Gợi ý dành cho nhà báo về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em khi tác nghiệp

PHCS –  Thứ sáu, 29/04/2016 | 06:14

Để đảm bảo các quyền riêng tư được tôn trọng và bảo vệ theo tiêu chuẩn quyền con người, tài liệu này cung cấp một số quy định pháp lý và gợi ý hành vi ứng xử cho nhà báo khi tác nghiệp với trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân của hành vi trái pháp luật.

NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU TRONG BẢO VỆ TRẺ EM

Một trong những nguyên tắc hàng đầu được CRC quy định là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Nguyên tắc này đòi hỏi người lớn, các bên liên quan khi có bất kỳ một hành vi nào có liên quan đến/ảnh hưởng đến/phục vụ cho trẻ em đều phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Lợi ích ở đây không chỉ là trước mắt mà cả lâu dài. Ví dụ: Khi tác nghiệp trong vụ hiếp dâm trẻ em, nhà báo có đặt ra câu hỏi cho mình: Có cách nào để thu thập thông tin mà không làm tăng thêm sự tổn thương cho nạ nhân? Có cách đi tin nào khác để thông tin đến với công chúng mà sự riêng tư của nạn nhân vẫn được đảm bảo? Việc thu thập thông tin cá nhân, chụp hình có sự đồng ý/được phép của họ/người giám hộ chưa? Liệu thông tin sẽ đăng trên báo có giúp cho người hiếu kỳ biết rõ về nạn nhân là ai và có thể dễ dàng tìm tới? Liệu 5 đến 10 năm sau, những thông tin được đăng tải hôm nay có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống riêng tư, công việc và quan hệ xã hội của nạn nhân?…

 

MỘT SỐ GỢI Ý BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ

Hành vi xâm phạm

Đăng ảnh trực diện khuôn mặt nạn nhân

Đăng ảnh vùng thương/bệnh tật/vùng kín của trẻ em

Đăng ảnh trẻ em không mặc quần áo

Chụp hình không xin phép/không được đống ý

– Đăng đầy đủ hoặc một phần tên thật của nạn nhân

– Đăng đầy đủ hoặc một phần tên người nhà nạn nhân/giáo viên

Đăng thông tin địa chỉ của nạn nhân giúp người khác có thể dễ dàng tìm thấy nơi ở, nơi tạm lánh, nơi học tập, sinh hoạt của trẻ em

– Mô tả quá chi tiết việc trẻ em trở thành nạn nhân của bạo hành, bị xâm hại tình dục

– Có những bình luận chủ quan, bình luận làm xấu hơn tình trạng của nạn nhân

Hành vi tôn trọng

– Làm mờ/che mặt nạn nhân trước khi đăng

– Đăng ảnh chụp phía sau hoặc tránh khuôn mặt

Không đăng những hình ảnh này

Không đăng những hình ảnh này

Chỉ chụp và đăng hình khi có sự cho phép

Viết tắt, đổi tên nạn nhân, người nhà nạn nhân

Chỉ nên đưa thông tin về địa danh là tên xã, huyện trở lên.

– Chỉ nên đăng một cách tổng quát

– Tránh việc tự bình luận

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ

Điều 12 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) ghi nhận:

“Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân.

Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”.

Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR – Việt Nam tham gia ngày 24/12/2982) quy định:

“1. Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”.

 

Điều 16 Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC – Việt Nam tham gia 26/01/1990 và phê chuẩn ngày 28/02/1990) quy định:

“1. Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.

2. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.

 

Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”

Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cánhân  và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

 

Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam

“Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

“Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

———————

Số liệu điều tra 5 báo điện tử đăng năm 2012 cho thấy có 548 bài báo mà nội dung của chúng không đảm bảo sự riêng tư của trẻ em. Có những bài báo đã được dẫn lại nguyên văn (68%) hoặc một phần trên rất nhiều trang mạng khác nhau (báo chí, truyền thông, mạng xã hội…) với số lượng lên đến 2692 lượt. Có 62% bài báo mô tả một cách chi tiết hoặc mô tả chi tiết cùng với bình luận về trẻ em liên quan. Chủ đề xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ bài viết cao nhất (47%), tiếp đó là các chủ đề bạo hành/bạo lực (23%) và nhân đạo-từ thiện (11%). Đáng chú ý, các em nữ là đối tượng chủ yếu trong các bài báo này (74%). 79% trẻ em ở vùng khó khăn như miền núi và nông thôn. 39% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, cùng với gia đình hoặc nhà cửa/trường học. 47% bài báo cung cấp thông tin về bố mẹ hoặc người giám hộ. Thông tin về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường – 41%)”

Nguồn: Nâng cao nhận thức bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, Codes 2013

 

 

Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s