Ghi chép của Trung Hải
Cư Mgar-huyện đa sắc tộc đã được chọn đăng cai làm điểm chính của chương trình Chữ Nhật Đỏ 2017 tại Đắk Lắk vừa là nơi “đất lành chim đậu”, vừa là nơi hội tụ của không ít bạn trẻ giàu nghị lực sống phi thường. Để biết vì sao báo Tiền Phong tiếp tục chọn trao nhiều suất học bổng đặc biệt cho các trò nghèo hiếu học huyện Cư Mgar, tôi tìm hiểu tận nơi, và đã rơi nước mắt …

Cây cọ tí hon
Bị vẹo cột sống bẩm sinh, nữ sinh Nguyễn Thị Hoài (SN 1998) hiện học lớp 12A1, trường THPT Cư M’gar chỉ cao 1,1m, nặng 20 kg, thường xuyên đau yếu nhưng luôn chăm học. Hoài vẽ rất đẹp, đã đạt được nhiều giải A trong các cuộc thi vẽ tranh cổ động cấp tỉnh.

Nhà Hoài ở thôn 2, xã Cư Đliê M’nông. Bố mẹ Hoài chỉ có 5 sào đất canh tác, nên phải làm thêm nhiều việc để nuôi con. Anh cả đã sớm nghỉ học làm thuê, lấy vợ, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Chị gái Hoài vừa học Cao đẳng sư phạm vừa kiếm việc làm thêm. Hoài là con út, thỉnh thoảng lại phải nhập viện chữa bệnh nhưng do nhà xa trường nên vẫn phải ra thị trấn ở trọ.
Hoài đã luôn nỗ lực vượt bậc, học nổi trội về các môn tự nhiên, năm nào cũng đạt học lực khá. Khi dự thi vẽ tranh cổ động “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em”, tác phẩm là một bức tranh vẽ con rồng uốn lượn hình chữ S, chân rồng bám chắc vào hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thể hiện sinh động ý chí chủ quyền thiêng liêng của hai quần đảo không thể tách rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hoài tâm sự: Ước mơ trở thành họa sĩ thiết kế luôn cháy bỏng trong em !
Cô Phạm Thị Tâm chủ nhiệm lớp 12A1 kể : Nhiều hôm thấy Hoài đau yếu, thầy cô giáo khuyên em nghỉ nhưng Hoài vẫn cố gắng bám lớp. Tài vẽ tranh và tấm gương vượt khó hiếu học của Hoài luôn là tấm gương sáng của học sinh toàn trường.
Vượt qua số phận nghiệt ngã
Cách Buôn Ma Thuột hơn 40 km, Buôn Cháy xã Ea M’roh thời chiến tranh là căn cứ cách mạng, nay là vùng 3 đặc biệt khó khăn nhất huyện Cư M’gar.
Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở Buôn Cháy, có 2 học sinh hoàn cảnh rất đặc biệt. Nữ sinh H’Trâm Rya (SN 2008) học lớp 3C mất mẹ gần hai năm trước do căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ chết, bố H’Trâm Rya cũng bỏ nhà đi biệt tích. H’Trâm 8 tuổi và em gái H’Bên 3 tuổi đều mắc bệnh lây truyền từ mẹ, nay phải sống với bà ngoại đã ngoài 80 già yếu, lú lẫn.
Giữa năm 2016 bà ngoại ngã cầu thang bị gãy tay. Từ đó, H’Trâm phải thay bà làm mọi việc như tắm giặt cho em, dỗ em ăn ngủ, nấu nướng… Chứng kiến cô bé lớp 3 gầy guộc làm lụng cực nhọc, ai cũng thương xót. Trò chuyện với chúng tôi, H’Trâm rơm rớm nước mắt kể: Cháu rất ham học. Nhưng nhiều hôm hai chị em cháu hết thuốc uống, cùng lên cơn sốt, chỉ biết ôm nhau khóc, bà ngoại phải nhờ hàng xóm đưa hai chị em ra trạm xá điều trị. Nếu mẹ sống lại, cháu không phải lo lắng cơm nước mỗi ngày thì sẽ học giỏi hơn.

Cách nhà H’Trâm vài căn là nhà của cậu học trò Y Đô Ri Rya (SN 2007) học lớp 4A. Cùng mắc căn bệnh thế kỷ như gia đình H’Trâm, bố mẹ Y Đô Ri đã lần lượt qua đời cách đây 4 năm, để lại 6 đứa con côi cút trong một căn nhà sàn tồi tàn. Y Đô Ri là con út, bị lây bệnh từ cha mẹ, 4 anh chị lớn là con khác cha không bị nhiễm bệnh đều nghỉ học sớm, quanh năm suốt tháng đi làm thuê để nuôi 2 em đi học. Nhà không còn đất sản xuất, vì trước đây bố mẹ Y Đô Ri đã bán hết rẫy lấy tiền chữa bệnh. Hằng tháng anh chị Y Đô Ri thay nhau chở em ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk lấy thuốc uống định kỳ. Có tháng cả nhà không gom nổi 200 ngàn đồng để mua các loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế nên Y Đô Ri lại phải chịu đựng những cơn sốt cao hành hạ. Hiểu rõ hoàn cảnh ngặt nghèo của Y Đô Ri, cô giáo chủ nhiệm đã giải thích cho cả lớp biết cách phòng bệnh, đồng thời yêu thương chia sẻ, giúp đỡ, không xa lánh, tạo điều kiện cho Y Đô Ri được tiếp tục đến trường.

Năm 2016, biết Y Đô Ri thiếu tiền mua thuốc định kỳ, nhà báo Hoàng Thiên Nga trưởng Đại diện báo Tiền Phong đã chuyển toàn bộ khoản tiền một giải thưởng báo chí của chị thành suất học bổng đặc biệt, về Buôn Cháy trao tận tay Y Đô Ri. Món quà bất ngờ đã khiến Y Đô Ry nở được nụ cười hiếm hoi trên gương mặt xanh xao u buồn, và em hứa sẽ càng cố gắng học chăm hơn trước. Lần này chúng tôi đến nhà, gặp chị gái H’Căm Ly học lớp 6 đang đút cho cậu em Y Đô Ri ốm yếu từng muỗng mì tôm. Y Đô Ri thỏ thẻ nói : “Đang mùa thu hoạch cà phê, các anh chị đi hái cà phê thuê ở xa lắm. Có khi vài ngày mới về. Hai chị em cháu chỉ có mì tôm ăn thôi.”
Cô giáo Tô Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cho biết: H’Trâm và Y Đô Ri dù bệnh tật, mồ côi, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng luôn ngoan ngoãn hiếu thảo, vâng lời thầy cô, chăm chỉ học tập, năm nào cũng đạt học lực xuất sắc. Nhà trường đã miễn các khoản đóng góp, và ưu tiên mọi suất quà, học bổng hàng năm cho 2 em.
Tự lập từ nhỏ
Nữ sinh Trần Thị Ngọc Thoa (SN 2004) học lớp 7A1 trường THCS Nguyễn Tất Thành bố mất từ khi em còn nhỏ, một mình mẹ lam lũ hàng rong kiếm tiền nuôi 5 con ăn học. Thương mẹ, Thoa làm hết việc nhà, cuối tuần lại phụ mẹ bán bún. Sau những giờ học trên lớp, Thoa vừa nấu cơm, lau nhà vừa tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, mà năm nào cũng đạt học sinh giỏi toàn diện. Bà Lệ mẹ của Thoa tự hào khi nói về con: “Tôi không có điều kiện kèm cặp, chăm sóc cháu học tập. Nhưng hiểu được nỗi vất vả của mẹ, Thoa luôn tự giác học và làm, đỡ đần cho mẹ được nhiều lắm ! ”

Dẫu sao Thoa còn may hơn em Trần Thị Duyên (SN 2004) học lớp 7A1 trường THCS Lương Thế Vinh phải sống một mình đã nhiều năm nay. Do bố mẹ ly hôn, mẹ Duyên phải vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, hàng tháng gửi tiền về cho con nộp tiền học và tự lo cho bản thân. Lẻ loi trong căn nhà hiu quạnh ở cuối tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú, Duyên nhiều lúc buồn tủi, nhưng vẫn say mê học tập, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, với mơ ước sau này giúp mẹ không phải vất vả đi làm xa kiếm tiền như bây giờ nữa.

Danh sách học sinh được nhận học bổng Đọt Chuối Non của báo Tiền Phong nối dài những gương sáng học sinh gia cảnh vô cùng khó khăn, nhưng không ngừng phấn đấu vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã, mong sau này đáp đền công ơn cha mẹ, trở thành người có ích cho xã hội, như Lê Thị Linh lớp 6A trường THCS Trần Hưng Đạo mồ côi cha, mẹ mắc bệnh tâm thần; Nguyễn Thị Minh Anh lớp 9A1 trường THCS Hoàng Hoa Thám bố và hai em mắc bệnh hiểm nghèo; Trần Thị Mùi bố bỏ đi, hai mẹ con không có nhà, nhiều năm liền phải ở nhờ chòi rẫy dột nát, mẹ bị tai nạn không có tiền chữa trị nên chân bị tật nguyền. Mùi học lớp 7C trường THCS Cao Bá Quát, vừa học vừa chăm sóc mẹ và nhận việc làm thuê…

|
T.H.
Cám ơn Thiên Nga luôn lo cho các em.
A. Hoành
ThíchThích