Nở rộ dự án du lịch tâm linh (3 kỳ)

Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ I): Chưa được định danh, khó kiểm soát

LÊ SÁNG | 13/10/2020, 05:00:00

DDDN – Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong các quy định hiện hành không có quy định về khái niệm công trình tâm linh mà chỉ quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Hiện tượng các dự án du lịch tâm linh nở rộ tại nhiều tỉnh thành, địa phương (Ảnh: Chùa Bái Đính – Ninh Bình)

Mới đây, trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, theo quy định pháp luật hiện hành về tôn giáo tín ngưỡng, du lịch, đất đai và xây dựng không quy định về khái niệm công trình tâm linh mà chỉ quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Sắp tới Bộ sẽ rà soát quy hoạch công trình tâm linh kết hợp du lịch sinh thái trên cả nước.

Hiện nay soi chiếu vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì việc quy hoạch, xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng được điều chỉnh tại một số luật như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai, Luật Du lịch, Luật Xây dựng.

Theo đó, đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng là công trình di tích lịch sử văn hóa, việc quản lý quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 166 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Riêng đối với các hạng mục công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây mới thuộc các khu du lịch, việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Xây dựng. Như vậy, khái niệm “công trình tâm linh” chưa xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội, thời gian qua, ở một số địa phương đã có việc một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới hoặc cải tạo nâng cấp tại các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và góp phần phát triển du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương.

“Tuy nhiên, các quy định pháp luật điều chỉnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình tôn giáo tín ngưỡng có kết hợp phục vụ phát triển du lịch hiện nay còn tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành chưa đủ rõ” – báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.

Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú. Ảnh. Hữu Thắng

Trong thực tế, thời gian qua đã ghi nhận hiện tượng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh theo kiểu “bạt núi, lấp sông, ta trồng di tích” khiến hàng trăm hecta đất rừng, đất lúa bị xóa sổ, ảnh hưởng đến môi sinh và đời sống của nhiều người dân nơi có “dự án”.

Theo nhận định của các chuyên gia về pháp lý và văn hóa hóa thì dù đã có quy định về việc đất và công trình tôn giáo phải xuất phát từ nhu cầu và khảo sát của cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện những “siêu dự án” với danh nghĩa là khu du lịch văn hóa, tâm linh, tôn giáo để kinh doanh thu tiền lại đang có hiện tượng nở rộ ở nhiều địa phương dựa vào “năng lực” của tổ chức, doanh nghiệp chứ chưa thực sự từ nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân. 

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần sớm có các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn, phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, hủy hoại môi sinh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện do chúng ta chưa có quy định rõ ràng về quy chuẩn kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa cho các công trình “tâm linh” này dẫn đến việc “mạnh ai nấy xây” rất khó kiểm soát.

KỲ II: Nhập nhèm tâm linh và kinh doanh kiếm lợi

***

Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp “thỉnh không” hàng ngàn hecta đất

LÊ SÁNG | 15/10/2020, 05:00:00

DDDN “Thỉnh không” hàng ngàn hecta đất trong khi công trình tâm linh chỉ chiếm phần nhỏ trong diện tích đất được giao, các dự án đang nhập nhèm yếu tố tâm linh và kinh doanh kiếm lợi.

Chùa Tam Chúc do doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đầu tư xây dựng được Bộ TN&MT kết luận là được giao đất chưa rõ đối tượng và mục đích cũng có nghĩa là dự án này chưa đóng đồng tiền đất nào vào ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, cụm từ dự án “du lịch tâm linh” được nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng như câu “thần chú” để có thể “thỉnh không” về hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, kể cả đất lâm nghiệp, nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa để triển khai những siêu dự án “du lịch tâm linh” mà không phải đón một đồng tiền thuê đất nào.

Một trong những “đai gia” trong giới phát triển các dự án “du lịch tâm linh” là cái tên Xuân Trường khi doanh nghiệp này đã và đang đang ồ ạt xây dựng các dự án tâm linh quy mô lớn, dự án sau lớn hơn dự án trước.

Cụ thể, như tại quần thể chùa Bái Đính được xây dựng với diện tích 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, còn lại là các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị…

Dự án du lịch tâm linh chùa Bái Đính chỉ có khoảng 107 ha đất cho công trình tôn giáo trên 539ha đất của cả quần thể

Tiếp sau chùa Bái Đính là doanh nghiệp Xuân Trường đã tiếp tục triển khai những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng “khủng”. Tại Hà Nam, doanh nghiệp Xuân Trường thông báo đầu tư đến 11.000 tỷ đồng để xây dựng một quần thể chùa chiền lớn nhất thế giới với diện tích 5.100ha, nằm bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam).

Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này cũng thông báo đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ xây dựng bảo tháp Phật giáo lớn nhất thế giới khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha).

Liên quan đến việc cấp diện tích lớn đất cho hàng loạt dự án “du lịch tâm linh” trên, hồi tháng 8/2019, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho biết các dự án tại Ninh Bình, Hà Nam chưa xác định được đối tượng được giao đất cũng như mục đích, chế độ sử dụng đất. Điều này là ngân sách nhà nước chưa thu được đồng nào từ dự án trong khi các dự án này đang thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Tại Thái Nguyên, tại thời điểm tháng 9/2019, dù đã thông tin quảng bá rầm rộ về dự án “du lịch tâm linh” tại đây nhưng theo Bộ TN&MT tỉnh này chưa giao đất và doanh nghiệp Xuân Trường cũng chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định cũng có nghĩa là chưa có đồng tiền liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất được doanh nghiệp nộp vào ngân sách.

Không “thuận lợi” như “đại gia” Xuân Trường, dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy do công ty Công ty TNHH Một thành viên viên Pacific – Hòa Bình đầu tư khi được UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48ha đất trồng lúa đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận.

Chùa Tiên, nằm trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái-tâm linh Lạc Thủy từng đề xuất lấy 48ha đất lúa.

Chùa Tiên nằm trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái-tâm linh Lạc Thủy từng đề xuất lấy 48ha đất lúa

Tại thời điểm tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã khẳng định việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành trung ương và tại thời điểm đó, dự án chưa đủ điều kiện để xem xét.

Đến nay, theo ghi nhận của DĐDN, trong các thông tin liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy đã không còn cụm từ “tâm linh” mà chuyển thành dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy và được quảng bá sẽ tạo sức hút cho địa phương ngheo từ tiềm năng du lịch.

Trong chương trình hành động kích cầu du lịch gắn với phát triển dịch vụ của huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) từ nay đến cuối năm 2020, một trong những trọng tâm là thúc đẩy dự án xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình để nối 2 khu du lịch chùa Hương, Mỹ Đức (Hà Nội) và chùa Tiên. Được biết, tuyến cáp treo Hương Bình vốn cũng nằm trong phân khu 1 của dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy đã được công ty Pacific – Hòa Bình đề ra.

Kỳ III: Sự quan ngại từ phía chuyên gia

***

Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ III): Giới chuyên gia nói gì?

LÊ SÁNG | 17/10/2020, 05:00:00

DDDN Trước sự nở rộ của các mô hình du lịch tâm linh trên cả nước, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại việc lãng phí, thậm chí sử dụng sai mục đích tài nguyên công thổ quốc gia.

Các mô hình phát triển du lịch tâm linh đã nở rộ thời gian qua trên cả nước như Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cái Tráp (Hải Phòng) đến Lũng Cú (Hà Giang), Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang), Núi Cô Tiên (Khánh Hòa), Lạc Thủy (Hòa Bình),….

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mô hình du lịch tâm linh cần được coi như một dự án kinh doanh du lịch gắn với yếu tố tâm linh và phải được hình thành như một dự án bình thường. Ảnh: Khu chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Trao đổi với DĐDN, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng điểm chung của những mô hình này, xét về bản chất là những dự án kinh doanh du lịch, dịch vụ dưới “lớp áo” tâm linh, công trình tôn giáo.

Một khi đã là dự án kinh doanh dịch vụ du lịch thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật từ việc lập dự án, lập quy hoạch và đặc biệt là phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất khi thực hiện dự án.

Thực tế cho thấy, đang có tình trạng các địa phương không biết vô tình hay hữu ý cùng với doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án du lịch tâm linh cố tình để hàng ngàn hecta đất và tài nguyên quốc gia ở tình trạng “lửng lơ” khi không xác định được đất được giao cho ai và mục đích giao, sử dụng là gì. Do đó, khi chùa mới xây lên thì hàng loạt công trình dịch vụ ăn theo từ lưu trú, ăn uống, vui chơi,… cũng “lô nhô” mọc theo nhưng cuối cùng thì các địa phương vẫn không biết đất đó giao cho ai, mục đích gì và tất nhiên là không thu được đồng tiền thuế nào.

Vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng rất đáng quan ngại bởi việc giao đất tôn giáo cho một doanh nghiệp, tổ chức dưới dạng mô hình du lịch gắn với tâm linh về bản chất không đúng với pháp luật hiện nay. Đối với nhu cầu tôn tạo hoặc xây dựng một công trình tôn giáo phải xuất phát từ nguyện vọng của đa số cộng đồng người dân địa phương chứ không phải nguyện vọng của một doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói những quyết định giao đất của các địa phương để triển khai các mô hình du lịch tâm linh trên là chưa phù hợp, thậm chí có yếu tố sai phạm.

Cũng theo Giáo sư Võ thì do hiện nay, trong Luật Đất đai 2013 chưa có khái niệm, định nghĩa về dự án tâm linh. Khi xây dựng mô hình du lịch tâm linh tên gọi dự án phải được xác định rõ ràng là du lịch hay tâm linh. Nếu trong khu du lịch, doanh nghiệp có thể xây dựng công trình tôn giáo nhưng công trình đó phải trả tiền thuê đất vì mục đích chính là phục vụ phát triển du lịch, thu lợi nhuận. Không được “lợi dụng” tôn giáo để kinh doanh và tận dụng việc chính sách đất đai cởi mở đối với tôn giáo để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh mà không phải chịu tiền sử dụng đất.

Không chỉ dừng lại ở việc “lập lờ” về mục đích sử dụng đất, việc một số doanh nghiệp ồ ạt xây chùa chiền nhằm thực hiện các dự án du lịch tâm linh còn đặt ra nguy cơ về sự lai căng kiến trúc, phá vỡ quy hoạch.

KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lưu ý việc thực tế có thể nhiều nơi không nắm được quy tắc kiến trúc cho từng ngôi chùa, theo từng hệ phái khác nhau đã vô tình làm hỏng kết cấu, kiến trúc của nó bằng cách làm mới như một công trình xây dựng thông thường. Mặt khác, tại các dự án này người ta cũng không nắm chắc quy hoạch, chỗ nào cần bảo tồn chỗ nào cần xây dựng dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, môi trường thiên nhiên.

Theo KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm các mô hình du lịch tâm linh nếu không có sự định hướng, quản lý chặt có thể dẫn có thể đến nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, môi trường thiên nhiên

Như đối với dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy, vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48ha đất trồng lúa đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận.

Khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nêu băn khoăn về việc nếu xây dựng khu du lịch tâm linh theo hướng thương mại liệu có thích hợp với không gian văn hóa bản địa hay không.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng bày tỏ lo ngại trước việc lấy hàng chục ha đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án du lịch sinh thái-tâm linh tại Lạc Thủy (Hòa Bình).

Việc lấy hàng chục héc-ta đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án cũng là vấn đề rất quan ngại. Trong khi đó, theo PGS Huy thì bản thân Hòa Bình có rất nhiều thế mạnh rất đặc trưng nhưng lại không được khai thác.

Kỳ IV: Giải pháp nào cho du lịch tâm linh?

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s