Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng (CRII) 2020

vietnam.oxfam.org – Thursday, October 8, 2020

Chỉ số toàn cầu mới cho thấy thất bại “thảm hại” trong việc giải quyết bất bình đẳng khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới khốn đốn trong đại dịch COVID-19

Na Uy đứng đầu bảng xếp hạng. Hoa Kỳ xếp thứ 26 và cuối cùng là Nam Sudan. Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật về Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Năm 2020, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia. 

Mức chi tiêu ít ỏi cho dịch vụ y tế công, mạng lưới an sinh xã hội yếu kém và quyền lợi nghèo nàn của người lao động đồng nghĩa với việc phần lớn các quốc gia trên thế giới không được trang bị đầy đủ để đối phó với COVID-19, theo báo cáo mới từ Oxfam và tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế (DFI).

Báo cáo Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRII) cho thấy chỉ có 26 trong số 158 quốc gia có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế đạt mức khuyến nghị 15% trước đại dịch; và ở 103 quốc gia, cứ ba người lao động thì có ít nhất một người không được hưởng đầy đủ các quyền và biện pháp bảo vệ lao động cơ bản như trợ cấp ốm đau, khi đại dịch xảy ra.

Báo cáo CRII xếp hạng 158 chính phủ về các chính sách cho dịch vụ công, thuế và lao động – ba lĩnh vực then chốt để giảm bất bình đẳng và vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19. Báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới.

Ông Chema Vera, Quyền Giám đốc điều hành Oxfam Quốc tế, cho biết:

“Thất bại thảm hại của các chính phủ trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng đồng nghĩa với việc phần lớn các quốc gia đã không được chuẩn bị tốt để chống chọi với đại dịch. Không một quốc gia nào nỗ lực để giảm bất bình đẳng, và kết quả là  người dân đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng này. Hàng triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói và đã có biết bao người chết vô nghĩa.”

Chỉ số này cũng nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào hành động triệt để nhằm giải quyết bất bình đẳng trước đại dịch, và khi COVID-19 được cảnh báo tại một số quốc gia, thì nhiều quốc  gia khác vẫn không có hành động thích đáng. Điều này góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng và làm gia tăng mức độ tổn thương của những người sống trong nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ :

  • Hoa Kỳ đứng cuối danh sách các nước giàu trong khối G7 và xếp sau 17 quốc gia thu nhập thấp như Sierra Leone và Liberia về luật lao động do các chính sách chống công đoàn và mức lương tối thiểu của Mỹ rất thấp. Chính quyền Trump chỉ đưa ra một gói cứu trợ tạm thời cho những đối tượng lao động dễ bị tổn thương, là gói kích thích tháng Tư, sau khi đã cắt giảm thuế vĩnh viễn, làm lợi rất lớn cho các tập đoàn và người giàu ở Mỹ vào năm 2017. Các phát hiện của chỉ số này làm tăng thêm mối lo ngại lớn hơn của Oxfam về đại dịch tấn công  khi mà hệ thống chăm sóc sức khỏe không bao phủ được hàng triệu người nghèo, đặc biệt là cộng đồng người da đen và La-tin –  chỉ 1/10 hộ gia đình người da đen có bảo hiểm y tế so với 7/10 hộ gia đình da trắng.
  • Nigeria, Bahrain và Ấn Độ, ba quốc gia hiện đang có tốc độ lây lan COVID-19 nhanh nhất, nằm trong số những quốc gia phản ứng kém nhất trong việc giải quyết bất bình đẳng. Ngân sách dành cho y tế của Ấn Độ (tính theo tỷ lệ phần trăm trong tổng ngân sách) thấp thứ tư trên thế giới và trong đó, chỉ một nửa dân số được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất. Dù các chính sách về quyền lao động đã bị chỉ trích là tệ hại, một số chính quyền bang ở Ấn Độ vẫn tận dụng dịch COVID-19 như một cái cớ để tăng giờ làm việc từ 8 lên 12 giờ một ngày và tạm hoãn quy định tiền lương tối thiểu, làm tổn hại tới sinh kế của hàng triệu người lao động nghèo hiện đang chiến đấu với nạn đói.
  • Kenya, quốc gia được xếp hạng cao (thứ chín) về các chính sách thuế lũy tiến, đã ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng việc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và giàu có, và đầu tư không đáng kể cho các biện pháp y tế và bảo trợ xã hội. Gần hai triệu người Kenya đã mất việc làm và hàng chục nghìn người sống trong các khu ổ chuột của Nairobi và khu vực nông thôn hầu như không nhận được sự trợ giúp nào từ chính phủ và đang phải vật lộn để kiếm ăn.
  • Tại Colombia, quốc gia xếp hạng thứ 94 trong số 158 quốc gia về quyền lao động, 22 triệu lao động phi chính thức không được trợ cấp ốm đau và buộc phải làm việc để nuôi gia đình ngay cả nếu bị mắc COVID-19. Trong khi đó, phụ nữ Colombia đang chịu gánh nặng của suy thoái kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp là 26%, trong khi đó ở nam giới chỉ chiếm 16%.
  • Togo và Namibia, hai quốc gia vốn đã có những bước tiến trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng trước khi đại dịch diễn ra, đã trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho những người lao động phi chính thức bị mất việc làm do các biện pháp phong tỏa. Ukraine, một trong những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thấp nhất thế giới, mặc dù có mức GDP tương đối thấp, đã tăng lương cho nhân viên y tế tuyến đầu lên tới 300%.
  • Kể từ khi đại dịch bùng phát, Bangladesh, quốc gia chỉ đứng ở vị trí 113 trong bảng xếp hạng, đã vượt lên bằng cách chi 11 triệu đô la tiền hỗ trợ cho các nhân viên y tế tuyến đầu, hầu hết trong số họ là phụ nữ. Cả Myanmar và Bangladesh đều đã bổ sung hơn 20 triệu người vào các chương trình bảo trợ xã hội của họ.
  • Trong khi một số quốc gia đang có những bước đi tích cực trước đại dịch COVID-19 ― Hàn Quốc đã tăng mức lương tối thiểu, Botswana, Costa Rica và Thái Lan đã tăng chi tiêu cho y tế và New Zealand tung ra ngân sách ‘phúc lợi’ để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em nghèo và bất bình đẳng, thì nhiều quốc gia chỉ đạt được bước tiến nhỏ trong cuộc chiến chống bất bình đẳng và  một số quốc gia thậm chí còn đang đi thụt lùi. Thậm chí nhiều quốc gia nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng, như Đức, Đan Mạch, Na Uy và Anh, vẫn chưa giữ đúng cam kết của mình nhằm thực thi các chính sách giảm bất bình đẳng như đánh thuế lũy tiến trong nhiều thập kỷ.

Phụ nữ, thường có thu nhập ít hơn, tiền dành dụm ít hơn và công việc của họ thường không ổn định, đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa được đưa ra để đối phó với đại dịch trong khi các công việc chăm sóc không được trả lương và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng đáng kể. Gần một nửa số quốc gia trên thế giới không có luật pháp đầy đủ về tấn công tình dục; và 10 quốc gia, bao gồm cả Singapore và Sierra Leone, không có luật về trả lương bình đẳng hay chống phân biệt giới.

Ông Matthew Martin, Giám đốc tổ chức Phát tiển Tài chính Quốc tế chia sẻ:

“Bất bình đẳng cực đoan không phải là không thể tránh khỏi và không chỉ các quốc gia giàu có mới có thể hành động chống lại điều đó. Các chính sách như dịch vụ y tế miễn phí, mạng lưới an sinh xã hội cho những người không thể làm việc, đảm bảo lương đủ sống và một hệ thống thuế công bằng, đã được chứng minh là những công cụ hữu hiệu chống lại bất bình đẳng. Việc không thực hiện các chính sách này là một sự lựa chọn chính trị mà COVID-19 đã bóc trần, với cái giá thảm khốc phải trả cho con người và nền kinh tế.”

Martin nói thêm: “Các chính phủ cần phải rút ra bài học từ đại dịch này và nắm bắt cơ hội này để xây dựng xã hội công bằng hơn, kiên cường hơn và một ngày mai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta”.

Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng của Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia.  

Việt Nam được đánh giá cao vì những thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 từ việc nhanh chóng triển khai những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng. Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/ tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Những tiến bộ trong thời gian gần đây về các lĩnh vực chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng cũng rất ấn tượng. Xét tương quan trong với thế giới và khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn về chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, hiệu suất thu thuế cao, và thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong lao động.

Tuy nhiên, phân tích cũng chỉ ra sự cần thiết phải củng cố các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Oxfam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc các giải pháp chính sách về dịch vụ công, thuế và lao động; ví dụ như:

  • tăng thuế luỹ tiến như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm ưu đãi thuế doanh nghiệp;
  • tăng chi tiêu cho các dịch vụ công cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội;
  • tăng lương cơ bản lên mức lương đủ sống, tiến tới bao phủ và tiếp cận bảo trợ xã hội toàn dân, đặc biệt là cho lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương;
  • thông qua các luật cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp với các công ước của ILO.
  • tạo môi trường thể chế với các chính sách công công bằng hơn, tăng cường sự tham gia và phản hồi của người dân và xã hội dân sự; đồng thời giám sát và giảm bất bình đẳng song song với quá trình giảm nghèo.

Notes to editors: 

Thông cáo báo chí này đính kèm với Khuyến nghị chính sách về Cam kết Giảm Bất bình đẳng của Việt Nam

Tải xuống bản Báo cáo Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRII)phương pháp và bộ dữ liệu.

Truy cập trang web mới http://www.inequalityindex.org/ của chỉ số này để tham khảo thêm.

CRII năm 2020 thay đổi đáng kể về phương pháp so với năm 2018. Những thay đổi trong phương pháp tính chỉ số này đồng nghĩa với việc so sánh điểm số của một quốc gia trong chỉ số năm 2020 với năm 2018 có thể không đưa ra bức tranh chính xác về mức cam kết của quốc gia đó. Vì lý do này, phân tích các thay đổi cần tập trung vào các thay đổi chính sách cụ thể kể từ chỉ số của năm 2018.

Oxfam và DFI khuyến nghị các chính phủ dành 15% ngân sách cho y tế, theo Tuyên bố Abuja. Vào tháng 4 năm 2001, nguyên thủ các nước Liên minh chấu Phi đã gặp gỡ và cam kết đặt mục tiêu phân bổ ít nhất 15% ngân sách hàng năm cho cải thiện ngành y tế. Tuyên bố Abuja đưa ra một tiêu chuẩn ngân sách cho các quốc gia khác về các mức đầu tư cho y tế.

Thông tin liên lạc

Annie Thériault ở Montreal, Canada | annie.theriault@oxfam.org | +51 936 307 990

Nguyễn Thị Phương Dung, Việt Nam | dung.nguyenthiphuong@oxfam.org | +84-4 39454448 (713)

Để cập nhật các thông tin mới, vui lòng theo dõi từ @Oxfam

Vui lòng hỗ trợ Khiếu nại đối phó với virus Corona của Oxfam.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s