Từ một lời hẹn đến chương trình Treebank Đắk Lắk 2023

 ĐẮK LẮK HỘI TỪ TÂM

Chương trình TreeBank Đắk Lắk 2023 do Hội Từ Tâm Đắk Lắk tiếp tục triển khai sẽ diễn ra trong mùa mưa năm 2023, với sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu truyền thông và phát triển- RED.

Mối liên kết và tiếp sức này sẽ giúp Hội Từ Tâm Đắk Lắk tiếp tục phát huy thành quả TreeBank năm trước: Chỉ trong tháng 9/2022 Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã trao tặng được 11.300 cây ăn quả và bóng mát, phối hợp chính quyền 9 xã phía Nam tỉnh, thuộc 2 huyện Lắk và huyện Krông Bông, trao tặng cây đúng đối tượng, hỗ trợ vật tư và kỹ thuật chăm sóc, góp phần hỗ trợ sinh kế cho dân nghèo, chung tay phủ xanh Trái Đất.

https://red.org.vn/chuyen-muc/ve-red/gioi-thieu/

Sáng kiến ​​” Treebank- Vườn ở khắp nơi” là một trong nhiều hoạt động của dự án CFLI “Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách phục hồi đất có rừng ở Việt Nam thông qua mô hình Ngân hàng Cây”; Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong công tác xã hội và khuyến khích các sáng kiến ​​dựa vào cộng đồng trong phát triển bền vững” do Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương tài trợ và Tổ chức RED Communication thực hiện.

Còn nhớ, vào chiều thứ Sáu ngày 25/02/2022, buổi gặp gỡ ra mắt chương trình TreeBank đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự đông đảo của các khách mời đến từ các Cơ quan Báo chí, Doanh nghiệp, Marketer, Tổ chức xã hội, Chủ vườn rừng đến từ khắp nơi… Phát triển từ sáng kiến “Vườn ở khắp nơi” của chị Phan Diệu Linh, với sự hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Cộng đồng Canada (CFLI), thuộc Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, TreeBank được tạo ra nhằm góp phần phục hồi đất rừng ở Việt Nam, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại lễ ra mắt, khách mời đã có những giây phút lắng đọng và ý nghĩa khi ngắm nhìn những thành công bước đầu của TreeBank, bao gồm những hoạt động như “Tặng cây giống cho vườn rừng” tại Hòa Bình và thí điểm trồng cây tại Đà Lạt. Người tham dự cũng được lắng nghe những chia sẻ mộc mạc và tâm huyết từ chị Phan Diệu Linh . Trong không khí thân thiện và ấm cúng, RED đã trân trọng  ghi nhận từng ý kiến mà mọi người đã nhiệt tình đóng góp, để giúp dự án ngày càng lớn mạnh.

Trong đó có ý kiến của một khách mời đến từ Đắk Lắk: nhà báo Hoàng Thiên Nga. Chị cho biết “Nhóm bạn Từ Tâm Đắk Lắk” đang làm thủ tục trình UBND tỉnh cấp phép thành lập Hội Từ Tâm Đắk Lắk, một tổ chức thiện nguyện dân sự có tư cách pháp nhân. Ngày nào Hội Từ Tâm Đắk Lắk chính thức ra mắt và tổ chức Đại hội lần thứ I, ngày đó chương trình Treebank Đắk Lắk sẽ được khởi động và trồng những cây xanh đầu tiên, hưởng ứng, lan tỏa sáng kiến rất hữu ích cho môi trường và sự phát triển này, để “nối vòng tay lớn” viêc thực hiện sứ mệnh phủ xanh Việt Nam.

Lời cam kết này đã được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ngày 21/03/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký Quyết định số 690/QĐ-UBND đồng ý thành lập Hội Từ Tâm Đắk Lắk. Ngày 12/05/2022 Hội Từ Tâm Đắk Lắk tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 5 năm lần thứ I. Ngay cuối buổi sáng diễn ra Đại hội, sau phần công bố kết quả bầu cử, với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, hơn 20 thành viên Ban chấp hành và Hội viên nhiệt tình đã lên một chuyến xe Long Vân Limousine ra hoa viên Ngô Thì Nhậm, cùng nhau trồng và trao 4 cây bằng lăng ổi khoảng 10 năm tuổi mua tặng UBND thành phố Buôn Ma Thuột, để đánh dấu ngày Hội Từ Tâm Đắk Lắk “chào đời”, cũng là ngày chính thức phát động đầu tiên cho chương trình Treebank Đắk Lắk hằng năm.

Theo dõi chương trình này, chị Bích Diệp đang cư trú ở Vũng Tàu cũng đăng ký gia nhập đại gia đình Hội Từ Tâm Đắk Lắk. Chị đã tổ chức thành công phiên chợ quê bên bãi biển Vũng Tàu, dùng lợi nhuận mua 1800 cây sao đen cao ngang ngực, trao tặng Hội Từ Tâm Đắk Lắk để Hội giao cho UBND xã Cư Kty huy động lực lượng đào hố, trồng dọc ven đường xuyên qua trung tâm xã, với mong muốn giúp con đường này sớm xanh rợp bóng cây.

Sau đó, từ những cuộc kết nối nhiệt tình của anh Bùi Quang Sáu, 1 trong 16 thành viên Ban chấp hành Hội, liên tục các đợt tặng cây tưng bừng đã diễn ra.  Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên cung ứng cây giống, cử nhân sinh học Bùi Quang Sáu có các mối quan hệ thân thiết không chỉ với nhiều chủ vườn ươm, mà cả với nhiều cán bộ khuyến nông các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Với các vườn ươm quy mô lớn, mỗi năm thường xuất bán cả trăm nghìn cây giống, thì hành động hiến tặng vài nghìn cây cho nơi mong được nhận, là việc thiện trong tầm tay. Còn với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó hoặc những người thu nhập thấp có mong muốn được tự tay trồng cây phủ xanh, thì hàng chục triệu đồng mua cây giống là điều nan giải, “không đào đâu ra”. Vì vậy, việc kết nối cho-nhận giữa các chủ vườn ươm và người trồng cây cũng là duyên lành, hữu ích. 

Có chuyến trao tặng cây về 3 xã nghèo huyện Lắk gặp sự cố, khiến tất cả các anh chị em tham gia và lực lượng cứu hộ hết sức vất vả để cẩu xe, chuyển cây. Hầu hết mọi người tham gia chương trình đều với tinh thần tự nguyện, từ tâm, cho đi không mưu cầu nhận lại.

Anh Nguyễn Đức Bảy-Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Đức Bảy-Ea Kmat, một trong những nhà vườn tặng nhiều cây nhất trong đợt này, chia sẻ: Chúng tôi mong được góp phần nhỏ bé giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. Hy vọng các xã sẽ dùng nguồn cây này xây dựng được nhiều mô hình điểm đạt hiệu quả kinh tế cao, để bà con nhìn vào đó biết cách làm theo cho tốt.

Cũng nghĩ như anh Bảy, anh Trương Công Trình chủ Vườn ươm Đăng Khoa khẳng định: Tất cả cây giống được tặng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, bảo đảm giống tốt, cây khỏe. Thật sự xuất phát từ tình thương dân nghèo nên chúng tôi hết mình ủng hộ Chương trình tặng cây có ý nghĩa sâu sắc của Hội Từ Tâm Đắk Lắk. Mong cây đến đúng người, đúng chỗ.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, xã Dang Kang là đơn vị nhận cây đợt sau cùng trong tháng 9/2022, gồm 2800 cây sầu riêng. Anh Phan Thanh Cẩm- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dang Kang cho biết xã đã cân nhắc kỹ khi làm công văn xin cây, lập kế hoạch phân bổ và tổ chức trồng cây, với quy trình theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật lâu dài.

“Nếu trồng quá phân tán hoặc giao cho những hộ nghèo mà ít đất, không có khả năng chăm sóc cây đúng kỹ thuật, họ lại đem cho hoặc bán đi thì cũng sai mục đích của Chương trình, không đạt hiệu quả kinh tế. Đội ngũ khuyến nông và chính quyền xã Dang Kang chúng tôi sẽ cố gắng chọn các phương án tốt nhất, trong việc tiếp nhận, tổ chức trao tặng nguồn cây giống trị giá cả trăm triệu đồng này”.

Phó Chủ tịch rất trẻ của UBND xã Dang Kang- anh Huỳnh Hoàng Lâm, ngày đưa nông dân của xã đi nhận cây do Hội Từ Tâm Đắk Lắk trao tặng, cũng trình bày gia đình được xã phân công nhận cây sầu riêng giống ghép đợt này không phải là hộ nghèo, mà là hộ có đủ diện tích đất trống để trồng mới, đủ năng lực chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật do cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn. Chủ vườn đã ý thức được khi nào vườn cây cho thu hoạch, đem lại lợi nhuận, thì gia chủ sẽ có trách nhiệm tích cực đóng góp, chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

Nhiều ý kiến có giá trị thực tế của nhà nông, của những doanh nghiệp làm nghề ươm cây giống, của các chuyên gia nông lâm nghiệp đã được Hội Từ Tâm Đắk Lắk lắng nghe, ghi nhận để cân nhắc tu chỉnh, giúp chương trình Treebank ngày càng hữu ích, thu hút nhiều sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, của những người yêu thích lối sống vì cộng đồng, có ý thức bảo vệ môi trường,bảo vệ cân bằng sinh thái.

Bình luận về bài viết này