Các vụ án thao túng thị trường cổ phiếu

Thứ hai, 24/1/2022, 15:29 (GMT+7)

Cựu giám đốc bị điều tra thao túng 7 triệu cổ phiếu ASA

HÀ NỘINguyễn Văn Nam, cựu giám đốc Công ty cổ phần liên doanh SANA WMT, bị bắt với cáo buộc “tạo cung cầu giả” tạo để thao túng giá cổ phiếu.

Ngày 24/1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố, tạm giam ông Nam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 104 Bộ luật Hình sự. Các lệnh, quyết định đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Nam tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp
Nam tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo trung tướng Xô, điều tra ban đầu xác định, Công ty cổ phần liên doanh SANA WMT, nay là Công ty cổ phần ASA, có mã chứng khoán: ASA.

Ông Nam với cương vị là giám đốc đã có hành làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng. Ông bị cáo buộc niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Để phục vụ điều tra, đề nghị các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư bị thiệt hại và bị Nam chiếm đoạt tiền hãy gửi đơn đề nghị kèm theo tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để làm rõ.

——-

Thứ năm, 22/8/2019, 09:03 (GMT+7)

56 triệu cổ phiếu KSA bị thao túng

Bà Phạm Thị Hinh (46 tuổi, nguyên chủ tịch Công ty chứng khoán VSM, và Công ty KSA) bị cáo buộc đã tạo ra các giao dịch cổ phiếu ảo.

Ngày 21/8, bà Hinh cùng Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Maritime – MSI), Trần Hồng Ngọc (38 tuổi), Nguyễn Trọng Hùng (40 tuổi) bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán trong vụ án sai phạm về kinh doanh cổ phiếu xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA).

Theo cáo buộc, tháng 9/2015, Công ty KSA phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 374 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, nhà đầu tư không mua cổ phiếu KSA.

Để được công nhận kết quả chào bán thành công và chấp thuận lưu ký, bà Hinh đã lập danh sách phân phối hơn 56 triệu cổ phiếu cho 11 cá nhân, công ty – đều là chỗ thân quen. 11 triệu cổ phiếu còn lại, công ty hủy bỏ.

Bà Hinh ký sổ cổ đông xác nhận số cổ phiếu đã phân phối cho 11 công ty và cá nhân. Ngày 26/11/2015, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận cho lưu ký số cổ phiếu này. Tuy nhiên, cổ phiếu KSA tính thanh khoản thấp, không có người mua. Bà Hinh sau đó đã nhờ Tuấn thực hiện giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng giá, giữ thị trường cho mã cổ phiếu này.

Để “thổi giá”, thao túng thị trường, đầu tháng 12/2015, Hinh nhờ nhân viên công ty VSM và các cá nhân đứng tên mở 69 tài khoản giao dịch ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau. 34 tài khoản (gần 24 triệu cổ phiếu KSA) được giao cho Tuấn, Hùng để tự thực hiện việc giao dịch. Bà Hinh và Ngọc quản lý số tài khoản giao dịch chứng khoán còn lại.

Theo cáo buộc, các bị can Hinh, Tuấn và Hùng đặt lệnh giao dịch chéo giữa các tài khoản ngay tại phòng họp của công ty VSM. Sau khi tạo ra các giao dịch ảo, cổ phiếu KSA giá tăng có lúc đến 60.000 đồng/cổ phiếu. Gần 1.500 nhà đầu tư đã tham gia mua bán.

Số tiền chênh lệch từ các giao dịch trên của nhà đầu tư, Ngọc rút về rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Hinh. Cũng có khi số tiền này được quay vòng để tiếp tục thực hiện giao dịch ảo giữa các tài khoản để thu hút nhà đầu tư 

Đầu tháng 7/2016, cổ phiếu KSA đồng loạt giảm sàn nên việc giao dịch chéo giữa các tài khoản bị dừng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, các bị can tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường. Gần 1.500 nhà đầu tư đã mua 30 triệu cổ phiếu KSA (hơn 180 tỷ đồng), song bán ra được hơn 172 tỷ, bị thiệt hại 8 tỷ.

Ngày 9/4, Công an Hà Nội ủy thác điều tra cho 107 đơn vị là công an 54 tỉnh thành, xác minh được 1.420 trong tổng số gần 1.500 bị hại. Hiện có 124 người và ba công ty chứng khoán đề nghị bồi thường gần bốn tỷ đồng. Số còn lại không đề nghị.

Việt Dũng

___________

Thứ ba, 7/5/2019, 16:07 (GMT+7)

Lập ‘ma trận’ cổ phiếu giả lừa hơn 1.000 nhà đầu tư

Chủ tịch công ty MTM chỉ đạo lập 59 tài khoản chứng khoản không có thật, tự đặt lệnh mua bán, thổi giá để nhà đầu tư mắc lừa.

Ngày 2-7/5, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm lần thứ hai xét xử 15 người về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng giá chứng khoán, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, Giả mạo trong công tác.

Hôm nay, Tòa tuyên phạt Trần Hữu Tiệp (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung – MTM) án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh Vũ Thị Hoa, Nguyễn Lê Trường mỗi người bị tuyên 12 năm.

Nguyễn Văn Dĩnh lĩnh 4 năm tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Đỗ Hữu Tài 30 tháng tù treo, Bùi Thiện Lý 24 tháng treo cùng về tội Thao túng giá chứng khoán. 9 bị cáo còn nhận từ 20 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo về các tội Làm giả tài liệu cơ quan tổ chức và Giả mạo trong công tác.

Theo phán quyết của tòa, các bị cáo phải bồi thường gần 40 tỷ đồng theo tỷ lệ số tiền đã chiếm hưởng.

Tòa cũng kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước có cơ chế chặt chẽ hơn trong việc thẩm định hồ sơ đầu vào của các nhà đầu tư, đào tạo giao dịch viên có kỹ năng hơn trong công tác. Với công ty không niêm yết trên sàn thì vẫn bắt buộc phải đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Bị cáo Trần Hữu Tiệp (áo vàng) khi nghe tòa tuyên án.
Bị cáo Trần Hữu Tiệp (áo vàng) khi nghe tòa tuyên án.

Tại tòa, ông Dĩnh và luật sư cho rằng không làm giả tài liệu song Hội đồng xét xử nhận thấy, MTM không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến tháng 1/2013, giấy phép khai thác khoáng sản 5 năm theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An đã hết thời hiệu. Dù vậy, Dĩnh vẫn chỉ đạo em gái làm giả hồ sơ để niêm yết MTM trên sàn chứng khoán.

Bị cáo và đồng phạm đã làm giả danh sách 103 cổ đông (nhờ người thân, quen “đóng thế”) sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết… giữa MTM với 4 công ty do nhóm Dĩnh sở hữu nhằm thể hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận.

Em gái ông Dĩnh đã thuê một số người tới phòng giao dịch ngân hàng để làm 150 chứng từ giả thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa với tổng số tiền gần 490 tỷ đồng.

Hoàn tất hồ sơ trên, Dĩnh chỉ đạo cấp dưới đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận MTM là công ty đại chúng. Sau khi được chấp thuận, công ty gửi hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM trên sàn chứng khoán Hà Nội – HNX. Tuy nhiên, ngày 29/5/2015, Dĩnh bị bắt ở một vụ án khác nên MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết.

Một số bị cáo khi nghe tòa tuyên án.
Một số bị cáo khi nghe tòa tuyên án.

Tòa sơ thẩm cũng nhận định, tháng 6/2015, Tiệp và Phùng Thành Công (đang bỏ trốn) đã tiếp cận bà Hoa (vợ ông Dĩnh) để thỏa thuận tiếp nhận hồ sơ pháp lý công ty trên. Bà này biết công ty không hoạt động nhưng vẫn đồng ý bàn giao, thỏa thuận nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong tổng số 31 triệu cổ phiếu (tương đương 155 tỷ đồng).

Tháng 8/2015, Tiệp và Công làm giả hồ sơ đại hội cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt MTM (trong đó Tiệp giữ chức chủ tịch HĐQT, Công – trưởng ban kiểm soát…).

Công và Tiệp làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên “thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết – Upcom”. Sau khi được HNX chấp thuận, MTM đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Upcom ngày 15/4/2016, với giá 10.500 đồng/cổ phiếu.

Để thu hút nhà đầu tư, Công đã chỉ đạo Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý sử dụng 59 tài khoản mở tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty CP chứng khoán Maritime (MSI) và Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Tài và Lý dùng số tài khoản trên tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Hai người này liên tiếp đặt lệnh giao dịch trực tuyến, qua điện thoại, viết phiếu lệnh mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm.

Sau mỗi lần khớp lệnh, Công chỉ đạo rút ngay tiền bán cổ phiếu. Có tiền, Công tiếp tục nhờ họ bán vào các tài khoản khác trong nhóm mình để quay vòng mua chứng khoán, nhằm tạo cung cầu giả tạo.

Qua việc thao túng của Tài và Lý, 1.064 nhà đầu tư đã bị chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng, tuy nhiên hiện chỉ có hơn 800 bị hại trình báo, thiệt hại hơn 40 tỷ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s