Tàu thuyền Trung Quốc ‘ăn vạ’ ở Trường Sa: Nằm lì ở Ba Đầu
Mai Thanh Hải, Trần Trường Sa, Hằng Linh
05:52 – 06/06/2022 THANH NIÊN
Từ giữa năm 2021 đến nay, các phóng viên, cộng tác viên Báo Thanh Niên đã có nhiều chuyến công tác, ghi nhận việc tàu thuyền trung quốc vẫn neo đậu dài ngày, tại một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (khánh Hòa).
“Nếu như giữa năm 2021, các tàu cá Trung Quốc tập trung hàng trăm chiếc, cao điểm lên đến gần 300 chiếc tại bãi Ba Đầu, thì đến nay chỉ có khoảng 30 chiếc nằm lì ăn vạ trong bãi”.
“Nhẵn mặt từ mấy năm nay”
Đó là khẳng định của nhiều thuyền trưởng tàu cá của huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) thường xuyên đánh bắt thủy sản ở cụm đảo Sinh Tồn, và cho biết thêm: “Số neo đậu phía ngoài và tản mát ở các khu vực lân cận khoảng gần 100 chiếc. Tất cả đều là tàu dân binh Trung Quốc và chúng tôi đã nhẵn mặt từ mấy năm nay”.
![]() |
Nhóm tàu dân binh Trung Quốc neo đậu trong bãi Ba Đầu |
Bãi Ba Đầu thuộc lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, nằm cách đảo Sinh Tồn Đông (do bộ đội Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân đóng giữ) khoảng 8 hải lý (gần 15 km). Đây là rạn san hô lớn nhất cụm đảo Sinh Tồn và là điểm mút đông bắc của cụm, nhìn từ trên cao xuống, giống hình chiếc lưỡi cày.
“Bãi Ba Đầu thường chìm sâu dưới nước khoảng 1,5 – 2 m. Khi thủy triều xuống và nước cạn, đá san hô trong bãi Ba Đầu mới lúp xúp nổi lên ngang mặt nước. Đặc biệt, ở rìa cánh cung bên trái phía tây bãi Ba Đầu, khi thủy triều xuống, sẽ nổi lên 2 bãi cát nằm gần nhau, mỗi bãi dài khoảng 50 m, rộng 10 m giống như sân bóng đá mini”, đại tá Nguyễn Đức Thắng, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân, cho biết và nhấn mạnh: “Bãi Ba Đầu là vòng cung chắn giữ toàn bộ phía bắc cụm đảo Sinh Tồn nên có vị trí chiến lược rất quan trọng về phòng thủ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều loài thủy hải sản quý hiếm, nên ngư dân Việt Nam coi là ngư trường truyền thống từ rất nhiều năm nay”.
![]() |
Mặc dù thời tiết tốt, sóng yên biển lặng nhưng các tàu cá dân binh Trung Quốc không hoạt động |
Năm 2014 – 2015, sau khi hoàn tất việc xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên các bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam, phía Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của các loại tàu (trong đó nhiều nhất là tàu cá) tại quần đảo Trường Sa. Ở các bãi cạn không người, đặc biệt là bãi Ba Đầu, họ cho neo đậu từ vài đến hàng chục tàu cá, cả cũ kỹ lẫn mới đóng.
Từ cuối năm 2020, tàu cá Trung Quốc xuất hiện nhiều ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đầu năm 2021 các tàu này neo đậu dày đặc ở bãi cạn Ba Đầu (thuộc phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, H.Trường Sa, Khánh Hòa).
![]() |
Một người trên tàu dân binh Trung Quốc câu cá trên thuyền gỗ |
Xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”, ngày 25.3.2021, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cực lực phản đối, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
![]() |
Các tàu dân binh Trung Quốc đậu sát nhau như kết bè trong bãi Ba Đầu. Phía ngoài luôn có 1 – 2 tàu neo riêng, làm nhiệm vụ cảnh giới |
Do bị Việt Nam và các quốc gia khác phản đối dữ dội và nhất là sự cương quyết, kiên trì xua đuổi, ngăn chặn của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc neo đậu dài ngày tại khu vực bãi Ba Đầu đã giải tán, di chuyển đến các khu vực khác, chỉ để lại vài chục chiếc neo đậu rải rác trong khu vực.
Số khác di chuyển, phân tán ra các bãi ngầm Đức Hòa, Bình Sơn, đá Bia, An Bình… Các tàu cá này tập trung nhiều ở bãi Ken Nan – nằm phía tây bãi Tư Nghĩa (Huy Gơ), nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ tháng 2.1988 và hiện đã xây dựng trái phép căn cứ hiện đại trên đó.
![]() |
Bãi cát rìa cánh cung bên trái, phía tây bãi Ba Đầu luôn có tàu dân binh Trung Quốc neo sát cạnh |
“Các tàu này là tàu dân binh có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc”, một cán bộ kiểm ngư cho biết và khẳng định: “Chủ công ở khu vực Ba Đầu là đội hình tàu dân binh mang chữ hiệu Quỳnh Tam Sa được đóng mới rất hiện đại. Từ đầu năm 2022, các tàu Quỳnh Tam Sa di chuyển về neo đậu, bảo vệ quanh các căn cứ của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa như Xu Bi, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn… và đi theo hộ tống các tàu thăm dò dầu khí, nghiên cứu biển của Trung Quốc. Khi có tình hình, chúng cơ động ngay về khu vực”.
![]() |
Sau một thời gian bị phản đối phải di tản bớt, hiện tại tàu cá dân binh Trung Quốc bắt đầu tập trung trở lại ở bãi Ba Đầu |
![]() |
Hiện tại tàu cá dân binh Trung Quốc bắt đầu tập trung trở lại ở bãi Ba Đầu |
Trong tháng 4 – 5.2022, khi tới khu vực bãi cạn Ba Đầu và quan sát bằng thiết bị chuyên dụng từ đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi ghi nhận khoảng 15 – 17 tàu cá dân binh Trung Quốc co cụm trong bãi ngầm. Mặc dù thời tiết tốt, sóng yên biển lặng, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn neo đậu nằm yên ở các vị trí có luồng ra vào bãi. Hãn hữu lắm mới thấy vài ngư dân Trung Quốc chèo thuyền nhỏ thả lưới, bắt cá ăn hằng ngày. (còn tiếp)
***
Tàu thuyền Trung Quốc ‘ăn vạ’ ở Trường Sa: Bu bám Huy Gơ
Mai Thanh Hải, Trần Trường Sa, Hằng Linh
07:30 – 07/06/2022 THANH NIÊN
Trong các chuyến công tác cuối năm 2021 và đầu năm 2022 này, khi đến khu vực Huy Gơ, chúng tôi đều thấy tàu cá dân binh Trung Quốc neo đậu rất nhiều ở bãi cạn Ken Nan.
Trong các đảo do bộ đội Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân đóng giữ tại Trường Sa (Khánh Hòa), đảo Sinh Tồn Đông hiện được coi là khu vực căng thẳng nhất, do chỉ cách căn cứ Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên bãi đá Huy Gơ khoảng 4 hải lý (hơn 7,4 km) và bãi ngầm Ba Đầu – nơi tập trung nhiều tàu dân binh, khoảng 7,5 hải lý (gần 14 km).
![]() |
Đủ các loại tàu mới, cũTHANH NIÊN |
Đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn (H.Trường Sa, Khánh Hòa), hay còn gọi là đá Tư Nghĩa (tiếng Anh là Hughes Reef, phía Trung Quốc tự đặt tên là Dongmen Jiao – Đông Môn tiêu) là bãi đá san hô, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.
Ngày 28.2.1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.
Đầu những năm 1990, Trung Quốc xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo…
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, phía Trung Quốc huy động số lượng lớn các xe máy, tàu thuyền của cả quân sự và dân sự để bồi đắp, mở rộng, xây dựng các công trình quân sự trái phép trên bãi đá Huy Gơ.
Sau 5 năm triển khai, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27 m. Trên nóc bố trí radar hàng hải, các thiết bị thông tin liên lạc. Ở các tầng của tòa nhà lắp radar điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học. Tại tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng). Tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm…
![]() |
Hai người Trung Quốc trên tàu cá dân binh đi câu cá quanh khu neo đậu gần bãi Huy Gơ |
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn lắp đặt trên bãi các vị trí hỏa lực của pháo 76 mm, pháo 30 mm; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng; đài chỉ huy bay; cầu cảng hướng đông – tây dài khoảng 80 – 100 m và hệ thống báo hiệu luồng lạch hàng hải.
Trong quá trình bồi đắp, xây dựng trái phép, phía Trung Quốc đã đưa tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành Thiên Kình (do Công ty TNHH Tập đoàn Thâm Quyến chế tạo) – còn được gọi là “quái thú lấp biển”, ra nạo vét lòng hồ trong bãi Huy Gơ, tạo thành nơi neo đậu trú ẩn rộng vài chục km2, có thể chứa được cả nghìn tàu thuyền trọng tải lớn.
![]() |
Khay trồng rau xanh trên nóc tàu cá dân binh |
Từ đầu năm 2020, khi phía Trung Quốc tăng cường tàu cá xuống Trường Sa, bãi Huy Gơ trở thành hậu cứ cho các tàu dân binh “ăn dầm ở dề” ngoài bãi ngầm Ba Đầu (chỉ cách khoảng 12 hải lý/hơn 22 km), trong việc cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm, sửa chữa…
Cuối tháng 3.2021, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, các quốc gia khác đồng thuận và lực lượng chức năng Việt Nam cương quyết triển khai các biện pháp bảo vệ chủ quyền, phía Trung Quốc cho rút đại đa số tàu cá dân binh ở bãi Ba Đầu về Huy Gơ.
![]() |
Neo đậu ở vùng biển phía ngoài căn cứ quân sự trên bãi |
Trong các chuyến công tác cuối năm 2021 và đầu năm 2022 này, khi đến khu vực Huy Gơ, chúng tôi đều thấy tàu cá dân binh Trung Quốc neo đậu rất nhiều ở bãi cạn Ken Nan. Đây là bãi nằm phía tây bãi Huy Gơ, chỉ cách hơn 2 hải lý (gần 4 km) và tàu cá Trung Quốc xúm xít quanh doi cát hình cánh cung, nổi khi thủy triều xuống ở phía tây nam bãi Ken Nan.
“Không chỉ thực hiện chiến thuật ăn dầm ở dề ở Ba Đầu, phía Trung Quốc còn cho các tàu cá neo đậu lâu dài tại Ken Nan, với mục đích… lâu ngày thành sự đã rồi”, một cán bộ Kiểm ngư Việt Nam khẳng định vậy và cho biết: “Mỗi khi thấy tàu nước khác vào gần bãi Ken Nan, phía Trung Quốc đều hạ ca nô cao tốc từ đá Huy Gơ, chạy sang đẩy đuổi”.
![]() |
Chính diện căn cứ quân sự trên bãi Huy Gơ |
![]() |
Quân nhân Trung Quốc sửa chữa đài chỉ huy bay trên bãi Huy Gơ |
![]() |
Đội hình tàu cá dân binh, khi nước thủy triều xuống |
![]() |
Hoạt động đánh bắt duy nhất là… câu cá trên thuyền nhỏ |
![]() |
Các tàu cá dân binh Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Huy Gơ |
(còn tiếp)
***
Tàu thuyền Trung Quốc ‘ăn vạ’ ở Trường Sa: Chắn luồng vào Gạc Ma
Mai Thanh Hải, Trần Trường Sa, Hằng Linh
05:40 – 08/06/2022 THANH NIÊN
Bãi Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam, bị phía Trung Quốc đánh chiếm ngày 14.3.1988, và đến nay phía Trung Quốc đã xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên đó.
Do nằm ở vị trí hiểm yếu trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam, nên phía Trung Quốc luôn duy trì các tàu bảo vệ.
Thời điểm trước năm 2013, tại khu vực Gạc Ma thường có các tàu hộ vệ lớp Giang Hồ, Giang Đảo của hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) thay nhau neo trực bảo vệ căn cứ đóng trên bãi đá.
Đầu năm 2013, khi phía Trung Quốc tập trung trang thiết bị hiện đại, nhân công ra cải tạo, xây dựng căn cứ hiện đại với nhiều công trình quân sự trên bãi Gạc Ma, họ huy động thêm các tàu hộ vệ tên lửa 528, vận tải đổ bộ 935, 994… thường trực xung quanh khu vực Gạc Ma để bảo vệ các tàu công trình, vận tải chở máy móc, vật liệu xây dựng…
![]() |
Tàu dân binh Trung Quốc neo đậu trước cửa luồng vào hồ neo đậu trong bãi Gạc MaTHANH NIÊN |
Từ năm 2018, khi công trình trái phép trên bãi Gạc Ma đã hoàn tất, phía Trung Quốc bắt đầu thay trực bảo vệ từ tàu chiến sang tàu cá dân binh. Từ đầu năm 2020, số lượng tàu cá dân binh neo đậu tại Gạc Ma tăng đột biến, có thời điểm lên đến gần 100 chiếc đủ loại.
Cùng tình hình chung, sau tháng 3.2021, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tập trung các tàu cá ở khu vực Ba Đầu (lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, H.Trường Sa, Khánh Hòa), các tàu cá Trung Quốc không co cụm ở khu vực thường xuyên mà tản mát ở nhiều bãi ngầm và nơi có căn cứ chiếm giữ.
![]() |
Người Trung Quốc trên tàu cá neo đậu cạnh Gạc MaTHANH NIÊN |
Tại Gạc Ma từ cuối năm 2021 đến nay, phía Trung Quốc duy trì thường xuyên gần 10 tàu cá dân binh để làm nhiệm vụ bảo vệ. Các tàu này thường neo đậu ở cửa luồng phía đông bắc Gạc Ma – khu vực gần với đảo Cô Lin và Len Đao đang do bộ đội Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chốt giữ bảo vệ. Do hiện nay phía Trung Quốc thực hiện “Zero Covid” bảo vệ tối đa quân nhân, nên các tàu cá dân binh bị hạn chế cung cấp nước ngọt, lương thực – thực phẩm từ căn cứ quân sự và các ngư dân thường phải hạ thuyền nhỏ câu cá cải thiện và phơi khô để phòng xa…
![]() |
Thuyền nhỏ của ngư dân Trung Quốc quanh quẩn câu cá ngoài bãi Gạc MaTHANH NIÊN |
![]() |
Đa số là các tàu có lượng giãn nước 1.000 tấnTHANH NIÊN |
Một số cán bộ Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Trên vùng biển Trường Sa hiện đã xuất hiện loại tàu dân binh Quỳnh Tam Sa Ngư của Trung Quốc. Loại tàu này được đóng mới hàng loạt và hạ thủy, đưa vào hoạt động trong năm 2018 – 2019. Do chuyên dụng làm nhiệm vụ bảo vệ các tàu thăm dò khai thác dầu khí, nghiên cứu biển… nên các tàu Quỳnh Tam Sa Ngư đều có lượng giãn nước lớn (trên dưới 1.000 tấn), được lắp đặt các trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, vòi phun nước xa, trang bị vũ khí bộ binh và thậm chí cả súng máy 14,5 mm loại QJG 02.
![]() |
Các tàu neo đậu phía ngoài bãi Gạc MaTHANH NIÊN |
![]() |
Các tàu này đều neo đậu chắc chắnTHANH NIÊN |
![]() |
Tàu vận tải tổng hợp 961 của hạm đội Nam Hải tiếp tế cho quân nhân Trung Quốc đóng quân trái phép trên bãi Gạc MaTHANH NIÊN |
![]() |
Quân nhân Trung Quốc trên xuồng thay quân ở Gạc MaTHANH NIÊN |
Đầu và cuối tháng 5.2022, khi có mặt tại vùng biển Cô Lin – Gạc Ma, chúng tôi ghi nhận 2 tàu Quỳnh Tam Sa Ngư mang số hiệu 00301 và 00002 đang neo đậu trước cửa luồng vào hồ trong bãi Gạc Ma. Xung quanh đó, còn hơn 10 chiếc nữa đã neo đậu từ vài tháng nay. (còn tiếp)
***
Tàu thuyền Trung Quốc ‘ăn vạ’ ở Trường Sa: Hung thần ‘trâu điên’
Mai Thanh Hải, Trần Trường Sa, Hằng Linh
06:30 – 09/06/2022 THANH NIÊN
Ở các căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên những bãi đá ngầm của Việt Nam tại Trường Sa, có những chiếc xuồng tuần tra cao tốc Trung Quốc trang bị vũ khí rượt đuổi tàu thuyền đi ngang qua. Ngư dân Bình Thuận, Quảng Ngãi gọi đó là ‘trâu điên’…
Ông Trần Quang Phố (50 tuổi, ở xã Long Hải, H.Phú Quý, Bình Thuận) là thuyền trưởng tàu BTh-96689 TS, đã có thâm niên gần 30 năm đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa, kể: Không chỉ đánh bắt, mà chỉ cần vào gần căn cứ Trung Quốc khoảng 4 – 5 hải lý (7 – 9 km) là y như rằng họ lao xuồng cao tốc ra rượt đuổi. Xuồng chạy rất nhanh, chớp đèn hú còi ầm ĩ. Binh lính trên xuồng mặc quần áo rằn ri, đội mũ sắt, lăm lăm súng.
![]() |
Xuồng cao tốc số hiệu 12, chở quân nhân Trung Quốc từ căn cứ quân sự trong bãi Huy Gơ ra đẩy đuổi, đe dọa tàu Việt Nam đi ngang qua |
Cách đây mấy năm, chiều 30.5.2016, tàu cá BTh-96689 TS chạy từ đảo Phan Vinh sang đảo Đá Đông A, ngang qua đá Châu Viên (bãi đá của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ tháng 2.1988 và phía Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo, căn cứ quân sự có quy mô và tầm quan trọng nhất trong số 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam tại Trường Sa), cách khoảng 10 hải lý (hơn 18 km) thì bị xuồng cao tốc Trung Quốc chạy ra gọi loa bắt dừng lại.
Thấy thuyền trưởng Phố tăng tốc độ, binh lính Trung Quốc ngồi trên xuồng chĩa súng đe dọa và áp sát khoảng 3 – 4 m, tìm cách áp mạn nhảy lên. Hơn 1 giờ đồng hồ vòng tránh, tàu BTh-96689 TS mới thoát khỏi sự truy đuổi ngang ngược của xuồng cao tốc Trung Quốc, vào trong bãi Đá Đông.
![]() |
Các quân nhân Trung Quốc chĩa súng đe dọa tàu đi gần bãi Châu Viên |
Ngư dân Trần Quang Tài (25 tuổi, ở Long Hải, H.Phú Quý, Bình Thuận), đi tàu BTh-96435 TS, cho biết khi phát hiện tàu câu gần căn cứ trên bãi ngầm, xuồng cao tốc Trung Quốc lao ra đuổi tàu ra xa, xong mới quay lại chạy vòng quanh các thuyền câu nhỏ, tạo sóng lớn nguy hiểm…
![]() |
Cần cẩu hạ xuồng cao tốc tại bãi Gạc Ma |
Từ đầu năm 2020, khi các tàu cá Trung Quốc tràn xuống Trường Sa và… “ăn vạ” ở các bãi đá Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven, các tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sản gần các tàu cá Trung Quốc cũng bị xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc vũ trang, từ căn cứ chạy ra rượt đuổi, đe dọa.
![]() |
Quân nhân trên xuồng mang súng trường tấn công QBZ-95, có gắn ống phóng lựu |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở mỗi căn cứ quân sự do Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, đều có 1 đội xuồng cao tốc từ 2 – 5 chiếc. Mỗi chiếc xuồng này dài khoảng 7 m, có gắn 4 máy 1.000 mã lực, được trang bị thiết bị liên lạc sóng cực ngắn – đèn hiệu và súng máy hạng nặng QJZ89 (cỡ nòng 12,7 mm). Trên xuồng thường duy trì 7 – 8 quân nhân, trong đó có 1 người lái, 1 chỉ huy, 1 quay phim chụp hình, số còn lại mang súng trường tấn công QBZ-95.
![]() |
Xuồng cao tốc chạy tốc độ cao, qua khu vực tàu cá dân binh Trung Quốc neo đậu dài ngàyTHANH NIÊN |
Việc các xuồng cao tốc Trung Quốc từ các căn cứ lao ra rượt đuổi, khiêu khích thậm chí đe dọa các tàu cá, tàu vận tải Việt Nam không phải là hiếm. “Họ diễu võ dương oai và muốn thử phản ứng, nhưng chúng tôi đều giữ nguyên hướng đi, tốc độ của tàu. Họ bám theo một lúc, chán rồi lại quay về”, ông Trần Văn Nga, thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 (Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ GTVT), chuyên vận tải công nhân, hàng hóa, trang thiết bị cho các hải đăng ngoài Trường Sa, kể lại.
![]() |
Xuồng 18 và 19 đi ra từ căn cứ trên bãi Chữ Thập |
![]() |
Xuồng số hiệu số 16 với 7 quân nhân Trung Quốc ngồi trên súng máy hạng nặng QJZ89 (cỡ nòng 12,7 mm) gắn trên mũi xuồng cao tốc |
![]() |
Súng máy hạng nặng QJZ89 (cỡ nòng 12,7 mm) gắn trên mũi xuồng cao tốc |
(còn tiếp)
***
Tàu thuyền Trung Quốc ‘ăn vạ’ ở Trường Sa: Đủ loại tàu quấy rối, đe dọa
Mai Thanh Hải, Trần Hoàng
17:21 – 10/06/2022 THANH NIÊN
Do đã xây dựng trái phép 7 căn cứ quân sự trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa nên hiện nay phía Trung Quốc đưa nhiều tàu quân sự, tàu khảo sát – nghiên cứu, hải cảnh… xuống hoạt động ở khu vực này.
Những năm 2013 – 2014, một số tàu quân sự Trung Quốc thường trực tại Trường Sa để bảo vệ binh lính đóng quân trên các bãi cạn Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Ga Ven (chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ 1988 – 1992). Các tàu này gồm tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ I, II, V (được đưa vào biên chế giai đoạn 1985 – 1989), tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hồng Tinh, tàu kéo cứu hộ lớp Nam Đà… và một số tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần của phân cục Nam Hải.
![]() |
Tàu Hải cảnh 5302 và tàu cá dân binh Trung Quốc tại Trường Sa |
Giai đoạn 2014 – 2018, khi phía Trung Quốc cấp tập xây dựng, cải tạo các vị trí chiếm đóng trái phép trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, các tàu chiến mới đưa vào biên chế cũng tăng cường sự hiện diện ở các bãi này, vừa để bảo vệ việc vận chuyển – xây dựng, vừa xua đuổi, răn đe tàu thuyền các quốc gia khác trong khu vực.
Đặc biệt, từ 2018 đến nay, hải quân Trung Quốc đẩy nhanh việc đóng mới, đưa vào biên chế các tàu hiện đại và đều đưa xuống khu vực Trường Sa, theo chủ trương gọi là “làm quen chiến trường”.
![]() |
Tàu Hải cảnh 46115 của Trung Quốc di chuyển sát điểm đóng quân của bộ đội Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân) |
![]() |
Tàu Hải Dương 4 chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – khảo sát tài nguyên biển (thuộc Cục điều tra địa chất hải dương Quảng Châu, Bộ Đất đai và tài nguyên Trung Quốc) tại Trường Sa |
Không chỉ các tàu hộ vệ tên lửa, khu trục, tàu pháo…, các loại tàu khác như vận tải đổ bộ, vận tải tổng hợp, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm của các hạm đội hải quân Trung Quốc cũng kéo xuống Trường Sa, vừa tuần tra vừa huấn luyện đường dài trên biển.
Thậm chí có thời điểm các tàu trinh sát điện tử kiểu 815 (AGM/AGI) của hạm đội Đông Hải và Nam Hải còn di chuyển gần các đảo do bộ đội Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân) đóng quân để thực hiện các hoạt động tác chiến điện tử, thu thập dữ liệu tình báo cho tác chiến hải quân.
![]() |
Tàu vận tải tổng hợp số hiệu 908 của hạm đội Nam Hải tại Trường Sa |
![]() |
Tàu hải cảnh 5302 của chi đội 5, Bộ chỉ huy Nam Hải, Trung Quốc hoạt động ở Trường Sa |
Từ đầu 2020, cùng với việc đưa hàng trăm tàu cá dân binh xuống neo đậu dài ngày ở các bãi cạn không người ở Trường Sa, phía Trung Quốc cũng tăng cường các tàu hải cảnh xuống túc trực, sẵn sàng can thiệp khi các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Các tàu hải cảnh này cũng liên tục áp tải, bảo vệ các tàu khảo sát dầu khí, nghiên cứu biển xuống khu vực Trường Sa và Biển Đông.
![]() |
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Khải I, số hiệu 525 của hạm đội Nam Hải |
![]() |
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Khải II, số hiệu 574 tại Trường Sa |
![]() |
Tàu Hải cảnh 4302 và tàu nghiên cứu biển Trung Quốc neo đậu tại Gạc Ma |
“Các loại tàu thuyền Trung Quốc xuống hoặc đi ngang khu vực Trường Sa thường ghé lại các căn cứ được xây dựng trái phép, như: Châu Viên, Xu Bi, Chữ Thập, Vành Khăn. Ở Xu Bi, thời điểm giữa tháng 5.2022, các tàu cá dân binh tập trung lên đến gần 500 chiếc, và đến cuối tháng 5.2022, chúng lại quay trở về những khu vực neo đậu dài ngày quen thuộc như Ba Đầu, Huy Gơ, Ken Nam, Ga Ven, Gạc Ma… Cuối tháng 5, đầu tháng 6.2022, riêng số lượng tàu cá dân binh tại khu vực Ba Đầu – Huy Gơ lên đến gần 200 chiếc”, một cán bộ Kiểm ngư Việt Nam cho biết.
![]() |
Tàu trinh sát điện tử 855 của Trung Quốc tại Trường Sa |