Tiền xu “mất tích” trong tiêu dùng, vì sao?

laodong.vn

Thứ năm, 05/12/2013 11:52 (GMT+7)

Đến nay, không ít gia đình ở Việt Nam chắc vẫn còn vài đồng tiền kim loại (phát hành năm 2003) vương vãi đâu đó trong nhà. Nhưng ngoài lưu thông, đồng tiền kim loại đã vắng bóng hoàn toàn trong các giao dịch tiền mặt. Ứng xử với tiền kim loại thế nào vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Tiền xu “mất tích” trong tiêu dùng, vì sao?

Bài 1: Tại sao tiền xu không được ưa chuộng? 

Tuy vẫn còn nguyên giá trị lưu hành như những đồng tiền giấy, nhưng hiện nay, tiền xu đang bị “phân biệt đối xử” một cách thậm tệ trong lưu thông. Trong vai những người đi mua hàng, PV Báo Lao Động đã nhận được phản ứng của các hộ kinh doanh, các siêu thị, các trung tâm thương mại về chuyện phân biệt đối xử với loại đồng tiền này.

Không còn chấp nhận tiền xu
Dư luận về việc phân biệt đối xử với tiền xu thì đã nhiều, để chứng minh đó là sự thật, trong vai người cần đổi một ít tiền giấy sang tiền kim loại mệnh giá 2.000đ và 5.000đ, PV Báo Lao Động vào siêu thị Maxximart trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TPHCM) để đổi.

Nhưng tại quầy thanh toán, chị nhân viên thu ngân ở đây cho biết, toàn bộ hệ thống Maxximart đã không còn chấp nhận thanh toán bằng tiền kim loại, kể cả việc thu vào hay “thối ra”, nên không có tiền xu để đổi. Điều tương tự cũng diễn ra tại siêu thị Co.op Mart trên đường Cống Quỳnh (quận 1), bởi siêu thị cũng không “thối” cho khách hàng bằng tiền xu, đồng thời cũng không nhận tiền xu từ khách hàng nữa.

Sau khi có trong tay mấy đồng tiền xu loại mệnh giá 2.000đ, 5.000đ, chúng tôi mang đến để trả tiền gửi xe của một cơ sở giữ xe trên địa bàn quận 1. Nhìn đồng tiền xu 2.000đ của chúng tôi đưa, nhân viên bãi giữ xe này từ chối, nói là tiền kim loại đã không còn được lưu hành nữa, yêu cầu phải thanh toán bằng tiền cotton thì mới được(!).

Thử đem tiền xu đi mua hàng ở chợ, chúng tôi chỉ ghi nhận được sự “ghẻ lạnh” đối với đồng tiền xu. Bác Thanh (54 tuổi) – bán rau tại chợ Thái Hà (Hà Nội) – còn nói với chúng tôi: “Giờ không ai dùng tiền xu nữa, vừa bất tiện lại dễ mất. Nếu mua lẻ thì có thể cho nợ, chứ không nhận tiền xu”.

Thậm chí, chúng tôi đến UBND một phường ở Hà Nội để công chứng giấy CMND, nhân viên ở đây cũng cương quyết không nhận tiền xu. Vị nhân viên phường này còn cho biết: Bây giờ không nơi nào nhận giao dịch bằng tiền xu, trừ các ngân hàng.

Những lý do để từ chối
Sự bất tiện, phiền toái, đó là những lời nhận xét của nhiều người khi nói về tiền xu sau một thời gian sử dụng. Cô Nguyễn Thị Chiên – chủ cửa hàng văn phòng phẩm trên phố Nhân Hòa, Thanh Xuân (Hà Nội) – cho biết: Từ lâu, tôi đã không dùng đồng xu nữa rồi. Khi cất giữ tiền xu, mất là chuyện bình thường, dù mình có để túi vải hoặc túi nylon. “Còn ai tiêu loại tiền này nữa đâu mà để lại làm gì” – cô Chiên nói.

Để chứng minh cho lời nói của mình, cô đã nhất quyết không lấy đồng xu mệnh giá 5.000đ, khi một vị khách vào mua hai chiếc bút bi.

Một số người tuy vẫn còn khá nhiều tiền kim loại các mệnh giá khác nhau, nhưng hầu như không tiêu thụ được. Một chị chủ quán bún trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận, TPHCM) nói với chúng tôi: Ở nhà chị vẫn còn rất nhiều tiền kim loại với đầy đủ mệnh giá nhưng chỉ biết cất vào tủ, vì mang ra đi mua hàng thì người ta không chấp nhận, mang đến ngân hàng để đổi thì ngại vì không biết họ có chịu đổi hay không, nên đành phải chấp nhận số tiền này trở thành vật lưu niệm, dù theo quy định thì những đồng tiền kim loại này vẫn được phép lưu hành bình thường như các loại tiền bằng cotton.

Theo chị Đặng Thị Dung – chủ một shop hàng thời trang tại khu Nhân Chính (Hà Nội) – thì điểm yếu của tiền xu là hay rơi, mệnh giá thấp, nếu mang theo số lượng lớn để mua bán thì sẽ rất bất tiện. Hiện nay mọi loại ví được thiết kế để đựng tiền giấy, thẻ ATM, chứ không phải đựng tiền xu. Anh Vũ Đình Tuấn – chủ một siêu thị mini trên phố Nhân Hòa – kể với chúng tôi: Lúc mới phát hành, tôi còn dùng đồng xu đi chợ thay cho bà xã được.

Những người bạn của tôi hiện đang ở nước ngoài vẫn tiêu tiền xu vào các việc mua bán, gọi điện thoại hoặc mua hàng ở những cửa hàng bán tự động, và giá trị vẫn ngang bằng với các loại khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam mình thì làm gì có mấy chỗ đó. Cũng cần phải lưu ý thêm, tại các khu vực đó, họ chủ yếu thanh toán bằng thẻ ATM hoặc séc, vậy thì đâu còn chỗ cho tiền xu.
Việc người dân không mặn mà với tiền xu, chỉ có thể lý giải là do thói quen sử dụng những đồng tiền giấy gọn nhẹ, dễ cầm, dễ cất, còn tiền xu thì khá nặng nề, dễ rơi và khó tìm kiếm. Cũng không ít lời nhận xét với chúng tôi: Tiền nào cũng là tiền, nhưng mình đem thanh toán mà bị cả thiên hạ từ chối thì cầm loại đồng tiền đấy chẳng có giá trị gì cả.  

Tiền xu vừa mất giá vừa chất lượng kém

* Ông Nguyễn Văn Thành – chủ quán nước tại hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội): Người khác không tiêu tiền xu, tôi cũng không thể nhận được. Mấy năm trước, việc dùng tiền xu còn phổ biến. Nay thì tuyệt đối không còn. Mỗi chén nước, thanh kẹo lạc giá chỉ từ 2.000-3.000 đồng. Trong khi đó, đồng tiền xu có mệnh giá cao nhất là 5.000 đồng. Nhưng dù có thiện chí với khách, tôi cũng sẽ không chấp nhận khi họ trả tiền bằng đồng tiền xu.   

* Bà Nguyễn Thị Chắt – cán bộ hưu trí P.Bách Khoa (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội): Cách đây 5-6 năm, tôi lĩnh lương hưu vẫn được nhận kèm từ vài chục tới vài trăm ngàn tiền xu. Chúng tôi không muốn nhận vì phải cần tới một chiếc túi con con để đựng cả đống tiền không nhẹ này. Chưa kể việc để lâu đồng tiền xỉn đi, trông thực sự mất cảm tình.

* Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart: Trước đây hệ thống siêu thị có chấp nhận tiêu dùng loại tiền này. Nhưng nay gần như không còn thấy khách dùng để thanh toán. Mặt khác, mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 5.000 đồng của tiền xu ít còn giá trị hỗ trợ thanh toán, bởi đồng tiền giờ mất giá. Nếu tiền xu được sử dụng trong các dịch vụ như máy trả tiền điện thoại, máy mua vé xe buýt tự động… thì có lẽ nhiều người vẫn dùng.

* Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Trong nhà tôi vẫn còn giữ  đồng 1 rúp (đơn vị tiền tệ từ thời Liên Xô cũ). Tới nay, đồng tiền này vẫn còn sáng choang. Trong khi tiền xu của chúng ta chỉ sau mấy năm sử dụng đã hoen gỉ. Người tiêu dùng thực sự cảm thấy buồn vì đồng tiền quốc gia nhưng chất lượng quá kém. Ngược lại lịch sử, cách đây chừng 30 năm, chúng ta vẫn lưu dùng đồng tiền xu 1 hào, 1 đồng. Khi đó đồng tiền vừa có chất lượng tốt và giá trị tiêu dùng được đảm bảo nhiều hơn so với hiện nay. Một hào khi đó mua được một gói xôi. Nay thì đồng xu mệnh giá 1.000 đồng không mua nổi cây hành ở chợ.

* Bà Quỳnh Chi – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ tiêu dùng (Hiệp hội Bán lẻ VN): Đồng tiền kích cỡ bé quá. Tôi là người cao tuổi nên việc mua bán rất cần loại tiền có nét chữ rõ ràng và dễ nhìn. Trong khi đó, tiền xu của chúng ta vừa nặng vừa bé quá. Đồng xu mệnh giá 1.000 đồng, 500 đồng có kích cỡ bé. Khi đồng tiền này đã cũ, người già như tôi nhìn phân biệt rất khó khăn.                                                                                        Hoàng Mạnh ghi

Bài 2: Thôi hay tạm dừng tiền xu

Cách đây 10 năm, một đề án đồ sộ với vô vàn ưu việt thuyết trình cho sự ra đời trở lại của tiền xu. Và sau đó, tiền xu được phát hành với chi phí  lớn, nhưng ít được sử dụng. Tổng giá trị của đống tiền xu là bao nhiêu, ai phải chịu trách nhiệm về những bất cập trên? Có nên dừng việc sử dụng tiền xu trong lưu thông hay không? – Đó là những vấn đề Báo Lao Động nhận được lời giải đáp từ phía Ngân hàng Nhà nước trên số báo tiếp theo.

Tiền xu “chết yểu”

nld.com

17-01-2015 – 22:43|Kinh tế

Thiếu công cụ giúp lưu thông, mất giá do lạm phát, bất tiện… là những lý do khiến tiền xu lặng lẽ biến mất tăm chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường

Sáng 16-1, ghé vào chi nhánh một ngân hàng (NH), chị Lê Mai Phương (ngụ quận 3, TP HCM) hỏi có nhận thanh toán bằng tiền xu không. Nhân viên giao dịch ngớ người một lúc rồi hỏi lại: “Tiền xu?”. Chị Phương quay sang trưởng phòng giao dịch nhưng vị này cũng lúng túng…

Lâu rồi không ai nhắc…

Chị Phương kể gia đình có một con heo đất chứa đầy tiền xu nhưng lâu nay không biết dùng vào chuyện gì ngoài việc để cho con chơi. “Vài năm trước, tôi bỏ tiền xu vào heo đất. Một thời gian sau, lấy ra thấy tiền xỉn màu, hoen gỉ nên tôi không bỏ vào nữa. Giờ thấy không ai xài nên tôi thử đến NH hỏi xem có thanh toán không để mang đến đổi” – chị cho biết.

Quan sát tại quầy thanh toán một số siêu thị trên địa bàn TP HCM, chúng tôi thấy các nhân viên thu ngân không trả lại tiền thừa cho khách bằng tiền xu, dù là mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng. Tiền xu cũng rất hiếm khi nằm trong hộp tiền thanh toán của nhân viên thu ngân. Chị Huỳnh Thanh (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết đã lâu rồi, khi đi siêu thị không thấy ai trả tiền thừa bằng tiền xu, mà có trả chị cũng không nhận vì không sử dụng.

Tiền giấy được dùng phổ biến hơn hẳn tiền xu trong thanh toán ở các ngân hàng Ảnh: Tấn Thạnh

Tiền giấy được dùng phổ biến hơn hẳn tiền xu trong thanh toán ở các ngân hàng Ảnh: Tấn Thạnh

Hỏi một số lãnh đạo NH thương mại, nhiều người cho biết lâu rồi không ai nhắc đến, không rõ bộ phận ngân quỹ có thu tiền xu vào hay không. Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…, tiền xu vẫn được dùng rất phổ biến. Ở các cửa hàng miễn thuế trong sân bay hay cửa hàng tiện lợi, nhân viên vẫn trả lại tiền xu cho khách hàng nước ngoài với đủ mệnh giá.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, mỗi lần đi công tác ở Singapore, Mỹ hay châu Âu, ông đều giữ những đồng xu để sử dụng cho các lần đi khác khỏi mất công đổi. “Ở nước ngoài, nếu không có tiền xu sẽ không thể đi tàu điện ngầm, mua nước uống, gọi điện thoại….” – ông cho biết.

Nhanh chóng bị từ chối

Tháng 12-2003, NH Nhà nước chính thức phát hành các loại tiền xu mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng, sau đó phát hành thêm loại 2.000 đồng và 500 đồng. Chỉ vài năm sau, tiền xu dần dần bị người dân từ chối khi thấy không tiện lợi.

Đến năm 2011, NH Nhà nước thông báo ngừng phát hành tiền xu, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của tiền kim loại và giải pháp thích hợp với việc lưu thông loại tiền này. Một lãnh đạo NH Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết tiền xu không phát hành thêm từ lâu và đang được thu hồi dần qua hình thức khi NH thương mại đem đến nộp, thanh toán thì không đưa lượng tiền này quay trở lại thị trường.

Nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế lý giải sự bất tiện trong thanh toán là nguyên nhân hàng đầu khiến tiền xu bị từ chối. Theo chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển, tiền xu ở nước ngoài tiện lợi vì đã có hệ thống máy móc tự động để dùng (như khi đi tàu điện ngầm, gọi điện thoại công cộng, mua nước uống…). NH Nhà nước kỳ vọng đưa tiền xu vào lưu thông theo thông lệ quốc tế nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng cho kênh thanh toán tự động bằng loại tiền này không được đầu tư tương xứng.

Thời gian đầu, một số nơi tại Hà Nội, TP HCM có đầu tư máy thanh toán nước uống tự động bằng tiền xu nhưng sau đó chúng cũng “chết yểu”. Tiền xu khá nặng nề, chất lượng kém nên bị hoen gỉ, xuống màu sau một thời gian sử dụng. Chưa kể, một số khách hàng khi thanh toán bằng tiền xu ở NH sẽ bị thu phí kiểm đếm. Theo lãnh đạo một NH, 99% NH ở Việt Nam không có máy kiểm đếm tiền xu, việc đóng gói vận chuyển cũng khó khăn hơn và phải tốn nhiều nhân lực nên phải thu phí kiểm đếm.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần ở TP HCM cho rằng VNĐ mất giá và không theo kịp lạm phát mấy năm qua cũng góp phần khiến đồng xu bị từ chối. Mệnh giá tiền xu lớn nhất là 5.000 đồng đến giờ cũng không mua được món hàng gì giá trị. “Ở các nước, nếu đã dùng tiền xu thì tiền giấy mệnh giá tương đương sẽ ngừng lưu hành và thu hồi. Ở nước ta, tiền giấy và tiền xu mệnh giá tương đương vẫn lưu thông bình thường nên việc người dân chọn tiền giấy cho tiện lợi là dễ hiểu” – ông lý giải.

Chưa phù hợp ở Việt Nam

Theo TS Đinh Thế Hiển, phát hành tiền xu là một bước trong xu thế tự động hóa, có điều chưa phù hợp ở Việt Nam. Châu Âu cần tiền xu để mua cà phê, mua nước, gọi điện thoại… tại các máy tự động do chi phí thuê nhân viên đứng làm ở đây lên tới vài ngàn USD/tháng. Về lâu dài, ông Hiển cho rằng người dân sẽ dần thấy được những tiện lợi từ tự động hóa.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng tiền xu sẽ còn chỗ đứng nếu có các công cụ, hệ thống thanh toán tự động.

Phát hành tiền xu là sai lầm của ngân hàng?

Điều mà dư luận quan tâm rằng cả đống tiền xu bị chối bỏ giờ đang nằm ở đâu? Đó là câu hỏi được xếp vào loại “bí mật” của ngành ngân hàng và không nhận được sự hợp tác.

Thôi hay tạm dừng sử dụng tiền xu? Đó là câu hỏi đặt ra với các cán bộ có trách nhiệm của ngành ngân hàng, cùng hàng loạt câu hỏi mà dư luận đang quan tâm về số phận của loại tiền này. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa có lời giải đáp thoả đáng và câu chuyện này còn tiếp tục bỏ ngỏ. 

Có lãng phí “khủng”

Theo NHNN, việc phát hành tiền kim loại năm 2003 nhằm mục đích hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ. Lý do để phát hành tiền xu là hướng tới mục tiêu lắp đặt các hệ thống bán hàng tự động như máy bán nước ngọt, điện thoại, bán vé tự động…

Nhưng trên thực tế, cho đến nay những loại máy tự động này vẫn gần như chưa sử dụng được ở Việt Nam. Vậy mà loại tiền xu vẫn được đưa ra lưu thông với lý do: Đồng tiền xu có rất nhiều ưu điểm về lợi ích kinh tế xã hội như: Tiết kiệm chi phí ngân sách, tuổi thọ cao, trao tay tiện lợi, thời gian bảo quản dài lâu, môi trường sạch sẽ, không bị thấm hút như tiền giấy.

Phát hành tiền xu là một sai lầm của ngành ngân hàng

Phát hành tiền xu là một sai lầm của ngành ngân hàng?

Tại thời điểm đó, đã có cán bộ NHNN từng phát biểu: “NHNN thời gian tới sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích trong công chúng. Đồng thời, chủ động nắm vững cơ cấu lưu thông tiền tệ để bố trí phù hợp với nhu cầu của xã hội. Sử dụng tiền xu thể hiện sự văn minh nhân loại, ý thức pháp luật trong các loại hình giao dịch dân sự và Nhà nước, nên mỗi người dân phải đặt quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong bối cảnh tổng thể theo xu hướng vận động chung của toàn xã hội”.

Ngay từ thời điểm phát hành tiền xu, đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra với lãnh đạo ngành NH, rằng việc phát hành đồng tiền kim loại liệu có là một sự lãng phí?

Tại thời điểm đó, Thống đốc NHNN là ông Lê Đức Thúy khẳng định: “Đã nhiều năm trở lại đây, người dân VN không quen dùng tiền kim loại cho nên không có thói quen sử dụng, bảo quản, thanh toán tiền kim loại. Việc tập thói quen mới là khó khăn. Người dân sẽ thích nghi dần với việc sử dụng, bảo quản và cất giữ đồng tiền kim loại để đỡ bị mất”.

Được biết, đợt phát hành tiền xu năm 2003 có 5 loại mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Loại tiền xu 200, 500 đồng được làm bằng chất liệu thép mạ niken; loại 1.000, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng vàng; riêng loại 5.000 đồng bằng hợp kim đồng, bạc, niken.

Thực tế đã không như Thống đốc Lê Đức Thúy phát biểu, bởi chất lượng tiền xu các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000 đồng rất kém, nhanh gỉ sét…, nên bị mọi người từ chối. Ngoài ra, đồng tiền xu chết yểu còn bởi việc mất giá quá nhanh của VND trong giai đoạn 2003-2010, trong khi đơn vị tiền xu lại nhỏ, không phù hợp trong tiêu dùng.

Trước câu hỏi của PV: “Tổng kinh phí sản xuất tiền xu 2003 là bao nhiêu?” Chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “muốn hiểu thế nào cũng được” rằng: Thời gian đó có thông tin tổng số lượng tiền kim loại theo kế hoạch NHNN đã thuê đúc là 1 tỉ. Tuy nhiên, không ai giải thích rõ là 1 tỉ tính theo mệnh giá, hay 1 tỉ đồng tiền kim loại tính theo miếng?.

Thôi, hay tạm dừng tiền xu?

Sau 8 năm phát hành, các đồng tiền xu vắng bóng trong lưu thông từ năm 2011. Trước tình huống này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc dừng in đúc, phát hành tiền xu mới.

Được biết, hồi đầu năm 2013, đại diện NHNN khẳng định tiền xu vẫn được duy trì lưu thông. Với những đồng tiền xu chất lượng kém không đủ tiêu chuẩn, người dân sẽ được đổi sang tiền mới cùng mệnh giá. Đồng thời, đại diện NHNN cũng cho biết sẽ có trách nhiệm phân loại, bảo quản tiền và đổi những đồng không đủ tiêu chuẩn lưu thông, xử lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tuyên bố, còn thực tế thì đồng tiền xu với người tiêu dùng đã không còn khái niệm.

Điều mà dư luận quan tâm rằng cả đống tiền xu bị chối bỏ giờ đang nằm ở đâu? Đó là câu hỏi được xếp vào loại “bí mật” của ngành ngân hàng và không nhận được sự hợp tác.

Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì hiện nay, phần lớn số tiền xu đang được bảo quản tại kho của NHNN Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM, một ít nằm ở kho các NHNN – chi nhánh tỉnh/thành phố. Số tiền xu này đang chiếm rất nhiều diện tích kho tàng.

Việc phát hành ra một số lượng lớn tiền như vậy mà không đưa được vào lưu thông đã là một sự lãng phí rất lớn. Có lẽ, NHNN đã tính đến việc xử lý các đồng tiền kim loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Còn việc tuyên bố tiền kim loại có chấm dứt lưu thông hay không thì điều đó vẫn còn bỏ ngỏ, vì chẳng lẽ cơ cấu đồng tiền Việt Nam lại không như thông lệ?

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s