VNE – APEC (Asia – Pacific Economic Cooperation: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) là một diễn đàn không chính thức thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chức không phải một tổ chức về kinh tế, thương mại. Hợp tác giữa các thành viên là hợp tác giữa các nền kinh tế chứ không phải với tư cách các quốc gia có chủ quyền. Do đó khi đề cập đến các thành viên APEC ta gọi là “các nền kinh tế thành viên”, hoặc “các thành viên”, hoặc “các nền kinh tế”, chứ không gọi là “đất nước” hay “quốc gia”, hay “dân tộc”. Không sử dụng chức danh “Tổng thống”, “Thủ tướng”, “Nguyên thủ quốc gia” hoặc “Người đứng đầu chính phủ” đối với các Nhà Lãnh đạo, mà gọi là các Nhà Lãnh đạo Kinh tế. Do vậy, không gọi là “Hội nghị thượng đỉnh” hay “Hội nghị cấp cao”, mà gọi là “Hội nghị không chính thức các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC”.
Trong tất cả những hoạt động của APEC chỉ sử dụng biểu trưng của APEC và biểu trưng năm APEC của chủ nhà, mà không sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, quốc thiều.
Hong Kông và Đài Loan cũng tham gia APEC với tư cách là nền kinh tế, nhưng theo một quy chế đặc biệt. Theo đó, Đài Loan tham gia với tên gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Chinese Taipei” và Hong Kong tham gia với tên gọi “Hong Kong của Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Hong Kong, China”). Các tên gọi trên được sử dụng trong tất cả các hội nghị, hoạt động, văn kiện, tài liệu, ấn phẩm khác cũng như trong tất cả các thu xếp về hành chính và hội nghị của APEC.
Trật tự của APEC
APEC có 21 nền kinh tế thành viên được sắp xếp theo “trật tự của APEC”. “Trật tự của APEC” đã được chính thức thông qua tại Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC lần thứ II (SOM II) tại Pucon, Chile, tháng 6 năm 2004. Theo đó, trong các hoạt động của APEC, các nền kinh tế thành viên được sắp xếp theo trật tự sau: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong của Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Liên bang Nga, Singapore, Đài Bắc thuộc Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam.
Quan sát viên của APEC
APEC có 3 quan sát viên chính thức: Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương (PIF) mà tên cũ là Diễn đàn Nam Thái Bình Dương (SPF). Các quan sát viên được mời tham dự vào các Hội nghị Quan chức cấp cao APEC (SOM) và các Hội nghị Bộ trưởng. Tuy nhiên đại diện của ba tổ chức quan sát viên không được tham dự phiên họp hẹp của Hội nghị Bộ trưởng diễn ra trước phiên họp toàn thể. Các quan sát viên cũng không được mời tham dự “Hội nghị không chính thức các Nhà Lãnh đạo Kinh tế”. Các nhóm quan sát cùng hợp tác, chia sẻ kỹ năng và kiến thức nhằm giúp cho APEC thực hiện các sáng kiến và đạt được mục tiêu của mình.
Hiệp hội Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASC)
Có 19 Hiệp hội Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASC) được thành lập tại các nền kinh tế thành viên APEC. ASC bao gồm khoảng 100 trường đại học, trung tâm nghiên cứu và trung tâm học giả. Các học giả và các cơ quan nghiên cứu cũng tham gia vào hoạt động của cấp chuyên viên thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác. ASC tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tri thức và văn hóa trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tiến hành các nghiên cứu liên ngành về chính sách với quan điểm độc lập và dài hạn.
Thông tin về diễn đàn APEC
Có thể tiếp cận, cập nhật những thông tin về APEC bằng cách truy cập vào website http://www.apec.org, hoặc bằng cách gửi thư qua đường bưu điện. Ban Thư ký APEC quốc tế cũng gửi miễn phí những bản tin điện tử, cung cấp thông tin liên quan đến kết quả của tiến trình APEC, các ấn phẩm mới, các cuộc họp sắp diễn ra và những thông tin khác. Chỉ cần điền thông tin cá nhân trên trang chủ của APEC để nhận được những bản tin điện tử mới nhất của APEC.