
Câu chuyện các phòng khám tư thản nhiên vứt rác thải y tế nguy hại ra đường phố còn đang khiến dư luận choáng váng thì chúng tôi lại nhận được thêm thông tin về việc có những hài nhi bé xíu bị chối bỏ bằng nhiều cách đau lòng nhất… Đây là hậu quả của quá trình nạo hút thai tràn lan, vi phạm đủ mọi quy định. Chúng tôi chết lặng, lạnh toát lưng khi phát hiện thai nhi bị vứt ngoài vỉa hè. Và, nếu không có những người mà chúng tôi tạm gọi là những người “thu nhặt hài nhi”, thì các bé sẽ ngày nào cũng trở thành một thứ rác thải y tế…
![]() |
Người phụ nữ che ống kính của chúng tôi này cho biết, rác thải y tế đầy máu me trước Nhà thuốc mà chị bán là do phòng khám gần đó vứt ra |
“Lành lặn thì mới tắm, bọc nylon, bỏ vào tủ”
Thực trạng này tồn tại nhiều năm nay, khiến những đội tình nguyện tử tế (quận Đống Đa, Hà Nội) phải phân công các nhóm chuyên đi thu nhặt những hài nhi bé bỏng về chôn cất. Một người phụ nữ của nhóm Bảo Vệ Sự Sống đi “nhặt” thai nhi 6 năm nay cho biết; “Nhóm thành lập từ năm 2009. Đến 2010 thì mình tham gia. Thường chỉ đi có một người đến các phòng khám trên đường Giải Phóng lấy xác các thai nhi đựng trong túi nylon đen rồi về, không phải làm gì, không nói gì cả. Đến nơi, bỏ khẩu trang cho họ nhìn mặt xong rồi lấy và về”.
Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới đi cùng H (SN 1993) – một thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống đi “nhặt” các thai nhi bị ruồng bỏ. H vừa tập trung lái xe máy lặng lẽ đi trong đêm tối, vừa tâm sự: “Hằng ngày bọn em đều phải làm việc này. Bọn em còn tư vấn ở các viện, các phòng khám để người ta đừng loại bỏ thai nữa. Đó mới là vấn đề quan trọng, chứ còn việc này nó là vấn đề lương tâm. Không thể nào mà suốt ngày bọn em đi nhặt như thế được. Như thế là cổ súy cho bọn phòng khám, nó lại quảng cáo rằng là phá thai đi rồi chúng tôi sẽ có chỗ chôn cất cho. Như thế là nhiều khi bọn em rất suy nghĩ, không lấy thì thương các em, không biết các em sẽ bị lưu lạc ở đâu, ở chỗ nào, nằm lại chỗ nào. Bọn em rất ray rứt. Nhưng ngược lại một số phòng khám có khi lại nghĩ, à có người đi lấy thì ta cứ thải ra”.
![]() |
PV bịt khẩu trang và phát hiện thai nhi trong túi rác |
Làm việc bằng tất cả cái tâm và lòng trắc ẩn, các thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống luôn trăn trở: “Bọn em có thống kê đấy. Nhưng chỉ những thai nhi bọn em lấy thôi. Còn những cái khác thì không thể thống kê nổi. Không có sức để lấy hết, không có chỗ để mà chôn, rất nhiều rất nhiều. Cứ thai nhi nào lành, còn đủ chân đủ tay thì là “một”, còn không, cứ một túi nylon màu đen thì đó là một “em”. Nhiều khi, có những túi nylon họ để chung mình cũng không biết được thì mình chỉ áng chừng thôi. Em nào lành lặn thì mình mới tắm, không thì mình cứ gói lại vào khăn trắng, sau đó cho vào túi, để vào tủ kia”.
Nhặt về từ bãi rác
Dừng xe trước cửa phòng khám T (đường Giải Phóng), H gọi vọng vào, giọng nhỏ nhẹ: “Chị ơi, em lấy em bé”. Cô nhân viên mặc đồ y tá nhìn ra xác minh người quen, nhanh nhẹn vào trong, xách theo những túi màu đen đưa cho H, rồi vội vàng chạy vào trong. Không nói gì, hỏi gì, H đi tiếp. Phòng khám tiếp theo, sự việc cũng diễn ra như vậy. Như thế cũng đủ để chúng tôi hiểu, chuyện gì đang diễn ra.
Về đến nơi “an ủi và làm thủ tục cho các bé”, H lặng lẽ dắt xe, mang những túi nylon màu đen vào một góc có chậu rửa, đồ sát khuẩn, túi nylon, vải xô trắng. H lần lượt mở những túi nylon đen, làm thủ tục an táng. Hôm nay, ước chừng 4- 5 thai nhi đang nằm gọn trong những túi nylon này. “Tùy hôm. Có hôm nhiều hơn, có hôm ít. Hôm nhiều nhất mà em biết là 7- 8 em. Có những em to lắm. Có những hôm muộn lắm rồi vẫn chưa tắm xong, chưa làm xong cho các em vì nhiều quá. Có hôm em nhặt 2 lần 1 ngày. Em thường tắm cho những em bé đầy đủ các bộ phận chân tay rồi, nằm gọn trong lòng bàn tay của em”.
Trong số những em thai nhi không may mắn ấy, có những em không may mắn đến tận 2 lần. Thứ nhất là các em không được làm người, thứ hai là các em không được an táng, được đưa về như một con người. Các em bị vứt đi như một rác thải y tế. Họ vứt các em vào một nơi nào đó mà có người họ tìm thấy họ cũng chưa chắc nhận ra đó là một thai nhi…
“Có một số những anh chị, ở một số vùng ven Hà Nội, họ đi nhặt ở các bãi rác đấy. Họ biết rằng trong số những bãi rác có các thai nhi. Họ đã rất hy sinh. Đã vào đó tìm kiếm các em về chôn cất. Còn nhóm mình nhận các em thai nhi từ phòng khám, hoặc những thai nhi mà họ vứt ở xung quanh đâu đó để đưa về an táng”- H đau đớn kể. Quả thật, trên báo Lao Động chúng tôi cũng từng thực hiện phóng sự với cả một “nghĩa trang hài nhi” ở bãi rác Nam Sơn. Bởi không ít “thiên thần bé” đã bị chối bỏ rồi bị kẻ nhẫn tâm ném lẫn với rác thải. Cuối cùng các hài nhi được phát hiện và chôn cất ở “tổng kho” bãi rác vào loại lớn nhất Hà Nội kể trên.
“Cái thai nhi to nhất mà mình từng tắm cho em, mình nhớ vào ngày mùng 1.11.2014, khi đấy mình mới làm được công việc này đúng 1 tháng thôi. Và đó là cái ca mà khi mình mở em ra mình rất giật mình… Và mình rất là sợ…”- là những ám ảnh không thể quên được trong chuỗi ngày đi “nhặt” xác thai nhi của H.
![]() |
Ném cả biển hiệu siêu âm hút thai ra đường cùng các mẫu bệnh phẩm |
Dẫu vậy, H vẫn không nguôi một “tham vọng”: “Khuyên các phòng khám chưa chắc họ đã nghe. Nhưng mình nghĩ là mưa dầm thấm lâu, hằng ngày mình đi lấy những thai nhi đó về. Phần nào sẽ đánh động vào lương tâm những y tá, y sĩ ở đó… Mình nghĩ rằng là sẽ có lúc nào đó, trong lương tâm của họ sẽ bị những câu hỏi tại sao tôi lại làm thế trong khi những người khác họ làm trái ngược những điều tôi đang làm. Mong rằng đến lúc nào đó họ sẽ dừng lại công việc đó”.
Nỗi bức xúc của Urenco 10
Ông Bùi Chí Bình – PGĐ của Công ty CP môi trường đô thị Urenco 10, đơn vị chuyên thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải công nghiệp nguy hại và rác thải y tế đã rất bức xúc khi nhận được những hình ảnh rác thải y tế tràn lan ở vỉa hè, lòng đường mà nhóm PV chúng tôi ghi lại được.
Ông Bình cung cấp thông tin: Theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế thì chất thải y tế, chất thải phát sinh từ quá trình khám chữa bệnh từ các bệnh viện, phòng khám, các cơ sở y tế nói chung; cả thai nhi phát sinh từ quá trình nạo hút thai nhi… đương nhiên thuộc vào hàng chất thải y tế nguy hại. Về quy định là như vậy, nhưng nó còn thêm vấn đề cảm quan. Cứ như vậy mà vứt thẳng ra môi trường thì nó gây phản cảm, gây hậu quả với cộng đồng là rất lớn. Quy định là phải tiêu hủy. Hiện nay chúng tôi sử dụng phương pháp đốt. Còn những phòng khám mà thải ra ngoài môi trường như vậy, vừa vi phạm về quy định vừa vi phạm ý thức đối với cộng đồng, không tôn trọng cộng đồng khi thải ra như vậy.
Đại diện Urenco 10 cũng cho biết: “Ban đầu chúng tôi sẽ ký hợp đồng với các đơn vị chủ nguồn thải, đó là các bệnh viện, các trung tâm y tế, các phòng khám trên địa bàn Hà Nội. Đối với các bệnh viện phòng khám lớn thì chúng tôi tiến hành thu gom theo ngày, còn đối với các phòng khám nhỏ lẻ, khối lượng ít thì trong hợp đồng chúng tôi nói rõ là khi phòng khám có nhu cầu thu gom, gọi điện là chúng tôi sẽ tiến hành thu gom”.
![]() |
Phụ nữ này cho biết, mỗi năm họ phải đóng khoảng 5 triệu đồng để thuê các đơn vị tiêu hủy rác thải y tế độc hại |
Tuy nhiên, khi chúng tôi đã “phục kích” tại các phòng khám sản phụ khoa, có dịch vụ nạo hút thai ở đường Giải Phóng, suốt thời gian khá dài, hầu như không thấy sự xuất hiện của đơn vị thu gom rác thải y tế độc hại chuyên nghiệp. Chúng tôi đếm được khoảng 20 phòng khám. Nhiều khi, rác từ các phòng khám này xả thẳng ra vỉa hè, lòng phố. Và thực tế, khi trao đổi với đại diện Urenco 10, ông Bình cho biết: “Chúng tôi thu ở đó rất ít. Trong hợp đồng với các phòng khám tư, chúng tôi cũng nói rõ là vì là phòng khám tư nên việc thu gom rác theo yêu cầu của phòng khám, họ gọi là chúng tôi sẽ đến thu ngay. Thực tế là tuyến đường Giải Phóng, xe thu gom của Urenco 10 qua lại đó rất nhiều, nên không có lý do gì mà khi họ yêu cầu, chúng tôi lại không dừng lại để thu gom 1 – 2 túi rác của họ. Việc họ không gọi đến và chúng tôi không đến thu gom, nói khách quan thì chắc chắn là các phòng khám không “yêu cầu” chúng tôi rồi. Rõ ràng, đơn vị nào có hợp đồng với chúng tôi thì trong hợp đồng cũng ghi rõ là gọi cho ai, số điện thoại như thế nào”.
Dĩ nhiên, ai cũng biết, lý do vì sao mà các phòng khám cứ chọn phương pháp “xả thẳng” thay vì mời Urenco 10 đến thu gom, xử lý theo đúng quy trình nghiêm ngặt!
(Còn nữa)
***
Rác thải y tế độc hại vẫn bị cố tình vất ra phố
Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, bất kỳ phòng khám tư nào có nguy cơ phát sinh rác thải y tế cần xử lý mà muốn được cấp phép hoạt động đều phải có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng. Như vậy, khi mới bắt đầu hoạt động, các phòng khám sẽ tìm những đơn vị có đủ điều kiện được cấp phép về xử lý rác thải y tế để ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau một năm hợp đồng hết thời hạn, bên cạnh số khách hàng quay trở lại ký tiếp, quá nhiều “khách hàng” (phòng khám) không ký tiếp nữa, bởi tiết kiệm tiền. Ngoài ra, còn bởi công tác thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ nên mạnh ai nấy cứ làm bừa!
“Tội gì chẳng làm bậy”!
Các đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý chất thải y tế độc hại cũng theo đó mà lao đao, “dở khóc dở cười”. “Bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư về phương tiện, thiết bị đều mong phương tiện thiết bị sẽ hoạt động hết công suất. Có như vậy mới đảm bảo được nguồn thu của doanh nghiệp, công ăn việc làm của cán bộ công nhân viên, đồng thời tái đầu tư để thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với lượng rác thải y tế hiện nay chúng tôi thu gom được chưa đáp ứng được hết công suất máy móc”- ông Bùi Chí Bình – PGĐ Công ty cổ phần môi trường đô thị Urenco 10 cho biết.
Một vị đại diện Urenco 10 cho biết thêm: “Thực tế, lượng rác thải y tế chúng tôi thu gom từ các phòng khám không nhiều. Qua khảo sát, tổng lượng rác thải y tế phát sinh từ các phòng khám tại Hà Nội, trong một tháng khoảng 6 tấn, tập trung chủ yếu ở các phòng khám lớn. Những phòng khám thực sự quan tâm đến môi trường thì họ yêu cầu chúng tôi đến thu gom thường xuyên. Urenco 10, hiện có 5 ô tô chuyên dụng từ 1,25 tấn đến 3,5 tấn, xe máy thì có 4 chiếc, cũng được thiết kế chuyên dụng để vận chuyển rác thải y tế. Năng lực so với 7 tấn rác thải y tế kia thì quá thừa. Chắc chắn là không có chuyện chúng tôi không đi thu. Vì công suất xử lý của máy móc chúng tôi đầu tư rất lớn. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ các phòng khám họ không hợp tác để cùng xử lý rác thải y tế”.
![]() |
Rác thải y tế độc hại bị thải ra xe rác công cộng ngoài hè phố |
Để rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt là một hành động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng khuyến cáo, các “ổ dịch bệnh” dưới dạng túi rác từ phòng khám kia sẽ lây nhiễm chéo ra toàn xã hội. Những người chuyên thu gom rác thải sinh hoạt, khi gặp rác thải y tế, họ có trách nhiệm bỏ riêng ra một góc. Nhưng bỏ riêng rồi cũng không biết xử lý thế nào, bởi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt không đủ “tầm” xử lý những cái độc hại nguy hiểm của rác thải y tế đặc biệt. Những bọc “kinh hoàng” từ phòng khám (trong đó có bơm kim tiêm và mẫu bệnh phẩm đầy máu người) trên vỉa hè – không ai nhận của mình. Nhân viên không xúc đi thì không hoàn thành công việc. Thứ nữa, bọc rác bị buộc kín, người thu gom cũng không biết là cái gì mà phân loại. Điều này tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho những người dọn rác, và cả cộng đồng.
Ký hợp đồng cốt “chữa cháy”
Giữa lúc khó khăn mọi bề trong “làm ăn” hiện nay, các phòng khám tư lại càng ít coi trọng vấn đề rác thải y tế. Đã có chuyện, khi đơn vị thu gom đến, có phòng khám còn từ chối với những lý do rất vô lý. Anh Nguyễn Văn Thủ, hiện đang công tác tại Tổ vận chuyển số 1 (Urenco 10) – buồn bã nói về một thực tế đáng ngạc nhiên: “Khó khăn hiện nay là có một số phòng khám làm việc ngoài giờ, mình đến, họ lại chưa về, nên bị chậm trễ về thời gian thu gom, không đúng như quy định. Có một số phòng khám còn duy tâm, “kiêng” ngày mùng 1, bảo chúng tôi tránh cái ngày mùng 1 ra. Nhiều khi chúng tôi ra về tay không. Nếu ai đó nói rằng, vì chúng tôi đến không đúng giờ hoặc đúng ngày họ không kiêng vứt rác, mà phòng khám vứt ra ngoài thì đó chỉ là cách nói ngụy biện. Chúng tôi có 3 xe máy, ôtô nữa, luôn sẵn sàng đi thu gom”.
Một nhân viên phòng tổng hợp của Urenco phân tích: “Năm 2013, có sự cố của Thẩm mỹ viện Cát Tường, sau đó, các phòng khám đổ đến đây ký hợp đồng rất đông, liên tục. Vì Sở Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra xem phòng khám có an toàn không, trang thiết bị, giấy tờ có đầy đủ không. Nếu 2013 là năm tăng đột biến về số lượng phòng khám ký hợp đồng với Urenco. Sau 2014, khi hết hạn hợp đồng “chữa cháy”, thì ngoài một số phòng khám vẫn duy trì, còn một số thì không ký tiếp nữa. Từ 1.400 phòng khám giảm xuống còn 800. Hiện số lượng mình đang duy trì thu gom rác thải y tế dao động khoảng hơn 1.000 phòng khám”.
Ông Bình – PGĐ Urenco 10 “bật mí”: “Theo tôi được biết, các phòng khám thường nhờ đơn vị thứ 3 (cò) đến ký kết hợp đồng xử lý rác thải với chúng tôi. Họ chỉ cần có hợp đồng để có đủ thủ tục mở phòng khám. Nhưng sau đó, họ không cần biết hợp đồng như thế nào, còn hạn hay không. Chính vì thế mới có tình trạng một số phòng khám có hợp đồng nhưng không gọi chúng tôi đến thu gom rác thải”.
Khi Sở Y tế Hà Nội đổ trách nhiệm…
Để làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, chúng tôi trao đổi với đại diện của Sở Y tế Hà Nội. Ông Tô Tử Anh – Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, cho biết: “Sở Y tế có trách nhiệm cấp phép cho các cơ sở hành nghề, để đảm bảo các cơ sở hành nghề có xử lý rác thải y tế. Trách nhiệm của Sở Y tế chỉ là quản lý các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn thôi. Còn trách nhiệm chung, trách nhiệm đầu tiên phải là người hành nghề. Sau đó, các cơ quan giám sát, từ thành phố đến quận, huyện, thị xã theo thẩm quyền”.
Các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 2.900 cơ sở hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Trong đó, khoảng hơn 100 phòng khám đa khoa, khoảng 2.700 phòng khám chuyên khoa và các cơ sở dịch vụ y tế. Trong đó có khoảng 2.400 cơ sở khám chữa bệnh có rác thải y tế. Phần lớn các phòng khám ký kết thu gom rác thải với Urenco 10. Ngoài ra còn một số công ty khác như Công ty môi trường Hồng Anh.
![]() |
Cán bộ y tế này tự khắc phục… trước phòng khám |
Trước câu hỏi có hay không tình trạng khi đăng ký giấy phép hành nghề thì họ có hợp đồng xử lý rác thải, nhưng khi hết thời hạn hợp đồng thì họ không ký tiếp mà họ xả thẳng ra môi trường, ra vỉa hè lòng đường trên phố xá? Câu trả lời của ông Tô Tử Anh vẫn loanh quanh: “Sở Y tế cũng có những văn bản gửi cho công ty có chức năng xử lý rác thải y tế trên địa bàn cùng các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tiến hành việc ký kết hợp đồng về xử lý tiêu hủy rác thải y tế. Đồng thời Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo cho các cơ sở hành nghề kể cả trong công lập và ngoài công lập về việc thực hiện nghiêm túc những quy định về xử lý chất thải quy định (…). Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở hết hiệu lực hợp đồng xử lý rác thải y tế (mà không ký tiếp), khi Sở Y tế phát hiện thì đều xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp như phóng sự (báo Lao Động) vừa nêu, là rác thải y tế mà để chung với rác thải sinh hoạt thì trước hết, trách nhiệm thuộc về các cơ sở khám chữa bệnh đó. Khi phát hiện và xác minh, nếu những vi phạm đó là đúng là sự thật thì sở sẽ có những xử lý nghiêm khắc”.
Với 2.400 cơ sở cần ký hợp đồng xử lý rác thải y tế, nhưng đến hiện tại, Sở Y tế vẫn chưa nắm được số lượng các phòng khám đang có hợp đồng xử lý rác thải y tế với các công ty có chức năng xử lý… là bao nhiêu! Khi được hỏi, câu trả lời của ông Tô Tử Anh là: “Cái đó chúng tôi phải tổng hợp”.
Thông tin từ cuộc làm việc với ông Tô Tử Anh: Từ trước đến nay, Sở Y tế chưa nhận được phản ánh của cá nhân, tổ chức nào về việc các phòng khám phân loại xử lý rác thải không đúng quy định. Sở Y tế chỉ có trách nhiệm quản lý, cấp phép cho các cơ sở hành nghề. Phải có đầy đủ hợp đồng xử lý rác thải thì chúng tôi mới cấp phép. Để quản lý quá trình hoạt động thì rất nhiều phòng ban, rất nhiều cơ quan ban ngành từ thành phố đến các quận huyện thị xã, từ sở TNMT đến các đơn vị hữu quan. Vả lại, phòng khám họ không làm đúng thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hi cả nhà,
Em mới bổ sung thêm 1 kỳ nữa của bài phóng sự này ạ.
Em Hương,
ThíchThích