Trẻ con lai ở miền Tây: Con không cha như nhà không nóc
22/01/2018 12:12 GMT+7
TTO – Hôn nhân tan vỡ trên xứ người, nhiều cô dâu Việt mang theo hàng ngàn đứa con lai từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… trở về. Phía trước những đứa trẻ ấy là hành trình gian nan về cuộc sống và pháp lý.

Bé Lee Chaewon và những ký ức Hàn Quốc còn lại – Ảnh: VIỄN SỰ
Hồi mẹ nó ẵm về nước, bà nội nó nói mua cho cái vé khứ hồi, tới hồi ra sân bay về lại Hàn Quốc thì mới hay cái vé đi có một chiều
Chị TỪ THỊ XUYÊN (dì ruột bé Hong Deajun)
Chúng tôi trở lại cù lao Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nơi hơn mười năm trước được gọi là “đảo Đài Loan” khi cả cù lao có hơn 1.000 cô gái đi lấy chồng ngoại, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, các cô gái Tân Lộc rời cù lao lấy chồng ngoại giảm dần, nhưng người Tân Lộc lại đón dòng hồi hương của các đứa trẻ con lai trở về quê mẹ.
“Con không cha như nhà không nóc” – câu chuyện hồi hương của những đứa trẻ con lai không có cha bên cạnh còn buồn hơn cả câu chuyện ly hương của những người mẹ năm nào.
Đoạn trường ở quê mẹ
“Con chào chú!” – cô bé Lee Chaewon khoanh tay chào rành rọt khi chúng tôi vừa đến nhà.
Từ cái tên đến khuôn mặt không khó nhận ra đó là một cô bé Hàn Quốc, nhưng Chaewon không biết nói tiếng Hàn và không có ký ức gì về quê nội khi đã trở về Việt Nam lúc 10 tháng tuổi.
Bà Nguyễn Thị Thúy, bà ngoại bé Lee Chaewon, rầu rĩ: “Năm nay con nhỏ 7 tuổi, vẫn đến trường học lớp 1 như mấy đứa trong xóm nhưng chỉ là học gửi, không có học bạ vì không có quốc tịch lẫn giấy khai sinh Việt Nam”.
Rắc rối ấy của Lee Chaewon bắt nguồn từ cuộc hôn nhân dang dở của mẹ là chị Phạm Thị Bích Liên.
Năm 2010 chị Liên lấy một người chồng ở Seoul (Hàn Quốc), khi Lee Chaewon được gần 1 tuổi và chị Liên đang mang bầu bé em Lee Suu Jin thì hôn nhân đổ vỡ.
Chị Liên mang cả hai con về nước khi chưa kịp làm thủ tục ly hôn và cũng không mang theo giấy khai sinh của Lee Chaewon. Ít lâu sau thì nhận được tin người chồng ở Hàn Quốc qua đời vì tai nạn giao thông, và từ đó bặt tin luôn với gia đình chồng.
Cuộc sống nghèo khó của ba mẹ con ở xứ cù lao này không làm chị Liên quan tâm đến thân phận pháp lý của hai đứa con gái mang dòng máu Hàn Quốc. Liên gửi con cho bà ngoại đi Malaysia làm ăn đã ba năm nay chưa về, mỗi tháng gửi về vài triệu đồng nuôi con.
Cho đến khi Lee Chaewon đến tuổi học lớp 1 thì mới biết tấm hộ chiếu Hàn Quốc đã quá hạn không phải là giấy tờ để bé Lee đủ điều kiện đến trường.
Bà ngoại phải cạy cục nhờ lãnh đạo phường Tân Lộc can thiệp để bé Lee được đi học gửi, nhưng bé không có học bạ và không được hưởng các chế độ như bao đứa trẻ khác.
Câu chuyện của Lee Chaewon là điển hình cho số phận của hàng ngàn trẻ con lai theo mẹ trở về ở miền Tây.
Tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cậu bé Hong Deajun năm nay đã 13 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 4. Năm 9 tuổi cậu vẫn chưa đi học vì không có quốc tịch Việt Nam.
Rất may cuối năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang ra văn bản “xé rào” yêu cầu các huyện phải cho tất cả trẻ con lai được đến trường và nhờ đó Hong Deajun được đến lớp.
Nhưng cũng như bé Lee Chaewon, Hong Deajun vẫn nằm trong danh sách học gửi vì không có giấy khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam. Và muốn đổi sang quốc tịch của mẹ, các em phải chờ đến năm 18 tuổi.

Ký ức về quê nội với cậu bé Hong Dejong chỉ là cái tên. 12 năm qua, cậu bé sống cùng ngoại và chưa một lần gặp lại người cha Hàn Quốc – Ảnh: VIỄN SỰ
“Bế tắc”
Đó là từ mà ông Phạm Văn Sách, cán bộ hộ tịch P.Tân Lộc (Q.Thốt Nốt), nói khi nhắc đến chuyện giấy tờ cho trẻ con lai.
Gần 20 năm làm trưởng ấp rồi cán bộ hộ tịch, ông Sách đã đứng ra tìm cách giải quyết cho rất nhiều trường hợp trẻ con lai, nhưng “càng làm thì càng đi vào ngõ cụt”.
Ông Sách thừa nhận khoảng năm 2006 khi lác đác một vài trẻ con lai theo mẹ trở về, ở cù lao Tân Lộc đã có tình trạng bà ngoại, cậu mợ đứng ra nhận làm cha mẹ trong giấy khai sinh của các bé.
Sau đó, nhiều bé khác có cha là người nước ngoài được sinh ra tại quê mẹ cũng được phường chủ động làm khai sinh…
Tuy nhiên, sự “linh động” này sau đó bị siết lại, quận yêu cầu thu hồi tất cả giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền. Riêng P.Tân Lộc những năm qua đã thu hồi trên 20 giấy khai sinh và ông Sách cho biết sẽ còn tiếp tục thu hồi.
Bà Phạm Thị Hương – trưởng Phòng tư pháp Q.Thốt Nốt – nói những đứa trẻ con lai trở về đều rời quê cha trong hoàn cảnh hôn nhân của cha mẹ tan vỡ.
Những cô dâu Việt khi ẵm con về nước trong cảnh trốn chạy, chưa kịp làm thủ tục ly hôn với chồng, không mang đủ giấy tờ cho con nên không thể làm khai sinh Việt Nam.
“Đây là vướng mắc lớn nhất, bởi việc quay lại quê chồng để giải quyết thủ tục ly hôn, tìm lại các giấy tờ của mình và đứa con với người chồng ngoại là điều bất khả kháng với những cô dâu Việt đã về nước” – bà Hương nói.
Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết năm 2016, chủ tịch UBND TP Cần Thơ từng có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp để các trẻ em con của công dân Việt Nam với người nước ngoài được “tham gia học tập và hưởng các quyền lợi như trẻ em Việt Nam”.
Tuy nhiên, mong muốn đó cho đến nay với các trẻ con lai ở Cần Thơ và các tỉnh khác vẫn là điều ngoài tầm với.
Hiện nay, ngay cả những đứa trẻ có mẹ là người Việt Nam, cha là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng cũng không có khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam chỉ vì mẹ chúng từng kết hôn với người nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Liếng (34 tuổi, ở cù lao Tân Lộc) có hai con với hai người đàn ông Đài Loan nhưng không đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của hai đứa con chị đều bị thu hồi – Ảnh: VIỄN SỰ
Cần Thơ có 700 con lai
Toàn Q.Thốt Nốt hiện có 154 trẻ em con lai, nhưng theo bà Hương, con số này rất biến động vì nhiều trẻ về không khai báo và đến đi liên tục. Trong đó chỉ từ năm 2014 đến nay quận đã thu hồi 33 giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền, đồng thời ngưng cấp mới khai sinh cho nhiều trẻ con lai không đủ điều kiện.
Còn rộng hơn trong toàn TP Cần Thơ, theo thống kê tạm thời của Sở Tư pháp, có hơn 700 trẻ con lai đang sinh sống, trong đó hơn 400 trẻ không có quốc tịch Việt Nam.
Kỳ tới: Không khai sinh được cho con vì… lấy chồng nước ngoài
VIỄN SỰ – SƠN LÂM
***
Trẻ con lai ở miền Tây: Không khai sinh được cho con vì lỡ… lấy chồng ngoại
23/01/2018 12:02 GMT+7

TTO – Mẹ Việt Nam, cha Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng không có khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam. Điều lạ lùng này đang xảy ra với nhiều đứa trẻ có mẹ từng lấy chồng nước ngoài nhưng chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng cũ.

Bến đò vào cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), nơi có hàng ngàn cô gái lấy chồng ngoại – Ảnh: VIỄN SỰ
“Pháp luật quy định chặt chẽ là cần thiết nhưng cũng cần có sự mềm dẻo và thay đổi kịp thời khi thực tế xảy ra
Bà PHẠM THANH TUYỀN – giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang – nói về việc cần thiết cấp giấy khai sinh cho trẻ con lai ở miền Tây
2 tuổi chưa được làm khai sinh
Chị Lê Thị Huyền (sinh năm 1994, ở cù lao Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) sinh con trai đầu lòng đã 17 tháng, hai vợ chồng dự định đặt tên cho con là Huỳnh Trần An. Nhưng khi con đã bập bẹ nói, sắp đến tuổi đi gửi trẻ, cái tên đó vẫn chỉ là dự định vì bé không được làm giấy khai sinh.
Xã, huyện, tỉnh đều từ chối và khẳng định không đủ cơ sở pháp lý, cho dù cha ruột và mẹ ruột bé đều là người có hộ khẩu ở Tân Lộc, bé cũng được sinh ra trên cù lao này.
Rắc rối quanh thân phận của một đứa trẻ 17 tháng tuổi ấy xuất phát từ người mẹ.
Gần 5 năm trước, qua mai mối, chị Huyền lấy một người chồng ở Hồ Bắc (Trung Quốc). Đó là một nơi mà Huyền chỉ nhớ khi rời sân bay còn phải đi xe lửa ba ngày ba đêm mới tới.
Không chịu nổi cuộc sống xa xôi, khác biệt ở xứ người, sáu tháng sau khi được chồng dẫn về Việt Nam gia hạn visa, chị Huyền kiên quyết ở lại, chấm dứt cuộc hôn nhân.
Nhưng sự dứt bỏ ấy chỉ đưa được Huyền về lại với gia đình, còn việc chị đã kết hôn người chồng Trung Quốc thì pháp luật cả hai nước vẫn đang công nhận do chưa làm thủ tục ly hôn.
Hệ lụy chỉ thật sự ập đến khi Huyền được một người đàn ông ở cù lao lấy làm vợ.
“Em cũng biết là mình chưa làm giấy ly hôn nên không kết hôn được, thương nhau thì về ở, nhưng đâu ngờ đẻ con ra cũng không làm giấy khai sinh được” – chị Huyền nói.
Ông Phạm Văn Sách, cán bộ hộ tịch P.Tân Lộc, cho rằng với tình trạng hôn nhân của Huyền, nếu muốn có khai sinh thì con chị phải khai cha… là người chồng cũ của chị ở Trung Quốc.
Chuyện tréo ngoe này đang vẽ ra một tương lai mù mờ cho bé An: không khai sinh, không hộ khẩu và dĩ nhiên không được hưởng bất cứ chính sách nào dành cho một đứa trẻ bình thường.
“Có mấy cô ở trạm y tế thương tình cho đi chích ngừa chứ bé không có khai sinh nên không có trong danh sách” – chị Huyền nói.
Câu chuyện của bé An không là cá biệt. Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Bích Vân cũng đang âu lo cho đứa con trai Nguyễn Tuấn Vĩ vừa sinh được gần 6 tháng, chưa được làm giấy khai sinh.
10 năm trước chị Vân lấy người chồng Hàn Quốc, hôn nhân tan vỡ ngay khi chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Chị trở về nước sinh con và cắt đứt liên lạc với người chồng Hàn Quốc khi chưa làm thủ tục ly hôn.
“Em đi làm công nhân trên thành phố, gửi cháu lại cho ngoại chăm, còn khai sinh thì tới đâu hay tới đó chứ giờ cũng không biết làm sao” – Vân buông xuôi.

Chị Lê Thị Huyền và con trai Huỳnh Trần An chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài – Ảnh: SƠN LÂM
Ngoài tầm với
Chỉ riêng ở cù lao Tân Lộc, từ năm 2016 đến nay đã có 30 đứa trẻ có cha mẹ là người địa phương, sinh ra tại địa phương nhưng bị từ chối cấp khai sinh khi mẹ từng lấy chồng nước ngoài nhưng chưa ly hôn.
Ông Phạm Văn Sách dự báo con số này sẽ ngày càng dài thêm vì rất nhiều phụ nữ ở Tân Lộc đã trở về sau những cuộc hôn nhân không thành với những người chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Theo ông Sách, muốn những đứa trẻ này có giấy khai sinh, người mẹ phải tìm cách làm thủ tục ly hôn với người chồng cũ bằng cách nhờ tòa án làm thủ tục ủy thác tư pháp. Nhưng đây là điều gần như bất khả thi khi chị Huyền và chị Vân lấy chồng chỉ qua mai mối, không còn nhớ được địa chỉ nhà chồng và khi về nước cũng không kịp mang theo các giấy tờ cần thiết.
“Hoàn cảnh các phụ nữ này đa số đều khó khăn, nhiều người sau khi về lại quê, lấy thêm chồng, sinh con xong lại gửi con đi làm ăn xa. Điều này càng làm cho tương lai đứa trẻ thêm mù mờ vì chỉ có người mẹ mới có thể đứng ra giải quyết những rắc rối pháp lý liên quan đến người chồng cũ ở nước ngoài” – ông Sách nói.
Bà Phạm Thị Hương – trưởng Phòng tư pháp quận Thốt Nốt – cho biết không có mấy phụ nữ ở Thốt Nốt từng lấy chồng ngoại tự giải quyết được những rắc rối pháp lý của mình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thiếu giấy tờ.
Cách thức cuối cùng, theo bà Hương, là cha của đứa trẻ phải ra tòa án làm thủ tục cha nhận con nhưng phải xét nghiệm ADN, tốn không ít tiền.
“Cha mẹ các bé đều nghèo và cũng không nhiều người ý thức được hết những rắc rối với cuộc đời các bé khi chưa có giấy khai sinh nên chưa ai làm thủ tục này” – bà Hương nói.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân và con trai Nguyễn Tuấn Vĩ chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài – Ảnh: SƠN LÂM
“Tiền lệ nhân văn”
Cũng theo bà Phạm Thị Hương – trưởng Phòng tư pháp Thốt Nốt (Cần Thơ), không thể không công nhận thực tế là có rất nhiều trẻ em có mẹ từng lấy chồng ngoại nhưng chưa ly hôn đã được sinh ra trên nhiều tỉnh, thành. Bởi đa số phụ nữ này khi hồi hương còn khá trẻ, phải kết hôn với người đàn ông Việt Nam khác để làm lại cuộc đời.
Bà Hương cho biết trước đây Bộ Tư pháp cũng từng cho các tỉnh biên giới phía Nam cấp giấy khai sinh cho trẻ em gốc Việt từ Campuchia trở về, dù cha mẹ các em không cung cấp được các giấy tờ để làm giấy khai sinh theo luật.
Bà Hương nói “đây là tiền lệ nhân văn cần nghiên cứu áp dụng để người mẹ làm lại cuộc đời và những đứa con họ sinh ra sẽ được bình đẳng như các trẻ em khác”.
*********
Kỳ tới: Cắt đứt máu mủ
VIỄN SỰ – SƠN LÂM
***
Trẻ con lai ở miền Tây: Cắt đứt máu mủ
24/01/2018 21:54 GMT+7
TTO – Trên quê mẹ, khi vướng mắc pháp lý còn chưa được tháo gỡ thì sợi dây máu mủ với người cha nước ngoài cũng bị cắt đứt. Những đứa con lai lớn lên trên quê mẹ bằng một hành trang thiếu bóng người cha.
- Trẻ con lai ở miền Tây: Không khai sinh được cho con vì lỡ… lấy chồng ngoại
- Trẻ con lai ở miền Tây: Con không cha như nhà không nóc

Hơn 10 năm qua bé Kang Hein sống cùng mẹ và gia đình ngoại, chỉ mới được gặp cha một lần – Ảnh: VIỄN SỰ
Phụ nữ lấy chồng Hàn và trẻ em Việt – Hàn khi cần hỗ trợ có thể liên lạc với Kocun tại địa chỉ: Đường số 5, khu dân cư Phú An (lô 20), khu vực Thạnh Thuận, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ. Điện thoại: 0292 625 3154
Bà KIM YOON SIM (giám đốc Kocun Cần Thơ)
Trong căn nhà vách lá lợp tôn thấp lè tè ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cậu bé Chang Po Jui lễ phép chào chúng tôi khi vừa đi học về.
Đưa tay tháo chiếc khăn quàng đỏ, mắt em đượm buồn khi bà ngoại Nguyễn Thị Bé kể cho chúng tôi nghe hành trình côi cút của cậu từ khi trở về từ Đài Loan.
Cha dứt liên lạc, mẹ làm ăn xa
Bà Bé cho biết sau sáu năm trở về Việt Nam cùng mẹ, Chang Po Jui gần như không còn nhớ gì về dòng họ bên nội vì chưa một lần liên lạc, con gái bà cũng chưa một lần nhắc đến.
Dấu tích quê nội chỉ còn ở cái tên của cậu và cuốn hộ chiếu đã nhàu nhĩ.
“Ba mẹ nó ăn ở với nhau không được, mẹ nó bồng về, giờ hỏi cha tên gì cũng phải lật giấy ra chớ nó không nhớ” – bà Bé ngậm ngùi.
Sáu năm trở về quê mẹ, Chang Po Jui đã nói rành tiếng miền Tây, vẫn đều đặn đến Trường tiểu học Vị Thắng 2 nơi cậu đang học lớp 4 với học lực khá. Nhưng ngày tháng trên quê mẹ cũng mang cả những nỗi buồn.
Mẹ Chang Po Jui là chị Cao Thúy Vi vì kế mưu sinh chỉ ở nhà với cậu được ít lâu rồi lên Sài Gòn làm ăn từ nhiều năm nay, mỗi năm về một hai lần. Sợi dây máu mủ với cả cha lẫn mẹ ngày một nhạt nhòa.
May mắn hơn một chút, cô bé Kang Hein ở cùng xã Vị Thắng được gặp người cha Hàn Quốc một lần sau 10 năm theo mẹ về Việt Nam. Nhưng lần gặp ấy cũng rất ngắn ngủi ở Sài Gòn.
“Ba nó thỉnh thoảng cũng có liên lạc, nhưng từ hồi về nước giờ con bé không được nhà nội hỗ trợ gì, hai mẹ con nó với vợ chồng tui nương tựa vô nhau nuôi cháu lớn lên” – ông Tô Văn Hải, ông ngoại bé Kang Hein, tâm sự.

Bé Chang Po Jui (quốc tịch Đài Loan) ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã về Việt Nam sáu năm nhưng chưa một lần được cha liên lạc. Chang Po Jui sống cùng bà ngoại khi mẹ đi làm ăn xa – Ảnh: VIỄN SỰ
Cũng là con cháu Việt Nam
Gần như tất cả những đứa trẻ con lai chúng tôi gặp ở miền Tây đều không còn giữ liên lạc với người cha ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Nhưng sự lạnh lẽo trùm lên cuộc sống các em không dừng ở đó.
Bà Kim Yoon Sim – giám đốc Kocun Cần Thơ – nói khi đi khảo sát các trẻ con lai Hàn Quốc trở về thì thấy rất nhiều bé không còn mẹ sống bên cạnh mà gửi cho bà ngoại, dì, cậu… để đi làm ăn xa.
Có những phụ nữ qua tận Malaysia, Singapore làm ăn, thậm chí lấy chồng nước ngoài khác và nhiều năm rồi không về gặp lại con.
“Như trường hợp của bé Hong Dejong, bốn năm trước chúng tôi cùng Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc xuống tận nhà để giúp bé làm lại hộ chiếu. Tuy nhiên, mẹ của Hong Dejong đi làm ăn xa, không về để gia hạn hộ chiếu” – bà Kim Yoon Sim kể.
Bà Phạm Thanh Tuyền, giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang, cho biết những vướng mắc về pháp lý của trẻ con lai đã được tỉnh Hậu Giang báo cáo lên Bộ Tư pháp từ rất lâu, nhiều cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế, hội thảo về vấn đề này của trung ương đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn bế tắc.
Để giúp các em, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản tháo gỡ, giúp các trẻ con lai được hưởng các quyền lợi về y tế, giáo dục như các trẻ em khác. Nhưng theo bà Tuyền, chính sách này chỉ là biện pháp xử lý tình huống và chưa đồng nhất giữa các tỉnh với nhau.
“Cũng là con cháu Việt Nam nhưng các bé con lai quá thiệt thòi” – bà Tuyền ngậm ngùi nói.
Chia sẻ điều này, bà Ha Yeon Lee, quản lý Trung tâm Tư vấn pháp luật gia đình Việt Nam của Kocun Cần Thơ, đánh giá chính vì chính sách không nhất quán với trẻ con lai giữa các địa phương tại Việt Nam nên hoạt động hỗ trợ trẻ lai của Kocun gặp không ít khó khăn.
Nhiều nơi thậm chí không nắm được số lượng trẻ con lai và vấn đề cần hỗ trợ của các bé.
“Chúng tôi nghĩ các tỉnh ở Việt Nam có nhiều trẻ con lai nên cùng nhau thống nhất các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ pháp lý để tất cả các bé có cơ hội hòa nhập, phát triển như nhau trên quê mẹ” – bà Ha Yeon Lee nói.
“Chúng tôi bị sốc trước số phận trẻ con lai”
Nhiều tháng nay, cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật, hai chị em Lee Cheawon và Lee Sooi Jin lại được bà ngoại chở bằng xe máy gần 60km từ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) lên Trung tâm Kocun Cần Thơ (Trung tâm nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Hàn Quốc) để học tiếng Hàn.
“Hai chị em ham học lắm, đi về luôn là hơn trăm cây số, giữa đường phải dừng lại cho tụi nó ngủ nửa tiếng rồi đi tiếp nhưng không bỏ bữa nào” – bà ngoại hai bé nói.
Lee Cheawon rời Hàn Quốc khi 10 tháng tuổi, còn Lee Sooi Jin sinh ra ở Việt Nam, ký ức nhà nội với các bé chỉ là tấm ảnh chụp cả nhà nội nằm kẹp trong cuốn hộ chiếu của mẹ khi về nước.
Giờ đã 6 tuổi, Lee Cheawon nói mình phải học tiếng Hàn giỏi để mai mốt lớn lên đi tìm ba, cho dù gia đình nội đã cắt liên lạc với ba mẹ con nhiều năm nay.
Hai chị em Lee Cheawon và Lee Sooi Jin là hai trong số khá nhiều trẻ con lai Việt – Hàn đang được Kocun hỗ trợ. Bà Kim Yoon Sim nói: “Chúng tôi bị sốc trước những số phận của trẻ con lai Việt – Hàn”.
Hiện Kocun Cần Thơ có hai chương trình: 1. Giáo dục định hướng dành cho các phụ nữ trước khi sang Hàn Quốc (do Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc tài trợ) và dự án “Việt – Hàn chung tay chăm sóc” (do Tập đoàn Hyundai tài trợ).
Bà Kim Yoon Sim khẳng định Kocun Cần Thơ đủ khả năng tiếp nhận không giới hạn các phụ nữ và trẻ em trong các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn đang sống tại Việt Nam để tháo gỡ pháp lý, tìm việc làm, dạy tiếng Hàn…
__________________________________
Kỳ tới: Tấm học bạ chưa rõ tương lai
VIỄN SỰ – SƠN LÂM
***
Cần một chính sách cho trẻ con lai miền Tây
25/01/2018 15:54 GMT+7
TTO – Cuộc trao đổi của ông Park Noh Wan, tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, với báo Tuổi Trẻ xoay quanh việc tìm kiếm một chính sách để giúp đỡ hiệu quả cho trẻ em con lai tại miền Tây.
- Trẻ con lai ở miền Tây: Con không cha như nhà không nóc
- Trẻ con lai ở miền Tây: Không khai sinh được cho con vì lỡ… lấy chồng ngoại
- Trẻ con lai ở miền Tây: Cắt đứt máu mủ

Lễ bế giảng lớp học tiếng Hàn cho trẻ em Việt Hàn do Kocun tổ chức tại Cần Thơ – Ảnh: Kocun
* Phía Hàn Quốc đã nắm thông tin và đánh giá ra sao về tình hình của trẻ con lai Việt – Hàn hiện nay, thưa ngài?
– Thực tế, nhiều chị em Việt Nam qua Hàn Quốc khó thích ứng được với môi trường sống, văn hóa dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Hiện nay có khoảng 70.000 chị em Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, trong đó có đến 50.000 người từ đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi năm Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM xử lý khoảng 3.000 hồ sơ cho chị em lấy chồng Hàn. Và điều lo lắng là có 15-20% phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đã ly hôn.
Chúng tôi rất lo lắng khi có nhiều trẻ con lại Việt – Hàn theo mẹ về lại Việt Nam, theo thông tin không chính thức thì có 500 – 800 bé.
Các trẻ này vẫn mang hộ tịch Hàn Quốc nên khó tiếp cận các sự hỗ trợ giáo dục, y tế với tư cách là công dân Việt Nam.

Ngài Park Noh Wan – tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN
* Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM sẽ có những việc làm cụ thể nào để hỗ trợ trẻ con lai Việt – Hàn đang sinh sống tại Việt Nam, thưa ngài?
– Nhiều trẻ con lai Việt – Hàn đang sống ở vùng sâu, vùng xa tại đồng bằng sông Cửu Long nên trước hết cần khảo sát hoàn cảnh, điều kiện sống của các em. Sau đó chúng tôi sẽ nghiên cứu phương hướng hỗ trợ phù hợp.
Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang dần chuyển hướng làm ăn đến các vùng khó khăn ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp này tuyển dụng các chị em lấy chồng Hàn trở về để họ có việc làm, giải quyết khó khăn về kinh tế.
Thứ ba là Tổ chức Kocun (Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc Hàn Quốc) sẽ tiếp tục có các chương trình để hỗ trợ trẻ con lai Việt – Hàn. Kết quả sẽ được báo cáo về phía Hàn Quốc để tiếp tục có những chính sách hỗ trợ.
Do vậy trước hết chúng ta phải có khảo sát để Chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu hỗ trợ như thế nào cho phù hợp.
Còn về khó khăn pháp lý như báo Tuổi Trẻ đã nêu, đây là việc phức tạp. Thực tế là nếu các cô dâu Việt Nam giải quyết vấn đề hôn nhân triệt để trước khi trở về thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng đa số cô dâu Việt tự bỏ hoặc không có biện pháp pháp lý nào trước khi bỏ về.
Vì rắc rối này, không chỉ các cô dâu Việt Nam mà nhiều ông chồng Hàn Quốc cũng không thể tái hôn. Có những ông chồng Hàn Quốc đã đến lãnh sự quán để tìm vợ, tìm con nhưng người vợ Việt Nam không cho gặp hoặc không tìm được.
Trước mắt cần nhờ các đoàn thể xã hội như Tổ chức Kocun để hỗ trợ cho họ.
Tại Lãnh sự quán Hàn Quốc ở TP.HCM chúng tôi có tùy viên, lãnh sự phụ trách chính về các khó khăn của con lai Việt – Hàn cũng như phụ nữ lấy chồng Hàn. Hiện chúng tôi đang nỗ lực để có một nhân viên ngoại giao phụ trách chính về vấn đề này.

Bé Gwon In Jo, học sinh lớp 4A2 Trường tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, phải “học gửi” vì mang quốc tịch Hàn Quốc. Học bạ của bé chỉ có giá trị “nội bộ” trong ngành giáo dục Hậu Giang – Ảnh: VIỄN SỰ
* Được biết là Chính phủ Hàn Quốc chỉ hỗ trợ các bé con lai sống tại Hàn Quốc mà không có chính sách hỗ trợ các em về nước theo mẹ, dù các em vẫn còn quốc tịch Hàn Quốc. Chính sách này liệu có thay đổi?
– Với tư cách cá nhân, trong suốt hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam tôi rất quan tâm vấn đề giải quyết các khó khăn cho đối tượng trẻ em này. Tuy nhiên thực tế là Chính phủ Hàn Quốc chưa có nhiều thông tin về trẻ con lai Việt – Hàn tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của tôi là làm cách nào để Chính phủ Hàn Quốc có thông tin về đối tượng các công dân đang sinh sống ở nước ngoài càng nhiều để nghiên cứu, tìm chính sách hỗ trợ.
Chính sách là chính sách, nhưng tôi hiểu chúng ta cần phải nhìn một cách tổng quát là thực tế đang có trẻ con lai Việt – Hàn ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Và trước hết phải thay đổi được nhận thức vấn đề này.
* Với những vấn đề mà trẻ con lai gặp phải, Lãnh sự quán Hàn Quốc sẽ hỗ trợ ra sao thưa ngài?
– Lãnh sự quán đã có chương trình Kết nối yêu thương để giúp đỡ những phụ nữ lấy chồng Hàn và trẻ con lai Việt – Hàn trong hai năm 2016 và 2017 và sẽ tiếp tục tổ chức. Chúng tôi hi vọng thông qua chương trình này, các doanh nghiệp sẽ tăng nhận thức về con lai Việt – Hàn và họ có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Sau khi có kết quả khảo sát chính thức của Kocun, chúng tôi sẽ gửi thông tin để các doanh nghiệp nắm rõ.
Chúng tôi cũng hi vọng là các chương trình này sẽ tạo ra sự sức ảnh hưởng với các nước có cô dâu Việt Nam như Đài Loan, Trung Quốc… để cùng nhau giúp đỡ các trẻ con lai có một tương lai tươi đẹp hơn.
* Xin cảm ơn ngài tổng lãnh sự!
“Học bạ nội bộ”
Bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết ở TP Cần Thơ dù chưa có văn bản nào từ cấp thành phố nhưng các trường cũng tạo điều kiện cho các học sinh lai còn thiếu giấy tờ, thủ tục được đến trường.
Bà nói: “Nguyên tắc là vẫn cho các em học bình thường trong độ tuổi, còn hồ sơ, thủ tục thì mình bổ sung sau. Hiện tại phía sở đang phối hợp với các ngành khác tổng rà soát lại tất cả trường hợp trẻ em lai cụ thể trên địa bàn. Trách nhiệm của nhà trường là không bỏ rơi các em và hướng dẫn cho phụ huynh biết rõ đầy đủ các thủ tục, hồ sơ học hành”.
Tuy nhiên, theo bà Thắm, những gì mà ngành giáo dục Cần Thơ thực hiện để hỗ trợ các trẻ em lai này vẫn chỉ ở mức tạm thời. Học bạ của các em được tạo lập riêng và những học bạ này có thể luân chuyển từ mầm non đến cấp III nhưng chỉ trong môi trường giáo dục do địa phương quản lý.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết học bạ của các em học sinh lai thực tế chỉ có giá trị luân chuyển ở địa phương, trong nội bộ tỉnh mà thôi.
Chính vì vậy, các em học tới đâu hay tới đó vì Bộ GD-ĐT chưa công nhận kết quả học tập của các em.
Vì vậy không thể biết khi lên đại học, học bạ của các em có được thừa nhận hay không.
VIỄN SỰ – SƠN LÂM thực hiện
Nếu một gia đình người Mỹ giàu có muốn con cái họ trở thành công dân VN thì các em Mỹ đó sẽ có quốc tịch VN dễ dàng không? Câu trả lời sẽ là Có. Hơn thế nữa, báo chí sẽ tung hô gia đình này và con cái họ lên tận mây xanh, và họ còn có thể được hưởng nhiều quyền lợi khác nữa.
Tuy nhiên, nếu đó là một gia đình nghèo, chẳng dễ gì có quốc tịch VN.
Đó là câu chuyện chung người nghèo, từ Việt kiều Campuchia đến con lai Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…
Nếu muốn dân ta thoát nghèo, xin hãy tháo gỡ những hàng rào ngăn cản người nghèo thoát nghèo. Người nghèo tự thoát nghèo được, chỉ cần mở rộng cửa cho họ.
ThíchĐã thích bởi 1 người
“Trẻ con lai ở miền Tây: Không khai sinh được cho con vì lỡ… lấy chồng ngoại”.
Ai làm, người ấy chịu. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho việc làm của người khác. Huống chi đây là một đứa trẻ mới được sinh ra, tại sao nó phải gánh lấy “tội lỗi” của ba mẹ nó?
Hơn thế nữa, tại sao nó phải gánh “tội lỗi” của ba mẹ nó đến cả đời? (Không có giấy khai sinh thì không có gì hết – không được tiêm chủng miễn phí, không được đi học, không được kết hôn…)
Mọi đứa trẻ đều có quyền được khai sinh, đó là quyền cơ bản của con người.
ThíchThích
[Trích] “Hiện nay có khoảng 70.000 chị em Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, trong đó có đến 50.000 người từ đồng bằng sông Cửu Long. …Và điều lo lắng là có 15-20% phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đã ly hôn.”[/Trích]
Nếu lấy con số 50.000 chị em từ đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng Hàn Quốc, và con số 15-20% phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đã ly hôn, thì con số phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đã ly hôn khoảng 7.500-10.000 người.
Nếu giả sử các phụ nữ này đều bồng từ 1-2 đứa con về nhà mẹ, thì số trẻ em lai ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khoảng 7.500- 20.000 em.
Nếu giả sử 50% các trẻ em lai này không có quốc tịch VN thì số trẻ không có quốc tích VN ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 3.250 – 10.000 trẻ. So sánh với con số trong bài viết thì con số này cao gấp 8,1 đến 25 lần.
[Trích]”…Trong toàn TP Cần Thơ, theo thống kê tạm thời của Sở Tư pháp, có hơn 700 trẻ con lai đang sinh sống, trong đó hơn 400 trẻ không có quốc tịch Việt Nam.” [/Trích]
Đây không phải là chuyện con số. Đây là chuyện con người. Quá nhiều số phận đau khổ ở đây. Quá nhiều trẻ em không được đi học và phát triển bình thường. Hãy cầu nguyện cho VN.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cần có luật sư hoặc tổ chức giúp đỡ những phụ nữ nghèo lấy chồng ngoại và trẻ em lai. Dù 2 vợ chồng ly dị hay chưa, người chồng vẫn có nghĩa vụ chu cấp cho đứa trẻ để đứa trẻ có thể sống khỏe mạnh và học tốt.
Luật sư hoặc tổ chức sẽ làm việc với mọi bên liên quan để giúp phụ nữ nghèo và trẻ em lai có những quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng.
Xã hội có nhiều người yếu thế. Chúng ta phải mạnh mẽ và khôn ngoan để có thể làm nơi nương tựa cho nhiều người.
ThíchThích