Hồ Lê – Thứ Sáu, 29/1/2016, 15:06 (GMT+7)
Các ngân hàng đang buộc phải dùng tiền đồng mua đô la Mỹ để cân bằng trạng thái ngoại hối và giữ thanh khoản đô la Mỹ, từ đó có nhu cầu nâng lãi suất tiền đồng. Ảnh: TUỆ DOANH
(TBKTSG) – Từ nửa cuối tháng 12 năm ngoái trở lại đây, các ngân hàng thương mại lần lượt tăng lãi suất huy động tiền đồng (VND), phổ biến ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn. Theo nhận định của đa số, hiện tượng này là do các ngân hàng muốn thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân thông thường này, liệu còn nguyên nhân nào khác tác động lên mặt bằng lãi suất huy động VND?
Từ việc huy động đô la Mỹ có thể đã bị giảm
Ngày 27-9-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất gửi đô la Mỹ (USD), lãi suất đối với tổ chức còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm), lãi suất của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm). Tiếp đó ngày 18-2-2015, NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về 0%/năm. Động thái này nhằm khuyến khích người dân chuyển từ nắm giữ USD sang VND, giúp giảm nhiệt thị trường ngoại hối đang căng thẳng. Tuy nhiên, với việc USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn tăng lãi suất USD, thì nhiều người có thể vẫn chọn nắm giữ đô la Mỹ như là một kênh đầu tư có khả năng sinh lợi hấp dẫn.
Vì vậy, những cá nhân đang nắm giữ USD và kỳ vọng USD sẽ sớm lên giá có thể lựa chọn việc rút dần USD đang gửi tại ngân hàng, khi việc gửi tiền không còn mang lại tiền lãi mà thậm chí có thể bị thu phí. Trong khi đó, nhu cầu thanh toán các hợp đồng ngoại thương thường tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm, nên lượng tiền gửi thanh toán bằng USD của các doanh nghiệp tại ngân hàng cũng có thể đã sụt giảm.
Ngoài ra, nguồn vốn USD đang gửi tại các ngân hàng để tận dụng chênh lệch lãi suất huy động giữa thị trường Việt Nam và Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Trong tám năm qua, nguồn vốn từ những nước có lãi suất USD thấp chạy vào nơi có lãi suất USD cao như thị trường Việt Nam là bao nhiêu, khó có thể đo đếm được. Nay khi Fed tăng lãi suất USD trở lại và Việt Nam áp dụng lãi suất USD bằng 0 thì nguồn tiền gửi này có thể chảy ngược trở ra.
Tất cả những điều trên đã gây áp lực thanh khoản USD và ảnh hưởng đến trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng vốn đang được quy định không được vượt quá 20% vốn tự có. Để giải quyết tình trạng này, các ngân hàng buộc phải sử dụng VND để mua USD nhằm cân bằng trạng thái ngoại hối và giữ thanh khoản USD ở mức ổn định, từ đó có nhu cầu nâng lãi suất đầu vào VND để thu hút tiền gửi VND, do không thể tăng lãi suất USD được nữa.
…Đến việc VND bị rút ra chuyển sang các tài sản khác
|
Cũng trong bối cảnh kỳ vọng USD tăng giá, nhiều nhà đầu tư có thể đã quyết định chuyển dịch tài sản từ VND sang USD. Với lãi suất VND hiện tại ở mức 5-6%/năm, trong khi lạm phát 2016 có khả năng tăng cao hơn năm 2015, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc nắm giữ USD và chờ USD lên giá sẽ có lợi hơn việc hưởng mức lãi suất thực khi gửi tiền tại ngân hàng (là lãi suất danh nghĩa sau khi trừ đi lạm phát).
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi từ chính sách tiền tệ giá rẻ của Fed trong những năm qua có thể đang tìm đường hồi hương, mà biểu hiện rõ nhất là việc các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi các quỹ ETF cũng như bán ròng trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây. Điều này càng làm tăng kỳ vọng USD sẽ lên giá và kích thích các nhà đầu tư nắm USD nhiều hơn.
Do đó, khả năng một làn sóng rút tiền gửi VND tại các ngân hàng, chuyển sang nắm giữ USD, để lướt sóng ngắn hạn là có. Và khi đó, thanh khoản của các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực hơn, nhất là khi đi cùng với thời điểm cuối năm nhu cầu rút vốn và vay vốn để kinh doanh tăng lên.
Ngoài ra, thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục sau một giai đoạn đóng băng; thị trường chứng khoán sụt giảm về vùng giá hấp dẫn dù tiềm năng và cơ hội phía trước là rất lớn khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do; thị trường vàng cũng đã trong một giai đoạn giảm giá khá lâu và có khả năng phục hồi. Nhiều nhà đầu tư có thể đẩy mạnh sang các kênh đầu tư này hoặc đa dạng hóa các tài sản nắm giữ thay vì chọn kênh gửi ngân hàng để hưởng lãi suất như từ trước đến nay.
Đứng trước những áp lực đó, động thái tăng lãi suất huy động VND là một quyết định có thể hiểu được của các ngân hàng để cân đối thanh khoản và tác động đến các lựa chọn đầu tư của khách hàng, nhất là khi nhu cầu vay vốn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2016.