
towardstransparency.vn – Gần đây, hãng tin Al Jazeera đã công bố nội dung của “Tài liệu Síp”. Tài liệu này cho thấy Cộng hòa Síp (Cyprus) – một quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã phê duyệt những cuốn “Hộ chiếu Vàng” cho 1.400 cá nhân giàu có cùng 1.100 thành viên gia đình của họ từ năm 2017 – 2019.

“Thị thực vàng” (Ảnh: Essencial Portugal)
Đơn vị điều tra của Al Jazeera cũng phát hiện ra rằng, có ít nhất 60 cá nhân trong số những người nhận được “thị thực vàng” trong giai đoạn 2017 đến 2019 thuộc diện “rủi ro cao” hay có dính líu đến tham nhũng, tội phạm và rửa tiền. Ở Việt Nam, có 2 cá nhân được công bố thuộc danh sách này.
Đây không phải là sự cố đầu tiên liên quan đến chương trình cấp “thị thực vàng” của các quốc gia thành viên EU. Trước đó, đã có nhiều báo cáo từ các tổ chức điều tra, các tổ phi chính phủ cảnh báo về những rủi ro tham nhũng và tội phạm do chương trình “thị thực vàng” gây ra.
Ngày 24/08/2020, sau khi Tài liệu Síp được công bố, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã đăng tải tuyên bố đề nghị Uỷ ban Châu Âu đưa ra những hành động quyết liệt để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) đã biên dịch và xin chia sẻ lại tuyên bố này.
“Ủy ban Châu Âu cần có hành động quyết liệt đối với những chương trình cấp ‘thị thực vàng’ đầy tai tiếng của các nước thành viên- theo kiến nghị ngày 24/8 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, sau khi một vụ rò rỉ tài liệu mới đây cho thấy những chương trình này dễ bị thao túng bởi tham nhũng và rửa tiền.
Tài liệu Síp (Cyprus Papers), gồm một loạt bài viết của Đơn vị Điều tra thuộc hãng tin Al Jazeera, cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn toàn không có cơ chế đối phó với việc bán quốc tịch và quyền định cư tràn lan của các quốc gia thành viên EU cho tội phạm và những kẻ tham nhũng.
Theo loạt tài liệu mà các phóng viên điều tra thu thập được, trong giai đoạn 2017- 2019 với mỗi khoản đầu tư hơn 2 triệu Euro vào Síp, 1.400 cá nhân giàu có cùng 1.100 thành viên gia đình họ đã có được quốc tịch EU. Được biết, trong số những người nộp đơn chính, có ít nhất 30 cá nhân đang bị điều tra hình sự hoặc có tiền án, tiền sự và 40 quan chức.

(Ảnh: salmagundi – stock.adobe.com)
Các cuộc điều tra cũng chứng tỏ rằng hệ thống hộ chiếu vàng của Síp còn nhiều rủi ro tham nhũng và rửa tiền mặc dù đã qua vài lần cải cách sau một số vụ bê bối và chỉ trích của công chúng. Một số người trong danh sách có khả năng đã mua hộ chiếu EU sau khi chính phủ Síp đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt hơn vào tháng 5 năm 2019. Ví dụ, cựu quan chức của công ty Gazprom, Nikolay Gornovskiy có tên trong danh sách truy nã của Nga vì tội tham nhũng khi ông này được cho là đã mua quốc tịch EU năm 2019.
“Trước đây, chính phủ Síp từng thừa nhận sai lầm, cam kết khắc phục những lỗ hổng và tước quốc tịch của những người không đủ điều kiện. Tuy nhiên, Tài liệu Síp chỉ ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở một số lỗ hổng của hệ thống. Vấn đề là với cách thiết kế hiện nay, hệ thống hộ chiếu của Síp dễ bị lạm dụng và cách khắc phục phù hợp nhất là tạm dừng nó”, bà Laure Brillaud, Cán bộ Chính sách Cấp cao của Văn phòng Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại EU, nói.
Những cuộc điều tra cũng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy các quốc gia thành viên EU có rất ít động lực để cải cách hiệu quả hệ thống cấp thị thực vàng của mình nhằm tránh nguy cơ bị lạm dụng.
Một số cơ quan của Liên minh châu Âu từng lên tiếng ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn các chương trình cấp thị thực cho các nhà đầu tư, vì những rủi ro không thể chấp nhận được đối với toàn bộ Liên minh. Sau hai năm đình trệ, Ủy ban Châu Âu cần lưu ý đến những yêu cầu này và đưa ra một lộ trình chấm dứt các chương trình thị thực vàng đầy rủi ro này.
“Đã hơn hai năm kể từ khi vụ bê bối thị thực vàng đầu tiên xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ Ủy ban thực hiện cam kết của mình và ngăn EU trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ tham nhũng và tội phạm, ”bà Brillaud nói.
Ủy ban Châu Âu cũng nên xem xét tất cả các bằng chứng hiện có về rủi ro xảy ra vi phạm luật pháp của EU và cân nhắc việc ban hành quy trình xử lý vi phạm chính thức đối với các quốc gia thành viên có chương trình thị thực vàng làm tổn hại đến các giá trị và mục tiêu của EU.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế bởi COVID-19, EU lại càng cần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực nhằm khắc phục các lỗ hổng tạo điều kiện cho tham nhũng và rửa tiền xuyên quốc gia. Tháng 3 vừa qua, chính phủ Síp được cho là đã áp dụng quy trình duyệt nhanh đơn xin quốc tịch để giảm thời gian xử lý sáu tháng tiêu chuẩn. Và, điều này càng làm hạn chế hiệu quả của các quy trình xác minh cần thiết.”
_____________________
Dưới đây là các sự kiện chính:
● Tháng 3, 2018: Các cuộc điều tra của Dự án Báo cáo Tội phạm có tổ chức và Tham nhũng (OCCRP) cho thấy việc bán quốc tịch và quyền định cư của Liên minh Châu Âu cho giới siêu giàu diễn ra tràn lan, không qua quy trình kiểm tra hợp lý.
● Tháng 10, 2018: Báo cáo “European Getaway – Inside the Murky World of Golden Visas” của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và tổ chức Nhân chứng Quốc tế (Global Witness) đã nêu chi tiết về những rủi ro tham nhũng trong các chương trình thị thực vàng. Các cơ quan giám sát nhận thấy rằng nếu thiếu các tiêu chuẩn đồng nhất ở cấp độ toàn EU, các chương trình này sẽ mở ra cánh cửa để tội phạm vànhững kẻ tham nhũng bước vào EU.
● Tháng 1, 2019: Một báo cáo của Ủy ban châu Âu thừa nhận rằng các chương trình thị thực vàng có những rủi ro “cố hữu” đối với tính liêm chính và an ninh của toàn khu vực EU. Ủy ban thông báo kế hoạch triệu tập ‘một nhóm chuyên gia’ từ các quốc gia thành viên nhằm đề xuất các biện pháp kiểm tra an ninh và các quy trình kiểm tra tối thiểu đối với các chương trình cấp thị thực cho các nhà đầu tư vào cuối năm 2019.
● Tháng 3, 2019: Nghị viện châu Âu kêu gọi loại bỏ tất cả các chương trình dành cho các nhà đầu tư và điểm danh Síp và Malta vì sự yếu kém trong việc đảm bảo quy trình kiểm tra cần thiết.
● Tháng 11, 2019: Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu (EESC) yêu cầu chấm dứt tất cả các chương trình định cư và cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư ở EU.
● Tháng 12, 2019: Nhóm chuyên gia do Ủy ban triệu tập họp lần thứ tư nhưng việc ban hành các biện pháp an ninh và kiểm tra tối thiểu cho các chương trình cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư vẫn bị đình trệ.
● Tháng 4, 2020: Ủy viên Tư pháp Liên minh Châu Âu – Didier Reynders chia sẻ với ủy ban LIBE của Nghị viện Châu Âu rằng cơ quan này đã tham gia đối thoại với chính phủ các nước Bulgaria, Síp và Malta để khuyến nghị loại bỏ các chương trình cấp quốc tịch và ngăn chăn không để “rủi ro của những chương trình này đi xa hơn. “