TIN TỨC 07/11/2018 14:46
Vẽ dự án hưởng ưu đãi rồi rút?
Trước hiện tượng nhiều chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, để lại số nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng không xử lý được, Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, đó là phản ứng bình thường một khi các DN FDI nhận thấy không còn lợi thế kinh doanh hoặc số tiền thu về đã lớn hơn cả khoản vốn bỏ ra thì họ rút.

Cổng chính vào nhà máy Công ty Quatron đóng kín, chủ doanh nghiệp đã biến mất.
Đi vào phân tích từng trường hợp cụ thể, ông Sơn chỉ rõ nhiều vấn đề bất cập, trong đó không loại trừ khả năng DN vẽ dự án xin cơ chế, chớp cơ hội kiếm lợi rồi bỏ trốn.
Ví dụ với trường hợp nhà máy của Công ty TNHH Metacor VN (đóng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thông tin đăng ký kinh doanh cho biết, công ty có vốn điều lệ là 40 tỷ đồng, nhưng tính tới thời điểm đóng cửa nhà máy là giữa năm 2018, DN này đang nợ gần 150 tỉ đồng.
Hay Công ty cổ phần thép Quatron (Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1- Conac, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) – do những người Jordan, Hi Lạp, Canada thành lập, cũng đã thua lỗ lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Ông Sơn cho rằng, các chủ doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam nhưng làm ăn không thuận lợi hoặc doanh thu thấp, không kiếm được lợi nữa thì đóng cửa, bỏ trốn.
Với hai trường hợp cụ thể nêu trên, việc đóng cửa có thể đã được tính toán trước, nhất là khi nhận thấy các khoản nợ nần còn lớn hơn nhiều lần so với khối tài sản bỏ lại thì họ bỏ trốn.
Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, đa số các dự án đầu tư FDI vào Việt Nam thường có vốn rất thấp nhưng lại được hưởng rất nhiều cơ chế ưu đãi từ thuế, đất đai, mặt bằng, nhà xưởng, trong quá trình hoạt động lại xảy ra hiện tượng trốn thuế, chuyển giá… vì thế, việc các doanh nghiệp FDI lỗ là rất khó.
“Với những trường hợp này chỉ có một khả năng, các dự án FDI được vẽ ra nhằm lợi dụng các kẽ hở của cơ chế chính sách pháp luật để trục lợi, khi đã kiếm được một khoản lợi nhất định thì tìm cách rút để lại khoản nợ khổng lồ cho nước sở tại”, ông Sơn lý giải.
Để lập luận thêm chắc chắn, ông Sơn lấy ví dụ trong lĩnh vực đầu tư BĐS.
Vị chuyên gia cho biết, Việt Nam luôn được cảnh báo với những hiện tượng bong bóng BĐS, đây là cơ hội cũng là kẽ hở giúp các nhà đầu tư dễ dàng lợi dụng.
Vị chuyên gia kinh tế nói thẳng công tác quản lý đất đai tại Việt Nam rất kém, các DN đầu tư vào BĐS nhưng hầu hết đều “tay không bắt giặc”, vốn thực hiện dự án, chủ yếu đi vay ngân hàng (ít nhất 80%), hoặc huy động từ nhà đầu tư, còn lại một phần nhỏ là của DN.
Về mặt bản chất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng tương tự như vậy. Chúng ta huy động vốn đầu tư nước ngoài để phát triển trong nước nhưng thực chất là nhà đầu tư đã lợi dụng tài nguyên của chúng ta để phát triển, kiếm lợi.
Ông Sơn cho rằng, do nắm được điểm yếu trên, nhiều nhà đầu tư cố vẽ ra các dự án, sau khi xin được dự án, gom được vốn đầu tư từ ngân hàng, từ doanh nghiệp trong nước nếu làm ăn thuận lợi thì huy động vốn, đầu tư tiếp, trường hợp không thuận lợi thì ôm tiền bỏ trốn còn nợ nần trong nước tự giải quyết.
“Tôi cho rằng, các điều khoản quy định về vốn đầu tư bắt buộc đối với các doanh nghiệp FDI chưa được thể hiện rõ ràng, các quy định pháp luật cũng chưa đủ chặt chẽ để trói buộc trách nhiệm của các nhà đầu tư với dự án đang thực hiện.
Tôi lấy ví dụ như ở các nước, nếu doanh nghiệp FDI muốn đầu tư dự án phải giải trình lĩnh vực cần đầu tư, tiếp theo là chứng minh nguồn vốn khởi có tương ứng với lĩnh vực đầu tư không…? Ví dụ trong lĩnh vực đầu tư BĐS, các nhà đầu tư bị buộc phải thực hiện các công trình xã hội như trường học, bệnh viện, đường xá… sau đó mới được xây nhà để bán. Nếu làm như vậy sẽ ràng buộc được chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm chăm lo cho dự án mới bán được nhà và thu hồi vốn. Còn ở Việt Nam thì làm ngược lại. Chủ đầu tư chỉ cần xây xong, bán nhà thu tiền là hết trách nhiệm với dự án.
Vì thế doanh nghiệp FDI đã lợi dụng điểm yếu này và làm theo kiểu thuận thì ăn, không thuận thì bỏ. Cuối cùng, thua thiệt vẫn là phía chúng ta”, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp FDI bỏ trốn đã từng diễn ra từ nhiều năm trước và bây giờ đang lặp lại một cách phổ biến hơn. Rất đáng lo ngại.
Theo thống kê, chỉ riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến giữa năm 2018 có hơn 100 doanh nghiệp FDI nợ các khoản thuế với số tiền lên tới hơn 110 tỉ đồng.
Trong đó có gần 20 doanh nghiệp FDI không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với số tiền nợ thuế hơn 30 tỉ đồng, 3 DN đã ngừng hoạt động với số tiền nợ thuế gần 60 tỉ đồng.
Ông Sơn cho biết, nếu tính chung trên cả nước thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Vẫn khẳng định, do những kẽ hở pháp lý, vị chuyên gia còn cho rằng có nguyên nhân từ tiêu cực, có hiện tượng phê duyệt dự án xuê xoa để “kiếm lợi”.
Lạ lùng, kỳ quặc
Ngoài những trục trặc trong quy định pháp lý cùng với yếu tố con người khi thực hiện chính sách thu hút đầu tư có lỗ hổng, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn còn cho rằng, ngay cả cơ chế giải quyết khủng hoảng cũng rất kỳ quặc, lạ lùng.
Dẫn cụ thể trường hợp chủ Công ty TNHH MTV TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc nằm trong Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) rời khỏi Việt Nam không rõ lý do nhưng để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỉ đồng, nợ lương khoảng 3,7 tỉ đồng. Tình trạng trên khiến hàng trăm công nhân tại nhà máy không có việc làm, bị nợ lương, tiền BHXH và nhiều khoản hỗ trợ khác… Đà Nẵng đã giải quyết bằng cách ứng tạm gần 500 triệu đồng để hỗ trợ đóng BHXH cho hơn 90 chị em thai sản, đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 400 công nhân.
Nói thẳng đây là cách xử lý kỳ quặc, ông Sơn cho biết, việc lợi dụng các kẽ hở pháp lý khiến chúng ta luôn bị vướng vào sự bùng nhùng, tùy tiện gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
“Chưa ở đâu lại lấy ngân sách xử lý khủng hoảng cho doanh nghiệp FDI. Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển đất nước nhưng cuối cùng lại phải chạy theo để trả nợ thay cho các DN này. Đây cũng lại là kẽ hở nữa của Luật quản lý ngân sách, việc này không chấp nhận được”, ông Sơn thẳng thắn.
Đề cập tới trách nhiệm quản lý, giám sát của các Ban quản lý dự án, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng cần phải xem xét lại vai trò quản lý của các đơn vị này.
Cuối cùng, ông Sơn cho rằng, nếu vẫn duy trì tình trạng quản lý lỏng lẻo, bất cập như hiện nay thì tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn không chỉ là chuyện diễn ra trong quá khứ, trong hiện tại mà sẽ vẫn tiếp diễn ở thì tương lai.
Đất Việt