Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 1): Thực trạng và định hướng quản lý khai thác nước ngầm bền vững

Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 2): “Lợi bất cập hại”

Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 3): Cần những giải pháp cấp bách

moitruong.net.vn

Theo nhận định của các chuyên gia, ở Việt Nam, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và môi trường.

Nước ngầm, một cách gọi khác của “nguồn nước dưới đất”, là một dạng tài nguyên nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề Trái Đất được tích trữ trong không gian rỗng của đất hay trong những khe nứt của lấp đất đá trầm tích. Ở Việt Nam hiện nay, việc khai thác nước ngầm đang diễn ra quá mức, và đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, cần được bảo vệ.

khai-thac-nuoc-ngam.png
Nguồn nước ngầm đang đứng trước nhiều thách thức cần được bảo vệ để phát triển bền vững

Từ năm 1992, Liên Hợp Quốc chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới. Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2022 là “Nước ngầm” (Groundwater) nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Mỗi năm Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước Thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Năm nay, Ngày Nước Thế giới 2022 có chủ đề là “Nước ngầm” (Groundwater) với mục đích nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Nguồn nước mặt thì ai cũng thấy và nhận biết được tầm quan trọng. Tuy nhiên, nước ngầm (nước dưới đất) lại nằm trong lòng đất, không thấy bằng mắt thường, nhưng đề biết giá trị của nó cho mục đích sinh hoạt và sản xuất.

Từ xưa đã khai thác nước ngầm bằng các giếng khơi, và ngày nay thì khai thác cả bằng giếng khơi và giếng công nghiệp (khoan sâu) để phục vụ sinh hoạt sản xuất, đặc biệt là tại đô thị lớn, vùng nước mặt bị nhiễm mặn.

Ngoài ra, nước ngầm còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho nước sông, về mùa khô không có mưa, nước ngầm thoát ra sông cung cấp dòng chảy cho sông.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt nhiệm vụ vừa phải hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ nước ngầm hiện có, vừa ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

khai-thac-nuoc-ngam-1.jpg
Khai thác nước dưới đất ở Việt Nam diễn ra quá mức

Những thực trạng hiện hữu

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy hiện toàn quốc có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước mặt chiếm 87%, nước ngầm chiếm 13%. Khu vực đô thị có khoảng 829 nhà máy nước với tổng công suất đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm, 70% trong đó sử dụng nguồn nước mặt và 30% từ nước ngầm. Trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn. Đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, dẫn đến tình trạng nguồn nước dưới mặt đất bị khai thác quá mức, tập trung tại một số đô thị như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Tại khu vực nông thôn, đã xây dựng khoảng trên 16.573 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cho 28,5 triệu người, phần lớn được lấy từ nguồn nước ngầm. Đối với người nông dân, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là nguồn tài nguyên chính giúp quá trình canh tác đạt hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển ngành nông nghiệp. Vài năm trước, mỗi nhà vườn chỉ cần khoan từ 1-2 giếng khoan là đáp ứng nhu cầu sản xuất vì nguồn nước khoan khá dồi dào.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, người dân phải khoan 3-4 giếng mới đủ nước đảm bảo sản lượng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tuy ở nhiều tỉnh thành, nước máy đã được triển khai để cấp nước cho người dân nhưng do tâm lý e ngại, người dân thay vì sử dụng nước máy, vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất.

Tất cả những nguyên nhân này đã và đang góp phần làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước ngầm, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

khai-thac-nuoc-ngam-3.jpg

Hạn chế khai thác nước ngầm để bảo vệ nguồn nước

Chất lượng nước ở Việt Nam đang trên đà suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, sức khỏe, đời sống người dân. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập.

Nói về thực trạng khai thác nước ngầm ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp. Hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi đều chưa khai thác đạt năng lực thiết kế mà chỉ ở mức từ 50 đến 90% tùy theo từng khu vực. Trong khi, việc điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%).

Đối với hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước mới chỉ bê tông hóa các hạng mục đầu mối quan trọng, hầu hết hệ thống đấu nối ra đồng ruộng là các kênh đất, được xây dựng từ khá lâu, từ khi đất nước còn rất nghèo, trình độ khoa học công nghệ còn thấp nên thất thoát nước còn lớn và rất khó kiểm soát. Hầu hết hệ thống kênh dẫn đang sử dụng hiện nay là kênh hở nên việc bốc hơi nước trong điều kiện mùa khô là cao, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…Nhiều hồ được xây từ rất lâu nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn..nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.

Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và hiệu quả sử dụng nước của ngành này sẽ quyết định nguồn cung nước cho các mục tiêu sử dụng khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, còn thấp. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2018, hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp của Việt Nam tuy có cải thiện qua các giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 0,2 USD/m3. Theo đánh giá của WB năm 2019, nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước của Việt Nam nhưng hiện chỉ tạo ra 17-18% GDP và tạo việc làm cho 45% lực lượng lao động.

Ông Nguyễn Minh Khuyến nói thêm: Kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện (Dự án “Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL”) đã ghi nhận xu thế nâng, hạ-sụt lún vùng TP.HCM và ĐBSCL có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, trong đó: vùng có biên độ nâng (từ 2,4 – 11,4mm/năm) có diện tích khoảng 5,8 nghìn km2 thuộc khu vực các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần diện tích ở Đông Bắc TP.Hồ Chí Minh; vùng có biên độ hạ (từ 7,4 – 11,8 mm/năm) phân bố trên toàn bộ diện tích còn lại của ĐBSCL và TP.HCM với diện tích khoảng 36,8 nghìn km2. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.

Về các yếu tố nhân tạo: Các yếu tố gây sụt lún đất bao gồm: suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung; độ rung do hoạt động giao thông vận tải… và do khai thác nước dưới đất quá mức. Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, quy mô, mức độ tác động làm gia tăng quá trình lún còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng khu vực cụ thể. Có khu vực khai thác với mật độ cao nhưng lại không bị lún hoặc lún ít hơn so với các khu vực khai thác với mật độ nhỏ hơn; có khu vực không khai thác nhưng vẫn bị lún, thậm chí còn bị lún cao hơn.

Như vậy, có thể thấy tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên, nhân tạo. Trong đó, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của mỗi khu vực mà có thể do nhóm nguyên nhân về tự nhiên hoặc nhóm nguyên nhân do hoạt động của con người (trong đó có khai thác NDĐ, xây dựng kết cấu hạ tầng) là nguyên nhân chính. Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện, cụ thể đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.

khai-thac-nuoc-ngam.jpg

Tình trạng sụt lún đất tràn lan trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Nước ngầm bị “nhiễm độc”, ô nhiễm trầm trọng

Ông Nguyễn Văn Thùy, Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài 10km trở lên, với tổng lượng nước mặt khoảng 830 tỷ mét khối, tập trung ở 8 lưu vực sông lớn như sông Hồng – Thái Bình, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Đồng Nam và sông Mê Kông, trong đó có 63% có nguồn gốc ngoài biên giới.

Do đặc trưng dòng chảy, phân bố lượng nước không đều theo mùa và sự suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngày càng hiện hữu.

“80% nước cấp đầu vào cho sinh hoạt trở thành nước thải sinh hoạt, đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng có lượng nước thải sinh hoạt lớn nhất cả nước với nhiều thành phần ô nhiễm. Cùng với đó, ô nhiễm từ nước thải công nghiệp của làng nghề, khu công nghiệp, nước thải nông nghiệp, y tế… đang là vấn đề thách thức”, ông Thùy cho biết.

Theo “Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2017, cùng với ô nhiễm nguồn nước mặt, tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngầm đang là vấn đề đáng lo ngại, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Một số khu vực đô thị đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất với một số thông số TDS, Amoni, kim loại nặng như chì, Asen, mangan vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và ghi nhận hiện tượng xâm nhập mặn nước dưới đất. Một số đô thị ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có hàm lượng Asen trong nước dưới đất cao do cấu tạo địa chất của vùng, điển hình là Hà Nam đã ghi nhận hàm lượng Asen vượt quy chuẩn tới 4,7 lần.

Nguồn nước ngầm hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như: Khai thác gia tăng do nguồn nước mặt không đủ cung cấp (nước mặt ô nhiễm, suy giảm dòng chảy); khai thác gia tăng dẫn đến xâm nhập mặn đến công trình khai thác nước ngầm. Nhiều nơi suy giảm chưa có dấu hiệu hồi phục. Ô nhiễm chất có chứa nguồn gốc Nitơ, như NH4, NO3 ở một số nơi nhất là tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, HCM, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu,… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau,…).

khai-thac-nuoc-ngam-2.jpg

Việc khai thác nước ngầm quá mức gây nhiều hệ lụy đến an ninh nguồn nước và môi trường

Tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý nguồn nước ngầm

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, hiện có nhiều quy định quản lý về tài nguyên nước như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước cùng các Nghị định… thế nhưng hệ thống pháp luật quản lý mang nặng tính hành chính, nhiều tầng lớp. Các công cụ thực thi chưa dựa vào nền tảng khoa học công nghệ, khó thực thi, giám sát và quản lý, đặc biệt rất khó xác định trách nhiệm trong quản lý.

“Hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay thiếu tính thực thi, có quá nhiều văn bản luật liên quan nhưng khoảng cách từ văn bản đến công cụ thực thi rất xa, gần như bị vô hiệu hóa và ô nhiễm nước vượt tầm kiểm soát”, bà Lý nhấn mạnh.

Bà Lý cũng chỉ ra, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, lượng chất gây ô nhiễm độc hại vào nước ngày càng lớn và xảy ra hàng ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Bà Lý cho biết, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm nước rất lớn, trong gần 10 năm giai đoạn (2008 – 2017), theo sơ bộ tính là trên 11.600 tỷ đồng. Chi phí để khôi phục ô nhiễm nước là vô cùng lớn như kênh Nhiêu lộc Thị Nghè chỉ có 8 km nhưng thời gian cải tạo kéo dài từ năm 1993 đến nay vẫn đang cải tạo, tiêu tốn 685 triệu USD (tương đương gần 16.000 tỷ đồng).

Trước thực trạng trên, xây dựng và hoàn thiện luật về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước để bảo vệ nguồn nước sạch, kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm nước là rất cần thiết. Cụ thể, cần xây dựng luật mới về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trên cơ sở giữ các quy định phù hợp của luật hiện hành và bổ sung những quy định mới có tính kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.

Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 2): “Lợi bất cập hại”

Phương Nhi|30/11/2022 07:34

Hiện nay, tình trạng khai thác nước ngầm đang diễn ra tràn lan và gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn nước, gây ra sụp lún, sạt lở đất, nhất là các đô thị lớn thường có khu vực khai thác tập trung.

Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, an ninh nguồn nước…

Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo rằng việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Các “phễu” này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập nước cho đất, gây nên hiện tượng hạ thấp mực nước trên vùng rộng lớn, từ đó kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nguồn nước.

khai-thac-nuoc-ngam-quia-muc.jpg

Việc khai thác quá mức, liên tục các mạch nước ngầm ở nhiều khu vực đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ngầm

Hạ thấp mực nước ngầm

Việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm.

Khi khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các phễu hạ thấp mực nước cục bộ quanh giếng. Các phễu này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập cho nước dưới đất. Khi khai thác nước ngầm tại nhiều nơi và vượt quá lượng bổ cập, các phễu này giao nhau sẽ gây hạ thấp trên vùng rộng lớn. Hạ thấp mực nước ngầm là nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nước ngầm.

Nguồn nước ngầm tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã sụt giảm đến mức đáng báo động, theo Cục quản lý tài nguyên nước. Đây là vùng sản xuất cà phê chủ lực của Việt Nam, hàng năm cung cấp tới 80-90% sản lượng cà phê cả nước. Việt Nam là nước sản xuất cà phê vối (robusta) lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, rừng Tây Nguyên bị tàn phá nặng nề, cộng với sự biến đổi khí hậu, mùa khô kéo dài đã làm cho nạn hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Do khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước, người dân liên tục tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu, khiến mực nước ngầm không ngừng bị hạ thấp, gây khó khăn cho sản xuất tại các vùng hạ lưu. Thực tế cho thấy tốc độ phát triển của nền sản xuất nông nghiệp ở Đăk Lăk, cũng như Tây Nguyên nói chung ngày càng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng lớn đến mức không còn khả năng kiểm soát. Việc khai thác tài nguyên nước ngầm trên địa bàn Đắk Lắk đã vượt mức an toàn, dẫn đến mực nước dưới mặt đất trong nhiều năm qua đã tụt giảm đáng kể.

Thống kê tại tỉnh cho thấy tổng trữ lượng nước ngầm đã sụt mất ⅔ từ con số ước tính 120,9x109m3 hồi năm 1998. Mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3-5m, có nơi 7-8m.

Thực tế, nhiều hộ dân trồng cà phê cho biết nhiều năm trước, một cái giếng độ sâu từ 22-28m có thể tưới 2-3 héc ta cà phê trong vòng 10 giờ liên tục, nhưng bây giờ thì không đủ cung cấp. Nhu cầu nước tưới ngày càng cao, nhiều hộ gia đình liên tục khoan, đục rộng đáy giếng, đặc biệt sử dụng cả máy khoan địa chất khoan xuống lòng đất 70-80m và dùng điện ba pha hút nước tưới tiêu cho kịp thời vụ sản xuất cà phê vốn tự phát tràn lan. Điều này đã gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm ở nhiều nơi, trực tiếp đe doạ thêm tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm nay đã đang ở mức báo động ở Đăk Lăk.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, không những làm hạ thấp mực nước, việc khai thác nước ngầm quá mức, không có quy hoạch còn là tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn tài nguyên này.

khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-3.jpg

Nước ngầm đang bị ô nhiễm và hạ thấp do khai thác quá mức

Tác động đến chất lượng nước ngầm

Nước là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là điều kiện tất yếu để tồn tại sự sống trên trái đất. Hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội và sự gia tăng của các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày một gia tăng. Do hệ thống cung cấp nước tập trung hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt nên việc khoan giếng để khai thác nước ngầm đang diễn ra phổ biến và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý đã dẫn tới nguy cơ suy thoái chất lượng, trữ lượng nước ngầm.

Xâm nhập của nước bẩn và làm biến đổi chất lượng nước: So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn. Nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thấm lớn, nước mặt thấm xuống cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Ngoài ra, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước làm ô nhiễm nước dưới đất; quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thuỷ lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm … Khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài.

Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn, khai thác nước gần biên mặn nước dưới đất đã dẫn đến tình trạng sụt giảm mạch nước ngầm, giảm áp lực nước. Điều này làm gia tăng khả năng thẩm thấu, xâm nhập nước mặn từ bên ngoài vào các tầng rỗng, gây ra hiện tượng nhiễm mặn tầng nước ngầm. Bên cạnh đó, nhiều giếng nước không còn sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả nhưng không có biện pháp xử lý hay được xử lý trám lấp không đúng quy định đã làm gia tăng nguy cơ đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm, gây ra hiện tượng ô nhiễm thông tầng mạch nước ngầm.

Tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, nước giếng khoan thường bị ô nhiễm với hàm lượng asen và amoni phổ biến. Ở địa bàn quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân hay Long Biên thường có hàm lượng mangan cao. Hoặc các giếng ở phía Nam và Đông Nam gần nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai cũ cũng bị ô nhiễm vì nước ngầm nhiễm hàm lượng amoni rất cao. Kết quả phân tích nồng độ Asen (As) trong nước dưới đất ở các quận nội thành Hà Nội, có tới 22,62% số mẫu nghiên cứu có nồng độ As vượt ngưỡng 0,005mg/l, ngoại thành có tỉ lệ 18,78%; các huyện có tỷ lệ nhiễm As cao là Thanh Trì (25,64%), Gia Lâm (15,15%) và Đông Anh (14,81%).

Tình trạng ô nhiễm nước ngầm cũng diễn ra tương tự ở TP.Hồ Chí Minh, nơi có 257.479 giếng khoan, với độ sâu và quy mô khai thác khác nhau, lưu lượng khai thác ước tính khoảng 606.992 m3/ngày đêm.

Nhiều mẫu xét nghiệm tại các mẫu giếng do hộ dân khai thác hầu như có độ PH thấp, tỉ lệ mẫu không đạt là 41,62%. Tại các Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Tân Phú, hàm lượng amoni trong nước giếng vượt giới hạn cho phép (9,14%). Một số điểm không đạt hàm lượng sắt tổng số (2,03%) tại Quận 12, Hóc Môn. Bên cạnh đó có 4,06% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp nhiều thành phần ô nhiễm chưa được xử lý đúng cách đã thẩm thấu dần qua các lỗ hổng trong đất do quá trình khai thác quá mức nước ngầm để lại.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện giám sát 149 mẫu nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn có 72% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, số còn lại không đạt.

Đa số các mẫu không đạt chất lượng rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác. Nhiều mẫu nước giếng hộ gia đình tự khai thác đang bị ô nhiễm nặng; không đạt PH, có hàm lượng amoni cao và có mẫu nước nhiễm vi sinh (E.coli và coliforms)…

Ngoài ra, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cũng thường xuyên chịu nhiễm mặn nhất và mạch nước dưới đất cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, khiến người dân khu vực này thường xuyên thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Nguồn nước dưới đất tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang được khai thác một cách tràn lan (từ đầu những năm 1990-1995), thiếu thiết kế, quy hoạch hợp lý dẫn đến sự suy giảm mực nước ngầm trên toàn tỉnh, nghiêm trọng nhất là sự suy giảm mạch nước ngầm tại huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu do người dân sử dụng nước để bơm tưới phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Tất cả các tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như đời sống của người dân, đòi hỏi những giải pháp cụ thể và triệt để trong tương lai gần từ các ngành liên quan.

Trước những tác động tiêu cực đến môi trường do khai thác nước dưới đất quá mức. Trong thời gian tới, cần hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất để phục vụ bơm tưới hoặc có giải pháp sử dụng nước tưới tiết kiệm, đặc biệt trong những tháng mùa khô do lưu lượng nước tiêu thụ lớn, nghiên cứu các phương án hiệu quả để sử dụng nước mặt từ hệ thống sông làm nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm áp lực lên các tầng chứa nước. Việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước dưới đất mới phải bảo đảm không vượt quá trữ lượng có thể khai thác của từng vùng từng tầng chứa nước và gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh và trong mối quan hệ chung với các địa phương chung quanh.

khai-thac-nuoc-ngam-quia-muc-4.jpg

Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long

Gây sụt lún công trình xung quanh

Việc hạ thấp mực nước sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước. Tại tầng đất chứa nước, có một lực đẩy Ascimet để nâng các khối đất đá lên; khi khai thác nước làm mực nước hạ thấp thì tầng đất này không còn lực đẩy Ascimet nữa và tạo ra lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình, gây thiệt hại về kinh tế cũng như tính mạng con người.

Nguồn nước ngầm hiện nay tại TP.Hồ Chí Minh có vai trò rất lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác quá mức đã dẫn đến một số hệ quả không chỉ về mặt đời sống, kinh tế, mà còn cả sức khỏe dân cư.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm Đảm bảo nguồn cung nước sạch – Hạn chế khai thác nước ngầm, TS Hà Quang Khải – khoa tài nguyên và môi trường, ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn năm 2000 nước ngầm khai thác chỉ từ 200.000m3/ngày, nhưng đến khoảng năm 2012 lượng nước khai thác lên 700.000m3/ngày.

“Việc khai thác quá nhiều, tập trung một số khu vực dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, có thể thấy ở các địa phương như huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè. Tốc độ sụt lún cứ tiếp diễn dẫn đến việc ngập nước.

Ngoài ra, theo ông Khải, hiện nay thành phố có khoảng 300.000 giếng khoan, khi khai thác quá nhiều lỗ khoan nhưng kỹ thuật khoan kém dẫn đến ô nhiễm trên bề mặt dễ dàng thấm xuống tầng dưới. Khi nguồn nước hạ thấp làm chênh lệch áp lực gây ô nhiễm trên bề mặt.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện (Dự án “Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL”) đã ghi nhận xu thế nâng, hạ-sụt lún vùng TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, trong đó: vùng có biên độ nâng (từ 2,4 – 11,4mm/năm) có diện tích khoảng 5,8 nghìn km2 thuộc khu vực các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần diện tích ở Đông Bắc TP.Hồ Chí Minh; vùng có biên độ hạ (từ 7,4 – 11,8 mm/năm) phân bố trên toàn bộ diện tích còn lại của ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 36,8 nghìn km2. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.

Về các yếu tố nhân tạo: Các yếu tố gây sụt lún đất bao gồm: Suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung; độ rung do hoạt động giao thông vận tải… và do khai thác nước dưới đất quá mức. Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, quy mô, mức độ tác động làm gia tăng quá trình lún còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng khu vực cụ thể. Có khu vực khai thác với mật độ cao nhưng lại không bị lún hoặc lún ít hơn so với các khu vực khai thác với mật độ nhỏ hơn; có khu vực không khai thác nhưng vẫn bị lún, thậm chí còn bị lún cao hơn.

Như vậy, có thể thấy tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên, nhân tạo. Trong đó, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của mỗi khu vực mà có thể do nhóm nguyên nhân về tự nhiên hoặc nhóm nguyên nhân do hoạt động của con người (trong đó có khai thác NDĐ, xây dựng kết cấu hạ tầng) là nguyên nhân chính. Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện, cụ thể đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, làm thay đổi cấu trúc địa chất.

TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều trên các khu vực với khoảng 700.000 m3/ngày. Cụ thể, hộ dân khai thác 355.859 m³/ngày, khu chế xuất – khu công nghiệp 58.150 m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình 172.572 m3/ngày và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là 130.000 m3/ngày.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), địa bàn thành phố có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước, hiện còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3, tức người dân không sử dụng.

Việc khai thác nước ngầm tràn lan để lại những hậu quả nhãn tiền về môi trường, biến đổi địa chấn trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình là 4 cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7 cm/năm. Ngoài việc do xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, việc sụt lún ở TP.Hồ Chí Minh có nguyên nhân lớn từ khai thác nước ngầm.

Điển hình là phường An Lạc, quận Bình Tân lún tới 81,4 cm – là nơi có tốc độ sụt lún lớn nhất ở Nam Bộ. Đường Nguyễn Hữu Cảnh khi đưa vào sử dụng được một năm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Công an kiểm định chất lượng con đường.

Quá trình kiểm định cho thấy, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún từ 5cm-1m. Trải qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, đường Nguyễn Hữu Cảnh không những chưa thể khắc phục được tình trạng lún nứt mà còn tái diễn cảnh cứ mưa là ngập.

Ngoài ra, nhiều quận, huyện khác của thành phố cũng ghi nhận tình trạng sụt lún như: Huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 7, khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh). Vùng bến Phú Định (Quận 8) là một trong những khu vực có nền đất rất yếu nên chỉ cần một tác động nhỏ từ các công trình xây dựng sẽ gây ra tình trạng sụt lún làm nứt nhà người dân. Những khu vực sát kênh rạch, dọc sông Sài Gòn cũng có hiện tượng sụt lún gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm

Khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình. Khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.

khai-thac-nuoc-ngam-quia-muc-5.jpg

Chất lượng nguồn nước không đảm bảo tác động đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân

Ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân

Không chỉ tác động đến môi trường, cảnh quan, việc sử dụng nước từ khai thác giếng ngầm còn được cảnh báo về các nguy cơ gây ra bệnh cấp tính, mãn tính.

Nói về vấn đề này, theo ông Đào Phú Khánh – phó trưởng khoa sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh cho hay, việc sử dụng nước ngầm chưa qua kiểm định chất lượng, nhiễm tạp chất, gây ra các loại bệnh.

“Nếu là bệnh cấp tính như tiêu chảy, thương hàn…, còn mãn tính về lâu dài chúng ta rất khó phát hiện, nhưng nguy cơ gây hại đến các cơ quan như gan, thận, thậm chí gây ung thư do sử dụng chất độc hại trong nước thời gian dài”, ông Khánh chia sẻ.

Nguyên nhân vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng nước ngầm, ông Khánh cho rằng thói quen “trước giờ xài không có vấn đề gì”, nên nhiều hộ dân sử dụng không biết đến hậu quả.

Ông Khánh cũng thông tin qua kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng nước khoan giếng có đến 70% không đạt tiêu chuẩn (298/398 mẫu). Qua đó, ông Khánh khuyến cáo, cần ưu tiên tập trung sử dụng nước máy do mạng lưới cấp nước của thành phố cung ứng để đảm bảo sức khỏe.

khai-thac-nuoc-ngam-quia-muc-1.jpg

Khai thác nước ngầm quá mức ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp

Thiếu hụt nguồn nước cho phát triển kinh tế

Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và hiệu quả sử dụng nước của ngành này sẽ quyết định nguồn cung nước cho các mục tiêu sử dụng khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, còn thấp.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, việc gia tăng sử dụng nguồn nước ngầm trong những năm gần đây là vấn đề nhiều nơi đã báo động, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu – nước biển dâng, tác động của việc giảm sút nguồn nước sông Mê Kông và nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nhiều hơn.

Đối với hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước mới chỉ bê tông hóa các hạng mục đầu mối quan trọng, hầu hết hệ thống đấu nối ra đồng ruộng là các kênh đất, được xây dựng từ khá lâu, từ khi đất nước còn rất nghèo, trình độ khoa học công nghệ còn thấp nên thất thoát nước còn lớn và rất khó kiểm soát. Hầu hết hệ thống kênh dẫn đang sử dụng hiện nay là kênh hở nên việc bốc hơi nước trong điều kiện mùa khô là cao, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…

Trong đó, nhiều hồ được xây từ rất lâu nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn… nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.

Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 3): Cần những giải pháp cấp bách

Minh Trang|06/12/2022 07:30

    •  

    •  

    •  

Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước thực trạng khai thác nước ngầm quá mức, dẫn tới nhiều nguy cơ, hệ lụy, do đó cần nhiều giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh nguồn nước tốt nhất.

Nước ngầm là nguồn nước chính dùng trong sinh hoạt của rất nhiều hộ dân. Tình trạng ô nhiễm nước ngầm, khai thác nước ngầm quá mức chưa được xử lý mà còn có dấu hiệu lan rộng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của không ít người. Do đó, chúng ta cần phải chung tay tìm ra những biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết triệt để.

khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc.png

Các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất”

Lựa chọn vị trí thích hợp

Khi bắt đầu khoan giếng lấy nước, bạn cần chọn vị trí đảm bảo nằm cách xa các khu vực chăn nuôi, các công trình vệ sinh và rãnh thoát nước thải ít nhất là 7m. Trong trường hợp phát sinh các lỗ khoan hỏng, bạn phải xử lý lấp các lỗ hở theo đúng quy định để tránh gặp sự cố thông tầng làm xâm ngập mặn khiến các chất bẩn thấm xuống tầng nước đang khai thác.

Quá trình thi công khoan giếng cũng phải được thợ giàu kinh nghiệm thực hiện đúng kỹ thuật và môi trường để tránh gặp phải các sai sót dẫn đến thấm các chất gây ô nhiễm dọc vách giếng chảy xuống phía dưới.

Tại các hộ gia đình, hệ thống giếng khơi, giếng lọc phải được củng cố vững chắc bằng cách dùng gạch hoặc bê tông đúc sẵn phía mặt đất. Phần trên mặt đấn cần có tường bao với độ cao phù hợp chống tràn phòng khi xảy ra mưa lũ và tai nạn xảy đến với người già và gia súc.

Ngoài ra, các khu vệ sinh, chuồng trại trong các hộ gia đình phải được thiết kế xa các lỗ khoan để khai thác nước. Các cống, rãnh thoát nước dẫn đến các hệ thống chung à đến các công trình máng mương thủy lợi cũng cần được bê tông hóa hoặc gạch hóa

Đối với phạm vi doanh nghiệp hoặc xí nghiệp sản xuất công nghiệp hoặc thực phẩm, phải thực hiện xây bể chứa nước thải và đưa vào công nghệ xử lý nước thải trước khi dẫn nước thải vào hệ thống thoát nước chung.

khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-1.jpg

Cần hoàn thiện chính sách, quy định trong quản lý tài nguyên nước dưới đất

Khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt hạn chế khai thác nước ngầm quá mức

Tăng sử dụng nguồn nước mặt là giải pháp đang được đẩy mạnh để bảo vệ, chống ô nhiễm nước ngầm cũng như hạn chế khai thác nước ngầm quá mức. Cụ thể hơn, cơ quan chức năng kêu gọi hạn chế khai thác nước ngầm, nhất là nhằm phục vụ sản xuất công nghiệp ở những vùng có sẵn nguồn nước máy hoặc nước mặt để thay thế. Một số tỉnh, thành đã tập trung đầu tư phát triển các dự án phục vụ sản xuất để hạn chế khai thác quá mức dẫn đến ô nhiễm nước ngầm.

Các dự án có thể kể đến như nạo vét kênh mương, công trình thủy lợi với các hồ, đập,… cấp nước cho hoạt động nông nghiệp, chống xâm ngập mặn, tiêu thoát lũ.

Thanh tra, giám sát thường xuyên

Để các giải pháp kể trên được thực hiện hiệu quả, cần có tổ chức thực hiện thanh tra, giám sát định kỳ để kiểm soát, phát hiện, hạn chế và ngăn chặn các hành vi khai thác nước quá mức và trái phép tại các địa phương.

Trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cần chấm dứt và triển khai xử lý mạnh tay các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ tài nguyên nước làm ô nhiễm nước ngầm.

Vậy là bài viết đã chia sẻ đến bạn đọc những thông tin tổng quan nhất về vấn đề ô nhiễm nước ngầm. Hi vọng rằng bạn thấy những kiến thức trên là bổ ích và có ý nghĩa trong những trường hợp cần thiết.

khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-2.jpg

TP. Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các giải pháp giảm khai thác nước ngầm quá mức

5 vùng hạn chế khai thác nước ngầm

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, có 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất gồm: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp.

Vùng hạn chế 1, bao gồm các khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình; Khu vực có biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500 mg/l trở lên; Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường; Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật mà chưa có giải pháp công nghệ để xử lý để bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất khác do UBND các tỉnh, thành phố quyết định.

Vùng hạn chế 2, bao gồm các tầng chứa nước lỗ hổng ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long; Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở các địa phương khác thì UBND cấp tỉnh căn cứ quy mô, mức độ khai thác nước dưới đất, mức độ hạ thấp mực nước dưới đất và yêu cầu về bảo vệ nguồn nước dưới đất trên địa bàn quyết định việc khoanh định; các tầng chứa nước trong đá bazan ở các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên.

Vùng hạn chế 3, bao gồm các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.

Vùng hạn chế 4, bao gồm các khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước.

Vùng hạn chế hỗn hợp là vùng có diện tích chồng lấn giữa các vùng hạn chế 1, 2, 3 hoặc 4.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” cần khẩn trương tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng này đồng thời xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước.

Đối với các tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm tổ chức xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP; trong đó cần đảm bảo áp dụng đúng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng vùng hạn chế và từng công trình.

Với các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp giấy phép thì chỉ áp dụng biện pháp hạn chế khai thác là “dừng khai thác và thực hiện xử lý, trám lấp giếng” hoặc “không gia hạn giấy phép” nếu công trình thuộc vùng hạn chế 1 (khu vực xảy ra sụt lún đất, nhiễm mặn, ô nhiễm hoặc khu vực liền kề khu vực xảy ra sự cố).

Biện pháp hạn chế khai thác đối với 5 khu vực trên là dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Trường hợp công trình không có giấy phép, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải dừng hoạt động khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng.

    •  

Bình luận về bài viết này