- Kỳ 1: Dòng tiền đổ vào chứng khoán đến từ đâu?
- Kỳ 2: Nhiều tiền, cổ phiếu dễ bị làm giá?
- Kỳ 3: Ai được – mất tiền từ chứng khoán?
***
‘VÒNG XOÁY’ TIỀN, CHỨNG KHOÁN VÀ ĐƯỢC, MẤT:
Dòng tiền đổ vào chứng khoán đến từ đâu?
13/05/2021 | 09:02
![]() |
TTCK đã thu hút dòng tiền kỷ lục, nhiều phiên giao dịch với giá trị tỷ đô; Ảnh: Như Ý |
TPO – Bất chấp dịch bệnh COVID – 19 đang phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ đà tăng điểm, tăng thanh khoản với việc dòng tiền từ khắp nẻo liên tục đổ về. Sự hấp dẫn của cổ phiếu cứ mua là có lãi từ hơn nửa năm nay đã trở thành “hấp lực” lôi kéo đám đông các nhà đầu tư mới, cùng các tổ chức, quỹ lao vào như thiêu thân. Trong vòng xoáy chứng khoán tăng giá này, ai cũng kỳ vọng mình sẽ kiếm được bẫm.
Giá cổ phiếu đã tăng từ 30-100% thời gian qua, VN- Index vọt lên ngưỡng trên 1.200 điểm mức cao nhất trong lịch sử 10 năm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không nhiều tin quá tốt, dịch bệnh COVID -19 vẫn còn rình rập. Lạ là suốt 4 tháng qua, tiền vào thị trường vẫn nhiều kỷ lục khiến người ta không thể tự hỏi, dòng tiền đến từ đâu?
Tiền tươi thóc thật từ quỹ, từ nhà đầu tư F0
Trong quý I/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay. Đặc biệt, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những phiên giao dịch “tỷ đô”. Dòng tiền tỏ ra phân hóa và chỉ tập trung ở một số mã cổ phiếu có câu chuyện riêng. Theo các chuyên gia, đóng góp vào thanh khoản thị trường, theo phân tích cơ bản có 3 loại dòng tiền.
Thứ nhất, tiền đến từ tài khoản của nhà đầu tư cá nhân đặc biệt lược lượng nhà đầu tư F0 hùng hậu mới gia nhập thị trường. Số liệu công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoáncho thấy, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 là 110.655 tài khoản. Số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường. Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận là tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản cá nhân trong nước.
Thứ hai, tiền của khối ngoại đặc biệt từ các quỹ đầu tư mới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các quỹ đầu tư khác trên thế giới; cũng thống kê của trung tâm lưu ký. Tiền của các tổ chức quỹ đóng- mở uỷ thác trong nước gom vào qua kênh các nhà đầu tư cá nhân .
Cũng theo trung tâm lưu ký, Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng tiếp tục tăng mạnh, mở mới trong tháng 4 là 512 tài khoản, cao hơn mức 502 của tháng 3 và là tháng thứ 2 duy trì mức đột biến trên 500 tài khoản. Hiện tổng số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 38 ngàn tài khoản.
Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy sự sôi động của thị trường chứng khoán trong nước. Thanh khoản trung bình phiên trên sàn HSX trong tháng 4 đạt 18.472 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng trước. Thứ ba, như nhóm phân tích SSI thông tin: dòng vốn ETF đón nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỷ đồng, bên cạnh nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực…
Tuy nhiên, nhân tố tác động đặc biệt nhất để thanh khoản thị trường lên đến cả tỷ đô mỗi phiên, và khiến dòng tiền vào ra sôi động chính xác đến từ việc các công ty chứng khoán kinh doanh tự doanh kèm tiền từ cho vay ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tăng kỷ lục..
Sự thật về dòng tiền vay mượn
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết quý 1/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu 96,21%. Các dư nợ tập trung chủ yếu ở một số tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Vietcombank chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống; Ngân hàng BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46%; TPBank chiếm 8,91%; VIB chiếm 5,25%; Vietinbank chiếm 4,25%, MSB chiếm 4,16%…
Tuy nhiên, nếu so sánh con số NHNN công bố với con số margin UBCK Nhà nước thống kê lên mức 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%. Cụ thể, số liệu chính thức từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho thấy: Con số margin đã lên mức 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%. Trước đó, thời điểm cuối năm 2020, tổng dư nợ ký quỹ tại các công ty chứng khoán được xác nhận là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019.
Bên cạnh vay nợ ngân hàng, trong kỳ, một số công ty chứng khoán đã phát hành trái phiếu lượng lớn như VDSC với khoản phát hành 1.427 tỷ đồng; SHS phát hành 1.100 tỷ đồng; TVSI phát hành 680 tỷ đồng; VCSC phát hành 622 tỷ đồng; Mirae Asset 625 tỷ đồng.
Thống kê của một tạp chí kinh tế uy tín cũng chỉ ra, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô. Trong đó, 20 công ty chứng khoán lớn nhất đã cho vay 98.397 tỷ đồng; tăng 21% so với quý 1/2020. Nguồn tài trợ cho vay của các công ty chứng khoán ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn.
Theo quy định hiện nay, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Do đó, với số liệu về margin hiện nay, đại diện lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, một số công ty chứng khoán đã chạm mức trần đối với cho vay ký quỹ.Cho vay margin có thể hái ra tiền cho khối doanh nghiệp chứng khoán, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lãi từ mục này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều công ty chứng khoán sốc vì khoản nợ xấu margin.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, mặc dù nắm đằng chuôi nhưng thực tế việc xử lý margin không phải chuyện đơn giản, bởi một khi chứng khoán thông báo call margin, xả hàng khiến các công ty chứng khoán khác cũng phải bán theo. Lệnh bán phải có lệnh mua nhưng khi tất cả đều bán giá trị cổ phiếu sẽ lao dốc, thanh khoản “tê liệt”, khi đó cả nhà đầu tư và CTCK đều rủ nhau …cùng chết.
Tháng 4, tiền vào chứng khoán tăng nhờ vốn ETF
Việt Nam là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á nhờ dòng vốn ETF. Dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam. Với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO.
Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên vẫn kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.
(Còn nữa)
Khánh Huyền
***
‘VÒNG XOÁY’ TIỀN, CHỨNG KHOÁN VÀ ĐƯỢC, MẤT:
Nhiều tiền, cổ phiếu dễ bị làm giá?
14/05/2021 | 08:00
![]() |
nhiều mã thời gian qua đã tăng chóng mặt – Ảnh: Như Ý |
TPO – Thị trường chứng khoán thời gian qua chứng kiến sự tăng giá như vũ bão của nhiều cổ phiếu. Theo giới phân tích, dòng tiền rơi vào trạng thái “bí bách” nên hàng nào cũng “múc” là yếu tố kích thích giá cổ phiếu tăng.Đi kèm còn một hiện tượng có thể xảy ra là nhiều cổ phiếu có thể bị làm giá.
Hóng lãi, giá tăng “siêu tốc”
Ngày 19/6/2020, Công ty Cổ phần Thaiholdings mới chính thức niêm yết 53,9 triệu cổ phiếu THD trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.500 đồng/cổ phiếu.Tuy nhiên, đóng cửa phiên 10/5/2021 này, thị giá của THD đã đạt mức 188.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chưa đến 11 tháng đầu tiên giao dịch trên sàn HNX, cổ phiếu THD đã tăng 900% giá. Deal THD này khiến bầu Thuỵ vốn đã nổi tiếng sau vụ chi hơn 1000 tỷ mua cổ phần đấu giá tại khách sạn Kim Liên đã nổi lại càng thêm nổi.
Trên TTCK, Công ty chứng khoán VIX là một cái tên lạ lẫm nhưng cũng bất ngờ từ mức đáy 4.300 đồng/cổ phiếu được thiết lập hồi đầu năm lên mức 30.150 đồng/cổ phiếu tại ngày 10/5. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng giá tới 600%, tức gấp 6 lần từ đáy kể trên. Về tình hình kinh doanh trong năm 2020, VIX ghi nhận lãi sau thuế gần 150 tỉ đồng trong quý III/2020, gần gấp 4 lần cùng kỳ. Năm 2020, công ty đặt kế hoạch lãi sau thuế 80 tỉ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, VIX đã vượt 145% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Có một điều bạn nên nhớ: đầu tư chứng khoán không phải là một cuộc chơi, sàn chứng khoán không phải là sòng bạc. Đã bỏ tiền ra đầu tư cái gì, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình
Kể từ vùng đáy 3.300 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3, tính đến cuối tháng 12, thị giá cổ phiếu LCG của Công ty Cổ phần Licogi 16 đã tăng 359%. Khối lượng giao dịch bình quân quý IV của LCG đạt 2,8 triệu cổ phiếu/phiên.Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, LCG ghi nhận doanh thu hơn 2.273 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận ròng đạt gần 183 tỉ, tăng 20% so với cùng kỳ.
Kể từ vùng đáy 13.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 3, chốt phiên 28.12, cổ phiếu VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt đã đạt mức 68.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 400% Tính đến 30/9/2020, VCI còn 1.436 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 156 tỉ đồng trong quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ, còn hơn 77 tỉ đồng trong quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và gần 585 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần. Tuy nhiên, dù giá vọt tăng đến vậy nhưng xem trên bảng giao dịch có thể thấy, VCI rất ít thanh khoản.
![]() |
Lỗ cũng tăng
Trong góc nhìn của ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Viecombank, năm 2020, nhiều cổ phiếu tăng giá không đi cùng với sự cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các cổ phiếu này có đặc điểm là thu hút được sự chú ý của dòng tiền đầu cơ với nhiều phiên ghi nhận mức tăng đột biến, nhưng xu hướng đi lên khó có thể duy trì trong trung và dài hạn.
Cổ phiếu CTCP Dầu khí Thái Dương (HOSE: TDG) – cổ phiếu penny với thị giá chỉ quanh 2,000 đồng/ cp, đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 02/12 – 07/12. Tuy nhiên, đến 10/5, TDG vẫn chỉ loanh quanh ở mức 4.100 đồng/cp
Cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam cũng có đến 5 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 27/11 đến 03/12, từ mức 1.490 lên tận 2. 100 đồng/cp và đứng ở mức 4.050 đồng/cp ngày 10/5. Đi kèm với đó là khối lượng giao dịch tăng vọt lên hàng triệu cp/phiên (Bất chấp kết quả kinh doanh 9 tháng của VOS vẫn đang lỗ ròng gần 140 tỷ đồng). Phân tích xu hướng tăng cho thấy là nhờ vào hiệu ứng tăng giá chung của nhóm cổ phiếu logistic.PauseUnmuteLoaded: 17.22%Remaining Time -5:50https://imasdk.googleapis.com/js/core/bridge3.487.0_en.html#goog_1246012103Close Player
Ngoài ra, có thể kể đến cổ phiếu CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) thiết lập đà đi lên trở lại. Từ đáy thấp nhất 2.570 đồng/cp đến phiên 10/5, dù đã có bước lùi đáng kể so với thời điểm lên giá cao nhất 9.100 đồng/cp hiện ITA vẫn còn 7.150 đồng/cp.
Dòng tiền bí bách theo các chuyên gia đó chính là lí do khiến cổ phiếu peny tăng mạnh. Cụ thể hơn, với việc dòng tiền tiếp tục rót mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản liên tục gia tăng và lập kỷ lục mới, yếu tố này đã kích thích thúc đẩy thị trường đi lên bền bỉ trong suốt thời gian qua. Và khi mà các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình đã được đẩy giá lên quá cao, khiến không ít nhà đầu tư cho rằng định giá không còn đủ hấp dẫn, dòng tiền sẽ tìm đến các cổ phiếu vốn hóa nhỏ với thị giá thấp và kỳ vọng sẽ có suất sinh lời tốt hơn.
Nhận diện cổ phiếu bị làm giá
![]() |
TTCK tăng nóng khiến nhà đầu tư, công ty chứng khoán đều phải cân. não khi quyết định đầu tư – Ảnh minh họa: Như Ý. |
Với việc nhiều cổ phiếu phi mã tăng từ vài lần cho tới cả chục lần ( 1000%) theo nhiều chuyên gia không loại trừ yếu tố có những cổ phiếu trên thị trường đã được làm giá khéo léo . Một phân tích viên chỉ ra: “Có một số cổ phiếu tăng nóng, không đi kèm với tiềm năng doanh nghiệp, thường là các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Đây chính là nhóm tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên cẩn trọng”.
Vậy làm thế nào để nhận ra một cổ phiếu đang bị làm giá? Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán có kinh nghiệm, không khó để nhận ra cổ phiếu bị làm giá, chỉ cần chịu khó tìm hiểu thông tin, tìm hiểu và phân tích các yếu tố cơ bản. Một thông tin dù tốt đến đâu, cũng chỉ tác động làm tăng giá cổ phiếu trong một biên độ nhất định 10-20%, chứ không thể tăng phi mã.
“Khi xác định đầu tư một cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần phân tích các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đồng thời, phải xác định được mức giá, P/E hợp lý của cổ phiếu đó. Như vậy, nhà đầu tư sẽ tránh được rủi ro mua phải những cổ phiếu bị “làm giá”, mua vào ở mức giá “trên trời” vượt xa giá trị thực tế của nó”, vị này chia sẻ
Cũng nên lưu ý thêm, các cổ phiếu làm giá thường là các cổ phiếu có lượng cổ đông ít và cơ cấu cổ đông lớn chi phối, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít. Những cổ phiếu mới lên sàn, chưa được nhiều người biết đến nhưng có khối lượng giao dịch lớn cũng dễ là đối tượng bị làm giá. Những doanh nghiệp làm ăn bài bản, thuộc rổ VN30 , hay nhóm bluechip tăng giá đã đành, rất nhiều DN làm ăn thua lỗ hay cổ phiếu thuộc hàng penny (thị giá thấp) cũng tăng giá ầm ầm.
“Để tránh mua phải cổ phiếu bị làm giá, điều quan trọng nhất là chế ngự lòng tham!”, giám đốc một CTCK lớn chia sẻ. Theo vị lãnh đạo này, bất cứ nhà đầu tư nào tham gia trên thị trường chứng khoán đều có “lòng tham”, quan trọng là phải biết chế ngự nó như thế nào và tuân thủ đúng nguyên tắc đầu tư.
Thị trường chứng khoán vốn là một hệ thống khá phức tạp, nơi cổ phiếu của các công ty được công khai phát hành và trao đổi mua bán. Đối với một số người, đó là một vực thẳm đen tối, nơi mọi người đánh bạc. Tuy nhiên trên thực tế, đầu tư chứng khoán không phải cờ bạc. Tại sao? Giả sử bạn đặt cược 100 USD cho một lần gieo xúc xắc. Nếu bạn thắng, bạn sẽ nhận được X USD. Nếu bạn thua, bạn sẽ mất toàn bộ 100 USD. Trong đầu tư chứng khoán, bạn có 3 sự lựa chọn, 1 là bạn sẽ lời được X USD khi bạn thắng, 2 là bạn sẽ mất Y USD khi bạn thua và trường hợp 3 là bạn sẽ hòa vốn.
(Còn nữa)
Khánh Huyền
***
‘VÒNG XOÁY’ TIỀN, CHỨNG KHOÁN VÀ ĐƯỢC, MẤT:
Ai được – mất tiền từ chứng khoán?
15/05/2021 | 08:08
![]() |
Thời gian qua TTCK đã thu hút một lượng nhà đầu tư mới và dòng tiền kỷ lục ; Ảnh ( minh hoa) – Như Ý |
TPO – Trên thị trường chứng khoán, cơ bản có 3-4 loại nhà đầu tư tham gia vào thị trường được nhắc tên : quỹ đầu tư, công ty chứng khoán ; nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp ( những loại này có thể được gọi tên bằng cá nập và đội lái); bên cạnh số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ (tính cả F0). Nhà đầu tư nào đủ khôn ngoan hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro “bốc hơi” tiền trong tài khoản?
Nhà đầu tư F0: trả học phí = thua lỗ
Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tính đến cuối tháng 4, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường Việt Nam đã đạt hơn 3,14 triệu tài khoản, tăng 110.655 đơn vị so với tháng liền trước.Trong đó, đa phần là tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước, số lượng tới 109.998 tài khoản mới – điều này đồng nghĩa đã có gần 110 ngàn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường. Những nhà đầu tư này, chắc chắn không ít là những người có tiền nhưng chưa có kiến thức hoặc kinh nghiệm thực chiến.
![]() |
Ngày 10/5, trang tin Vietstock đăng lại bài viết của một nhà đầu tư F0 với tiêu đề “Tôi đã là nhà đầu tư F0 thế nào” . Bài báo lập tức thu hút sự chú ý của bạn đọc và rơi vào vị trí số 1 top đọc nhiều . Theo lời nhà đầu tư này, nhìn thấy các đồng nghiệp, bạn bè và cả những người hàng xóm “thắng lớn” nhờ cổ phiếu tăng cao, anh quyết định “học” theo họ mở tài khoản để trở thành nhà đầu tư chứng khoán F0 nhằm lướt sóng kiếm lời.
Nhà đầu tư kể chuyện anh đã tự nghiên cứu tự mua- bán chứng khoán, chạy trước khi tin tốt được đăng báo ra sao, nhưng cuối cùng thì tài khoản lỗ vẫn hoàn lỗ. Với 500 triệu tiền rút từ tiết kiệm ra mua, sau một thời gian anh đã mất đi 20% số vốn ban đầu. “Nhưng đâu chỉ riêng tôi đang bị lỗ trong đợt đầu tư này. Tìm hiểu các F0 khác, tôi nhận ra những nhà đầu tư nhỏ lẻ này cũng đầu tư theo tính bầy đàn, nghe ngóng thông tin bên lề giống như tôi hơn là dựa vào các thông tin liên quan chỉ số P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu), hoặc đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp để phân tích.”, anh kể lại.
Thực tế, đầu tư chứng khoán có rủi ro cao, không đảm bảo khả năng sinh lời đều đặn như gửi tiết kiệm ngân hàng. TTCK biến động theo chu kỳ, có tăng có giảm. Do đó, nhà đầu tư sẽ có giai đoạn lãi cao, lãi thấp, hòa vốn hoặc lỗ.
Hiện, không có số liệu chính thức nào để kể ra xem các nhà đầu tư F0 đã được mất ra sao trên TTCK thời gian vừa qua tuy nhiên, soi vào các diễn đàn chứng khoán hàng ngày có thể thấy, tỉ lệ nhà đầu tư được rất ít.
Một nhà đầu tư tại diễn đàn “Đầu tư chứng khoán” ngày 11/5 phấn khởi khoe: “Em đầu tư được 2 tuần, bỏ 100 triệu, lãi 2 triệu có được không các cụ” ? Thế là tất cả các thành viên ồn ào vào comment mỗi người một ý, người thì chúc mừng, kẻ bảo thế là bình thường; thậm chí nhiều nick còn bảo cứ từ từ, sẽ đến lúc “mất tiền ngu”.
Với những ai làm doanh nghiệp, có thể biết được mức lợi nhuận trên tài sản từ 20-30%/năm là tỷ lệ đáng ngưỡng mộ. Chính vì vậy, nếu coi việc đầu tư vào cổ phiếu là đầu tư vào doanh nghiệp, có thể thấy dù có thể lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất, việc đánh bại được con số 20-30% là điều khó.
Có nên chạy theo quỹ ngoại, “cá mập” và “đội lái”?
Một trong những phương châm nổi tiếng của bậc thầy về chứng khoán – doanh nhân nổi tiêng Warren Buffett được giới đầu tư nhắc đến nhiều nhất. Phương châm đó có hai nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc 1: Không bao giờ để mất tiền; Nguyên tắc 2: Không bao giờ được quên nguyên tắc một. Lướt sóng cổ phiếu, đầu cơ ngắn hạn là một kênh kiếm lời nhanh được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy nhiên, việc quá tham với các mức lợi nhuận ăn bằng lần, tức gấp đôi gấp ba chỉ trong vòng vài ngày, khiến không ít nhà đầu tư bị sập bẫy.
Được biết đến là những tổ chức có sức ảnh hưởng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mọi hành động của các quỹ ngoại đều được theo dõi sát sao bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Với các quỹ này, chỉ một dấu hiệu tiêu cực từ các nhà đầu tư lớn này cũng có thể khiến thị trường tổn thương nặng nề, bởi đặc điểm “xuống tiền lớn” nên hầu hết các quỹ đều phân bổ danh mục vào các cổ phiếu bluechip trong VN30.
Nhìn lại, năm 2020, 2 quỹ đầu tư lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là VOF – VinaCapital và VEIL – Dragon Capital đã dồn hết sự chú ý vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát. Câu chuyện hấp dẫn của một nhà sản xuất thép tầm cỡ nhất nước với lợi thế về quy mô, giá cả cùng kỳ vọng hưởng lợi trước làn sóng đầu tư công để kích thích kinh tế sau đại dịch, đã kích thích được dòng tiền.
Việc HPG liên tục tăng giá suốt nửa năm qua càng khiến tâm lý các nhà đầu tư say sưa phấn chấn hơn. Ngoài ra, ngân hàng và bất động sản – 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu Vn-Index, cũng nhận sự ưu ái của các quỹ. Việc khối ngoại này mua ròng hay bán ròng miệt mài là một “hàn thử biểu” cho các nhà đầu tư nội xuống tiền hay co cụm.
Tuy nhiên, với thị trường, “đáng gờm” cần phải canh chừng chính là “cá mập” và “đội lái” . Cá mập như thị trường vẫn gọi tên có thể là những nhà đầu tư lâu năm “tay to” gạo cội có tiềm lực tài chính, dạn dày kinh nghiệm.
Bên cạnh, nắm trong tay lượng giao dịch, room margin (hạn mức cho vay); biết mã nào vay nhiều, vay ít các công ty chứng khoán hiện nay với sóng đánh lên đánh xuống – vào ra bất ngờ một số mã chứng khoán họ là nhà tư vấn cũng đang là một trong những “cá mập” trên sàn.
Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp chuyển sàn Hose, hay từ Upcom lên HNX cũng rất mê tín khi chọn CTCK tư vấn, đặc biệt những công ty “mát tay” trong việc hỗ trợ đưa giá cổ phiếu của DN lên cao.
Còn “đội lái” là những nhà đầu tư kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường trong tay có nhiều vốn (tiền mặt) hay cổ phiếu liên kết lại với nhau để làm giá chứng khoán, “đội lái” còn liên kết với các môi giới chứng khoán, công ty niêm yết để thực hiện việc đánh lên hay dìm giá cổ phiếu.
Mục tiêu của đội lái là làm thế nào đẩy giá cổ phiếu lên cao, thu hút được càng nhiều người hưởng ứng “lên tàu” để có thể dễ dàng thoát hàng và thu lợi. Do đó, các đội lái sẽ sử dụng rất nhiều chiêu trò để lôi kéo những nhà đầu tư “nhẹ dạ cả tin” đi theo. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, bầy đàn, nhà đầu tư F0 thời gian qua chính là “mục tiêu” để “cá mập” và “đội lái” ngắm tới khi dẫn dụ họ mua vào cổ phiếu ở giá cao và bị “kẹt hàng” khi giá cổ phiếu rớt thê thảm.
Một môi giới nhiều kinh nghiệm chia sẻ: Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư lại thích đầu tư mạo hiểm, đua lệnh theo các đội lái. Tuy nhiên, mức độ thành công là không nhiều mà hậu quả có thể gánh chịu là rất lớn, rủi ro cao. Các nhà đầu tư chạy theo phân tích kỹ thuật nhiều lúc cũng tình cờ “sập bẫy” đội lái qua thanh khoản mua bán mà không hề hay biết.
Giai đoạn sôi động của thị trường chứng khoán các năm 2007-2010 là thời gian mà “đội lái” chứng khoán hoạt động mạnh nhất.Trên các diễn đàn chứng khoán… “đội lái” tung thông tin gây nhiễu làm các nhà đầu tư chóng mặt, mất phương hướng, mua bán cổ phiếu chạy theo tin đồn.
Đặc biệt, giai đoạn 2010 và nửa đầu năm 2011 được coi là năm của “đội lái”. Giai đoạn này kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn là tiền đề thuận lợi để “đội lái” tung hoành. Tuy nhiên, thời TTCK èo uột, thông tin “đội lái” đa số bỏ nghề hoặc nằm in thở khẽ.
Quãng năm 2020, cụm từ “đội lái” bắt đầu quay trở lại thị trường nhưng ở cấp độ cao, và tinh vi hơn. Đội lái không còn chỉ là những tay cò chuyên nghiệp được thuê đánh lên đánh xuống mà trực tiếp đã có sự tham gia của chính các ông chủ mã cổ phiếu đó.
Khánh Huyền