(VNTB) – Trong bối cảnh tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hạm đội 7 hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải, đi vào trong khu vực bán kính 12 hải lý quanh các đảo đá Chữ Thập và Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, với lá thư của chủ tịch VSIL Nguyễn Bá Sơn gửi đến người đồng cấp của Trung Quốc, cho thấy dường như Việt Nam dấn tới bước mạnh mẽ ‘lôi cổ ông bạn vàng’ ra hầu tòa.
“Đại Sự Ký Biển Đông”
Trang facebook có tên “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông” [https://www.facebook.com/daisukybiendong/] được hình thành qua sự hỗ trợ tài chính của Hội Luật quốc tế (VSIL) và cá nhân ông Nguyễn Bá Sơn – chủ tịch VSIL. Đây là trang cập nhật chi tiết về hải trình liên quan đến Tàu Hải Dương Địa Chất 8, với sự cộng tác của ông Ryan Martinson – Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), và nhà báo Đặng Sơn Duân – báo Thanh Niên điện tử.
Ông Nguyễn Bá Sơn, chủ tịch VSIL, nguyên là Vụ Trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại Giao, các năm từ 1998 – 2001 và 2005 – 2009. Năm 2001 – 2005, ông là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại CHLB Đức. Từ năm 2009 – 2012, ông là Đại sứ – Đại diện thường trực bên cạnh các Tổ chức quốc tế tại Viên – Cộng hoà Áo. Ông Nguyễn Bá Sơn là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.
Trong vai trò là nhà tài trợ cá nhân tương tự như ông Nguyễn Bá Sơn, có ông Bùi Thanh Hiếu, người được cộng đồng mạng biết đến với tên “Người Buôn Gió” hiện sống ở Đức. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ ở Köln, Đức cũng là tài trợ cho Dự án.
Trong danh sách cá nhân tài trợ cho “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông” tại Việt Nam, có nhà báo Đoàn Lan Hương – báo Kinh tế & Đô thị (chủ quản UBND TP. Hà Nội), nhà báo Nguyễn Đắc Kiên…
Ngày 25 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo các luật gia, luật sư, và cán bộ… hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, ngày 20 tháng 6 năm 2016, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã chính thức được Bộ Nội vụ cho phép thành lập (Quyết định số 1616/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Tuy nhiên phải đến chiều ngày 28/08/2019, Hội Luật quốc tế Việt Nam mới được cộng đồng mạng xã hội biết đến rộng rãi, qua việc công khai lá thư hôm 24/08/2019 của Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn, gửi cho ông Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc về vụ việc nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8.
Lá thư mở đầu với sự bày tỏ: “Toàn thể Hội viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) hết sức lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Quốc gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Những hoạt động của tàu Hải Duơng Đia Chất 8 và các tàu thuyền của Trung Quốc ở khu vực nói trên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)…”.
Sau khi phân tích sự bất hợp pháp những hành vi của nhóm tàu Trung Quốc dưới góc độ pháp lý, và trích dẫn các quy định của UNCLOS cũng như nhiều kết luận trong Phán quyết của Toà trọng tài Vụ kiện Biển Đông, lá thư cho biết: “Tất cả các thành viên VSIL nguyện sẽ sử dụng tất cả những biện pháp được luật quốc tế quy định, đặc biệt là UNCLOS để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của Tổ quốc mình”.
Lá thư được viết song ngữ Việt – Anh, có thể đọc tại: http://bit.ly/2UcbbYj
Liệu đây có phải là tín hiệu của VSIL chuẩn bị thực hiện một bảo trợ pháp lý cho việc Việt Nam khởi kiện Chính phủ Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
Thiên thời, địa lợi sau 5 năm ‘giấu bài’?
VSIL dường như là những quân bài đã được Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chuẩn bị từ rất lâu, khi mà trụ sở của VSIL đặt tại Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao, Hà Nội. Chi nhánh tại TP.HCM của VSIL đặt tại Tòa nhà Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, quận 1. Người đứng đầu VSIL thì tham gia hành nghề luật sư ở Đoàn Luật sư TP.HCM.
Từ tháng 9 năm 2017, VSIL đã bắt đầu chuẩn bị ‘hài tội’ Trung Quốc, khi trong một phát biểu kỷ niệm tròn một năm tổ chức đại hội thành lập VSIL, vị chủ tịch Nguyễn Bá Sơn đã nói rằng, “chúng ta đã cố gắng thực hiện lời hứa của mình trước nhân dân, trước lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi biểu quyết thông qua nhiệm vụ “sử dụng Luật quốc tế góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước” ở Điều 2 Điều lệ Hội Luật quốc tế Việt Nam.
Tuy vậy, những điều VSIL làm được còn quá ít ỏi, quá nhỏ nhoi, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, vì những thách thức mà dân tộc Việt Nam hiện đang phải đối mặt trên bình diện pháp lý quốc tế là rất phức tạp và khó khăn”.
Vào đầu năm 2018, VSIL cho công khai về hoạt động của “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông – South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI)”. Gọi là ‘cho công khai’, vì thực ra “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông” đã là nơi đầu tiên công bố ra công luận vào tháng 01/2015, ý tưởng và những kết quả ban đầu về một biên niên các sự kiện chính trong tranh chấp Biển Đông, gắn liền với tư liệu gốc hay gần tư liệu gốc nhất có thể.
Dự án bắt tay xây dựng được một biên niên các sự kiện sử dụng, hay đe doạ vũ lực trong tranh chấp Biển Đông từ năm 1945, được đánh giá là đầy đủ nhất trong các bản đã công bố ở công luận.
Dự án cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam công bố hồ sơ nhân tạo của Trung Quốc, cập nhật diễn tiến phát triển trên các thực thể địa lý kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng cho tới năm 2015 (tính tới thời điểm đầu 2018), cũng như là cơ sở đầu tiên khảo sát vấn đề dân quân trên biển một cách hệ thống.
Thời điểm đó, SCSCI còn ‘ẩn mình’ khi tự giới thiệu rằng đây là Dự án ‘phi chính trị’, theo nghĩa mục đích của Dự án không nhằm tới bảo vệ hay giữ gìn hòa khí giữa hai đảng cộng sản Việt Nam – Trung Quốc, mà “Mục đích của Dự án nhằm góp phần cung cấp tư liệu và một bức tranh tổng thể và hệ thống về diễn tiến tranh chấp tại Biển Đông cho các nhà phân tích và hoạch định chính sách, và cho những ai đang quan tâm theo dõi và mong mỏi một giải pháp công bằng, hoà bình và hiệu quả cho tranh chấp Biển Đông”.
Theo hồ sơ công khai của SCSCI, thì các biên niên sự kiện và bộ hồ sơ/ tư liệu của Dự án được xây dựng, tổng hợp và nghiên cứu theo 4 hướng sau: Hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông; Diễn biến thực địa; Các yêu sách biển và Luật Biển quốc tế; Quản lý và giải quyết tranh chấp.
Như vậy trong suốt thời gian dài chuẩn bị, đến nay những diễn biến thời sự công khai trên truyền thông, cho thấy nhiều khả năng Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng tố tụng của Luật Biển quốc tế.
Nói thêm, ngoài ông Nguyễn Bá Sơn, thì ‘dàn bao’ của VSIL là những tên tuổi trong vị trí phó chủ tịch: ông Nguyễn Ngọc Anh, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Luật học (Đại học Tổng hợp quốc gia Kiep, mang tên Taras Sher chenko – Ucraina), hiện là Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, tư pháp, Bộ Công an. Lĩnh vực chuyên môn: Luật quốc tế, Luật hình sự quốc tế, Luật tố tụng hình sự, Tội phạm học, Thi hành án hình sự.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Thạc sĩ Luật (Đại học New York – Hoa Kỳ), hiện là Luật sư, Đại biểu quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Khóa 14, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Lĩnh vực chuyên môn: Luật kinh tế quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Luật đối chiếu quốc tế, Giải quyết tranh chấp và Trọng tài thương mại quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Vinh, Tiến sĩ Luật (Đại học Paris Denis Diderot – Pháp), là Chủ nhiệm Bộ môn Luật quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lĩnh vực chuyên môn: Luật quốc tế, Luật kinh tế quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Tư pháp quốc tế.
Tổng thư ký của VSIL là bà Phạm Lan Dung, Tiến sĩ Quan hệ quốc tế (Học viện Ngoại giao), Thạc sĩ Luật và Ngoại giao (Đại học Fletcher, Tufts – Hoa Kỳ), nguyên Trưởng khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao, hiện là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Đối ngoại, Bộ Ngoại giao.