Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo – Bài 1: Đủ chiêu lách, giảm
SGGP Thứ Hai, 7/11/2022 06:57
LTS: Hiến máu nhân đạo là một phong trào ý nghĩa, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Đó là một hoạt động nhân đạo, tình nguyện nên không thể chấp nhận hành vi trục lợi từ những món quà cho người hiến tặng. Loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo qua điều tra của Báo SGGP, phản ánh khuất tất trong quà tặng hiến máu nhân đạo, nhằm loại bỏ những hành vi trục lợi trên giọt máu hồng; củng cố niềm tin trong những người hiến máu, trong quần chúng nhân dân về một phong trào có ý nghĩa nhân văn cao cả.

Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM đăng ký hiến máu nhân đạo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cào bằng, lập lờ, thiếu hướng dẫn cụ thể… là những gì mà chúng tôi ghi nhận tại các điểm hiến máu nhân đạo. Điều đáng nói là những người hiến máu, không mấy ai quan tâm đến quà tặng theo quy định cho người hiến máu là gì, bởi họ xem đây là một hoạt động tình nguyện, ý nghĩa. Đó là điểm mấu chốt cho những chiêu lách, giảm xuất hiện tại nhiều điểm hiến máu nhân đạo ở TPHCM thời gian qua.
Cào bằng, lập lờ
Ngày 18-10, tại điểm hiến máu bên trong Trung tâm thương mại Takashimaya (92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), thu hút hàng trăm người tìm đến hiến máu. Theo quan sát, sau khi hoàn tất hiến máu, người hiến 350ml máu/lần được nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện và 1 món quà tự chọn trong số các món: bộ ly tách, túi xách đeo chéo, cà mên (dụng cụ chứa thực phẩm) 4 tầng, gấu bông… Còn với người hiến 450ml máu/lần, ngoài giấy chứng nhận hiến máu và phần quà tự chọn, có thêm tiền mặt 50.000 đồng.
Các bạn trẻ chọn phần quà là thú nhồi bông tại một điểm hiến máu nhân đạo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hầu hết người tham gia hiến máu tại đây đều đăng ký hiến túi máu 350ml và không quan tâm đến việc mình nhận được quà gì. Một nhân viên văn phòng tại trung tâm thương mại cho biết, anh nhận được thông báo của công ty, nhận thấy đủ điều kiện và sức khỏe nên tham gia. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến phần quà nhận được và số tiền 50.000 đồng chi phí đi lại mà đáng lẽ theo quy định, người hiến 350ml máu sẽ được nhận, anh chỉ cười cho biết mình làm với mục đích nhân đạo, không quan tâm đến túi quà. Tại đây, có 2-3 nhân viên đứng phát quà mặc đồng phục không phải của trung tâm hiến máu nhân đạo rất linh hoạt trong việc phân loại các món quà tặng, cho vào túi và phát tận tay người hiến máu.
Một buổi hiến máu ở chung cư Hưng Ngân (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) mới đây thu hút nhiều người dân địa phương đến hiến máu. Ngoài phần tiền 80.000 đồng (tiền đi lại và ăn sáng) theo quy định, phường chi thêm 50.000 đồng cho mỗi người hiến. Vừa mới hiến 350ml máu, anh L.V.T. chọn một ba lô có xuất xứ Việt Nam với một phong bì 130.000 đồng. Khi mở ra, anh cho hay: “Đây là tiền xăng, tiền ăn sáng. Mình đã hiến rất nhiều lần nhưng số tiền mỗi nơi mỗi khác. Mình tình nguyện chứ không phải bán máu lấy tiền nên không đòi hỏi gì”. Tại điểm này, một số người hiến máu 350ml chỉ nhận được 6 hộp sữa đặc có đường hiệu Tài Lộc mà không có 4 vỉ sữa nhỏ, vỉ thuốc bổ máu, theo quy định.
Chúng tôi ghi nhận một buổi hiến máu tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương VI (phường 12, quận 6), có đồ ăn sáng là bánh mì với chai nước suối 350ml. Tại điểm này, người hiến máu 350ml nhận được phần quà là phong bì 100.000 đồng, trong đó có 50.000 đồng do địa phương hỗ trợ. Điểm lạ là một số người hiến 450ml máu nhưng cũng nhận phần quà y chang hiến 350ml, trong khi đáng lý theo quy định phần quà có giá trị lớn hơn nhưng do người hiến không để ý băng rôn hướng dẫn, còn người đưa quà chỉ bỏ quà vào túi mà không tư vấn để người hiến 450ml biết. Trong khi đó, theo quy định, phần quà cho người hiến 450ml máu trị giá 180.000 đồng sẽ được chọn phần quà như người hiến 350ml, thêm 2 khăn mặt hoặc một ca sứ hoặc chọn phần quà 8 hộp sữa đặc có đường Tài Lộc, 1 vỉ sữa nhỏ và 1 vỉ thuốc bổ máu.
Sáng 26-10, chúng tôi có mặt tại Trường Đại học Luật TPHCM (số 2 Nguyễn Tất Thành, quận 4) ghi nhận một buổi hiến máu. Mặc dù khu vực phát quà có phân chia khu vực bàn để quà cho người hiến máu 250ml, 350ml nhưng khi chúng tôi hỏi một số sinh viên thì các phần quà này như nhau. Thậm chí, phần sữa tự chọn bồi dưỡng cho người hiến máu ở điểm này cũng không thấy, trong khi đây là phần quà có giá trị dinh dưỡng tốt sau hiến máu.
Chất lượng quà tặng – hên xui!
Chúng tôi đăng ký tham gia một buổi hiến máu nhân đạo tại chùa Hòa Khánh (215 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh). Sau phần điền thông tin, kiểm tra huyết áp, uống nước đường, kiểm tra thông tin, sức khỏe kỹ càng, mọi người vào bên trong chùa để bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu. Sau cùng mọi người khi ra về mới đến nhận quà tặng. Người hiến 250ml nhận tiền bồi dưỡng và 1 phần quà tự chọn trị giá 100.000 đồng như: 4 hộp sữa đường, 2 hộp sữa nhỏ, 1 vỉ thuốc bổ Tophem; bộ sứ 6 sản phẩm; thú nhồi bông; bộ bấm móng tay; bộ ấm trà, cà phê; bộ hộp gia vị… Người hiến 350ml nhận tiền bồi dưỡng và quà tự chọn trị giá 150.000 đồng, gồm: 6 hộp sữa đặc, 4 hộp sữa nhỏ, 1 vỉ thuốc bổ Tophem; nồi lẩu hấp inox; bộ bấm móng tay 19 dụng cụ; áo mưa măng tô; túi iPad 209; túi đeo chéo 017; nồi lẩu 2 ngăn… Riêng phần quà cho thể tích 450ml có kèm suất quà trị giá 180.000 đồng. Tất cả các sản phẩm hầu hết được giới thiệu hàng “cao cấp”, xuất xứ Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan…
Một buổi hiến máu mới đây tại trụ sở UBND xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) có rất đông bà con địa phương tham gia. Tại đây, địa phương chi thêm cho mỗi người hiến máu 100.000 đồng. Anh N.H.L. cho hay, hiến 350ml máu, nhận được 6 hộp sữa đặc, 4 vỉ sữa giấy và 1 vỉ thuốc bổ máu. Anh L. cho biết đã hiến máu hơn 30 lần nhưng mỗi lần hiến có quà khác nhau, tiền nhận cũng khác, có nơi 80.000 đồng, 100.000 đồng, 120.000 đồng, 150.000 đồng, 200.000 đồng, thậm chí có chỗ hiến máu không có quà nhưng tiền nhận đến 250.000 đồng. Theo anh L., đó là bất bình thường. Anh cũng nghe thông tin từ những người hiến máu “chuyên nghiệp” khác về một số nơi trao quà và tiền không đúng quy định, còn bản thân không biết số tiền và quà bao nhiêu mới đúng.
Theo anh L., tại các điểm hiến máu có băng rôn ghi rõ quy định quà cho người hiến máu nhưng không mấy ai để ý. Anh L. cho biết, trước kia do có bệnh nên cũng nhận máu từ người khác mới qua cơn nguy kịch. Từ đó, anh chọn hiến máu cứu người để trả ơn mình đã được giúp. Bà V.M.T. cũng hiến 350ml máu và chọn phần quà là bộ tách uống nước. Lần trước, bà chọn phần quà là bộ ly để bàn, mới rửa sơ vài lần là nứt, bong tróc hoa văn. Trong khi đó, anh Đ.H.V. chọn phần quà là cây dù. “Lần trước, tôi nhận con gấu bông nhưng sử dụng được thời gian ngắn thì bị bung chỉ nên tôi bỏ luôn”, anh cho hay. Theo quan sát, nhiều người hiến máu “chuyên nghiệp” (từ 10 lần trở lên) đa phần lựa chọn phần quà là sữa. Bởi, nhiều người đều cho rằng, những phần quà tự chọn đều có chất lượng không đảm bảo, trong khi sữa có thể dùng chế biến thực phẩm khác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm tiền mặt cho người hiến máu ở nhiều địa phương để “hoàn thành chỉ tiêu”. Do đó, số tiền hỗ trợ người hiến máu tại các địa phương luôn khác nhau, còn chất lượng quà tặng như thế nào, có tương đương quy định về giá tiền hay không lại là chuyện khác.
Theo Thông tư 17/2020/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1-1-2021 quy định mức chi hiến máu lấy tiền trực tiếp một đơn vị máu 250ml cho người hiến máu là 195.000 đồng; 350ml là 320.000 đồng và 450ml là 430.000 đồng. Quy định mức hỗ trợ cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền cũng được chia nhiều hình thức. Với người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng dịch vụ khám chữa bệnh có giá trị tối thiểu: 250ml nhận 100.000 đồng; 350ml nhận 150.000 đồng; 450ml nhận 180.000 đồng. Ngoài ra, người hiến máu tình nguyện còn được hỗ trợ chi phí đi lại, tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu, tiền ăn uống tại chỗ 30.000 đồng/người/lần hiến máu. |
Tặng thư pháp nhưng mua thanh treo Trong những ngày điều tra, chúng tôi nhận thấy ở một số điểm hiến máu lớn như tòa nhà, doanh nghiệp, chung cư, có một nhóm người, lúc mặc đồng phục của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, lúc không, tổ chức viết và tặng thư pháp cho người hiến máu. Hỏi một bạn trẻ ngồi viết thư pháp tại Trung tâm thương mại Takashimaya (92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), người này cho hay là sinh viên, được trả thù lao 200.000 đồng cho một buổi viết thư pháp. Bức thư pháp được tặng miễn phí, nhưng để treo lên thì một người ngồi ngay đó “hướng dẫn” mua 2 thanh gắn thư pháp và dây treo với giá 30.000 đồng. Nhiều người hiến máu bỏ tiền mua 2 thanh treo này. Quả là đi hiến máu được quà và cũng phải “mua quà”. |
————— Bài 2: Số dư đi về đâu?
NHÓM PHÓNG VIÊN
***
Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo – Bài 2: Số dư đi về đâu?
SGGP Thứ Ba, 8/11/2022 08:17
Trong vai người đi hiến máu, chúng tôi bắt chuyện với một người tham gia vận chuyển thú bông tại điểm hiến máu bên trong Trung tâm thương mại Takashimaya (92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM) và bày tỏ mong muốn đặt thú bông số lượng lớn tặng nhân viên nữ. Người này giới thiệu mình tên T. và cho chúng tôi số điện thoại…

Những người tham gia hiến máu với phần quà mà họ không rõ, hoặc chưa từng quan tâm đến giá trị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Từ thú bông đến sữa
Qua vài ngày, chúng tôi chủ động kết nối với T. nhắc lại câu chuyện đặt thú bông số lượng lớn. Qua điện thoại, T. cho hay mình làm tại công ty cung cấp thú nhồi bông N.T. (phường Thới An, quận 12, TPHCM). Nhưng khi chúng tôi nhắc tới loại thú bông y chang phần quà tặng người tham gia hiến máu nhân đạo thì T. có vẻ dè chừng, dù thừa nhận mình là nơi cung cấp. Sau đó, T. chủ động ngưng cuộc trò chuyện và nói chúng tôi gửi thông tin cụ thể về số lượng và hình chụp cận loại thú bông muốn đặt, nhắn trên Zalo để T. báo giá.
Sau một ngày, chúng tôi liên hệ lại và cho biết muốn đặt thú bông có kích cỡ 45x30cm, số lượng 1.000 con. Lúc này, T. liên tục yêu cầu chúng tôi chụp cận hình thú bông để báo giá cụ thể. Sau khi gửi vài tấm hình chụp thú bông mẫu tại điểm hiến máu nhân đạo, T. báo một cái giá trên trời: 145.000 đồng/con (chưa in logo đơn vị) và 155.000 đồng/con (có in logo). Chúng tôi than giá quá cao và đề nghị giảm giá thì T. vẫn quả quyết “đây là giá đẹp nhất rồi, không thể giảm nữa đâu”.
Một vài ngày sau, chúng tôi lấy một số máy khác liên hệ với T. qua vai nhân viên phòng hành chính một công ty bất động sản có trụ sở ở quận 12 (cùng địa bàn với công ty N.T.) để tạo lòng tin. Lần này, chúng tôi đưa ra số lượng 2.000 con thú bông với kích cỡ vẫn là 45x30cm và đang cần gấp, cũng như liên tục hối T. báo giá cụ thể. Chúng tôi cung cấp thêm 1 logo công ty cho T. để in trên thú bông nhằm tạo niềm tin. Và ngay sau đó, T. báo cho chúng tôi một cái giá hoàn toàn bất ngờ: 82.000 đồng/con (không in logo) và 98.000 đồng/con (có in logo). Chúng tôi đề nghị giảm giá thì T. cũng nói không thể giảm thêm. So với lần báo giá trước đó và so với chính số tiền quà đề trên băng rôn tại các điểm hiến máu nhân đạo là 150.000 đồng/phần quà thú bông, con số trên quá chênh lệch.
Theo quan sát của chúng tôi trong những lần thực tế tại các điểm hiến máu nhân đạo, thú bông là sự lựa chọn yêu thích thứ hai của những người tham gia hiến máu. Phần quà yêu thích nhất mà người hiến máu chọn là các loại sữa và thuốc bổ máu. Nhiều người hiến máu cho hay, sữa có thể họ sử dụng hoặc cho lại người nghèo, nên đây là lựa chọn tối ưu.
Cuối tháng 10-2022, anh V.H. (ngụ quận 10, TPHCM) khoe với bạn bè trên Facebook tờ giấy chứng nhận hiến máu lần thứ 10. Chúng tôi liên hệ và anh H. cho hay, mình thường chọn phần quà là sữa vì có thể sử dụng được.
“Lần trước, tôi chọn cà mèn 4 ngăn, nhưng để cơm đem đi làm được 1 lần là không sử dụng nữa vì cà mèn không đảm bảo chất lượng giữ nhiệt. Lần này, tôi chọn phần quà sữa cũng như phần ăn sáng sau khi hiến máu tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM trên đường Thiên Phước, quận Tân Bình”. Hình ảnh phần quà mà anh V.H. cung cấp cho chúng tôi khi hiến 350ml máu gồm: 6 hộp sữa đặc Vinamilk Tài Lộc (hộp thiếc), 4 hộp sữa Vinamilk (loại nhỏ bằng nhựa, 40gr), 1 vỉ thuốc bổ máu hiệu Tophem.
Để làm rõ giá trị phần quà trên, chúng tôi tìm đến 1 cửa hàng Bách hóa Xanh kiểm chứng giá. Tại đây, sữa đặc Vinamilk Tài Lộc (hộp thiếc) có giá 15.000 đồng/hộp, 6 hộp là 90.000 đồng; 1 hộp sữa Vinamilk (nhựa, 40gr) có giá 5.000 đồng, 1 vỉ 4 hộp nhỏ là 20.000 đồng và giá 1 vỉ thuốc Tophem gồm 10 viên trên thị trường bán lẻ dao động từ 5.000-6.600 đồng vỉ/10 viên. Tổng cộng phần quà anh H. nhận khi hiến 350ml máu có giá 117.000 đồng (đã làm tròn giá thuốc thành 7.000 đồng vỉ/10 viên). Vậy theo Thông tư 17/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, phần quà của anh H. đã bị chênh lệch 33.000 đồng.
Như vậy, với cách tính trên, phần quà của người hiến 450ml là 8 hộp sữa đặc Tài Lộc, 1 hộp sữa Vinamilk nhỏ (nhựa, 40gr) và 1 vỉ thuốc Tophem sẽ có mức giá 132.000 đồng. Con số này so với quy định phần quà 180.000 đồng cho người hiến 450ml là chênh lệch 48.000 đồng. Tương tự, với phần quà cho người hiến 250ml máu trị giá 100.000 đồng là 4 hộp sữa đặc Tài Lộc, 2 hộp sữa Vinamilk nhỏ (40gr) và 1 vỉ thuốc bổ, tổng cộng trị giá quà tặng 77.000 đồng, chênh lệch 23.000 đồng.
Tích tiểu thành đại
Trong những ngày thực tế tại các điểm hiến máu, chúng tôi ghi nhận người hiến máu chỉ việc đến hiến và chọn quà, nếu phần quà có giá trị thấp hơn cũng không ai hướng dẫn phải chọn thêm. Đặc biệt, có cả những nơi cào bằng phần quà hiến 250ml và 350ml máu, dĩ nhiên cũng chẳng ai giải thích, trong khi người hiến thì chẳng mấy quan tâm. Tại các điểm hiến máu, có treo băng-rôn chi tiết từng phần quà công khai và cũng nhờ sự công khai này, chúng tôi có cơ hội đem những phần quà đó đi tìm hiểu giá ngoài thị trường.
Chúng tôi đem hình ảnh cặp lồng đựng cơm ở bảng quà tặng cho người hiến 350ml máu lên công cụ tìm kiếm Google. Sản phẩm này được các trang thương mại điện tử bán lẻ với giá từ 66.000-150.000 đồng, hình ảnh y chang như phần quà tại các điểm hiến máu. Tìm kiếm quà tặng ở bảng hiến máu 350ml (trị giá 150.000 đồng) trên các sàn thương mại điện tử, có mức giá như sau: bộ ly bình Thái Lan 101 có giá 125.000 đồng/bộ (bán lẻ); túi trống 038 kích thước 21cmx38cm có giá từ 80.000 đồng đến khoảng 800.000 đồng; nồi lẩu hai ngăn có nắp kính 30cm có giá từ 90.000-125.000 đồng… Ở bảng quà tặng người hiến 250ml máu (trị giá 100.000 đồng), chúng tôi cũng tìm kiếm thử các phần quà như: bộ bấm móng tay 19 sản phẩm có giá dao động từ 32.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/bộ; bộ ly thủy tinh UG 101 gồm 6 cái, xuất xứ Thái Lan có giá từ 46.000-90.000 đồng/bộ…
Thông tư 17/2020/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12-11-2020 đã quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, nhưng thực tế như chúng tôi ghi nhận ở trên, giá thật không giống “giá niêm yết”. Thông tư này cũng được ghi rõ trên website giotmauvang.org.vn của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn là vậy, nhưng câu chuyện chúng tôi chứng kiến lại khác hẳn và cũng không có ai đứng ra giải thích tường tận với người hiến máu, nếu có người thắc mắc.
Những con số mà chúng tôi đề cập phía trên không thể kết luận số dư từ những phần quà trên bao nhiêu và đi về đâu. Nếu con số dư này không được giải thích rõ ràng thì tổn thương nhiều nhất ở đây chính là tổn thương tinh thần và thiệt thòi nhất chính là những bệnh nhân đang cần máu. Bản thân những con số trên đặt ra một nỗi niềm: Liệu người hiến máu đã được đối đãi hết lòng và tròn trách nhiệm chưa? Liệu đơn vị cung cấp quà tặng qua trúng thầu có lựa chọn sản phẩm ở mức tốt nhất để cung cấp cho Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM làm quà tặng người hiến máu? Và liệu trung tâm có biết rõ điều này nhưng vẫn cố tình “lờ” đi, để hành vi trục lợi hiển hiện rõ như ban ngày?
Trong câu chuyện chênh lệch giữa giá trị thật và “giá niêm yết” phần quà tặng tại các điểm hiến máu nhân đạo, không thể không đặt ra câu hỏi: Đơn vị nào trúng thầu gói cung cấp quà tặng cho người hiến máu của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM?
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các điểm hiến máu trong thành phố do Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM tổ chức, trong vòng nửa tháng 6-2022 (từ ngày 1-6 đến 15-6-2022), ước tính có hơn 6.000 lượt người hiến 350ml máu. Và nếu 6.000 lượt người này cũng chọn phần quà là sữa tương tự như anh V.H., thì trong vòng nửa tháng, con số dư phải hơn 180 triệu đồng, nếu tính mức chênh lệch mỗi phần quà là 30.000 đồng… Số dư theo kiểu “tích tiểu thành đại” này về tay ai? |
—————–
Bài 3: Những gói thầu “lạ”
NHÓM PHÓNG VIÊN
***
Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo – Bài 3: Chuyện “lạ” ở những gói thầu
SGGP Thứ Tư, 9/11/2022 06:12
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ giữa năm 2021, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) đã chuyển sang mua quà tặng cho người hiến máu tình nguyện từ đơn vị cung cấp mới. Từ đây, những gói thầu có giá trúng thầu bằng với giá dự toán thầu liên tục xuất hiện. Nhưng, câu chuyện trúng thầu của nhà cung cấp này không chỉ diễn ra tại TPHCM…

Hiến máu cứu người là một nghĩa cử nhân văn, cao cả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhiều lần trúng thầu với “tiết kiệm 0 đồng”
Cuối tháng 4-2021, Trung tâm đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong việc mua quà tặng phục vụ người hiến máu tình nguyện từ 1-6-2021 đến 3-9-2021 tại TP Thủ Đức và các quận huyện, đơn vị trên địa bàn TPHCM với giá gói thầu là 8.178.490.000 đồng. Kết quả, Công ty CP sự kiện Cường An (gọi tắt là Công ty Cường An) trúng thầu với giá 8.178.490.000 đồng. Đến tháng 1-2022, Công ty Cường An tiếp tục được chọn làm nhà thầu cung cấp sản phẩm cho gói thầu mua quà tặng phục vụ người hiến máu tình nguyện với giá trị hợp đồng lên đến hơn 9,1 tỷ đồng. Và lần này, giá trúng thầu cũng… y chang giá dự toán.
Trong gói thầu số 01 về Mua sắm quà tặng phục vụ hiến máu tình nguyện cho Trung tâm từ tháng 5-2022 đến tháng 1-2023 trị giá 17.623.000.000 đồng, Công ty Cường An đã liên danh với hộ kinh doanh Nguyễn Bích Ngọc (bà Nguyễn Bích Ngọc là chủ hộ kinh doanh, đóng tại số 16 đường Quang Trung, Phố Núi, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để tham gia đấu thầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Cường và bà Ngọc có tên chung một hộ khẩu. |
Mục tiêu của việc đấu thầu là tìm được nhà thầu thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách cho Nhà nước. Mục tiêu này càng phải được đặt lên cao nhất và quán triệt thực hiện xuyên suốt mọi hoạt động. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều gói trúng thầu mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ… để phục vụ hiến máu tình nguyện tại một số tỉnh, thành của Công ty Cường An rất nhiều lần “trùng hợp” khi có mức tiết kiệm nguồn vốn đầu tư rất thấp, thậm chí là “0 đồng”. Trong suốt quá trình tiếp cận, lần giở từng gói thầu ở một số địa phương, chúng tôi bất ngờ với việc Công ty Cường An trúng thầu với mức tiết kiệm 0 đồng cho nhà đầu tư và ngân sách.
Trở lại năm 2021, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội thực hiện gói thầu 03 Mua quà tặng, đồ ăn nhẹ phục vụ hiến máu tình nguyện tại 30 quận, huyện. Kết quả lựa chọn nhà thầu được ban hành vào ngày 8-1-2021, đơn vị trúng thầu là Công ty Cường An với giá trúng thầu là 9.997.000.000 đồng, con số này trùng khớp với giá gói thầu.
Chưa dừng lại, Công ty Cường An còn trúng gói thầu mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ hiến máu tình nguyện trong 3 năm (2021-2024) của Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng với giá trúng thầu là 8.370.000.000 đồng, không sai biệt với giá gói thầu đưa ra.
Sự “trùng hợp” còn diễn ra tại nhiều gói thầu mua sắm khác cũng dành để phục vụ tặng quà, suất ăn cho người hiến máu tình nguyện tại Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Câu hỏi đặt ra là tại sao các gói thầu có sự tham dự của Công ty Cường An đều là các gói thầu có giá trị lớn, mà nhà thầu này lại thường xuyên trúng thầu với con số tiết kiệm rất nhỏ, hoặc bằng 0?
Theo chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, cần xem xét lại quy trình đấu thầu có được làm đúng, đủ công khai, minh bạch hay chưa. Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đều có những quy định cụ thể, chi tiết nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay, quá trình thực hiện đấu thầu tại nhiều nơi có thể chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp. Điều này cần phải được hậu kiểm để không gây thất thoát kinh phí nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước.
“Siêu nhân” trúng thầu?
Lần theo những gói thầu của các tỉnh thành, chúng tôi tìm hiểu được Công ty Cường An được thành lập ngày 31-12-2010 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng, có trụ sở tại số 15 đường Quang Trung, Phố Núi, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên một trang web đấu thầu uy tín, công ty này đã từng tham gia 36 gói thầu, trong đó trúng 31 gói, trượt 1 gói, 3 gói chưa có kết quả, 1 gói đã bị hủy. Các tỉnh thành đã tham gia thầu gồm: Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Phú Yên, TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Công ty này thường xuyên đưa ra mức chào giá thầu thấp nhất khi tham gia đấu thầu. Trong đó, nếu tính trên các gói thầu có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu thì tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia là hơn 98%, còn tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán thậm chí còn lên đến 99,7%.
Sau khi Báo SGGP đăng hai bài trong loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ một số đơn vị liên quan và sẽ đăng tải trong các số báo tiếp theo. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định, hiến máu nhân đạo là một việc làm có ý nghĩa của toàn xã hội và cần tiếp tục được phát huy. Việc phát hiện, đưa ra công luận hành vi trục lợi, khuất tất đối với quà tặng hiến máu, không nằm ngoài mục tiêu đem đến một môi trường thiện nguyện minh bạch. |
Nếu như quá trình đấu thầu không có gì khuất tất, có lẽ các nhà thầu khác phải ngưỡng mộ khả năng dự đoán và chào giá trong những cuộc cạnh tranh đấu thầu của Công ty Cường An. Sự “vi diệu” còn được thể hiện ở một gói thầu mua sắm khác của Trung tâm. Vào tháng 7-2022, Công ty Cường An trúng gói thầu số 01 về mua sắm quà tặng phục vụ hiến máu tình nguyện cho Trung tâm từ tháng 5-2022 đến tháng 1-2023. Giá trúng thầu lần này là 17.623.000.000 đồng, một lần nữa “ngẫu nhiên” lại giống với giá dự toán đưa ra. Gói thầu này còn “lạ” ở chỗ mua sắm để cung cấp hàng hóa phục vụ tặng quà cho người hiến máu tình nguyện từ tháng 5-2022, nhưng phải đến tháng 7, hai đơn vị này mới tiến hành đấu thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng. Từ quy định cho đến thông lệ, việc mua sắm công không thể tiến hành theo kiểu dùng trước – mua sau. Như vậy, chỉ trong vòng một năm rưỡi, Công ty Cường An đã trúng thầu 3 lần liên tiếp cung cấp quà tặng cho Trung tâm.
Khi tham gia hiến máu, chẳng ai cân đo hay thắc mắc sẽ nhận lại được bao nhiêu quà – tiền, bởi nghĩa cử cao đẹp này hướng đến mục đích cao nhất là cứu người. Số quà – tiền mà họ nhận được có tương xứng với nghĩa cử đã được luật hóa bằng những quy định cụ thể hay chưa? Câu hỏi này có lẽ chỉ những đơn vị tổ chức mới có câu trả lời chính xác nhất.
Đường đi của máu Để có được 1 đơn vị máu đạt chuẩn chất lượng theo quy định cần có rất nhiều hoạt động khác nhau, có thể chia làm 3 giai đoạn cơ bản: Giai đoạn 1 là vận động và tổ chức hiến máu; giai đoạn 2 gồm điều chế – lưu trữ – cấp phát; giai đoạn 3 truyền máu tại các bệnh viện. Mỗi giai đoạn có những chi phí tối thiểu, ngoài ra, còn có các chi phí khác để đảm bảo vận hành tốt quy trình quản lý, sản xuất của một ngân hàng máu. Do đó, hiện nay giá của một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn cung cấp cho người bệnh được quy định theo Thông tư 17/2020 TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12-11-2020 quy định giá tối đa khi cung cấp cho người bệnh. |
NHÓM PV