỏi cơ bản dùng để hỏi tại từng quốc gia tham gia khảo sát, nhằm mục đích so sánh trên phạm vi quốc tế. Phần 2 mang tính tùy chọn với một số câu hỏi cụ thể hơn nhằm thu thập thông tin chi tiết ở từng quốc gia. Phần 3 mang tính tùy chọn, bao gồm những câu hỏi dành riêng cho quốc gia đó, liên quan đến những vấn đề pháp luật cụ thể hay đánh giá chính sách cụ thể.

Các đối tượng phỏng vấn (mẫu) của khảo sát có mang tính đại diện cho thanh niên Việt Nam hay không? 

Giống như cuộc khảo sát năm 2011, YIS 2014 tập trung vào thanh niên trong độ tuổi từ 15 – 30. Độ tuổi này phù hợp với cả định nghĩa của Việt Nam về thanh niên (từ 15 – 30 tuổi) và định nghĩa quốc tế về thanh niên (từ 15 – 24 tuổi). Việc lựa chọn độ tuổi từ 15 – 30 do vậy cũng đảm bảo  tính hợp lý trong việc so sánh các xu hướng giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên quốc tế trong Khảo sát.

Kết quả YIS 2014 đáng tin cậy đến mức nào?

Thiết kế mẫu

Để có thể so sánh được nhiều nhất với kết quả khảo sát năm 2011, YIS 2014 giữ lại thiết kế mẫu 4 giai đoạn của cuộc khảo sát lần trước:

  • Giai đoạn 1: Hai tỉnh tại mỗi vùng trong số sáu vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên theo quy mô dân số của vùng đó bằng phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô dân số (PPS). YIS tiếp tục thực hiện tại 11 tỉnh như trong năm 2011, bao gồm: Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Điện Biên, Lâm Đồng, Gia Lai, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Quảng Ngãi.
  • Giai đoạn 2: Tại mỗi tỉnh, 6 địa bàn điều tra (3 địa bàn ở nông thôn và 3 địa bàn ở thành thị) được chọn tham gia khảo sát cũng theo phương pháp PPS.
  • Giai đoạn 3: Tại mỗi địa bàn điều tra, lựa chọn 14 hộ gia đình tham gia khảo sát cho nhóm thanh niên và 7 hộ gia đình tham gia khảo sát cho nhóm đối tượng kiểm chứng. Trong năm 2011, việc lựa chọn các hộ gia đình diễn ra trên cơ sở Tổng điều tra dân số năm 2009. Với YIS 2014, do danh sách từ Tổng điều tra dân số năm 2009 không còn chính xác vì sai lệch thời gian lên đến 5 năm, danh sách hộ gia đình tham gia khảo sát được lập thủ công trước khi tiến hành công tác thực địa.
  • Giai đoạn 4: Một người ở từng hộ gia đình được chọn tham gia khảo sát (mỗi hộ gia đình trong nhóm 14 hộ có 1 thanh niên được chọn và mỗi hộ gia đình trong nhóm 7 hộ có 1 người lớn tuổi được chọn).

Tổng cộng, YIS 2014 đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp 1.110 thanh niên trong độ tuổi từ 15-30 (nhóm đối tượng mục tiêu) và 432 người trên 30 tuổi (nhóm đối tượng kiểm chứng). Trong khi phân tích câu trả lời, nhóm nghiên cứu chú ý tới các yếu tố như độ tuổi, giới, nghề nghiệp, khu vực địa lý và dân tộc; tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy: tương tự như kết quả năm 2011, quan điểm và trải nghiệm của thanh niên phụ thuộc chính vào trình độ học vấn và mức sống, chứ không phải các yếu tố khác.

Các cuộc phỏng vấn được tiến hành như thế nào?

Tổ chức Live&Learn tiến hành công tác khảo sát thực địa từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014 với sự giám sát của CECODES và sự hỗ trợ của các Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

Sinh viên năm cuối hoặc sinh viên mới tốt nghiệp từ các khu vực khác nhau đã được tuyển chọn và bồi dưỡng kỹ năng khảo sát. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại nhà của người được phỏng vấn hoặc tại một nơi trung gian như quán cà phê. Người khảo sát đã chú trọng đến việc giảm thiểu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình khảo sát như sự hiện diện của đại diện chính quyền địa phương hay lãnh đạo tại các cuộc phỏng vấn.

Dựa trên kinh nghiệm từ cuộc khảo sát trước, nhóm nghiên cứu đã dự kiến đủ thời gian để có thể khảo sát càng nhiều người càng tốt tại các địa bàn khảo sát được chọn.

Các thay đổi chính trong tính liêm chính của thanh niên Việt Nam từ 2011 – 2014

Info 1 VN

Info 2 VN

Info 3 VN

Info 4 VNInfo 5 VN

Kết quả khảo sát YIS 2014 có thể được sử dụng như thế nào?

Những dữ liệu trong báo cáo này có thể được sử dụng cho như bằng chứng đóng góp cho quá trình hoàn thiện và thực hiện các chính sách phòng, chống tham nhũng, nhằm đảm bảo rằng các chính sách này sẽ tính đến các nhu cầu cụ thể trong thực tế của thanh niên Việt Nam.

Bên cạnh đó, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong quá trình phân tích kết quả YIS 2014, đòi hỏi cần có thêm các nghiên cứu khác để tìm ra câu trả lời, ví dụ: các điều kiện tâm lý, môi trường văn hóa, kinh tế nào đã góp phần hình thành hay tác động lên khoảng cách giữa nhận thức và hành vi của thanh niên nói chung, cũng như giữa nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao và nhóm có học vấn thấp hơn. Vì vậy, dữ liệu trong báo cáo có thể mở ra các hướng nghiên cứu khác cho các cá nhân, tổ chức quan tâm tới đề tài liêm chính trong thanh niên./.