Có nên hợp pháp hoá việc làm chết nhân đạo hay hỗ trợ tự tử?

English: Should euthanasia or physician-assisted suicide be legal?

Bài viết đưa ra 10 khía cạnh thể hiện các lập luận tán thành – phản đối về việc hợp pháp hóa việc làm chết nhân đạo hay hỗ trợ tự tử dựa trên tình hình xã hội tại Mỹ

1.    Quyền được chết

2.    Bệnh nhân chịu đau đớn giai đoạn cuối

3.    Lập luận “tuột dốc trơn trượt” về hợp pháp hóa giết người

4.    Lời thề thầy thuốc Hippocrate và cấm giết người

5.    Vai trò của chính phủ trong những quyết định cuối đời của công dân

6.    Chăm sóc giảm đau đớn (cuối đời)

7.    Hậu quả về chi phí chăm sóc sức khỏe

8.    Các nhóm trong xã hội có nguy cơ bị lạm dụng

9.    Quan tâm tôn giáo

10. Di chúc về sự sống

1.    Quyền được chết
Ủng hộ

“Quyền của người bị bệnh nan y vào giai đoạn cuối và còn minh mẫn, được tránh việc kéo dài đau đớn và đón lấy cái chết vào đúng thời điểm với nhân phẩm được tôn trọng, đã được lịch sử chấp nhận và tiềm ẩn trong khái niệm tự do cơ bản.

“Việc thực hiện quyền này là cốt lõi cho quyền tự chủ cá nhân và toàn vẹn cơ thể, cũng như những  quyền được bảo vệ bởi những quyết định của Tòa [Tối Cao Pháp Viện] về hôn nhân, các mối quan hệ gia đình, sinh sản, tránh thai, nuôi con và từ chối hay chấm dứt điều trị y tế.

“Đặc biệt, các quyết định gần đây của Tòa về quyền từ chối điều trị y tế và quyền phá thai chỉ ra rằng: một người bệnh nan y giai đoạn cuối, còn minh mẫn có quyền tự do được bảo vệ trong việc lựa chọn chấm dứt đau đớn không thể chịu đựng được bằng cách chọn cái chết cho chính mình.

“Sự cấm đoán toàn diện của nhà nước về việc bác sĩ hỗ trợ tự tử – khi áp dụng cho các bệnh nhân nan y giai đoạn cuối muốn chấm dứt các đau đớn không chịu đựng được và được chết sớm với cái chết không thể tránh – can thiệp nghiêm trọng vào quyền tự do được bảo vệ này và [do đó] không thể chấp nhận được.”

(Bản góp ý của Liên hiệp Tự do Dân sự Mỹ trong vụ kiện Vacco  chống Quill ngày 10/12/1996)

Phản đối

“Lịch sử cách ứng xử của luật pháp đối với việc hỗ trợ tự tử ở Mỹ đã từng và đang tiếp tục là bác bỏ mọi nỗ lực hợp pháp hoá. Theo đó, các phán quyết của chúng tôi [Tối Cao Pháp Viện] đưa đến kết luận rằng “quyền” đã được tuyên bố để hỗ trợ việc tự tử không phải là một quyền tự do cơ bản được bảo vệ bởi hiến pháp.”

(Ý kiến của nhóm đa số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ trong phán quyết vụ kiện Washington chống Glucksberg
ngày 26/6/1997)

2.    Bệnh nhân chịu đau đớn giai đoạn cuối
Ủng hộ

“Ở Hội Hemlock hàng ngày chúng tôi nhận được những cuộc điện thoại khác nhau từ những người tuyệt vọng và đang tìm ai đó hỗ trợ để được chết vì cuộc sống của họ không còn phẩm chất nào. Những người Mỹ cũng nên được hưởng quyền đã đảm bảo trong Công ước châu Âu về Nhân quyền – quyền không bị ép buộc phải chịu đựng đau đớn . Sự ép buộc một người phải sống, trong khi người ấy có đủ lý do để không muốn tiếp tục sống, nên được xem là một tội tương đương với việc lấy đi mạng sống mà không có sự cho phép.”

(Faye Girsh, Ts Giáo Dục, “How Shall We Die – Chúng ta sẽ chết thế nào,” Free Inquiry, số Mùa Đông 2001)

 

Phản đối

“Những người vận động ủng hộ thường tuyên bố rằng luật chống làm chết nhân đạo và hỗ trợ tự tử có nghĩa là chính phủ đang ép buộc chịu đựng đau đớn. Tuy nhiên, tuyên bố này đồng nghĩa với phát ngôn rằng luật chống bán thức ăn bẩn nghĩa có là chính phủ đang ép buộc chết đói.

“Các luật chống làm chết nhân đạo và hỗ trợ tự tử có mặt để ngăn chặn sự lạm dụng và để bảo vệ công dân khỏi những bác sĩ vô đạo đức và một số kẻ khác. Các luật này không, và chưa bao giờ, nhằm khiến bất cứ ai đau đớn. “

(Rita Marker, Ts Luật, và Kathi Hamlon “Làm chết nhân đạo và Hỗ trợ tự tử: các câu hỏi thường xuyên,” www.internationaltaskforce.org, Jan. 2010)

3. Lập luận “tuột dốc trơn trượt” về hợp pháp hóa giết người
Ủng hộ

[Lập luận tuột dốc trơn trượt là: Nếu cho phép giết người trong một trường hợp – như là làm chết nhân đạo – thì từ từ chúng ta sẽ “tuột dốc trơn trượt” đến cho phép nhiều hành động giết người khác. ND]

“Đặc biệt liên quan đến việc cướp đi mạng sống, lập luận tuột dốc trơn trượt là lối tư duy cố hữu trong tư tưởng đạo đức, được dùng để chất vấn sự cho phép về phương diện đạo đức của đủ loại hành động … Trường hợp này giống việc các nhóm cuồng giáo dự báo thường xuyên về ngày tận thế, chỉ để tới sáng hôm sau ngày “tận thế” các tín đồ nhận ra rằng chẳng có gì xảy ra cả.

“Chúng ta cần những chứng cứ để chỉ ra những hậu quả tuột dốc trơn trượt tồi tệ. Như đã lưu ý ở trên, chỉ khả năng những hệ quả này có thể xảy ra thì không đủ để tạo thành chứng cứ.”

(R.G. Frey, Ts. Triết, “Sợ con dốc trơn trượt,” Làm chết nhân đạo và Hỗ trợ tự tử: Ủng hộ và phản đối. 1998)

Phản đối

“Trong một xã hội bị ám ảnh bởi các chi phí chăm sóc sức khỏe tốn kém và nguyên tắc tiện ích, thì những nguy hiểm của con dốc trơn trượt…  rất thực tế.

“Hỗ trợ tự tử được coi căn nhà ở giữa đường, nói cách khác như một điểm dừng trên con đường đi đến những hình thức khác của trực tiếp làm chết nhân đạo, ví dụ như việc ra lệnh trước cho một bệnh nhân thiếu năng lực quyết định sử dung cách làm chết nhân đạo, hay một người già cách tự tử. Vì vậy, phải chăng làm chết nhân đạo tự nguyện này là căn nhà giữa đường đi đến làm chết nhân đạo bị ép buộc hay không tự nguyện? Nếu coi việc kết thúc cuộc đời như một lợi ích, tại sao cái chết tự nguyện  lại chỉ dành cho những người đưa ra sự cho phép? Tại sao chúng ta cần phải đòi hỏi sự cho phép?”

(Edmund D. Pelligrino, Ts Y khoa, Giáo sư Y khoa và Y Đức, “Lời hứa hão của Giết Người Nhân Đạo,” 1998).

4. Lời thề thầy thuốc Hippocrates và cấm giết người
Ủng hộ

“Theo thời gian, lời thề Hippocrates đã được sửa đổi trong một số trường hợp vì một số nguyên lý của nó ngày càng ít được chấp nhận. Các điều khoản liên quan đến phụ nữ không được học trường y và bác sĩ không được cắt vào da đã được xóa bỏ. Điều khoản được trích dẫn nhiều nhất là “Không làm gì gây hại” cũng cần được giải thích. Không gây hại không lẽ có nghĩa ta nên kéo dài một cuộc sống mà với bệnh nhận là một gánh nặng đau đớn? Chắc chắn, ’hại’ trong trường hợp này đồng nghĩa với kéo dài sự sống, và ‘không hại’ có nghĩa là chúng ta nên giúp bệnh nhân chết. Vâng, đúng là giết bệnh nhân; nhưng có phải điều tốt?  Phải, đôi khi nó đúng là như vậy; liệu có phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe cuối đời? Tuyệt đối là có.”

(Philip Nitschke, Ts. Y khoa, “Làm chết nhân đạo dong buồm,” National Review Online, 5 tháng 6, 2001)

Phản đối

“Cấm giết bệnh nhân … chính là lời hứa đầu tiên được tuyên thệ trong Lời thề Hippocrates, là điều cấm kỵ hàng đầu của một thầy thuốc:” Tôi sẽ không đưa thuốc giết người cho ai nếu được yêu cầu, và tôi cũng sẽ không gợi ý cho dùng nó ‘…

“Về thề trước không đưa thuốc độc khi được yêu cầu, các bác sĩ có lời thề Hippocrates không chấp nhận việc giết bệnh nhân là đúng ngay cả khi khi bệnh nhân lựa chọn được chết. Đối với các bác sĩ, ít nhất, cuộc sống con người trong cơ thể sống đòi hỏi sự tôn kính – bởi chính bản chất tự nhiên của nó. Vì sự tôn kính không phụ thuộc vào thỏa thuận của con người hoặc sự đồng ý của bệnh nhân, xóa bỏ sự đồng ý tiếp tục sống của một người vẫn không tước đoạt được sự tôn kính đối với cơ thể sống của người đó. Nguyên tắc đạo đức sâu sắc nhất trói buộc quyền lực của bác sĩ không phải là quyền tự chủ hay tự do của bệnh nhân; cũng không phải là lòng trắc ẩn hay hay ý định tốt của bác sĩ. Đúng hơn, chính phẩm giá và sức mạnh bí ẩn của đời sống con người, và do đó, Lời thề Hippocrates cũng gọi đây là sự thuần khiết và thánh thiện của cuộc sống và nghệ thuật, mà các bác sĩ đã thề nguyện tuân theo. ”

(Leon Kass, Ts. Y khoa, “Chẳng phải vì yêu cũng chẳng vì tiền,” Public Interest, Mùa đông 1989)

5. Vai trò của chính phủ trong những quyết định cuối đời của công dân
Ủng hộ

“Tất cả chúng ta đều sẽ chết. Tuy nhiên trong thời đại mà tuổi thọ tăng và trình độ y dược tiên tiến, thì sự sống kéo dài hơn, đôi khi vĩnh viễn, và không còn đi theo một dòng thời gian bất biến của chính sự sống.

“Vì vậy, có vài câu hỏi cho cả bệnh nhân và những người thân của họ: Khi nào thì chúng ta nên dừng lại tất cả những nỗ lực có thể? Khi nào chúng ta nên dừng các liệu pháp và để đời sống tự nhiên vận hành? Khi nào chúng ta, vì không dám quyết định hay vì sợ cái chết, sẽ cho phép những liệu pháp y học kì diệu kéo dài một cách nghịch lý sự chết, thay vì sự sống?

“Những quyết định này, cực kỳ cá nhân và đắt đỏ cho xã hội, không nên được để dành cho chính phủ, các thẩm phán hay các nhà lập pháp, là những người chỉ nhạy bén về quỹ đường xá giao thông.”

(Nhật báo Los Angeles Times, “Kế hoạch về việc tệ hơn cả thuế má,” mục ý kiến, 22/3/ 2005)

Phản đối

“Những vụ tương tự như vụ bệnh nhân Theresa Marie Schiavo ở bang Florida (Mỹ), đã chạm đến những quyền hiến định cơ bản, như quyền được sống, quyền được áp dụng thủ tục hợp hiến. Do đó, có thể có một vai trò chính đáng cho chính quyền đảm trách.

“Đã có tiền lệ được công bố: Do tỉ lệ cao trẻ em khuyết tật bị tử vong trong thập niên 1980, chính phủ liên bang ban hành ‘Luật Baby Doe’* quy định cắt quỹ của liên bang đối với những bệnh viện không dùng các biện pháp cứu sống trẻ sơ sinh chỉ vì dự đoán khuyết tật.

“Ngành y phải đưa ra hạn chế về những điều họ có thể làm đối với người khuyết tật – chúng ta đã thấy những điều mà một số người trong ngành y sẵn sàng làm khi họ không có hạn chế nào.”

(Stephen Drake,ThS, “Kế hoạch cuối đời: Hỏi và đáp với chuyên gia về khuyết tật, ” Reno Gazette-Journal 22/11/2003)

* ‘Luật Baby Doe’ là một sửa đổi luật trong bộ Luật Lạm Dụng Trẻ Em được thông qua vào năm 1984 tại Hoa Kỳ, quy định các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể về điều trị trẻ sơ sinh bị ốm và / hoặc tàn tật, bất kể mong muốn của bố mẹ.

 

6. Chăm sóc giảm đau đớn (cuối đời)
Ủng hộ

“Hỗ trợ chết không bao giờ ngăn cản việc chăm sóc giảm đau đớn tốt nhất có thể, mà là kết hợp việc chăm sóc nhân đạo và tôn trọng quyền tự chủ về thân thể của bệnh nhân, và cuối cùng làm cái chết có nhân phẩm trở nên một lựa chọn đích thực.

“Các bằng chứng về tác động cảm tính của hỗ trợ chết đối với bác sĩ cho thấy rằng làm chết nhân đạo và hỗ trợ tự tử  rất khác xa với “lựa cách dễ hơn cách chăm sóc giảm đau,” như một số người chỉ trích “phương pháp Hà Lan” đã nói.

“Chúng tôi muốn có một lập trường vững chắc chống lại quan điểm tách biệt và đối lập giữa một bên là làm chết nhân đạo và hỗ trợ tự tử, với bên kia là chăm sóc giảm đau đớn, mà những người chỉ trích ngụ ý.

“Không có chuyện ‘hoặc điều này, hoặc điều kia’ với các các lựa chọn này. Mỗi lựa chọn giảm đau đớn thích hợp có sẵn phải được thảo luận trước với bệnh nhân và, nếu hợp lý, thì sẽ được thử nghiệm với bệnh nhân, trước khi yêu cầu hỗ trợ chết có thể được chấp nhận …

“Đặt làm chết nhân đạo đối lập với chăm sóc giảm đau không phản ánh thực tế ở Hà Lan rằng thuốc giảm đau là một phần của việc chăm sóc cuối đời, cũng như không phản ảnh thực tế về chỗ đứng của quyền lựa chọn hố trợ chết do chính bệnh nhân yêu cầu trong toàn bộ các phương pháp chăm sóc cuối đời.”

(Gerrit Kimsma, Ts Y Khoa, Gs Triết lý y học, Evert van Leeuwen, Ts., “Hỗ trợ chết ở Hà Lan” 2004)

 

Phản đối

“Các nghiên cứu cho thấy rằng chăm sóc giảm đau đớn tại các viện chăm sóc cuối đời ‘hầu như không được biết đến ở Hà Lan [đất nước đã hợp pháp hóa làm chết nhân đạo].’ Có rất ít viện chăm sóc cuối đời, rất yếu kém về tổ chức trong hoạt động của các viện chăm sóc cuối đời, và rất ít chuyên gia chăm sóc giảm đau, mặc dù một số nỗ lực đang được tiến hành để cố gắng khởi động phong trào viện chăm sóc cuối đời ở quốc gia đó …

“Sự sẵn có rộng rãi của làm chết nhân đạo ở Hà Lan có thể là một lý do khác ngăn cản sự phát triển của phong trào viện chăm sóc cuối đời tại Hà Lan. Như một bác sĩ người Hà Lan được ghi nhận là đã nói, ‘Tại sao tôi phải lo lắng về biện pháp giảm đau khi tôi có làm chết nhân đạo?’”

(Wesley J. Smith, Ts Luật, “Bắt buộc đi ra” 1997)

7.  Hậu quả về chi phí chăm sóc sức khỏe
Ủng hộ

“Mặc dù các yếu tố khác nhau tạo nên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ đang trở nên thận trọng hơn để đảm bảo rằng tiền không bị lãng phí, mức trần đánh dấu “lợi và hại triệt tiêu nhau” hầu như vắng bóng ở nước Mỹ. Với cách chúng ta [người Mỹ] tài trợ hệ thống y tế của chúng ta, rất khó để nói rằng có một mệnh lệnh tài chánh bắt buộc chúng ta dùng hỗ trợ tự tử để tiết kiệm tiền hầu những người khác được lợi ích.”

(Merrill Matthews, Jr., Ts., “Bác sĩ hỗ trợ tự tử có tiết kiệm tiền?” 1998)

Phản đối

“Các khoản tiết kiệm cho chính phủ rất có thể thành yếu tố thẩm định. Các loại thuốc hỗ trợ tự tử tốn khoảng 35 đến 45 đô la [cho một vụ], rẻ hơn nhiều so với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Cách này có thể  lấp đi lỗ hổng do cắt giảm ngân sách điều trị và chăm sóc bằng ‘điều trị’ chết.”

(International Task Force on Euthanasia and Assisted Suicide, Hỏi Đáp, www.internationaltaskforce.org (truy cập 27/5/ 2010)

8. Các nhóm trong xã hội có nguy cơ bị lạm dụng
Ủng hộ

“Một điều đáng lo ngại là nhóm dân số thiệt thòi chọn hỗ trợ tự tử có thể tỉ lệ không cân xứng [cao hơn] trong số các bệnh nhân chọn hỗ trợ tự tử. Kinh nghiệm ở bang Oregon cho thấy điều này đã không xảy ra. Ở Hoa Kỳ, các nhóm thiệt thòi về mặt xã hội bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ, người già. So với tất cả số người chết tại Oregon từ tháng 1 năm 1998 đến tháng 12 năm 2002, những người đã chết vì tự tử với bác sĩ hỗ trợ có nhiều khả năng là đã tốt nghiệp đại học, người gốc Châu Á, hơi trẻ hơn,  đã ly dị, hơn nữa có khả năng bị ung thư hoặc bệnh ALS [còn gọi là bệnh Lou Gehrig – hủydiệt các tế nào thần kinh của não và xương sống]… Hơn nữa, mặc dù 2,6% người ở Oregeon là người Mỹ da đen, nhưng không có bệnh nhân người Mỹ da đen nào chọn tự tử.”

(Linda Ganzini, Ts. Y khoa, “Kinh nghiệm Oregon,” 2004)

 

Phản đối

“Phải thấy rằng hỗ trợ tự tử và làm chết nhân đạo được thực hành qua lăng kính bất bình đẳng xã hội và thành kiến, ấn định tính cách của việc cung cấp các dịch vụ trong các nhóm khác nhau của xã hội, kể cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những người dễ bị tổn thương nhất vì lạm dụng, lầm lỗi hay vô tâm là người nghèo, dân tộc thiểu số, và những người ít học nhất và ít quyền hạn nhất. Nguy cơ trên không phản ánh một phán đoán rằng các bác sĩ có nhiều thành kiến hơn, hoặc bị ảnh hưởng bởi chủng tộc và giai cấp hơn, so với phần còn lại của xã hội – chỉ là họ cũng không miễn nhiễm với ảnh hưởng của thiên kiến lưu hành trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống tổng hợp của chúng ta.

“Mặc dù xã hội của chúng ta mong muốn xóa bỏ sự phân biệt đối xử và các tác động nặng nề nhất của nghèo đói trong việc làm, nhà ở, giáo dục và thực thi pháp luật, chúng ta vẫn luôn không đạt đích. Cái giá phải trả cho thất bại này trong việc hỗ trợ tự tử và làm chết tự nguyện có thể cực lớn. Cũng không có lý do gì để tin rằng những cách chết này, dù có biện pháp bảo vệ nào được dựng lên, sẽ không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội và y tế rộng lớn hơn, mà trong đó những phương cách này được thực hiện. Giả định này là ngây thơ và không được chấp nhận.”

(Ủyban Đặc nhiệm về Sự sống và Luật  bang  New York, “Khi đi tìm sự chết: Hỗ trợ tự tử và Làm chết nhân đạo trong y học,” newyorkhealth.gov 1994)

9. Quan tâm tôn giáo
Ủng hộ

“Được chỉ dẫn bởi niềm tin, chúng tôi là những người theo đạo Unitarian Universalism (Nhất thể Vũ trụ giáo) tin rằng cuộc sống con người có phẩm giá bẩm sinh, phẩm giá đó có thể bị suy yếu khi cuộc sống bị kéo dài vượt quá ý chí hoặc khả năng của một người để duy trì phẩm giá đó; và tin rằng con người có quyền bất khả xâm phạm để quyết định trước một quá trình hành động cần thực hiện trong trường hợp không có hy vọng hợp lý có thể hồi phục khỏi khuyết tật cực độ về thể chất hoặc tâm thần.

“QUYẾT ĐỊNH THÊM:  Những tín hữu Nhất thể Vũ trụ giáo ủng hộ quyền tự quyết về sự chết, và ủng hộ bãi miễn hình phạt dân sự hoặc hình sự cho những người, dưới những biện pháp bảo vệ thích hợp, hành động để tôn vinh quyền của người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối được chọn thời gian kết thúc cuộc đời mình; và …

“QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG: Những tín hữu Nhất thể Vũ trụ giáo, hoạt động thông qua các giáo đoàn địa phương, các hội tưởng niệm, và các tổ chức thích hợp khác, thông báo và kiến ​​nghị các nhà lập pháp để hỗ trợ các luật lệ tạo dựng sự bảo vệ pháp lý cho quyền được chết với nhân phẩm, tùy theo sự lựa chọn của mỗi người.”

(Hội giáo Nhất thể Vũ trụ: Quyền được chết với nhân phẩm, 1988, Biểu Quyết Tổng Quát).

Phản đối

“Là những người lãnh đạo Công giáo và những vị thầy đạo đức, chúng tôi tin rằng cuộc sống là món quà cơ bản nhất của Chúa yêu thương – một món quà mà chúng ta có quyền quản lý, nhưng không phải là cai quản tuyệt đối. Truyền thống của chúng ta, tuyên xưng nghĩa vụ đạo đức chăm sóc cuộc sống và sức khỏe của chính mình, cũng như tìm kiếm sự chăm sóc như vậy từ những người khác, nhận biết rằng chúng ta không có nghĩa vụ đạo đức phải sử dụng tất cả quy trình y tế có sẵn trong mọi hoàn cảnh. Nhưng truyền thống đó khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ rằng: một người quản lý cuộc sống không bao giờ được trực tiếp cố tình tạo ra cái chết cho chính mình, hoặc cái chết cho một nạn nhân vô tội, bằng hành động hay bằng không hành động …

“Chúng tôi kêu gọi người Công giáo, và những người thiện tâm, từ chối các đề xuất hợp pháp hóa làm chết nhân đạo.”

(United States Conference of Catholic Bishops, “Tuyên ngôn về Làm chết nhân đạo,” http://www.usccb.org
12/9/1991)

10. Di chúc về sự sống

[Di chúc về sự sống – Living Will là một văn tự hoạch định sẵn những quyết định của bạn về việc có muốn duy trì mạng sống khi bạn chẳng may lâm vào tình trạng nguy kịch, như não bộ ngưng hoạt động, và không còn khả năng nói lên những điều mình muốn. Ví dụ các phương pháp hay dụng cụ y khoa dùng để duy trì mạng sống; việc phẫu thuật; sử dụng các công cụ hỗ trợ nhân tạo như ống dẫn thức ăn. ND]

Ủng hộ

“Di chúc về sự sống có thể dùng để từ chối các chăm sóc đặc biệt để kéo dài sự sống, và có hiệu quả trong việc đưa ra bằng chứng rõ ràng và thuyết phục có thể cần thiết trong các đạo luật tiểu bang về từ chối chăm sóc sau khi mắc bệnh nan y giai đoạn cuối.

“Một trường hợp gần đây ở bang Pennsylvania đã cho thấy sức mạnh của Di chúc về sự sống. Một chàng trai ở Bucks County không được bác sĩ cấp cho ống dẫn thức ăn, mặc dù vợ của anh yêu cầu ống dẫn thức ăn. Bởi Di chúc về sự sống của anh, ký 7 năm trước, đã nêu rõ, anh “không muốn sử dụng ống dẫn thức ăn hay bất kì hình thức bổ sung dinh dưỡng nhân tạo nào” …

Di chúc về sự sống cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về nguyện vọng của người sống liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cuối đời.

(Joseph Pozzuolo, Ts Luật, Lisa Lassoff, Ts Luật, Jamie Valentine, Ts Luật, “Ví sao Di chúc về sự sống là quan trọng”, Journal of Financial Service Professionals 9/2005)

 

 Phản đối

“Chúng ta không chỉ tràn ngập với những bằng chứng về việc không thể thực hiện được các điều kiện tiên quyết trong Di chúc về sự sống, mà còn có chứng cứ trực tiếp rằng Di chúc về sự sống thường xuyên không đạt được kết quả như mong muốn…

“Khi xem xét lại 5 điều kiện tiên quyết cho sự thành công của một chương trình Di chúc về sự sống, chúng tôi đã gặp phải những chứng minh rằng không một điều kiện nào đã đạt được, hoặc chúng tôi nghĩ là có thể đạt được. Đầu tiên, mặc cho hàng triệu đô đã được dùng cho tuyên truyền, hầu hết mọi người không có Di chúc về sự sống… Thứ hai, những người kí vào Di chúc về sự sống nói chung không suy nghĩ kỹ, trong cung cách mà chúng ta mong muốn, về chỉ dẫn để lựa chọn nguyện vọng về quyết định sống và chết … Thứ ba, những người soạn thảo Di chúc về sự sống thường không cung cấp cho người ta những cách để diễn tả rõ ràng ý muốn của họ… Thứ tư, Di chúc về sự sống thường không đến được những người thực sự làm quyết định cho bệnh nhân đã mất năng lực quyết định… Thứ năm, Di chúc về sự sống dường như không giúp tăng độ chính xác khi người đại diện xác định ý muốn của bệnh nhân.”

(Angela Fagerlin, Ts., Carl E. Schneider, Ts. Luật, “Đủ rồi: Thất bại của Di chúc về sự sống” 2004)

 

>> Bài liên quan:

Tại sao cần xoá bỏ Án phạt Tử hình

Luật cho phép phá thai là tiếp tay cho tội giết người và tạo bất ổn xã hội

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s