
Ký PHẠM NGA
Hôm qua rằm tháng Tám, cũng là Tết Trung Thu vốn rộn ràng vui vẻ, nhưng tiếc là cái dịch Covid 19 hiện vẫn còn đe dọa nên chùa Phổ Quang (Phú Nhuận) dù vẫn nghi ngút khói nhang nhưng rõ ràng là khá vắng khách thập phương.
Lâu nay, cứ ngày rằm hay mùng 1 là vợ chồng tôi đi chùa, riêng tôi còn có job riêng là chụp ảnh. Trong bộ sưu tập ảnh các chùa, đình, miếu, lăng, đền… của mình, tôi tâm đắc nhất là các ngôi chùa cổ. Từ lâu rồi, đã lặn lội săn ảnh khắp các vùng gần/xa Sài Gòn, trí nhớ tôi lại đặc biệt ghi đậm hình ảnh Châu Thới sơn tự ở thị xã Dĩ An, Bình Dương, mà tôi đã đến khoảng năm 2007, 2008…
Thời đó, ngay ranh giới hai tỉnh Bình Dương với Đồng Nai, đường quốc lộ 1K còn đang sửa chữa, đào xới ngổn ngang, bụi đường mù mịt. Đứng ở vệ đường nhìn lên núi Châu Thới, tôi thấy thấp thoáng một mái chùa bèn quẹo xe luôn vào một con đường nhựa gần đó. Nhưng cánh cổng đóng kín của cơ quan tên là Công ty cổ phần Bê tông 620 đã ngăn tôi lại. Đường cấm! Một người dân chỉ cho tôi đi lối khác, là phải trở ra quốc lộ, cứ thấy bên kia đường có bảng hiệu lò gốm “T&C” thì bên này là đầu một con đường khác dẫn lên Châu Thới sơn tự.
Con đường nhỏ, cũng được cán nhựa nhưng mấp mô và lở lói, dành cho khách thập phương dài khoảng 1 cây số, phình rộng trước cổng tam quan chùa rồi uốn éo thêm chừng nửa cây số nữa mới dẫn vào chùa. Nhưng như để tỏ lòng thành, thay vì dùng xe hai bánh, xe hơi nhỏ chạy thẳng lên chùa, một số khách hành hương chọn cách leo núi từ cổng tam quan. Một tư liệu cho biết núi Châu Thới chỉ cao 85 mét và con đường bậc thang chỉ bắt đầu từ lưng chừng núi nhưng dưới ánh nắng gay gắt, phải nói là vất vả, hụt hơi khi phải leo tới 220 bậc xi măng. Ân cần chia sẻ nỗi khó nhọc của khách leo núi, đám người ăn xin ngồi rải rác ở các bậc thang đã xua đuổi mấy con bò cứ vô tư gặm cỏ, đứng choáng cả mặt đường. Họ thi nhau mời bà con nghỉ chân, ghé vô mấy sạp bán đồ giải khát để nằm võng, dùng nước cho khỏe rồi chỉ xin bố thí cho “năm trăm” thôi. Thấy tấm bảng “xưng xâm lạnh, mát” tô đậm nét, treo trước một quán cóc thì tôi cảm thấy càng khát nước hơn nhưng đành thôi, vì còn phải leo tiếp lên cao để chụp ảnh mấy bà thầy bói. Cũng mời chào khách ngồi xuống chiếu của mình để coi “tình duyên, gia đạo”, nhưng một ông thầy có vẻ điềm đạm hơn, lo sửa sang lại bình hoa trong mâm thờ tượng Quan Âm bày trên chiếu, trong mâm có cả một con búp-bê gái nhồi bông…
Cổng chùa hiện ra trước sự phấn khởi của những ai đổ mồ hôi leo núi. Tôi dừng bước để… thở, cũng kịp nhận ra rằng trước mặt mình là phần phía sau của chùa Châu Thới. Khuôn viên chùa rộng mênh mông nhưng khi đã vượt qua cổng chùa, mấy chiếc xe hơi vẫn chầm chậm chạy tiếp dọc theo hông chùa để vào bãi đậu nằm ở khu vực mặt tiền ngôi chùa.
Theo đài điện thoại 0650.1080, chuyên giải đáp mọi thứ câu hỏi về địa phương tỉnh Bình Dương, chùa Châu Thới được xây năm 1612, tính đến nay đã được 395 năm, nhưng theo nội dung của tấm bảng cắm ở cổng tam quan, đến năm 1989 chùa này mới được công nhận là một di tích lịch sử – văn hóa, khi chùa còn thuộc địa phận huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé, chứ không phải thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương như hiện giờ. Nhìn chung thì đây là một ngôi chùa cổ được xây theo lối kiến trúc của những ngôi chùa Trung Hoa, thuộc phái Phật giáo Bắc tông. Phù điêu hình rồng bay, phượng múa có mặt khắp trong khuôn viên chùa, từ ở những ngai thờ Tam vị Phật tổ, Di Lặc Bồ tát cho đến chỗ thờ Quan Công, Thái Thượng Lão quân… Cũng do ảnh hưởng của Khổng giáo và Lão giáo vốn đã đề huề, hòa hợp với Phật giáo trong tín ngưỡng văn hóa người Trung quốc tự xa xưa, cả Sơn thần – không thuộc hàng ngũ các vị Phật, Bồ tát trong Phật giáo – cũng chễm chệ ngồi trong một ngôi miếu nhỏ gần bãi đậu xe.
Vì ở mặt tiền chùa không có lối vào chánh điện, tôi theo chân một đoàn hành hương vòng ra phía sau chùa, len qua một khung cửa rất hẹp mới lọt được vào điện thờ Bồ tát Quan Âm Phổ Độ Mẫu. Khói hương nghi ngút, tượng Quan Âm được choàng bộ y áo thật lộng lẫy, lấp lánh nhũ vàng nhũ bạc, trông không khác chút nào so với những bộ áo mão rất diêm dúa, nặng nề do một số thương gia, nghệ sĩ cải lương dâng cúng Bà Chúa Xứ ở chùa Bà Châu Đốc hay bà Thiên Hậu ở chùa Bà vùng Chợ Lớn. Ở điện thờ Phật Di Lặc mà phía sau lưng vị Phật có diện mạo rất vui vẻ, xuề xòa này là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, có gì đó “nam tính” hơn, thật sự trang nghiêm hơn, khi tượng đồng của cả hai vị Phật đều được miễn phần y áo thướt tha, tua ren đủ màu đủ sắc! Ngược lại, gần đó là hai vị sư và một vị cư sĩ tóc dài chỉ mặc nâu sòng mộc mạc, chăm chú giải đoán các lá xăm cho khách hành hương. Tôi nhớ, khi nhận lời coi thêm về tình duyên, gia đạo, phong thái của ba vị này thật đạo mạo, khác hẳn mấy bà, ông thầy bói ngồi dưới đất, mà cổng chùa đã là lằn ranh giới hạn địa bàn hoạt động của họ cùng giới hành khất.
Khi theo chân mọi người len lách tìm lên khu tầng trên của chùa bằng những đoạn thang lầu rất hẹp, tôi nhớ đã nghe mấy bà Phật tử ồ lên xôn xao: “Kìa, đằng kia kìa, Phật ngàn tay ngàn mắt!” Cái điện thờ Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn cùng Long Thiên Hộ pháp này chỉ rộng khoảng 4mx5m, được một nhóm cư sĩ góp công góp của xây dựng trong 2 năm và hoàn thành năm 1991. Màu sắc tươi rói như được tô vẽ mới ngày hôm qua, nhất là trên màu da “ngàn cánh tay” và đôi môi đỏ chót của tượng Phật. Và dù điện thờ này nhỏ hẹp như thế vẫn đủ chỗ cho một thùng công quả, có mặt bình thường như những thùng công quả, công đức khác được đặt trước mỗi điện thờ, bệ thờ trong nội điện cũng như ngoài sân chùa.
Lúc đó, thấy một bác lớn tuổi đang ngồi nghỉ ở một băng đá trong sân chùa, tôi bước đến ngồi bên cạnh và xin phép hỏi vài câu. Bác cho biết là sư Huỳnh Lý, trụ trì chùa, thường vắng mặt ở chùa do nhiệm vụ lớn lao của mình trong ban lãnh đạo trung ương hội Phật giáo trong nước. Tuy vậy, giới Phật tử vẫn thường nhắc đến thầy Lý qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với ông Sơn, khi đó là giám đốc Xí nghiệp khai thác đá số 3. Vài năm sau ngày 30/4/75, xí nghiệp này đã kéo máy móc, công nhân đến lưng chừng núi Châu Thới, ra sức đục đẽo, dùng chất nổ bắn phá đá núi. Cái công trường khai thác đá khốc liệt này đã làm vạt hẳn phần vách núi ở khu vực mặt tiền nhà chùa nhìn xuống. Khách thập phương vắng bóng hẳn. Sư Huỳnh Lý đã miệt mài khiếu kiện suốt từ tỉnh ra đến Hà Nội thì công trường chỉ chuyển hướng phá núi là đào sâu xuống đất, tạo thành một cái ao khổng lồ ngay chân núi. Sau cùng thì trung ương ra lịnh cho Xí nghiệp số 3 phải rút quân, dời công trường đi chỗ khác tuy không rời bỏ chu vi núi Châu Thới. Trong 10 năm gần đây, tình hình đã tạm yên tĩnh, sư trụ trì chùa tổ chức, kêu gọi bá tánh góp sức trùng tu, xây dựng lại ngôi cổ tự. Khách thập phương đã đến chùa đông đảo trở lại…
Chỉ vào một nhóm tượng bên hông chùa, diễn lại cảnh các vị sư và muôn thú quần tụ trước Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, bác lớn tuổi còn cho biết đó là một trong những công trình tạo ấn tượng nhất qua các đợt chùa trùng tu suốt từ trong chánh điện ra tới khuôn viên.
Cám ơn bác Phật tử rành “thông tin”, tôi đã ra đứng tựa vào bờ thành đá xanh bao lấy khuôn viên chùa. Cảnh quan khu vực chân núi cùng con đường bậc thang khi ấy rất khô hanh, cây cỏ còi cọc, vàng cháy và phủ đầy bụi đỏ. Có nghe nói ở vùng này đã có hệ thống nước máy nhưng nước yếu nên người dân tiếp tục dùng nước giếng nhiễm phèn, mà phải đào sâu hơn 50 mét thì phèn mới giảm. Khi quay nhìn về phía phần sau và bên hông chùa, tôi đã thấy màu nâu sậm của những loại đá cổ xưa trông mát mẻ hơn phần nào. Tôi mường tượng lại khu điện thờ Phật Di Lặc và Phật Thích Ca. Hình như trong toàn bộ nội thất nhà chùa, cái màu nâu đồng – trầm mặc và yên nghỉ – nơi hai pho tượng lâu đời này mới ít nhiều còn ẩn chứa những dư âm, dư ảnh của quãng thời gian gần bốn thế kỷ đăng đẳng mà ngôi cổ tự này đã trải qua. Tôi cũng đã cảm thấy trong lòng yên ả, nhẹ nhàng khi nhìn những cặp chân đèn và áng thờ bằng gỗ gụ sẫm đen, hay đôi liễng phủ nhũ vàng mà những nét chữ Hán mực đỏ đã bạc màu thời gian.
Không có gì phải nghi ngờ về công lao của vị sư trụ trì chùa Châu Thới trong cuộc đấu tranh kéo dài hằng chục năm dài để bảo vệ cảnh quan và nền móng nhà chùa và giành lại bầu không khí yên lành, tĩnh tại cho nơi thờ phượng Phật tổ, cũng như những nỗ lực lớn lao của sư nhằm tổ chức, vận động cho công trình trùng tu chùa, tôn tạo ngôi chùa duy nhất trên núi Châu Thới – ngôi cổ tự đẹp đẽ, nổi tiếng khắp các tỉnh miền Đông nam bộ trong suốt mấy thể kỷ qua. Tuy nhiên, riêng tôi đã cảm thấy trong diện mạo đã tôn tạo cho ngôi cổ tự, có một chút gì đó ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính chất và giá trị cổ xưa rất quí báu của di tích lịch sử văn hóa Châu Thới sơn tự. Đó là sự lạc lõng, xa lạ nơi một số chất liệu “hiện đại”có mặt đây đó trong chùa, như những bảng đèn, vòng đèn néon đem trang trí các bệ thờ hay đem làm thành vầng hào quang trên phần đầu các pho tượng cổ, cùng những mảng màu sơn đỏ, vàng, xanh, tím…tươi chói, đầy vẻ phô trương, có phần lạm dụng khi sơn phết, sửa sang lại chỗ này, chỗ kia trong ngôi chùa có số tuổi đến gần 400 năm này.
PHẠM NGA
(Biên tập lại, nhằm Trung Thu Canh Tý 2020)
.