Đồng hành phát triển: Bài học từ hành trình hơn một thập kỷ làm viẹc cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Xem báo cáo tại đây

Hơn 10 năm làm chương trình Dân tộc thiểu số của viện iSEE là 10 năm của học hỏi và bồi đắp thêm tri thức về phát triển. Những lý thuyết, những phương pháp tiếp cận chúng tôi viết trong tài liệu này là những kết quả của quá trình phản tư và học liên tục để lựa chọn chứ không phải là thứ được chọn ngay tại thời điểm khai sinh của chương trình năm 2008. Trong cả tiến trình ấy, điểm neo chúng tôi lại để chất vấn, phản tư, và học hỏi là những giá trị của iSEE – Tự do, Bình đẳng, Khoan dung – và tầm nhìn về vấn đề mà iSEE muốn thay đổi, là vẻ đẹp trong cách nghĩ, cách sống của các thành viên nhóm Tiên phong và cộng đồng của các anh chị tại địa phương.

Trên chặng đường hoạt động và xây dựng chương trình Dân tộc thiểu số, chúng tôi đi lên từ những nghiên cứu
dưới góc tiếp cận nhân học, lấy trải nghiệm và hoạt động của cộng đồng các tộc người thiểu số làm trung tâm.
Trong quá trình này, chúng tôi đã nhìn thấy chính mình trong những phê phán về tư duy phát triển của số đông.
Chúng tôi dần tích lũy tri thức và thấu hiểu hơn những trở ngại mang tính hệ thống đối với các nhóm dân tộc
thiểu số. Một trong những trở ngại lớn nhất là sự chấp nhận một cách thiếu phê phán trên diện rộng đối với tư
duy tiến hoá luận, lối suy nghĩ cho rằng họ luôn mặc nhiên ở nấc thang phát triển thấp hơn so với người Kinh. Với
niềm tin mạnh mẽ vào tính chủ thể và năng lực văn hoá của cộng đồng, và nhất là những thay đổi do chính cộng
đồng tạo ra, trong hơn một thập kỷ qua, chúng tôi đã có cơ hội đồng hành và trải nghiệm hành trình Tự hào – Tự
tin- Tự chủ với cộng đồng các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là cùng với họ bồi
đắp khát vọng tạo dựng một tương lai chung, nơi câu chuyện của cộng đồng các dân tộc thiểu số được chia sẻ,
lắng nghe, thấu hiểu, và trở thành một nguồn cảm hứng cho suy tư về bình đẳng và phát triển. Hành trình này
của chúng tôi đi qua rất nhiều thách thức, với nhiều hoài nghi từ bên ngoài cũng như sự phản tư từ chính những
người xây dựng và tham gia. Đó cũng là tiến trình tất yếu để thử thách và củng cố niềm tin vào sức mạnh của cộng
đồng, cũng chính là triết lý phát triển mà chúng tôi đã và đang theo đuổi.


Tài liệu này là một phần trong nỗ lực tái hiện và chia sẻ rộng rãi triết lý phát triển ấy. Với cấu trúc
4 phần có liên hệ chặt chẽ và phản ánh lẫn nhau, chúng tôi bắt đầu với phần Đặt vấn đề lý giải những băn khoăn
và lựa chọn vào thời điểm bắt đầu, tiếp đến giới thiệu các Lý thuyết nền tảng mà chúng tôi đã may mắn được
tiếp cận và học hỏi. Phần 3 minh họa các Chiến lược và hành động mà Viện iSEE đã vận dụng các lý thuyết trong
triển khai thực tế cùng với cộng đồng. Cuối cùng, phần 4 tổng kết những Bài học kinh nghiệm chúng tôi tự đúc
kết sau chặng đường hơn một thập kỷ.


Chúng tôi vô cùng biết ơn các nhà nghiên cứu TS. Phạm Quỳnh Phương, TS. Hoàng Cầm, TS. Nguyễn Thu Giang
đã truyền cảm hứng và giúp chúng tôi tiếp cận với các lý thuyết từ những ngày đầu tiên. Chúng tôi trân trọng
sự ủng hộ và hợp tác của các tổ chức đối tác như Đại sứ quán Ireland, Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Hà Lan,
Ủy ban Dân tộc, Tổ chức CCFD Terre-Solidaire, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam,
Tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm xây dựng năng lực cộng đồng CECEM v.v. Chúng tôi chân thành
cảm ơn các đồng nghiệp và các tư vấn đã đặt nền móng, cùng xây dựng và chia sẻ trong suốt những năm qua.
Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đặc biệt nhất tới các thành viên Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói của người dân
tộc thiểu số đã tin tưởng và đồng hành với chúng tôi trên hành trình học hỏi và hiện thực hóa niềm tin của mình.
Trong quá trình hoàn thành tài liệu này, chúng tôi được tham vấn và hỗ trợ rất nhiều từ các chuyên gia và các
thế hệ lãnh đạo iSEE – ThS. Lê Quang Bình, Th.S Lương Minh Ngọc và Th.S Lương Thế Huy. Chúng tôi cũng nhận
được sự hỗ trợ nhiệt tình của TS. Nguyễn Thu Giang trong vai trò hiệu đính.


Chúng tôi hy vọng độc giả sẽ tìm được những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích qua những chia sẻ của mình,
và hơn thế nữa, có thêm động lực để tiếp tục tìm tòi và khám phá những cách làm mới để tạo ra sự phát triển
có ý nghĩa.

Bình luận về bài viết này