Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới: Ai thiệt, ai lợi? – 4 bài

Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới: Ai thiệt, ai lợi?

THẢO NGUYÊN 23-03-2021 09:00

Kinhtedothi Từ nhiều năm qua, giá vàng thị trường trong nước và thế giới luôn có sự chênh lệch. Gần đây nhất, mức chênh này lên tới 8,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch nhất từng được ghi nhận trong suốt 8 năm qua, tính từ thời điểm SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.


Mua bán vàng tại cửa hàng Bảo tín Minh Châu trên đường Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo nhiều chuyên gia, hiện chính sách tín dụng vàng trong nước chưa liên thông được với thế giới dẫn tới việc thị trường vàng trong nước đang có một “sân chơi” riêng về giá.

Đó là thực tế diễn ra nhiều năm qua khi mà giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới. Khi giá vàng trên thị trường thế giới tăng, giá vàng trong nước lại giảm, nhưng phổ biến vẫn là giá vàng thế giới giảm, trong khi giá vàng trong nước lại tăng hoặc giảm rất chậm.

Chênh lệch mua bán lớn, vàng SJC ngày càng đắt đỏ

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục có nhiều phiên biến động không cùng nhịp với giá vàng thế giới. Đơn cử giá vàng trong nước sáng 2/3 giảm mạnh và đã tuột khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại thị trường châu Á giá vàng đi lên trong phiên ngày 2/3 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và sự lạc quan về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời này.

Hoặc trong phiên 5/3, giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,9% xuống còn 1.695,26 USD/ounce, đánh dấu lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce kể từ tháng 6/2020. Giá vàng trong nước phiên này chỉ giảm khoảng 150.000 đồng/lượng, tương đương gần 0,3%. Thậm chí có thời điểm xuống 1.691 USD/ounce, tương đương 47,2 triệu đồng/lượng (tính theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế phí).

Có thời điểm, giá vàng SJC đã đắt hơn giá vàng trên thị trường thế giới 8,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức kỷ lục gây choáng váng cho bất cứ ai. Với mức chênh lệch phi lý này, Việt Nam được coi là quốc gia có giá vàng đắt nhất thế giới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số DN kinh doanh vàng, từ nhiều năm qua, thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông khiến giá vàng tại hai thị trường này luôn có sự chênh lệch. Từ lâu Việt Nam không cấp phép nhập vàng. Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng quy định, NHNN là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu vàng, và khi cái “van” này không mở để lưu thông với thị trường thế giới là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước không ở mức quân bình, dẫn đến sự chênh lệnh lớn.

Yếu tố nữa tác động mạnh đến thị trường là quá trình chuẩn hóa thương hiệu vàng quốc gia. Theo quy định, vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, và Việt Nam chỉ sử dụng duy nhất một thương hiệu vàng miếng cho cả nước, đã khiến giá vàng trong nước có khoảng cách khá lớn so với thế giới.

Kiến nghị sớm tăng cung cho thị trường vàng

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) và các DN kinh doanh vàng nhiều lần kiến nghị NHNN nới lỏng hơn về chính sách quản lý vàng nguyên liệu để các DN có thể nhập về sản xuất vàng trang sức, thúc đẩy thị trường này phát triển. Tuy nhiên đến nay, gần như không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Trong khi đó, theo VGTA, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC triển khai thực hiện quá chậm việc gia công độc quyền cho NHNN. Ðiều này khiến dư luận nghi ngại về hiệu quả của việc chọn thương hiệu SJC thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước hướng tới ổn định thị trường vàng.“

Nghị định 24 đã tạo được những điểm nhấn tích cực. Ðó là lần đầu tiên khẳng định một thương hiệu vàng quốc gia như là quy chuẩn chung trong giao dịch, dự trữ và đo lường vàng. Ðồng thời giảm thiểu các hoạt động buôn bán đầu cơ hoặc những mua bán không khuyến khích nhằm giữ ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, việc NHNN chỉ chọn duy nhất Công ty SJC gia công, chuyển đổi vàng, điều đó đồng nghĩa với việc công ty này đã nắm toàn bộ”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá. Ông Ngô Trí Long phân tích: “Độc quyền thương hiệu nhưng lại để cho một DN gia công sản xuất chế biến thì đó là điều bất hợp lý. Như vậy biến độc quyền nhà nước thành độc quyền thương hiệu cho một DN mà DN đó được phép gia công. Nhất là với kỹ thuật hiện nay thì có rất nhiều đơn vị gia công chế tác làm được không chỉ riêng SJC”.

Đại diện một DN vàng tại Hà Nội cho biết, nguồn cung vàng SJC trên thị trường chủ yếu mua đi bán lại. Ngoài ra, hiện nay lượng người bán vàng cũng ở mức rất thấp, các công ty vàng không chủ động được nguồn cung. Sau Tết các sản phẩm từ vàng nữ trang, vàng Thần tài đang bày bán trên thị trường đều được nhập từ trước Tết và khi đó giá nhập vẫn neo ở mức cao. “Do vậy, nếu giá vàng trong nước giảm đột ngột như giá vàng trên thị trường thế giới chắc chắn họ sẽ không thể cân bằng được giá trị mua vào.

Liên quan đến đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục kiên định với những chính sách, kết quả đạt được trong thời gian qua. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận.Theo một chuyên gia tài chính, ngay cả vàng trang sức, DN cũng không được nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ là thiệt thòi cho cả DN và người dân khi giá vàng thế giới giảm mạnh. Sau gần 10 năm, đến nay thị trường vàng đã ổn định, vàng không còn là phương tiện thanh toán. Đã đến lúc cần thay đổi quy định thị trường phát triển hợp lý hơn. Chưa kể, trong trường hợp cơ quan quản lý can thiệp tốt và mạnh vào giá vàng giúp chênh lệch thu hẹp sẽ khiến việc đầu cơ, găm giữ vàng của NĐT giảm đi.

(còn nữa)

***

Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới: Ai thiệt, ai lợi?: Bài 2: Sức ép nhập lậu vàng

THẢO NGUYÊN 24-03-2021 08:52

KinhtedothiVới mức chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế lên đến 8 – 9 triệu đồng/lượng, khó tránh được tình trạng nhập lậu vàng, “chảy máu” ngoại tệ.

 
Giao dịch mua bán đồ trang sức trên phố Hào Nam. Ảnh: Thanh Hải

Thấy gì qua việc liên tiếp buôn lậu vàng qua biên giới

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng TS Đinh Thế Hiển cho rằng, khi thị trường vàng trong nước khan hiếm nguồn cung mà không được nhập qua chính ngạch sẽ dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu, nhất là khi giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng, thì việc nhập lậu vàng là khó tránh.

Thực tế, vừa qua, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng đi xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam cùng hai bao tải và một bọc nylon màu đen chứa nhiều khối kim loại màu vàng với trọng lượng khoảng 51kg. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an cho thấy 51kg kim loại màu vàng nói trên là vàng 9999.

Tuy nhiên, một chuyên gia hiện đang làm cố vấn cho Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam nhận định, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở Việt Nam, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Đặc biệt, quy mô buôn lậu vàng từ Campuchia qua Việt Nam không hề nhỏ.

“Thực tế ở khu vực phía Nam, vàng lậu chủ yếu đi từ Campuchia, miền Trung đi từ Lào và miền Bắc thẩm lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất chủ yếu ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia”- ông Hiển đánh giá.

Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu vàng vẫn diễn ra phức tạp vàng lậu không chỉ được vận chuyển qua đường bộ mà còn cả đường hàng không, đường biển.

Theo Tổng Cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của những ngày cận Tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020, song tính chất các vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn. Trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng,…

Buôn lậu siêu lợi nhuận

Chuyên gia ngành vàng Dương Anh Vũ khẳng định: “Với 51kg vàng lậu bị thu giữ, tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm thấp nhất lúc đó là 1.860 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua 51kg vàng từ Campuchia khoảng 69 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng thì khi nhập lậu trót lọt 51kg vàng, lợi nhuận thu được khoảng 4 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng quá hấp dẫn” – ông Vũ tính toán.

Nhưng giới buôn lậu không chỉ ăn lãi có thế. Theo một chuyên gia lâu năm về vàng, hiện nay tại Việt Nam dân chỉ chuộng vàng “SJC 9999” do nhà nước độc quyền, giá vàng “chuẩn quốc gia” này lúc nào cũng cao ngất ngưởng, do đó với tất cả các loại vàng còn lại, đặc biệt vàng nữ trang gần như không còn đất sống khiến các DN kinh doanh vàng nữ trang hiện nay cũng đang méo mặt. Do đó, có thể dẫn đến hiện tượng các đầu mối gom vàng trôi nổi với giá rẻ xuất lậu ra nước ngoài, từ đó gia công chế tác lại thành vàng nữ trang quay về Việt Nam để tiếp tục hưởng lãi kép.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho biết, trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 – 30%, còn 70 – 75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70 – 100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay NHNN cấm các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các DN sản xuất vàng trang sức phải mua trôi nổi trên thị trường.

Theo chuyên gia vàng quốc tế Huỳnh Trung Khánh, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng. Mức chênh lệch vàng quá cao lên tới 7 – 8 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Hệ lụy là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh và có thể diễn ra hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.

Có một điểm đáng chú ý tại thị trường ngoại hối thời gian gần đây, giá USD tự do thường trái chiều với các thị trường còn lại. Giá USD tự do tăng liên tục những ngày gần đây và tiến sát ngưỡng 24.000 đồng/USD. Cụ thể, phiên ngày 7/3, theo báo giá của một số tiệm vàng, giá bán USD tự do bán ra đã lên mức 23.880 đồng/USD. Tăng đến 380 đồng/USD so với thời điểm trước Tết, và đang cao hơn giá USD ngân hàng 760 đồng/USD.

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy có hiện tượng USD đi, vàng về vì mức chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới hiện nay đang tạo ra siêu lợi nhuận cho giới kinh doanh vàng.(còn nữa)

Về phía Nhà nước, buôn lậu vàng sẽ gây thất thu về thuế. Các DN, ngân hàng kinh doanh vàng chính quy sẽ sụt giảm doanh thu. Người tiêu dùng và nhà đầu tư lại vẫn phải mua với giá cao, chỉ có lợi cho giới buôn lậu.

***

[Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới: Ai thiệt, ai lợi?] Bài 3: Người mua luôn thua kẻ bán

THẢO NGUYÊN 25-03-2021 09:10

KinhtedothiNếu kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao thì sẽ gây ra nhiều hệ luỵ. Theo các chuyên gia, với thị trường vàng không theo diễn biến cung cầu, chênh lệch quá cao so với thế giới chắc chắn có thể làm giá được.

 
Giá vàng trong nước và quốc tế trên thị trường hiện tại có sự chênh lệch khá cao. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà đầu tư rủi ro

Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, thị trường vàng trong nước đang diễn biến giật cục và các DN vàng đang đẩy hết rủi ro về phía NĐT. “Chỉ khi nào nguồn cung vàng trong nước thoát khỏi sự khan hiếm thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn, đồng thời nút thắt về ngành vàng nữ trang mới được tháo gỡ. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới” – ông Khánh nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng hiện nay không chỉ cao hơn rất nhiều so với thế giới 7 – 8 triệu đồng mà khoảng cách chênh lệch giữa mua và bán cũng lớn. Có thời điểm lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng, điều này gây rủi ro thua lỗ cho các NĐT. Bởi, khi họ vừa mua xong đã lỗ chênh lệch mua bán, nếu giá trong nước quá cao đến lúc về bằng giá thế giới thì người mua sẽ lỗ nặng.

Giả sử, DN vàng niêm yết giá mua vào 53 triệu đồng/lượng, giá bán ra 55 triệu đồng/lượng (chênh lệch mua vào bán ra là 2 triệu đồng). Nếu NĐT mua vàng ở mức giá 53 triệu đồng/lượng, thì phải đợi giá vàng lên trên 55 triệu đồng/lượng mới có thể hòa vốn. Với mức chênh lệch này, chỉ những người mua ở thời điểm giá vàng xuống mức 51 – 52 triệu đồng/lượng thì bán ra mới có lời. Còn lại thì vẫn đang lỗ khoảng 2 triệu đồng/lượng nếu bán ra ở thời điểm này. Ngược lại “nhà vàng” bỏ túi hơn 2 triệu đồng nhờ chênh lệch giá mua bán trong khi người dân thì chịu cảnh “mua cao bán thấp”. Trong trường hợp giá vàng thế giới “rung lắc”, DN vàng sẽ nhanh chóng hạ sâu giá mua vào, khi đó NĐT sẽ lỗ nặng.“

Khi NĐT quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Các chuyên gia ước tính rằng với mức chênh như hiện nay, “nhà vàng” có thể lời hàng triệu đồng mỗi lượng.

Với tình trạng buôn lậu vàng, theo Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng, giá trong nước cao khiến giá thành sản xuất vàng trang sức tăng cao. DN khó tính toán hiệu quả kinh doanh vì giá vàng mua qua kênh không chính thống thường cao hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế. Việc mua vàng trôi nổi trong nước cũng khó quản lý chất lượng, tăng thêm rủi ro vàng thật – vàng giả trên thị trường. Từ đây, cơ quan quản lý sẽ gặp khó trong quản lý thị trường vàng. Đáng nói là, giá đầu vào tăng cao thì một phần lớn chi phí được đổ cho người mua. “Trong làm ăn, đời nào người sản xuất kinh doanh chịu lỗ, nên chi phí này phần lớn người tiêu dùng phải gánh, khiến họ phải mua một món hàng giá cao hơn” – ông Bảng nói.

Không liên thông, giá vàng sẽ còn bị thao túng

Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng có hiện tượng làm giá, tạo chênh lệch cung – cầu ảo. Thực tế, thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định. Một số DN kinh doanh vàng trong nước có quyền đẩy giá lên để dự phòng rủi ro. Khi có một biến động bất thường trên thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường được kéo ra rất xa nhằm bảo đảm an toàn của các DN kinh doanh vàng. Do vậy, không ngạc nhiên khi có lúc giá vàng trong nước chênh lệch 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.“

Ở đây có thể nhận thấy là đang có dấu hiệu làm giá của những người bán vàng với mục đích vừa phòng ngừa rủi ro biến động giá của thị trường, nhưng cũng vừa nhằm tối ưu lợi nhuận khi kéo chênh lệch giá mua bán lên tới cả triệu đồng mỗi lượng” – ông Phan Dũng Khánh bình luận.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, giá vàng trong nước không theo quy luật cung cầu, hiện nay không có quy định nào liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hay chênh lệch giá mua – bán vàng. Thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định. Theo tìm hiểu, thị trường vàng Việt Nam nằm trong tay những “tay to”, tức là các nhà buôn vàng lớn. Hệ thống buôn sỉ vàng trên thị trường rất chằng chịt, liên kết chặt chẽ với nhau. Chính hệ thống này quyết định giá vàng trên thị trường. “Một khi giá đã phát đi, lập tức theo chân rết, giá đến các tầng trên rồi lan dần xuống các tầng dưới, đều đặn và không có chuyện phá rào”- ông Trương Thanh Đức nói. Ông Đức khuyến cáo NĐT không nên đu theo “sóng” vàng, không bị cuốn theo thị trường khi giá biến động mạnh để tránh thiệt hại.

Bên cạnh yếu tố lợi nhuận từ giá, theo các chuyên gia nguyên nhân một phần do chính sách còn bất cập và việc quản lý còn lỏng lẻo khiến vàng trang sức, vàng nguyên liệu trở thành nơi “trú ẩn” của vàng lậu. Mặc dù, NHNN có cả Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 22 về đo lường quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ buộc DN phải tuân thủ quy định đóng mã ký hiệu, hàm lượng, tuổi vàng, độ tinh khiết khi lưu thông… nhưng thực tế chỉ có các DN lớn làm việc này trong khi hầu hết các DN nhỏ đều không thực hiện. “Khi NHNN tăng cường quản lý chặt chẽ, yêu cầu vàng trang sức phải đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng, hàm lượng; thị trường không còn vàng trôi nổi, vàng kém chất lượng, người dân tin tưởng thì chắc chắn dân buôn vàng lậu cũng không còn cửa để làm ăn”- PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

(Còn nữa)

Trong bối cảnh này, có 3 đối tượng đang bị thiệt hại khi tham gia thị trường vàng, gồm: Những người có nhu cầu mua vàng như tài sản an toàn, tiết kiệm; một bộ phận người dân sống ở nông thôn có thu nhập, mua vàng để tiết kiệm và những đối tượng vay nợ vàng khi giá xuống thấp giờ giá vàng tăng lên 55 – 57 triệu đồng/lượng khiến họ gặp khó khăn… Đây đều là những nhóm yếu thế trong đợt biến động giá vàng vừa qua. Do đó, ở những thời điểm nóng sốt, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

***

[Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới: Ai thiệt, ai lợi?] Bài cuối: Làm gì để vàng trở về đúng giá trị?

THẢO NGUYÊN (THỰC HIỆN) 26-03-2021 08:58

KinhtedothiThực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thành công thị trường vàng.

Tuy nhiên, đến nay, giá vàng trồi sụt bất thường cao hơn thế giới trên 8 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua, bán quá lớn cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần xem lại khái niệm “bình ổn”. Giá vàng trong nước không thể mãi “một mình, một chợ”.

PGS. TS Ngô Trí Long: Thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới

Dư luận đang lo lắng, phải chăng vì sự quan tâm của người dân với vàng đã “nguội lạnh” nên cơ quan quản lý cũng “buông” thị trường vàng và để kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao như hiện nay? Chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế. Dân buôn lậu còn vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.

Trước mắt NHNN nên xem xét tăng thêm nguồn cung vàng miếng SJC, đồng thời cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số DN đủ điều kiện theo quy định hiện hành để góp phần kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng quốc tế; để các thương hiệu vàng tự cạnh tranh với nhau. NHNN cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tránh nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu vàng. Một khi thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, chênh lệch giá không còn thì cũng sẽ hết tình trạng buôn lậu. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Hành lang pháp lý cho sàn vàng quốc gia

Chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng. Người dân hoặc những NĐT khi gửi vàng cho NHNN sẽ được cấp Chứng chỉ vàng. Huy động vàng, gửi vàng đương nhiên phải được trả lãi, có như vậy NHNN mới có thể huy động được lượng vàng rất lớn từ người dân. Để Sở Giao dịch vàng hoạt động một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, trong thời gian đầu hoạt động, nên quy định tỷ lệ ký quỹ cao, thậm chí là 100%, rồi sau đó có lộ trình giảm dần cho phù hợp thông lệ quốc tế, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ vàng. Bên cạnh đó, cần kết nối liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế để đảm bảo tính thanh khoản cao cho Sở Giao dịch vàng và đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng; hạn mức giao dịch; quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên;… Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế, mà còn loại bỏ những sàn vàng chui đang “mọc như nấm” như hiện nay.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Đinh Nho Bảng: Ngân hàng Nhà nước quản lý hay kinh doanh vàng?

Diễn biến giá vàng những ngày qua đặt ra cho cơ quan quản lý lúc này không chỉ là kiểm soát thị trường mà còn phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tránh tạo bong bóng thị trường. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

Theo chúng tôi, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là DN nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp. Đã đến lúc cần thay đổi quy định thị trường phát triển hợp lý hơn. Tôi nghĩ NHNN không cần thiết đóng vai trò kinh doanh vàng. Đây là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng nhưng lại tham gia cả vào thị trường vàng. Mặt khác, cần cho phép thêm các thương hiệu khác tham gia vào thị trường vàng, thay vì việc tuyên bố chỉ có một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất là SJC, điều này dễ tạo ra tính độc quyền của SJC.

TS Cấn Văn Lực: Cần thiết lập sàn giao dịch vàng tập trung quốc gia

Cần thiết sớm phải thành lập một sàn vàng quốc gia, vì việc này sẽ giúp thị trường vàng trong nước và thế giới có sự liên thông. Trong thời gian trước mắt, NHNN cần nghiên cứu sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Bên cạnh đó, việc lập sàn vàng quốc gia để giao dịch vàng được minh bạch, các thành phần nhà kinh doanh, dân chúng đều được tiếp cận thông tin, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường. Nếu có sàn vàng, các thông tin sẽ được minh bạch, dân chúng và NĐT được mua bán công khai, rõ ràng, lợi ích được đảm bảo.

Hơn nữa, Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần giảm thiểu giao dịch vàng vật chất mà còn huy động được vàng trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia. Hiện, lượng vàng trong dân đang còn rất lớn, cần được huy động để hỗ trợ nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh. Khi NHNN huy động vàng sẽ tạo ra lượng dự trữ vàng quốc gia lớn hơn, đồng thời kiểm soát được lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu vàng. Nếu cứ để thị trường vàng “đóng băng” như hiện nay, nhà đầu tư, người dân luôn có tâm lý găm giữ vàng, không có nguồn tài chính để lưu thông sang nhiều kênh đầu tư hiệu quả khác.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s