Chứng kiến cảnh nước lụt mênh mông, cuốn trôi cả người lẫn của trong chuyến đi cứu trợ các tỉnh miền Trung mới đây, kỹ sư Nguyễn Đặng Phong trở về lập tức lao vào nghiên cứu, chế tạo vật dụng có thể giúp dân nghèo sống an toàn hơn trong lũ dữ.
Là chuyên gia cơ khí nổi tiếng hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk, có đội ngũ cộng sự giỏi nghề đầy nhiệt huyết, chỉ sau hơn một tháng tính từ ngày đề xuất ý tưởng và tự tay thiết kế, kỹ sư Nguyễn Đặng Phong đã chế tạo thành công, xuất xưởng trình làng mô hình “giường bè cho vùng lũ lụt”.

Sáng ngày 28/11/2020, ông Phong mời một số bạn bè và các phóng viên báo đài đến chứng kiến cảnh lắp ráp, hạ thủy chiếc giường bè độc đáo tại hồ bơi Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.
Khoảng chục công nhân của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đặng Phong thoăn thoắt thao tác. Chỉ sau vài phút, hai chiếc giường nhỏ đã được ghép đôi. Làm bằng vật liệu bền, nhẹ, không thấm nước, dưới sàn là ngăn trống vừa làm kho chứa đồ, vừa có công dụng như cái phao. Mỗi giường phao như một mô đun cầu phao, lắp ghép nhiều chiếc với nhau sẽ tạo thành bè lớn vững chãi. Bè này có thể sử dụng cọc treo mùng để cố định tại chỗ, dùng dây neo. Mời chúng tôi lên bè trải nghiệm, kỹ sư Phong lưu ý tên vật dụng này không phải là thuyền bè như đang bị sơn sai, mà là giường bè.
Đồng bộ với giường bè còn có chiếc lều chuyên dùng, dễ dàng lắp lên giường bè như một chiếc thuyền có mui, vừa chống gió bão, che mưa, vừa tiện dùng hứng mưa để nấu ăn, trữ nước uống. Khi đã có sự chuẩn bị chủ động để sẵn sàng sống chung với lũ, thì việc sống tạm trên bè nổi này trong thời gian ngắn cũng khá ổn. Khi lũ rút, mỗi giường phao tháo ra, lại hệt như chiếc giường bình thường .
Kỹ sư Đặng Phong chia sẻ: Thực tế cho thấy khi ngập lụt, dân vùng lũ thường bị nước cuốn trôi mất lương thực, đồ gia dụng, quần áo, sách vở trẻ em. Tải trọng của mỗi chiếc giường bè được hơn 1 tấn nếu kích thước 1,2m×2m× 0,3m, được 400 kg nếu kích thước 1m× 2m × 0,3m. Hai chiếc giường bè ghép lại có thể tải đủ cho cả người, lương thực và đồ dùng của một gia đình. Tất nhiên làm luôn cỡ giường bè lớn cũng được. Nhưng những căn nhà nhỏ, cửa nhỏ thì chỉ hợp với giường nhỏ. Khi cần, việc ghép nhiều giường lại dễ và nhanh. Thiết kế đơn giản, chi phí thấp, những chiếc giường bè vùng lũ lụt này hoàn toàn có thể trở thành phao cứu sinh của người dân khi mùa bão lũ tràn về.
Nước ta có hơn 2000km bờ biển, chuyện mưa bão xảy ra thường xuyên hàng năm, nên cần có các giải pháp giúp dân sống chung với lũ lụt mà vẫn an toàn và phát triển. Kỹ sư Phong khẳng định bài toán khó này sẽ giải được khi có sự chung tay của chính người dân vùng lụt và đồng bào cả nước. Các doanh nghiệp trong nước có thể chế tạo ra các dụng cụ gia đình chuyên dùng cho người dân vùng lũ lụt như tủ nổi, bàn ghế nổi, thậm trí chuồng nuôi gia cầm nổi có dây neo. Các vật dụng này cần được nhà sản xuất tính toán sao cho bền, tiện, giá thành rẻ, hợp túi tiền bình dân, là món quà thích hợp để các nhà hảo tâm mua tặng dân vùng lũ.
Trong đêm nhạc “Vì đồng bào vùng lũ tỉnh Đắk Lắk” do báo Tiền Phong phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk tổ chức tối 29/11 tại khách sạn Sài Gòn-Ban Mê, video clip giới thiệu sáng kiến chế tạo mô hình giường bè vùng lũ lần đầu tiên được trình chiếu. Kỹ sư Đặng Phong-Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đặng Phong ủng hộ chương trình 5 bộ giường bè tổng trị giá 30 triệu đồng, để Ban tổ chức chương trình tặng những hộ nghèo vùng lũ đang cần giúp đỡ.
Hoàng Thiên Nga







