Giáo dục giới tính ở Việt Nam: nhà thờ và nhà nước gửi thông điệp hỗn hợp

 English:  Sex education from church and state sends mixed messages in Vietnam

theguardian: Trong lúc các nhà hoạt động xã hội thuộc nhà thờ tuyên truyền cho sinh viên học sinh thông tin về“những ngày tình dục an toàn, tỉ lệ nạo phá thai cao của Việt Nam cho thấy nhu cầu được tư vấn các biện pháp tránh thai đúng đắn.

MDG : Abortion and family planning in Vietnam

Một cơ sở treo hình ảnh thai nhi 4D tại Hà Nội. Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi chính sách hai con, bao gồm các công cụ chính sách như xử phạt hành chính và kế hoạch hoá gia đình có hỗ trợ. Photograph: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images

Vào một buổi sáng thứ bảy, khoảng 100 người tụ tập tại một buổi lễ tại nhà thờ Thái Hà tại Hà Nội. Trong buổi thuyết giáo, cha cố nói về những nguy hại của tình dục trước hôn nhân và tội lỗi huỷ bỏ đứa trẻ chưa ra đời. Đằng sau hàng ghế ngồi, trên một cái bàn, là một quan tài nhỏ chứa những thai nhi chưa ra đời và những đứa trẻ chết non được các tình nguyện viên thu thập trong cả tuần lễ từ các cơ sở tư nhân. Hôm nay có 13 đứa trẻ trong hộp.

“Đôi khi chúng tôi thu thập được hơn 100 thai nhi,” Tran Thi Huong, một người mẹ ở tuổi 50, thuộc một nhóm nhỏ nhưng ngày càng đông các nhà hoạt động xã hội chống nạo phá thai ở miền Bắc Việt Nam cho biết. Huong nói rằng ngày càng có nhiều người trẻ sinh hoạt tình dục trước hôn nhân và sự thịnh hành của hoạt động nạo phá thai trong xã hội Việt Nam giúp nữ giới làm điều đó một cách thoải mái. “Hệ thống giáo dục trong 60 năm qua dạy con người ta rằng phá thai là bình thường, Huong nói. Các nhà hoạt động phát tờ rơi ở các khu nhà trọ sinh viên cảnh báo giới trẻ về tình dục trước hôn nhân. Họ cung cấp số điện thoại và đề xuất dịch vụ “tư vấn” cho những phụ nữ tìm cách phá thai.

Số điện thoại thuộc về Maria Nguyet Thi Huyen, 45 tuổi. “Chúng tôi dạy các cháu không quan hệ tình dục trước hôn nhân, bà nói. “Chúng tôi cố gắng nói với giới trẻ về giá trị đích thực của tình yêu. Nếu các cháu đã có quan hệ tình dục, chúng tôi nói bảo các cháu chịu trách nhiệm, bảo vệ cuộc sống và xây dựng gia đình”.

Những lời khuyên răn nếu trên cũng đề cập đến quan hệ tình dục vào ngày “an toàn”và các biện pháp khác được răn dạy bởi nhà thờ Công giáo. Những người này cũng cung cấp một chỗ ở nhà mở (open house) nơi các bà mẹ được chăm nom cho đến khi em bé chào đời.

Việt Nam có tỉ lệ phá thai cao, mặc dù các số liệu chính xác khó có được bởi vì nhiều hoạt động phá thai diễn ra ở các cơ sở tư nhân, nơi mà số liệu chính thức không được thu thập.

Một cuộc khảo sát được Hội đồng dân số thực hiện vào năm 2012 với 901 phụ nữ ở tỉnh Thái Bình cho thấy 43% người được khảo sát ít nhất một lần phá thai, một phần ba trong số đó phá thai từ hai lần trở lên.

Tỉ lệ phá thai cao được lý giải là do tâm lý thích con trai và do không sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, Huong cho biết phá thai cũng được “khuyến khích” bởi chính phủ như một hình thức tránh thai bởi vì các cơ sở phá thai có mặt rộng rãi ở khắp nơi và đó là kết quả của việc nhà nước thi hành chính sách hai con.

Vào năm 1980, chính phủ khuyến khích quy mô gia đình nhỏ, lý tưởng là có hai con, điều này có nghĩa là một số công chức nhà nước và đảng viên Đảng Cộng sản có nguy cơ mất chức nếu có nhiều hơn hai con.

Ton Van der Velden đã làm việc trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản và tình dục ở Việt Nam trong gần 10 năm, và hiện đang làm giám đốc quốc gia của Uỷ ban Y tế Hà Lan – Việt Nam – Medical Committee Netherlands-Vietnam.

Ông cũng cho rằng giáo dục là một vấn đề, nhưng ông lập luận theo một cách khác. Những nhà hoạt động thuộc nhà thờ muốn các nhà giáo dục dạy sinh viên không quan hệ tình dục, nhưng Van der Velden cho rằng các nhà giáo dục nên nói: nếu các em quan hệ tình dục, hãy sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. “Giáo dục đang quá kiềm chế vấn đề thuộc về sinh lý, và họ vẫn khuyến khích mạnh mẽ tư tưởng tránh quan hệ tình dục, ông nói. Xã hội Việt Nam rất bảo thủ, ông cho biết thêm: “Trường học là nơi công cộng và mọi người không muốn đề cập đến những chủ đề này một cách công khai”.

Trang*, 32 tuổi, ở Hà Nội, đã từng phá thai 10 năm trước. “Khi tôi học lớp 9, chúng tôi đã được dạy về việc này nhưng tất cả những gì chúng tôi được nghe là một đứa trẻ được tạo thành khi tinh trùng và trứng gặp nhau – còn làm sao chúng gặp nhau thì chúng tôi không được dạy”.

Tuy nhiên, khi Trang có quan hệ tình dục, cô biết về các biện pháp tránh thai từ một cuốn sách mà mẹ cô đã âm thầm bỏ quên trong một tủ sách. Cô dính bầu mặc dù đã uống thuốc ngừa thai. “Tôi phát hiện ra rằng tôi có bầu một tháng trước đám cưới”cô nói. “Tôi đã muốn phá thai bởi vì tôi không muốn mọi người đặt câu hỏi bao giờ đứa trẻ được sinh ra. Ngoài ra, tôi cũng đã uống một ít thuốc kháng sinh và tôi lo cho sức khoẻ của em bé”.

Bất chấp thái độ bảo thủ ở trường học, sự nhận thức về các biện pháp tránh thai lại ở mức khá cao. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi chính phủ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) trong năm 2010, hơn 90% người tham gia khảo sát biết về các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, tỉ lệ phá thai vẫn duy trì ở mức cao. Van der Velden cho biết có một vài nguyên nhân của việc này.

Phá thai có lẽ là chuyện bình thường – Trang cho biết, chỉ có một trong số những người bạn của cô không phá thai – nhưng những gánh nặng tâm lý chưa được nêu ra một cách đầy đủ. Trang nói cô không được tư vấn gì trước khi tiến hành phá thai. Cô đeo nhẫn cưới khi đến cơ sở y tế nên có thể “tránh được những nghi ngờ”, nhưng điều đó không khiến vị bác sĩ thôi thể hiện thái độ khinh khỉnh. “Tôi không nghĩ là bác sĩ đã cho tôi thuốc giảm đau, nó đã rất đau. Nhưng khi tôi khóc, bác sĩ nói tôi đã làm điều tồi tệ và tôi phải chịu hậu quả. Bác sĩ nói tôi có thể sẽ không thể có con sau đó và tôi đã rất lo lắng”.

Linh* đã từng phá thai tại một bệnh viện tư tại Hà Nội khi cô 26 tuổi. “Nhân viên y tế chẳng bảo tôi làm gì. Họ đính ảnh chụp siêu âm vào bộ áo bệnh viện của tôi và tôi phải đi xuyên qua bệnh viện với nó như thể một cái biển tên hay gì đó. Tôi thật sự rất bối rối”, cô nói.

Các nhà hoạt động chống phá thai cho rằng họ đang giúp đỡ và đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ bị bỏ rơi phải tự lo lắng một mình. Nhưng Van der Velden cho rằng sự hỗ trợ đó đã có từ những chuyên gia y tế. “Nếu bạn đi đến một bệnh viện bất kỳ và nói “Tôi đang mang thai nhưng tôi không chắc lắm và muốn được tư vấn về nó”, sẽ luôn có dịch vụ tư vấn cho bạn ở đó”, ông nói. “Nhưng vấn đề là những người trẻ đó không biết là có dịch vụ này. Các cơ quan chính phủ không tăng cường tiếp cập theo cách này”.

Linh nói cô thấy mừng vì không gặp những nhà hoạt động xã hội thuộc nhà thờ. “Nếu có ai đó nói với tôi rằng tôi đã phạm lỗi hay gì đó, thì điều đó sẽ chẳng giúp được gì cho tôi cả”, cô nói. “Tôi chỉ cần sự hỗ trợ trước và sau khi phá thai, chứ không cần ai đó quở trách mình”.

* Tên nhân vật đã được thay đổi vì mục đích bảo vệ cá nhân.

3 bình luận về “Giáo dục giới tính ở Việt Nam: nhà thờ và nhà nước gửi thông điệp hỗn hợp

  1. Cám ơn Hạnh đã dịch bài này nhé.

    “Trang nói cô không được tư vấn gì trước khi tiến hành phá thai. Cô đeo nhẫn cưới khi đến cơ sở y tế nên có thể “tránh được những nghi ngờ”, nhưng điều đó không khiến vị bác sĩ thôi thể hiện thái độ khinh khỉnh. “Tôi không nghĩ là bác sĩ đã cho tôi thuốc giảm đau, nó đã rất đau. Nhưng khi tôi khóc, bác sĩ nói tôi đã làm điều tồi tệ và tôi phải chịu hậu quả. Bác sĩ nói tôi có thể sẽ không thể có con sau đó và tôi đã rất lo lắng”.”

    Giáo dục giới tính có lẽ nên là vấn đề mà cả xã hội cùng chung tay góp sức. Cả nhà trường, nhà thờ, nhà nước, nhà thương… và toàn xã hội nên cùng tham gia vào dự án này.

    Mong mọi bé gái và phụ nữ đều được hưởng một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.

    Thích

  2. Cảm ơn Hạnh đã dịch bài này và comment của Hương.

    Hãy nhìn thẳng vào thực tế của vẫn đề. Mình nghĩ rằng đây không chỉ là vấn đề về sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tinh thần của bà mẹ và trẻ em gái. Đây là vấn đề đạo đức của cả xã hội, của bác sĩ. Từ đó quyết định đến vấn đề pháp lý của vấn đề phá thai

    Giáo dục giới tính trong hệ thống giáo dục VN mù mờ và thiếu phương pháp, thanh thiếu niên cả nam và nữ thiếu kiến thức và phương pháp tránh thai an toàn.

    Một hệ thống tốt cần cung cấp về giáo dục giới tính phù hợp để tránh thai an toàn chứ không phải tránh nói chuyện giáo dục giới tính và khuyến khích phá thai.

    Và tất cả mọi trách nhiệm liên quan đến mang thai đổ vào đầu người phụ nữ. Khi mà xã hội cho phép và tiếp tục cho rằng phá thai là bình thường trong “kế hoạch hoá” gia đình thì sẽ tiếp tục có nhiều hài nhi bị giết bởi người lớn khi chưa kịp ra đời. Các phòng khám hành nghề phá thai tìm dễ như đi khám răng thì tất nhiên người đến phá thai cũng dễ dàng.

    Nhiều nước có luật rõ ràng cấm bác sĩ và phóng khám hành nghề nạo phá thai và chẩn đoán giới tính thai nhi trước khi trẻ em ra đời. Kể cả những nước không có luật cấm phá thai. Khi cặp vợ chồng hay cặp đôi trẻ muốn phá thai luôn luôn có sự tư vấn của bác sĩ không chỉ về mặt sức khoẻ và còn về luật pháp. Có những nơi bác sĩ thậm chí trả lời rất rõ ràng rằng cha mẹ của đứa trẻ không có quyền chất dứt cuộc sống của đứa trẻ thậm chí khi chưa ra đời.

    Cuối cùng một câu hỏi gốc rễ, do đâu mà xã hội hay nhà nước cho rằng phá thai là bình thường và là một biện pháp trong kế hoạch hoá gia đình_

    Thích

    1. Cám ơn những chia sẻ của Hằng.

      Đồng ý với Hằng: “đây không chỉ là vấn đề về sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tinh thần của bà mẹ và trẻ em gái. Đây là vấn đề đạo đức của cả xã hội, của bác sĩ.”

      Về câu hỏi của Hằng: “do đâu mà xã hội hay nhà nước cho rằng phá thai là bình thường và là một biện pháp trong kế hoạch hoá gia đình” – Mình nghĩ một trong những nguyên nhân là bất bình đẳng giới tính ở VN.

      Bài này có nêu khá rõ – Phải ‘lấy chung vợ’, viễn cảnh dễ xảy ra mai sau ở Hải Dương? https://cvdvn.net/2016/07/31/phai-lay-chung-vo-vien-canh-de-xay-ra-mai-sau-o-hai-duong/

      [Trích đoạn]

      Bỏ một đứa con gái tốn có 700.000đ thôi

      Chị Đỗ Thị Thờ ở thôn Cát Khê, xã Hiệp Cát có 3 con gái. Đứa đầu sinh 1992, đứa thứ hai sinh 1996 theo cách tự nhiên nhưng đến đứa tiếp theo đã có sự góp mặt của máy siêu âm giới tính. Dù chị Thờ luôn miệng: “Đẻ được con trai cũng tốt, đẻ được con gái cũng vui” nhưng ánh mắt, nụ cười chị lại ẩn giấu nỗi muộn phiền ghê gớm.

      Chị thú nhận mới một lần bỏ con, trước khi đẻ bé út. Nó là con gái hay trai? Tôi hỏi. “Con gái mới bỏ chứ?. Đi siêu âm biết con gái là bỏ ngay”. Siêu âm ở đâu và bỏ ở đâu? Tôi hỏi tiếp. Chị bảo: “Siêu âm và bỏ đều ở bên ngoài, mất có 700.000 đồng thôi”.

      Rời khỏi cổng nhà, một người dân địa phương mới rỉ tai với tôi rằng chị Thờ không chỉ bỏ 1 lần mà tới 3-4 lần các bé gái trước đó.

      [/ Hết trích]

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s