Nam Thủy Bắc Điều – tham vọng chuyển nước nhiều tranh cãi của Trung Quốc

VNE – Thứ ba, 30/8/2022, 19:00 (GMT+7)

Nam Thủy Bắc Điều – tham vọng chuyển nước nhiều tranh cãi của Trung Quốc

Nam Thủy Bắc Điều là đại dự án đưa nước từ các con sông miền nam tới miền bắc khô hạn của Trung Quốc, nhưng gây nhiều tranh cãi về môi trường.

Sơ đồ các tuyến dẫn nước trong dự án Nam Thủy Bắc Điều. Nguồn dữ liệu: Global Times

Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cho biết dự án Nam Thủy Bắc Điều, hệ thống vận chuyển nước lớn nhất thế giới, đưa nước từ miền nam lên miền bắc Trung Quốc xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, được thử nghiệm thành công ngày 25/8. Đợt thử nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá quá trình vận hành toàn bộ 155 đơn vị và đưa toàn bộ đại dự án vào hoạt động.

Trung Quốc mất 50 năm kể từ khi lên ý tưởng đến bắt đầu thực hiện dự án này. Khi dự kiến hoàn thành vào năm 2050, Nam Thủy Bắc Điều được kỳ vọng sẽ chuyển gần 50 tỷ mét khối nước mỗi năm tới các vùng đô thị ở phía bắc.

Đại công trình sẽ nối bốn con sông chính của Trung Quốc gồm Trường Giang (còn gọi là Dương Tử), Hoàng Hà, Hải Hà và sông Hoài, với ba tuyến vận chuyển nước chính từ nam tới bắc, qua các khu vực miền đông, trung tâm và miền tây Trung Quốc.

Dự án hoàn chỉnh ước tính có chi phí khoảng 62 tỷ USD, gấp đôi so với đập Tam Hiệp từng gây tranh cãi của Trung Quốc.

Thiếu nước từ lâu là một vấn đề gây đau đầu ở miền bắc Trung Quốc, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp và nông nghiệp. Nguồn nước ngầm ở đây bị khai thác quá mức để phục vụ nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp, khiến nhiều vùng nông thôn rơi vào tình trạng thiếu nước. Nước ngầm cạn kiệt cũng khiến khu vực thường xuyên đối mặt nguy cơ sụt lún và bão cát.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1952 đưa ra ý tưởng chuyển nước từ miền nam, với tham vọng giảm bớt tình trạng thiếu nước ngày càng tăng ở Bắc Kinh, Thiên Tân và các tỉnh miền bắc như Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Đông.

Một phần dự án Nam Thủy Bắc Điều chạy qua Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Nửa thế kỷ sau, ngày 23/8/2002, dự án được Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt sau quá trình nghiên cứu, lập kế hoạch và thảo luận sâu rộng. Dự án bắt đầu với tuyến phía Đông vào tháng 12/2002. Một năm sau, tuyến Trung tâm được khởi công.

Một công ty trách nhiệm hữu hạn đặc biệt đã được thành lập để phụ trách xây dựng, vận hành và bảo trì dự án, với mỗi tỉnh được yêu cầu thành lập một công ty cấp nước để quản lý các vấn đề cơ sở hạ tầng và hành chính trên địa bàn của họ.

Tuyến Đông dự kiến cung cấp nước cho tỉnh Sơn Đông và miền bắc tỉnh Giang Tô trong năm 2007, nối Sơn Đông với sông Trường Giang và đưa nước về phía bắc tới đồng bằng Hoàng Hoài Hải qua kênh đào lớn Bắc Kinh – Hàng Châu.

Được chuyển hướng từ một nhánh lớn của sông Trường Giang, gần thành phố Dương Châu, nước chảy dọc theo các con sông hiện có tới dãy núi Ngụy Sơn của Sơn Đông, trước khi xuyên qua sông Hoàng Hà thông qua một đường hầm và chảy tới Thiên Tân.

Tuyến Đông dài hơn 1.155 km, với 23 trạm bơm có công suất lắp đặt gần 454 megawatt trong giai đoạn đầu tiên, để bổ sung cho 7 trạm hiện có.

Tuyến Đông cũng gồm một đường hầm dài 9 km kéo dài từ lối ra của hồ Đông Bình tới lối vào kênh đào Weilin, trong đó có một đoạn đường ống dài 634 m cùng hai đường hầm có đường kính 9,3 mét nằm sâu 70 mét dưới lòng sông Hoàng Hà.

Quá trình xây dựng từng bị trì hoãn do tình trạng ô nhiễm hóa chất công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp, đe dọa chất lượng nước. Tuy nhiên, nước đã bắt đầu chuyển hướng tới Sơn Đông từ năm 2014 và tới Thiên Tân vào tháng 10/2017.

Tuyến Trung tâm bắt đầu được khởi công vào tháng 12/2003. Nó ban đầu được dự kiến hoàn thành trước khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8/2008 để cung cấp nguồn nước cho thủ đô Trung Quốc. Tuy nhiên, tới tháng 9/2008, dự án mới hoàn thành được 307 km.

Tuyến Trung tâm chuyển hướng nước từ hồ chứa Đan Giang Khẩu ở sông Hán Giang qua các kênh đào mới gần rìa tây đồng bằng Hoàng Hoài Hải, để chảy qua các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc đến Bắc Kinh. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 1.267 km.

Dự án tuyến Trung tâm đã bị hoãn lại tới năm 2014 do mở rộng hồ chứa Đan Giang Khẩu. Tới tháng 12/2014, tuyến Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động.

Thành phố Thiên Tân gần đó cũng có thể lấy nước từ một nhánh gần huyện Từ Thủy của tỉnh Hà Bắc. Tuyến Trung tâm ban đầu được thiết kế để chuyển 9,5 tỷ mét khối nước mỗi năm và dự kiến tới năm 2030 là 13-14 tỷ mét khối. Công trình cũng bao gồm hai đường hầm có đường kính 8,5 mét, dài 7 km, với lưu lượng khoảng 500 mét khối/giây.

Trữ lượng nước giảm ở hồ Đan Giang Khẩu đã khiến các kỹ sư Trung Quốc đề xuất phương án lấy thêm nước từ hồ chứa Tam Hiệp để tăng nguồn cung.

Sơ đồ các tuyến dẫn nước trong dự án Nam Thủy Bắc Điều. Nguồn dữ liệu: Global Times

Dự án tuyến Tây, liên quan tới công trình ở cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng với độ cao 3.000-5.000 mét so với mực nước biển, dự kiến bắt đầu năm 2010. Tuy nhiên, tuyến này tới nay vẫn trong giai đoạn quy hoạch vì đối mặt nhiều thách thức lớn về kỹ thuật và khí hậu.

Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2050, tuyến Tây sẽ giúp chuyển 4 tỷ mét khối nước từ ba nhánh sông Trường Giang, gồm sông Tongtian, Yalong và Dadu, vượt quãng đường gần 500 km qua dãy núi Bayankala tới tây bắc Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng dự án Nam Thủy Bắc Điều là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước ở miền bắc, vừa khắc phục vấn đề lũ lụt ở miền nam. Khả năng tiếp cận với nguồn nước mới cũng giúp duy trì các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở miền bắc.

Cho đến nay, tuyến Đông và tuyến Trung tâm đã chuyển khoảng 54 tỷ mét khối nước kể từ khi đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho 140 triệu người, theo China Daily.

Dự án cũng được xem là một thành tựu lớn về kỹ thuật, niềm tự hào của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kỳ vọng Nam Thủy Bắc Điều có thể trở thành công trình thu hút nhiều khách du lịch.

Tuy nhiên, đại dự án cũng gây ra nhiều lo ngại và tranh cãi trong quá trình xây dựng. Qiu Baoxing, thứ trưởng phụ trách nhà ở của Trung Quốc, từng cho rằng dự án khó duy trì và không cần thiết vì chỉ dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.

Ma Jun, chuyên gia môi trường hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vốn đã xấu đi ở Trung Quốc và chỉ khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách vô tâm hơn. Ông cho rằng họ đã rút cạn nước ngầm vì biết các vùng ngập lụt phía nam sẽ cung cấp cho họ nước sử dụng.

Một trong những lo ngại ngay từ đầu của dự án là khả năng lây lan dịch bệnh theo dòng nước, đặc biệt là bệnh sán máng ở ốc sên, từ miền nam lên miền bắc Trung Quốc. Dự án thiết kế nhiều nhà máy xử lý nước, song nhiều nhà khoa học và chuyên gia môi trường vẫn hoài nghi hiệu quả của chúng trong ngăn chặn nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ nước.

Quá trình xây dựng các kênh đào cũng gây tranh cãi về hậu quả sinh thái nghiêm trọng, gồm xâm nhập mặn và phá hủy môi trường sống. Mùa hè năm 2013, những người nuôi thủy sản trên hồ Đông Bình, nằm tuyên tuyến Đông, đã khiếu nại rằng nước sông Trường Giang bị ô nhiễm chảy vào hồ đã khiến cá của họ chết hàng loạt.

Một phần kênh đào của tuyến Trung tâm khi đang xây dựng gần Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Reuters.

Nông dân ở một số huyện của tỉnh Hà Bắc từng được yêu cầu chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô để bảo tồn nước cho một trong hai hồ chứa chính của Bắc Kinh. Ít nhất 330.000 người đã phải di dời để phục vụ kế hoạch xây dựng dự án.

Một số thành phố nằm dọc tuyến chuyển hướng nước buộc phải đóng cửa doanh nghiệp để lấy mặt bằng cho dự án, hoặc nhằm tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước. Điều này khiến một số địa phương đối mặt tình trạng giảm nguồn thu thuế và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vì đại dự án chuyển nước.

Điều khiến nhiều người lo ngại hơn là dự án chuyển hướng dòng nước sẽ làm tổn hại các dòng sông quan trọng nhất của Trung Quốc, gồm Hán Giang, nguồn nước chính cho khoảng 30 triệu người, và Trường Giang, chảy qua 11 tỉnh, cung cấp nước cho 400 triệu người.

Những người quản lý dự án cho biết khi cả ba tuyến chuyển nước hoàn thành, sông Trường Giang chỉ mất khoảng 5% lượng nước đổ vào đại dương mỗi năm. Họ cũng tuyên bố chính quyền địa phương đã xây dựng các đập bổ sung để đảm bảo dòng nước xuống hạ lưu đến các thành phố như Tương Dương.

Tuy nhiên, người dân Tương Dương cho biết kể từ khi dự án được triển khai, nguồn nước sông của họ không những giảm mà còn trở nên ô nhiễm hơn.

Theo báo cáo của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, Mỹ, đại dự án còn có thể ảnh hưởng tới nguồn nước của những con sông chảy xuống phía nam.

Trung Quốc ước tính sẽ rút 200 tỷ mét khối nước mỗi năm từ các dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng như Yarlung Zangbo, Thanlwin và sông Mekong. Khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào nguồn nước từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc.

Giới chuyên gia còn cho rằng lưu lượng dòng chảy của các con sông giảm sẽ làm chậm quá trình lắng đọng trầm tích, vốn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành các vùng đất ngập nước giúp giảm ô nhiễm và nuôi dưỡng hệ sinh thái của sông.

“Dự án sẽ trở nên vô nghĩa nếu những vấn đề này không được giải quyết. Bạn thậm chí còn chưa giải quyết được vấn đề cũ, nhưng đã tạo ra vấn đề mới”, nhà môi trường Trung Quốc Yang Yong từng nói.

Thanh Tâm (Theo China Daily, QZ)

***

Thứ ba, 24/12/2019, 10:30 (GMT+7)

Đại dự án chuyển nước thỏa tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc xây dựng hệ thống chuyển nước lớn nhất thế giới nhằm đưa nước tới miền bắc khô hạn, nhưng dự án vấp phải nhiều chỉ trích.

Trong năm hạn hán 2017, hầu hết nước uống ở thủ đô Bắc Kinh được vận chuyển qua quãng đường dài 1.432 km, bắt đầu từ hồ chứa Đan Giang Khẩu ở vùng núi hẻo lánh, trập trùng, miền trung Trung Quốc. Mất 15 ngày để nước chảy về phía bắc bằng kênh đào và ống dẫn xuyên qua sông Hoàng Hà, tới các nhà máy xử lý ở Bắc Kinh. 2/3 nước máy và 1/3 tổng nguồn cung nước ở thủ đô Trung Quốc đến từ Đan Giang Khẩu.

Mùa đông và xuân năm 2018 là giai đoạn hạn hán kéo dài kỷ lục từng được ghi nhận ở thủ đô. Khi đó, hồ chứa nước này tiếp tục là “cứu tinh”. Không có mưa hay tuyết rơi ở Bắc Kinh suốt 5 tháng, nhưng thủ đô Trung Quốc không bị gián đoạn nguồn cung cấp nước. Còn tại tỉnh Sơn Tây, chính quyền địa phương phải đưa ra định mức khẩu phần nước.

Chính quyền Trung Quốc rất hài lòng với dự án này, dù tốn kém và vấp phải nhiều chỉ trích.

Chuyển nước Nam – Bắc là dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Đây là hành trình vận chuyển nước lớn nhất giữa các lưu vực sông trong lịch sử. Phản ứng chính của Trung Quốc với mối đe dọa lớn nhất từ dự án này, không gì khác ngoài mối lo thiếu nước, bất chấp ô nhiễm môi trường.

4/5 lượng nước ở Trung Quốc nằm ở miền nam, nơi nửa số dân sinh sống. Nhưng ở miền bắc, 11 tỉnh có mức nước bình quân đầu người ít hơn 1.000 mét khối một năm, được xem là tình trạng khủng hoảng nước theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 8 tỉnh có mức nước bình quân chỉ bằng nửa con số này.

4 trong 5 tỉnh khô cằn nhất là những nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, tạo ra 45% GDP và nửa lượng điện năng. Không quá lời nếu nói rằng tương lai nền kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa vì thiếu nước.

Trở lại 1952, năm cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông kết luận rằng “miền nam dồi dào nước, miền bắc ít hơn nhiều, nếu có thể, miền bắc nên mượn một chút”. Dự án được thực hiện bằng cách liên kết sông Dương Tử ở miền nam tới các khu vực thiếu nước ở miền bắc. Kênh chuyển nước giữa Bắc Kinh và Đan Giang Khẩu nằm trên một nhánh sông Dương Tử, vận hành từ năm 2014.

Một tuyến khác ở phía đông, hoạt động từ năm 2013, sử dụng kênh đào Đại Vận Hà cổ xưa, nối Hàng Châu với Bắc Kinh. Đại Vận Hà là thành tựu thủy văn vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kênh đào thứ ba được lên kế hoạch chuyển nước từ cao nguyên Tây Tạng, nhưng khu vực này dễ động đất và sạt lở, khiến dự án bị hoãn vô thời hạn.

Toàn bộ dự án, nếu hoàn thành, sẽ vận chuyển 45 tỷ mét khối nước, bằng khoảng 7% lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc. Hai kênh dẫn nước đang hoạt động có thể chuyển được 25 tỷ mét khối nước hàng năm từ nam lên bắc. Cho đến nay, các dự án tiêu tốn chi phí lớn, khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (48 tỷ USD), gấp đôi dự tính ban đầu, theo Zhang Jiyao, giám đốc đầu tiên của dự án.

Dự án gây tranh cãi từ ban đầu. Trong một chỉ trích công khai hiếm hoi, Qiu Baoxing, thứ trưởng phụ trách nhà ở của Trung Quốc, cho rằng dự án khó duy trì và không cần thiết vì chỉ dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.

Ma Jun, chuyên gia môi trường hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vốn đã xấu đi ở Trung Quốc và chỉ khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách vô tâm hơn. Ông nghĩ rằng họ đã rút cạn nước ngầm vì biết rằng các vùng ngập lụt phía nam sẽ cung cấp cho họ nước sử dụng.

Đoạn kênh trong dự án chuyển nước Nam – Bắc chạy qua thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Giới chức gạt bỏ các cáo buộc, tuyên bố dự án thành công mỹ mãn trong năm đầu tiên hoạt động. Hơn 50 triệu người được cung cấp nước từ dự án, theo Bộ Nguồn nước Trung Quốc. Mức giảm mực nước dưới lòng đất Bắc Kinh, vốn ở mức báo động 1-3 mét do hoạt động bơm nước giếng, đã chậm lại.

Dự án giúp phục hồi các hệ sinh thái bị xói mòn nghiêm trọng lân cận, như hồ Juyanhai ở Nội Mông, khu vực trở nên khô cằn hơn từ năm 1992. Dự án được kỳ vọng làm GDP tăng 0,1-0,3 điểm phần trăm, nhờ khôi phục lại các hoạt động kinh tế từng bị hạn chế vì thiếu nước. Nhưng các lợi ích này khó đo đếm được.

Trên thực tế, dự án chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước của Bắc Kinh. Bắc Kinh sử dụng khoảng 3,6 tỷ m3 nước mỗi năm. Thủ đô có 2,1 tỷ m3 nước trong các hồ chứa, sông ngòi địa phương, cộng với 1,1 tỷ m3 nước từ kênh chuyển nước. Như vậy, Bắc Kinh chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước, buộc phải bù đắp bằng nước ngầm.

Khi dân số gia tăng và kinh tế phát triển, mức tiêu thụ nước của Bắc Kinh có thể tăng lên hơn 4 tỷ m3 vào 2020. Nếu điều đó xảy ra, giả thuyết kế hoạch chuyển nước vận hành như dự kiến, chỉ 2/3 lượng nước thiếu hụt được đáp ứng.

Ở khu vực miền bắc, nhu cầu nước dự kiến tăng lên 200 tỷ m3 vào năm 2050, theo ước tính của chính phủ. Hai kênh dẫn nước đang hoạt động chỉ đáp ứng được 1/8 số này. Tóm lại, dự án chuyển nước sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu nước ở miền bắc Trung Quốc ngay cả khi được vận hành đúng kế hoạch.

Thực tế không như vậy. Dự kiến, một năm 9,5 tỷ m3 nước sẽ chảy qua kênh dẫn nước trung tâm. Nhưng giới chức ở thượng nguồn Đan Giang Khẩu nói rằng chưa đến nửa lượng nước dự kiến khai thác được chuyển đi từ hồ chứa trong năm 2017, một phần do giá nước hồ chứa cao và nhu cầu thấp hơn kỳ vọng.

Ngoài ra, hồ chứa tương đối nhỏ, dung tích đạt 29 tỷ m3. Các kỹ sư lo ngại nếu chuyển 1/3 lượng nước hồ đi mỗi năm sẽ làm khuấy động khối bùn khổng lồ dưới lòng hồ. Bắc Kinh vẫn nhận được lượng nước như hứa hẹn, nhưng các tỉnh lân cận chỉ nhận được 1/3.

Khi dự án được thiết kế, giới chức tuyên bố toàn bộ miền bắc sẽ được hưởng lợi, nhưng dự án trên thực tế dường như chỉ đem lại lợi ích cho Bắc Kinh. Bắc Kinh là một trong những nơi giàu có nhất của Trung Quốc trong khi khu vực quanh hồ chứa thì ngược lại. Nhiều người chỉ trích dự án đã “lấy của người nghèo chia cho người giàu”.

Hai kênh đào trung tâm và phía đông trong dự án chuyển nước Nam – Bắc nối từ sông Dương Tử lên miền bắc, trong khi kênh phía tây đang bị trì hoãn. Đồ họa: Economist.

Do hoạt động dưới công suất, dự án được cho là ít gây ra thiệt hại hơn. Nhưng hơn 380.000 người đã phải di dời, nhường chỗ mở rộng hồ chứa. Vì các nhà quy hoạch lo ngại ô nhiễm, nhiều ngành kinh tế dọc kênh đào và hồ chứa buộc phải ngừng hoạt động, trong đó có nền tảng chính của kinh tế Đan Giang Khẩu như nuôi trồng thủy sản và chế biến củ nghệ. Kết quả là chi phí tái định cư cao và nguồn thu thuế giảm.

Li Xuanxiu là dân tái định cư của dự án. Cô nói mình phải di dời hai lần khi chính phủ nâng mực nước hồ chứa. Zhao Keqian, dân làng lân cận, cho biết mọi người hiểu mục đích của dự án nhưng chính quyền địa phương thì không. “Chính quyền không quan tâm tới chúng tôi”, ông than phiền.

Zhao cho biết giới chức chi 450 nhân dân tệ mỗi mét vuông đền bù giải tỏa căn nhà cũ, nhưng thu 1.000 nhân dân tệ cho căn mới. Chính quyền cũng thu 40% trong số tiền trả cho việc giải tỏa, cho rằng đó là đất của nhà nước. Zhao cho rằng ông tái định cư với ngôi nhà mới, không tiền tiết kiệm, không việc làm. 600 nhân dân tệ hỗ trợ mỗi năm từ chính phủ không đủ chi tiêu.

Xuôi theo kênh đào từ Đan Giang Khẩu, vấn đề ô nhiễm dường như khó giải quyết. Bằng cách chuyển nước khỏi Dương Tử, dự án đã khiến dòng chảy sông chậm lại, giảm khả năng cuốn trôi các chất gây ô nhiễm và không duy trì được các vùng đầm lầy, vốn được xem là túi trữ nước, hạn chế lũ lụt.

Để bù đắp lượng nước lấy đi, chính quyền địa phương xây các con đập nhằm chuyển nước về lại dòng sông. Tỉnh Thiểm Tây đang xây đập trên sông Hán để chuyển nước về lại sông Ngụy, vốn cạn kiệt nước.

Nhưng dự án vấp phải chỉ trích, không chỉ tiền bạc mà còn làm xao lãng vấn đề thực sự về nước của Trung Quốc: ô nhiễm và lãng phí tài nguyên nước. Năm 2017, 1/10 mẫu nước trên sông Hoàng Hà không phù hợp tưới tiêu. Bộ Đất đai Trung Quốc cho rằng nửa lượng nước ngầm ở miền bắc quá bẩn cho hoạt động nhà máy.

Ở châu Âu, 80% nước trong công nghiệp được tái chế. Tỷ lệ này ở Trung Quốc bằng một nửa. Năm 2015, một nghiên cứu do Jon Barnett, giáo sư đại học Melbourne, thực hiện và đăng trên tạp chí Nature cho rằng Trung Quốc không cần dự án. Trung Quốc có thể tự cung cấp đủ lượng nước nếu tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm.

Để được cấp tín dụng khi đến hạn, chính phủ bắt đầu tăng giá nước nhằm giảm lãng phí. Dự án đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này. Cuối năm 2017, hệ thống thuế mới có hiệu lực ở 9/11 tỉnh thiếu nước. Nước từ dự án Chuyển nước Bắc – Nam đắt hơn tại địa phương. Việc này trên lý thuyết là nhằm khuyến khích dùng nước tiết kiệm nhưng thuế mới vẫn thấp. Chi phí chuyển nước cao hơn không do người tiêu dùng chịu mà do các chính quyền địa phương. Như vậy, dự án không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nước.

Ngoài ra, hạ tầng nước đô thị từ lâu không được nâng cấp. Cống thoát bị nghẽn, đường ống rò rỉ. Thay vì nỗ lực khắc phục và kiềm hãm nhu cầu sử dụng nước, Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường nguồn cung. Hôm 12/12, giới chức Trung Quốc tuyên bố mở rộng dự án chuyển nước nhằm cung cấp nước cho tỉnh An Huy và Sơn Đông ở phía tây, cũng như các khu vực quanh Bắc Kinh.

Dự án Chuyển nước Bắc – Nam là phép thử cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông thường cho rằng Trung Quốc phải ngừng tăng trưởng một cách mù quáng bất chấp hậu quả môi trường. Ông thừa nhận lưu vực sông Dương Tử cần được bảo vệ. Trong cuộc cải tổ hồi tháng 3/2018, Bộ Môi trường đã đảm nhận vai trò giám sát dự án chuyển nước.

Zhang, giám đốc đầu tiên của dự án, từng phát biểu hồi năm 2013 rằng giải pháp cho vấn đề nguồn nước của Trung Quốc là bảo tồn.

“Dùng dự án chuyển nước để duy trì tăng trưởng kinh tế là sự bế tắc”, Zhang nói.

Nhật Duy (Theo Economist)

Bình luận về bài viết này