Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong (Kỳ 1: Đường Lâm ở Hà Tĩnh)
TS – – Trần Trọng Dương
Phần lớn giới nghiên cứu và xã hội đều cho rằng địa danh Đường Lâm gắn liền với sự kiện hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền nằm ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Nhưng khi đối chiếu một cách hệ thống các nguồn sử liệu thời Đường, tôi cho rằng Đường Lâm là một huyện thuộc châu Phúc Lộc (hoặc châu Đường Lâm) tương đương với tỉnh Hà Tĩnh. Con đường từ núi Giăng Màn huyện Hương Sơn nay là một cửa ngõ quan trọng trong giao lộ Đông – Tây qua Hà Tĩnh Nghệ An thế kỷ X-XI, nối liền từ Biển Đông đến sông Mekong, nối liền Giao Châu với Chân Lạp, Khmer và thế giới Nam Á.
Phần lớn giới nghiên cứu và xã hội hiện nay đều cho rằng Đường Lâm gắn liền với sự kiện hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền nằm ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ngày nay. Ảnh: Cổng làng Đường Lâm. Nguồn: Nhân dân.
Xác định Đường Lâm nằm ở đâu là vấn đề học thuật quan trọng bởi Đường Lâm là đất hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Vào những năm 1960, Đào Duy Anh, Văn Tân cho rằng Đường Lâm nằm ở châu Phúc Lộc (nam Nghệ Tĩnh)1 và học giả người Pháp như E. Schafer cũng đặt Phúc Lộc2 trong tương quan với Phong Châu, Trường Châu, Lục Châu, Ái Châu, Diễn Châu của Giao Châu, nhưng đến ngày nay phần lớn học giới đều cho là ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Dựa trên việc kiểm chứng hệ thống sử liệu gốc, chúng tôi nghiêng theo giả thuyết của giáo sư Đào Duy Anh, và đã công bố bài khảo cứu vào năm 2011 trên Xưa và Nay3.
Sử liệu quan trọng để các sử gia Việt Nam xác nhận Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội ngày nay chính là đoạn văn trong Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt Toàn thư) ghi: “Tân Mùi [791],…, Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết.” (辛未,…, 夏四月,交州唐林人〈唐林在福祿縣〉馮興起兵圍府。政平以憂死))4. Nguyên ủy, Toàn thư ghi là “người Đường Lâm Giao Châu” (交州唐林人). Một soạn giả nào đó từ 1479 đến năm 1697 đã chú thêm rằng “Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc”.
Phản biện lại Toàn thư, Đào Duy Anh đã sử dụng cụm 3 bộ sử thời Đường Tống gồm: Cựu Đường thư, Giã Đam ký, Thái Bình hoàn vũ ký để xác định Đường Lâm thời Đường, với sự kiện Phùng Hưng, là ở huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc thuộc về phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh ngày nay5. Năm 1966, Văn Tân đồng ý rằng có lẽ Toàn thư đã quy đổi lầm địa danh cổ thời Đường sang huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây. Với các cứ liệu Bắc sử, ông cho rằng “Ngô Quyền là người huyện Đường Lâm thuộc Hoan Châu, chứ không phải không phải là người huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây” và hàng loạt các thủ lĩnh khác trong thế kỷ VIII-X như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ,… đều từ Hoan Ái tiến ra An Nam đô hộ phủ. Đường Lâm ở Nghệ Tĩnh thì mới phù hợp với tình hình xã hội khi đó.
Cuộc tranh luận trong những năm 1960 trở nên khó ngã ngũ khi nhóm cho rằng Đường Lâm thuộc Sơn Tây đã đưa ra một sử liệu được cho là chắc chắn nhất – bia Phụng tự khắc năm 1390 tại đình xã Cam Lâm (tức Đường Lâm ngày xưa và xã Phùng Hưng ngày nay) ghi rõ bản xã vốn là Đường Lâm, có hai vị Phùng Hưng và Ngô Quyền, là một ấp hai vua, danh thơm bất hủ. Tấm bia này tuy lập sau khi Ngô Quyền chết 4 thế kỷ, nhưng lại có trước Đại Việt sử ký toàn thư đến hàng thế kỷ, nên nó tin cậy hơn các sách vở ghi chép vì không bị tam sao thất bản6.
Gần đây nhất, vào năm 2019, PGS.TS Nguyễn Minh Tường7 bảo vệ quan điểm cho rằng Đường Lâm ở Sơn Tây, ngoài luận điểm về Bia Phụng Tự (khắc lại vào đầu triều Nguyễn, nhưng khi khắc lại thì sử dụng địa danh hành chính của năm khắc đầu tiên) thì ông cho rằng 1/ Cựu Đường thư chỉ ghi “Đường Đỗ quận” không có “Đường Lâm quận”; 2/ Tên “Đường Lâm” tại Sơn Tây không phải có từ năm 1964 mà đã được chép từ sớm trong Việt Điện U Linh tập (1329), Lĩnh Nam chích quái (1370), Đại Nam nhất thống chí (1882).
Chữ “Đường Lâm” được viết 5 lần trong Tân Đường thư, Q.43 thượng, tr.23a, 23b.
Vấn đề bia Phụng tự thực ra không ảnh hưởng đến luận điểm mà giáo sư Đào Duy Anh đưa ra, vì ba sử liệu đời Đường mà ông khảo cứu đã ra đời từ trước thời điểm khắc bia, cách mốc chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là 453 năm8.
Các tư liệu sớm ghi chép về sự tồn tại của huyện Đường Lâm/ châu Đường Lâm ở châu Phúc Lộc (tương đương với phía nam Hà Tĩnh), các tư liệu thế kỷ XIV- XVII ghi trung tính (chỉ ghi “Đường Lâm” mà không quy đổi sang địa lý đương thời). Phải đến thời Nguyễn mới có chú thích quy đổi Đường Lâm thuộc Sơn Tây.
Khảo sát hệ thống các văn bản
Khi đọc sử liệu, chúng tôi luôn phải để ý đến hai khái niệm: “niên đại thành thư” (tạm gọi là N1), và “niên đại sự kiện diễn ra” (N2). Khi N1= N2, ta có sử liệu nguyên cấp, nghĩa là thời điểm tạo tác niên đại trùng với sự kiện, là bản thân sự kiện, hoặc một phần của sự kiện đó. N1 càng xa N2 thì khả năng khúc xạ hay phản ảnh sự kiện càng có thể sai lạc.
Ví dụ 1: Thông điển soạn năm 801 (do quan nhà Đường soạn) về sự kiện châu Phúc Lộc có huyện Đường Lâm thành lập năm 758. N1-N2 = (801-758) = 43 năm.
Ví dụ 2: Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng thành thư muộn nhất vào năm 1910, phản ảnh về sự kiện Phùng Hưng 791. Vậy quãng khúc xạ sử liệu sẽ là 1119 năm.
Trong khi đó thì sử liệu của Đại Việt, như Toàn thư, đã được biên tập trong suốt 300 – 400 năm nên có thể việc ghi lại địa danh cổ bị ảnh hưởng. Có thể ban đầu ghi là “Phúc Lộc Đường Lâm nhân”, nhưng người đời sau (năm 1479, sau gần 700 năm) không biết đến châu Phúc Lộc nên quy đổi thành “huyện Phúc Lộc”. Xét, huyện Phúc Lộc là địa danh thời Lê sơ, đến thời Tây Sơn đổi là Phú Lộc, đến năm 1802 lại cải thành Phúc Lộc, sau đổi thành Phúc Thọ9.
Việc chép “Đường Đỗ 唐杜” mà không phải “Đường Lâm 唐林” trong Cựu Đường thư có thể do nhầm lẫn. Thực ra, Đường Đỗ chỉ là một lỗi chính tả của văn bản. Vì ngay trong sách này, cùng miêu tả về châu Phúc Lộc, Cựu Đường thư cũng ghi chính xác là “Đường Lâm”10 (xem ảnh bên).
Khi xử lý văn bản gốc, sử liệu gốc, các văn hiến học cổ điển và nhà sử liệu học thường phải hiệu khám văn tự, so sánh dị bản, đối chiếu các truyền bản khác nhau để đính chính văn tự, phê phán sử liệu. Vì thế chúng tôi đã sử dụng một hệ thống sử liệu, đặt các sử liệu đó song song với nhau và tiến hành khảo dị. Trong số 11 lượt sử liệu sớm được biên soạn thời Đường- Tống – Minh thì 10 lượt ghi Đường Lâm (唐林), chỉ có 1 lượt ghi “Đường Đỗ” (唐杜). Như vậy có thể đính chính cho sử liệu, rằng Đường Đỗ chép nhầm từ Đường Lâm.
Ngoài việc khảo sát, đối chiếu văn bản một cách có tính hệ thống, thì vấn đề quan trọng tiếp theo là niên đại của nguồn sử liệu. Nghiên cứu về địa danh Đường Lâm của thời nhà Đường thì đương nhiên nguồn tư liệu được soạn thời Đường thời Tống là quan trọng nhất, vì nó được biên soạn gần với thời gian sự kiện diễn ra11. Chúng tôi đã khảo sát hệ thống sử liệu nguyên cấp có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và nhận thấy, các tư liệu sớm đều thống nhất ghi chép về sự tồn tại của huyện Đường Lâm/ châu Đường Lâm ở châu Phúc Lộc (tương đương với phía Nam của Hà Tĩnh), các tư liệu của Việt Nam từ thế kỷ XIV- XVII ghi trung tính (chỉ ghi “Đường Lâm” mà không quy đổi sang địa lý đương thời). Phải đến thời Nguyễn thì mới có chú thích quy đổi Đường Lâm thuộc Sơn Tây.
Bảng niên đại về sử liệu Đường Lâm12.
Các sử liệu thời Đường cũng mô tả tuyến đường giao thông nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạt động quân sự, trong đó đoạn quan trọng: “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía Đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía Nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai. Lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành đô nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất quận Nhật Nam vậy”. (岭南道:一路、自驩州東,二日行至唐林州、安遠縣,南行經古羅江,二日行至環王國之檀洞江。又四日至硃崖,又經单补鎮,二日至環王國城,故漢日南郡地也。)13. Hoan Châu đời Đường là ở vào vị trí Nam Nghệ An Bắc Hà Tĩnh, lấy Hồng Lĩnh- Lam Sơn làm trung tâm (thành phố Vinh ngày nay). Sông Cổ La tức là sông Kỳ La (sông Lạc Giang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Từ Kỳ La qua Vũng Áng mất một ngày, thêm ngày nữa đến được sông Đàn Động nước Hoàn Vương (Champa), thì suy ra sông Đàn Động chính là sông Gianh14.
Vậy châu Đường Lâm/ châu Phúc Lộc của nhà Đường bao gồm các huyện ở phía Nam Hà Tĩnh gồm: Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. 7000 bộ lạc Man Lão mà các sử liệu hay nói đến là ở vùng núi Hương Khê và các phần đất thuộc Lào. Còn huyện Đường Lâm thuộc châu Phúc Lộc nhà Đường nằm ở đâu?
Bản đồ số hóa Đường Lâm – Phúc Lộc Châu của Geography Institute of Academina Sinica, 2021. Trần Trọng Dương bổ chú địa danh.
* Bản đồ này của GS Yan có một số sai sót về quy đổi địa danh, vị trí, tuyến đường đi từ Hoan Châu – Đường Lâm đến Chân Lạp. Xin xem bản đính chính ở kỳ sau.
Đường Lâm – Phúc Lộc Châu trong “Bản đồ biên giới lãnh thổ các châu chính thời thịnh Đường”.
Nguồn: Yan Geng Wang (2009, trang 975).
Theo tôi, trung tâm của nó nằm ở huyện Can Lộc và thành phố Hà Tĩnh nơi có dòng họ Ngô nổi tiếng và lâu đời trong lịch sử. Khác với ở Sơn Tây nay, không có họ Phùng họ Ngô nào ở đó (điền dã 2011). Từ thị trấn Nghèn xuôi sông Nghèn ra đến sông Hạ Vàng (cửa biển Nam Giới- chính là nơi Ngô Nhật Khánh lên thuyền vào Chiêm Thành cầu viện binh khoảng trước năm 979).
Như thế, việc xác định được vị trí của Đường Lâm và châu Phúc Lộc có một vai trò rất quan trọng trong việc tái nhận thức lịch sử thế kỷ VI-X.□
(Kỳ 2: Giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong)
Chú thích
1 Đào Duy Anh, trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964.
Văn Tân, Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nghiên cứu Lịch sử, số 93, 12/1966.
2 Thực ra, việc Đường Lâm/ Phúc Lộc tồn tại như một địa danh hành chính thời Đường không phải là chuyện mới đối với học giới quốc tế. H. Maspéro (1910, 1918) là người sử dụng Thái Bình hoàn vũ kí để viết về Đường Lâm- châu Phúc Lộc. Henri Maspéro, “Le Protectorat d’Annam sous les Tang. Essai de géographie historique”, BEFEO, 1910, p.550; Henri Maspéro, “La Frontière de l’Annam et du Cambodge du VIIIe au XIVe siècle”, BEFEO 18, 3 (1918), p.447.
Schafer, Edward H., 1967, The Vermilion Bird- T’ang Images of the South, University of California Press, Berkeley and Los Angeles. p.19.
3 Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan. Đường Lâm Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX. TC Xưa và Nay, số 391, tháng 11/2011. và Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Đường Lâm là Đường Lâm nào? Tạp chí Xưa và Nay, số 400 (3/ 2012) và số 401, tháng 4/ 2012.
4 Đại Việt sử ký toàn thư, Nội Các quan bản, khắc in 1697, bản dịch, Nxb KHXH. Hà Nội, 1998. trang 191.
5 Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, trang 79. 陶維英,<越南历代疆域-越南历史地理研究>,钟民岩譯,岳胜校,商务印书館,北京,1973, trang. 132-133.
6 Vũ Văn Tỉnh, “Ngô Quyền là người Hà Tĩnh hay người Sơn Tây?” Nghiên cứu Lịch sử, số 97, 4/1967, trang 63.
7 Nguyễn Minh Tường, “Trở lại vấn đề quê gốc Ngô Quyền” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay (số 5, trang 13- 22).
8 Trần Trọng Dương (2019, trang 55-59) giám định văn bản học, cho bia này là bia thời Nguyễn. Việc giám định văn bản này là kế thừa từ luận điểm của [Vũ Duy Mền, “Tấm bia Quang Thái (1390) đời Trần tại đình Phùng Hưng, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm”, Thông báo Hán Nôm năm 2004, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005, tr.339 – 342.] Ý kiến này sau đó được Phạm Lê Huy phản biện, ông cho rằng huyện Phúc Lộc đã có từ thời Lê sơ và văn bia có thể được khắc từ 1466- 1473. Như vậy, bia được khắc lại chứ không phải bia ngụy tạo. [xem Phạm Lê Huy, “Hệ thống tư liệu về khởi nghĩa Phùng Hưng”, Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016.]
9 Geng Hui Ling 耿慧玲, 2004,《越南史論——金石資料之歷史文化比較》台北:新文豐出版公司,trang 202.
10 Quý vị có thể kiểm tra ảnh chụp nguyên bản Cựu Đường thư (quyển 41, trang 4b, dòng 1 chữ lớn thứ 5-6) được in trong sách Việt Nam thế kỷ X- những mảnh vỡ lịch sử (2019, trang 378). Hoặc Âu Dương Tu 歐陽錦 và Tống Kì 芥펼, 1060, Tân Đường thư <劤鉗書>, 뒀굶:굇芥셰祐枷愷契굶, 楊소駱寮編, 憩굇:땋匡, 1979.
11 Những phần viết về Địa lý chí của Đường thư là quan trọng nhất, vì đó là sự ghi chép có chủ đích, thể hiện quyền lợi (dân số, thuế má,…) và quyền lực chính trị của người chép sử.
12 Chúng tôi đã chú nguồn cho từng nguồn sử liệu, gõ máy và ảnh ấn trang nguyên gốc trong bản công bố năm 2011, và tái bản 2019, nên không dẫn lại ở đây. Xin tham khảo [Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương. 2011, “Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm về quê hương Đại Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu)”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế. 02-2011.Tr.115-137.; Trần Trọng Dương, 2019, Việt Nam thế kỷ X – Những mảnh vỡ lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, trang 72 đến 82, và ảnh ấn nguyên văn sử liệu từ trang 367 đến 378]. Trên Xưa và Nay không có ảnh nguyên bản in kèm.
13 Âu Dương Tu 歐陽修,Tống Kì 宋祁, 1060, Tân Đường thư <新唐書>,Quyển 43 thượng, trang 23.
14 Về phương hướng, các tài liệu địa chí thời Đường miêu tả theo bản đồ nằm ngang so với ngày nay, ví dụ có thể lấy Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Nguyễn để hình dung. Cách vẽ bản đồ là lấy biển Đông ở phía dưới, gọi đó là hướng nam, ngược với hướng Nam là Bắc (dãy Trường Sơn hoặc Hoàng Liên Sơn là hướng bắc, sông Hồng từ phía bắc chảy xuống). Từ Giao Châu đi về Hoan- Ái và Chiêm Thành thì là đi về hướng Tây, nên Lê Thánh Tông mới có cuốn Chinh Tây kỷ hành (là ghi chép về trận đánh Chiêm Thành năm 1470-1471) ông còn gọi biển Chiêm Thành là Tây Hải (biển tây), từ Giao Châu đi sang Trung Quốc thì là hướng Đông. Cho nên ở đây, văn tả từ Hoan Châu đi về hướng tây 2 ngày thì đến huyện Nhu Viễn của châu Phúc Lộc, nghĩa là đi về hướng Nam theo phương vị ngày nay. Văn liệu: “Giao Châu Đô Hộ chế ngự các man. Biển của Giao Châu nằm ở phía Nam của đất nước, đại để Giao Châu từ phía nam cho đến Tây Nam, [các vùng đất] đều nằm các bãi cù lao trên biển lớn”. (交州 都護制諸蠻。其海南諸國,大抵在交州 南及西南,居大海中洲上) [Lưu Hú 劉 昫, 945, Cựu Đường thư <舊唐書>, 底本:清懼盈齋刻本,楊家駱主編, 台北:鼎文,1979, trang 1749].
***
Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong (Kỳ 2: Giao lộ đông tây từ Biển Đông đến Mekong)
TS – – Trần Trọng Dương
Việc xác định được vị trí của Đường Lâm và châu Phúc Lộc có một vai trò rất quan trọng trong việc tái nhận thức lịch sử thế kỷ VI-X, thậm chí soi sáng thêm nhiều góc khuất về lịch sử giao thông, lịch sử đối đầu- và giao thương giữa Đường và Khmer.
Một góc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngày nay. Nguồn: http://huongkhe.hatinh.gov.vn
Nhưng trước tiên, ta cần xác định rõ hơn con đường từ Hoan Châu đi Đường Lâm- Phúc Lộc đã diễn ra như thế nào. Giã Đam ký ghi: từ Hoan Châu đi hai ngày đến huyện Nhu Viễn châu Đường Lâm.. Thái Bình hoàn vũ ký ghi: từ Hoan Châu đi hai ngày dọc theo bờ biển dài 102 dặm (51km) là đến châu Phúc Lộc. Với các sử liệu này, Đào Duy Anh nhận định rằng: vị trí của huyện Nhu Viễn và châu Đường Lâm phải ở miền Hoành Sơn, châu Phúc Lộc gồm cả miền Nam Hà Tĩnh và miền Quy Hợp và Ngọc Ma ở phía Tây của dãy núi Hoành Sơn. Đại Nam nhất thống chí ghi: huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đời Đường là châu Lộc Phúc. Lộc Phúc chắc nhầm từ Phúc Lộc, mà ngay ở dưới ghi việc năm 1868 vẫn còn bảo lưu tổng Phúc Lộc, cùng các tổng Hương Khê, Quy Hợp, Châu Lễ, Phương Điền. Nếu thế có thể nghĩ đến chuyện Hương Sơn ngày nay chính là huyện Nhu Viễn – huyện lị của châu Phúc Lộc ngày xưa. Ngày nay, tính từ thương cảng cửa Hội lên Phố Châu là 35 km, đến Ngàn Phố là trên 40 km. Thời xưa đi hai ngày là cũng có lý. Còn nếu theo đường dọc biển từ cửa Hội xuôi về cửa Nam Giới (sông Hạ Vàng, thành phố Hà Tĩnh nay) thì là 30 km. Còn Đường Lâm là huyện duyên hải gồm bốn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ngày nay.
Giới hạn của huyện Nhu Viễn đến đâu? Nếu tính theo ranh giới hiện nay thì là gồm ba huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và phần đất của Lào, vì các sử liệu đời Đường vẫn ghi nơi đây có nhiều người Man Lạo. Muốn hiểu thêm địa giới của Nhu Viễn đến đâu trên đất Lào ngày nay thì ta phải khảo thêm về giao thông ở khu vực này. Từ Hoan Nghệ sang Lào có ba đường: 1/ Diễn Châu/ hoặc Vinh – Đô Lương- lên Mường Xén (Kỳ Sơn) là tuyến lớn nhất; 2/ tuyến Hồng Lĩnh/ Can Lộc- Hương Sơn- Ngàn Phố- đèo Keo Nưa; 3/ tuyến Kỳ Anh hoặc Quảng Trạch (Quảng Bình) đi Tuyên Hóa sang Thakhek (Lào). Hai tuyến sau từ bờ biển Đông đến bờ sông Mekong chỉ trên 100 km. Có lẽ những cung đường này kế thừa từ những con đường cổ xưa. Đại Nam nhất thống chí ghi: tỉnh Nghệ Tĩnh “phía Tây thông sang Ai Lao, phía Nam đến bể, … Thượng du thì có các đồn Hà Trại, Hà Tân, Quy Hợp ngăn được người Man Lạo. Phòng giữ mặt bể thì có Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng”. Cửa Sót là cửa Nam Giới thế kỷ X. Cửa Nhượng là cửa biển Cổ La- Kỳ La từ thế kỷ VII- XI.
Tuyến đường xuyên lục địa: biên giới giữa Đường và Chân Lạp
Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy một mô hình trao đổi thượng hạ – nguồn ở vùng Thanh Nghệ. Các cảng vùng Nghệ – Tĩnh nối liền tuyến buôn bán “xuyên lục địa” thông qua vùng Nam Lào và Chân Lạp. Từ thế kỷ X, thương nhân từ Nghệ An, đã qua ải Hà Trại ở dãy Khai Trướng (Khai Môn, cửa khẩu Cầu Treo?) theo đường sông Mekong xuống Băn Thăt để đi vào kinh đô Angkor của Chân Lạp. Thậm chí, con đường “trầm hương” (香道) thượng hạ nguồn còn hình thành sớm hơn – khi Đại Đường đặt các thương cảng Diễn-Hoan- Phúc Lộc vào nút cuối quan trọng của đế chế thương mại ở phương Nam. Có thể khi bị chặn lại bởi Hoành Sơn, cùng một Lâm Ấp trấn giữ kín bờ biển, nhà Đường đã tìm đường lên nguồn tìm lối ra Mekong để xuôi xuống Angkor. Tìm hệ thống bản đồ về thời Đường, ta thấy chính ở chỗ Đường Lâm- Phúc Lộc này, bản đồ đế chế phình ra, trải từ bờ biển Phúc Lộc cho đến bờ sông Mekong. Trong bản đồ, Đường Lâm- Phúc Lộc- Hoan Châu chiếm vai trò như một mắt xích tiền tiêu trong hệ thống thương mại liên bang quốc, nối liền các bờ biển của nhà Đường ở Giao Châu với hệ thống thương cảng duyên hải khắp nơi ở Đông Á- Đông Nam Á, và trên đất liền từ Mekong đi xuống Angkor của đế chế Khmer hùng mạnh.
Bản đồ mạng lưới thương mại đế chế Khmer, K. Hall (1985, p. 188).
Chú thích: Bổ sung thêm cứ liệu từ 3 tuyến giao thương thượng hạ nguồn tại Phúc Lộc – Hoan Châu – Đường Châu nối liền với dòng Mekong theo trục Đông- Tây, chiều dài đường 2 tuyến từ Đường Lâm dài khoảng 100 km, và tuyến Thị Nại qua thượng nguồn sông Côn sang bên Khmer.
Điều này phù hợp với việc Tân Đường thư (1060) ghi rằng, nhà Đường có bảy lối lớn đi khắp nơi, trong đó An Nam chiếm hai lối, một lối thông từ An Nam sang Thiên Trúc, một lối từ Quảng Châu đi sang các biển man di. Sở dĩ Đường chỉ có lối này là đường bộ qua Tây Trúc vì khi đó, phía Tây Đường bị cách bởi Thổ Phồn và Nam Chiếu. Lối đi này được mô tả kĩ hơn như sau: “từ Hoan Châu đi về phía Tây Nam mất ba ngày, đi qua đỉnh Vụ Ôn/ Vụ Thấp [núi Giăng Màn, núi Vụ Quang, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: 18o25’23’N 105o14’52E], lại đi ba ngày nữa đến huyện Nhật Lạc [Ban Lakxao] của Đường Châu, lại đi qua sông La Luân [?, 18o05’13’N-105o02’33E] và núi Thạch Mật [?, 17o59’30’’N- 104o45’00’E] của động Cổ Lãng [thuộc Đường Châu], ba ngày thì đến huyện Văn Dương của Đường Châu [Nakai, 17o33’41’N-105o08’49E]. Lại đi qua khe Ly Ly [?, 17o33’06’N – 105o09’03E]*, bốn ngày thì đến huyện Toán Đài [Thakhek] của nước Văn Đan, lại đi ba ngày nữa đến ngoại thành Văn Đan [Kaeng Krabao], lại một ngày thì đến nội thành [Mukdahan- Savannakhet], [nước ấy] có chỗ còn gọi là Lục Chân Lạp, phía Nam là Thủy Chân Lạp. Lại phía Nam đến Tiểu Hải [Biển Hồ- Tonlesap], phía Nam là nước La Việt, lại về Nam nữa thì đến biển lớn”. Từ Hoan Châu đến đô thành của Lục Chân Lạp là mất 17 ngày đường bộ.
Tư liệu mới này cho phép hình dung một châu mới trong bản đồ hành chính nhà Đường, chưa được các sử gia hiện đại nhắc đến. Đó là Đường Châu (棠州), nằm ở phía Tây và Tây Nam của Hoan Châu và Phúc Lộc Châu. Đường Châu có hai huyện trực thuộc là huyện Nhật Lạc và huyện Văn Dương, số lượng bằng châu Phúc Lộc. Có lẽ nhà Đường coi đây là châu ki mi. Cung đường mà từ Hoan Châu (Cửa Hội) đi Lục Chân Lạp là phải xuyên qua núi Khai Màn (đồn Quy Hợp), tức qua huyện Nhu Viễn châu Phúc Lộc, nếu đi từ Đường Lâm lên (từ thành phố Hà Tĩnh nay) thì đường đi chênh nhau 10-15 km. Nếu tính đơn giản, thì ranh giới của châu Phúc Lộc (đi từ sông Lạc, huyện Đường Lâm/ thành phố Hà Tĩnh nay) qua Khai Màn (Hương Sơn) đến huyện Nhật Lạc của Đường Châu là mất khoảng sáu ngày đường. Sử liệu không nói là đi đến ranh giới Đường Châu hay là trung tâm huyện lị Nhật Lạc, ta có thể trừ đi một quãng thời gian/ không gian còn khoảng 4,5 ngày đến sáu ngày đường. Nếu tính mỗi ngày đi được 15 km hoặc 20km (đường núi) thì ranh giới dao động trong khoảng 67.5 km – 90km, và 90km- 120 km. Trong khi đường đo trên không ảnh hiện tại, thì khoảng cách hơn 130 km, còn chiếu thẳng từ thành phố Hà Tĩnh sang đến bờ sông Mekong là 105 km đường chim bay.
Điểm nóng giữa các đế chế: sự trỗi dậy của vùng Hoan – Ái
Sự tồn tại của Đường Châu cho thấy cụ thể hơn biên giới cực Nam của nhà Đường. Đây chắc chắn cũng đã là một điểm nóng, bởi chính chỗ này là giáp ranh giữa hai thế giới và hai mô hình nhà nước. Và các cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đường ở đây đều có sự tham góp của Chân Lạp, Chiêm Thành. Năm 713, Mai Huyền Thành khởi nghĩa ở Hoan Châu, liên minh với Lâm Ấp, Chân Lạp đánh chiếm An Nam đô hộ phủ. Những năm sau đó, vị thủ lĩnh bản xứ đã hai lần được Chân Lạp gửi đoàn sứ bộ hoặc cả một đội quân đến giúp, nhưng sau này đã bị quân nhà Đường đánh bại… Năm 767, người Côn Lôn, Chà Và đến cướp châu thành, vào đến tận Chu Diên [đồng bằng sông Hồng], Kinh lược sứ Cao Chính Bình xin viện binh từ Cao Chính Bình châu Vũ Định mới đánh hạ được. Từ năm 767 đến năm 780 khi Giao Châu loạn lạc, Phùng Hưng và Phùng Hải – người ở Đường Lâm đã chuẩn bị lực lượng riêng, bằng cách buôn bán và liên minh với nhóm người khác Hán. Năm 791, Phùng Hưng đánh đô hộ phủ, Cao Chính Bình chết. Năm 819 có khởi nghĩa của Dương Thanh- ông này gia tộc tù trưởng man- mấy đời làm Thứ sử Hoan Châu. Khi đó Thanh làm nha tướng cho Lý Tượng Cổ, Cổ sai Thanh đi đánh Man Hoàng Động. Quân Đường đánh Dương Thanh chạy vào Man Lạo, sau đó viện binh Man Lạo lại quay ra đánh phủ thành.
Tuyến Vinh – Kỳ Sơn sang đến bờ Mekong hay Luang Phrabang đều dài trên 300 km. Nguồn ảnh: https://satellites.pro/Laos_map#18.450952,104.545898,8, hạ tải ngày 30/07/2021. So sánh với hai tuyến từ Hà Tĩnh sang Lào ở dưới.
Như vậy, phần lớn những bất ổn chính trị đều đến từ phía Hoan Châu với sự hậu thuẫn của Chân Lạp, Chiêm Thành. Khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một liên minh ba nhóm quyền lực để chống lại sự bành trướng của nhà Đường. Cho đến Dương Thanh đánh úp Tượng cổ thì cả Man Hoàng Động lẫn Hoàn Vương đều dẫn quân vào. Sử chép các sự kiện rời rạc, nhưng có lẽ đằng sau đó là một truyền thống liên minh của phương Nam chống lại sự càn lướt của người Hán. Những liên minh chính trị quân sự này vừa có thể hỗ trợ nhau về buôn bán, tài trợ kinh tế, nhưng cũng có khi sai quân lực đồn trú tham chiến. Và như nhiều cuộc chiến khác, Hoan Ái vẫn là vùng bàn đạp (có hậu phương) để các lực lượng bản địa tràn lấn khi người Hán yếu thế. Tình thế ấy đã trở thành hiện thực vào thế kỷ X, khi nhà Đường sụp đổ, các nhân vật Dương Đình Nghệ- Ngô Quyền- Đinh Công Trứ và Đinh Bộ Lĩnh đã tạo nên một thế kỷ bản lề cho tự chủ của mảnh đất phương Nam.
Nhiều người đến đây có lẽ vẫn chưa tin lắm vào sự hình thành của tuyến đường xuyên từ biển Hoan Nghệ sang đất Lào cách nay hơn 1300 năm. Nhưng 6 tư liệu thời Đường Tống ghi chép về các sự kiện Đường Lâm liên tục vào các năm từ 663 – 791 là những bằng chứng không thể ngó lơ. Thêm nữa, tư liệu bi ký tại Phum Mien năm 987, xác nhận trong thế kỷ X, người Việt đã có những nỗ lực duy trì con đường thượng đạo này. Tôi ngờ rằng, khi đó, bản đồ của Đại Cồ Việt không thể tràn sang đến tận bờ Mekong, mà có lẽ đã hẹp hơn trước.
Tượng Phật nhập niết bàn, núi Thạch Mật, vị trí: 17o58’36’N-105o01’32E. Nằm trên tuyến đường từ Hoan Châu đến Văn Đan. Ảnh: Sinica.
Không ai có thể xác quyết những ranh giới luôn biến động trong lịch sử. Nhưng dù những cột mốc bị xô đổ khi đế chế tàn lụi, thì những dòng người vẫn tiếp nối những tuyến cổ đạo phục vụ cho buôn bán, và đôi khi cả chiến tranh, cướp bóc. Đầu năm 1128, khi vua Lý Nhân Tông vừa băng hà, 20.000 người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An, tức bến Tam Soa (nơi hợp lưu của sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu đổ vào sông La, sông La xuôi 7- 8km rồi hợp lưu vào sông Lam ngay ở Phù Thạch- cảng bến lớn nhất của Nghệ An trong lịch sử). Triều đình phải sai Nhập nội Thái phó Lý Công Bình đem quân đánh dẹp, một tháng sau mới chém được tướng giặc. Tháng 8/1128, người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Năm 1137, Phá Tô Lặc người Chân Lạp lại cướp châu [ở vùng Hà Trại], Lý Công Bình lại đi đánh dẹp. Năm 1335, Thượng hoàng Trần Minh Tông đem sáu quân tuần thú Ai Lao, thế tử các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, nước Xiêm La cùng các thổ tù Đạo Khuông, Quỳ Cầm, Xa Lặc, các man tù ở Bôi Bồn là Đạo Thanh, Xa Man cùng đến hành tại yết kiến. Chỉ có Vông Chấp Tóc sợ tội nên trốn. Năm 1479, vua Lê Thánh Tông trong bài chiếu đánh Ai Lao có ghi: “Thuận Bình, Sa Bôi do vậy rối ren; Lâm An, Quy Hợp bị chúng giày xéo.” Quy Hợp là đồn ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), lối Đông Tây thứ hai đã nêu ở trên. Như vậy, ít nhất từ thế kỷ XV về trước, các con đường cổ từ biển vào đến đất Lào vẫn thường được sử dụng. Bình thường, có thể đó là con đường được sử dụng cho hoạt động buôn bán (muối, thực phẩm, hương liệu,…), khi cần có thể phục vụ việc ngoại giao: Ai Lao thường vào chầu cống Đại Việt qua ải Quy Hợp. Đặc biệt, các con đường Đông Tây này có vị trí địa quân sự, có vai trò rất lớn trong việc phòng thủ hoặc tấn công. Điều này làm ta hiểu rõ hơn về vai trò của Đường Lâm- Phúc Lộc trong lịch sử Giao Châu thời nhà Đường. Và những nhân vật lịch sử Phùng Hưng, Dương Thanh, cho đến Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Đinh Bộ Lĩnh,… cũng từ đất này mà làm nên lịch sử.
Đường Lâm châu và Đường Châu trong lộ trình 17 ngày đi từ Hoan Châu đến kinh đô Văn Đan quốc (Chân Lạp). Tái lập: Trần Trọng Dương, 2021. Bản đồ: AS.
Tiểu kết
Như vậy, đến đây, tôi đã hoàn thiện thêm công việc hơn 10 năm trước: đi tìm Đường Lâm là Đường Lâm nào. Sau khi dò dẫm trong khu rừng sử liệu, đứng giữa hàng trăm ngàn chi tiết, và đôi khi bị lạc đường, hoặc đúng hướng nhưng đi chưa tới hết cung đường. Chúng tôi từng cho rằng Đường Lâm ở Nam Thanh Hóa Bắc Nghệ An. Nhưng với các sử liệu này, tôi củng cố thêm quan điểm ấy, rằng: Đường Lâm (“đất hai vua” vào thời Đường) không phải ở Phúc Thọ (Sơn Tây, Hà Nội nay). Có thể xác định chính xác hơn, huyện Đường Lâm của châu Phúc Lộc thời Đường có thể nằm ở tỉnh Hà Tĩnh (tương ứng với huyện Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh ngày nay). Và huyện Nhu Viễn của châu Phúc Lộc (châu Đường Lâm), tương ứng với các huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh gồm: Hương Khê – Vũ Quang- Hương Sơn và một phần phía Tây của Lào. Cuối cùng, với vị trí địa quân sự- địa kinh tế- địa văn hóa, vùng Đường Lâm (Phúc Lộc châu), rộng hơn là Hoan Châu- Ái Châu, là nơi va đập quyền lực giữa các đế chế (Đường- Chân Lạp- Hoàn Vương- Nam Chiếu), là nơi chà đi xát lại của các tập đoàn người (Hoa Hán từ Bắc, Champa từ phía Nam, Tày Thái từ phía Tây và Tây Bắc, Khmer từ phía Tây Nam,…). Từ vị trí “thập diện mai phục”, người Hoan Ái đã có một cuộc trỗi dậy liên tục trong nhiều thế kỷ. Vừa buôn bán với kẻ thù, vừa chiến đấu với đồng minh, vừa tự cường bằng năng lực vốn có, vừa mượn thế và lực của văn minh nhà Đường, vừa đà đao theo sự trỗi dậy của Hoàn Vương – Chân Lạp, những thủ lĩnh hào trưởng Hoan Ái (họ Phùng- họ Dương- họ Ngô- họ Lê- họ Đinh… ) đã tạo nên những xung lực mạnh mẽ để thoát khỏi sự kìm kẹp của các đế chế, và tạo nên sự độc lập của mảnh đất phương Nam.□
—–
1 Nhạc Sử樂史, 983, Thái Bình hoàn vũ ký <太平寰宇記> , Bản nền: Tứ Khố toàn thư, Văn Uyên Các, q.171, trang 6b.
2 Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985, p.188; Nguyễn Văn Kim. 2013. Các thương cảng vùng Nghệ – Tĩnh và giao thương khu vực thế kỉ XI-XIV, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12 (440), 2012, tr.1-18 & số 1 (441), 2013, tr.16-25.
3 Christopher Goscha, Vietnam, a New History, New York, Basic Books, 2016, p.111-112.
4 Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁, 1060, Tân Đường thư <新唐書>, 底本:北宋嘉祐十四行本, 楊家駱主編, 台北:鼎文, 1979, trang 1146.
5 Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁, 1060, Tân Đường thư <新唐書>, 底本:北宋嘉祐十四行本, 楊家駱主編, 台北:鼎文, 1979, trang 1153-1154.
6 Lưu Hú劉 昫, 945, Cựu Đường thư <舊唐書>, 底本:清懼盈齋刻本,楊家駱主編, 台北:鼎文,1979, trang 5271.
7 Theo Đường thư, năm 706, Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp đã thành hình. Nguyên văn: “自神龍以後,真臘分為二:半以南近海多陂澤處,謂之水真臘;半以北多山阜,謂之陸真臘 ,亦謂之文單國。” [Lưu Hú劉 昫, 945, Cựu Đường thư <舊唐書>, 底本:清懼盈齋刻本,楊家駱主編, 台北:鼎文,1979].
8 “開元初,安南首領梅玄成叛,自稱「黑帝」,與林邑、真臘國通謀,陷安南府,詔思勗將兵討之。” [Lưu Hú劉 昫, 945, Cựu Đường thư <舊唐書>, 底本:清懼盈齋刻本,楊家駱主編, 台北:鼎文,1979, trang 4756].
9 Năm 717, đã có một đoàn sứ bộ của Chân Lạp đến giúp
10 Năm 722, quy mô có vẻ lớn hơn, lần này là một đội quân được gửi đến. Henri Maspéro, “La Frontière de l’Annam et du Cambodge du VIIIe au XIVe siècle”, BEFEO 18, 3 (1918), p.29.
11 Nguyên văn: “壬戌唐玄宗隆基開元十年賊帥梅叔鸞㨿州稱黑帝外結林邑真臘人等眾號三十萬唐帝遣内侍左監門衛將軍楊思朂都護元楚客討平之” [Toàn thư 1998, trang 190].
12 Geng Hui Ling耿慧玲 ,《越南史論——金石資料之歷史文化比較》台北:新文豐出版公司,2004年,649頁
13 Toàn thư 1998, trang 192. Về khởi nghĩa Dương Thanh đọc thêm [Phạm Lê Huy, Khảo cứu khởi nghĩa Dương Thanh (819-820) qua nguồn
14 Henri Maspéro, “La Frontière de l’Annam et du Cambodge du VIIIe au XIVe siècle”, BEFEO 18, 3 (1918), p.447; Coedès, George, Inscription du Cambodge 6 (Hanoi-Paris, 1942–66), pp. 183–86. Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985, p.188.
15 Maspéro (1918, 33) cho rằng Ba Đầu bộ là Phố giang trên địa bàn của huyện Hương Sơn.
16 [Toàn thư 1998, sđd, trang 299]. Toàn thư ghi: “波頭步” (ba đầu bộ) là sai về ngữ văn, phải là “Ba Đầu bộ đầu”, vì “bộ đầu” là “bến”, tức là bến Ngã Ba. Bến đó nay gọi là bến Tam Soa. Từ bến Tam Soa xuôi xuống phố chợ lớn nhất của Nghệ là Phù Thạch chỉ có 5-6 km, từ Phù Thạch xuôi về Vinh chỉ 6 km nữa. Chắc Chân Lạp đánh cướp dọc cả dọc cửa biển và thành trì, nhưng sử chỉ ghi một chỗ.
17 Maspéro (1918) cho rằng Chân Lạp theo đường đèo Mụ Giạ vào Hà Trại. Mụ Giạ là đèo ở huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình.
18 thư 1998, sđd, trang 309.
19 Nguyễn Trung Ngạn, 1335, Ma nhai kỷ công văn, bia trên sườn núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Thác bản: 13494 tại Viện NC Hán Nôm [Thích Đức Thiện- Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Trần, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.123].
20 Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1993, tr.65.