Từ cô bé osin ngủ gầm cầu thang đến CEO giúp phụ nữ bị bạo hành

laodong.vn

Nhà sáng lập, CEO Doanh nghiệp Xã hội Hope Box Đặng Thị Hương từng phải rời vùng quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc lên Hà Nội làm giúp việc từ khi 13 tuổi do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thế nhưng, chị không từ bỏ việc học mà miệt mài giành được học bổng Quản trị kinh doanh quốc tế của trường Box Hill Institute, thành phố Melbourne, Úc rồi thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Công nghệ Swinburne.

Từ giúp việc gia đình đến nữ CEO gieo hy vọng cho phụ nữ bị bạo hành
Nhà sáng lập, CEO Hope Box Đặng Thị Hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối năm 2017, Đặng Thị Hương được lựa chọn là một trong 10 người trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt – Úc. Tại diễn đàn này, chị Hương trình bày về ý tưởng xây dựng dự án giúp phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực gia đình có được công việc ổn định và thay đổi cuộc sống.

Tháng 3.2018, HopeBox chính thức được thành lập với 3 thành viên.

Nhân ngày 8.3, Lao Động đã có cuộc trò chuyện với chị Đặng Thị Hương về hành trình khởi nghiệp.

Hope Box tạo việc làm và hỗ trợ các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hope Box tạo việc làm và hỗ trợ các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành.

– Điều gì thôi thúc chị khởi nghiệp với Hope Box?

Đầu tiên là vì tôi đã chứng kiến 1 người quen bị bạo lực gia đình suốt 7 năm, dù nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính nhưng bạn ấy vẫn không thể có động lực rời khỏi người chồng bạo lực. Khi ấy tôi chỉ nghĩ mình cần làm cái gì đó thiết thực hơn việc cho tiền, đó là tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ này có cơ hội được làm việc, chủ động tài chính, xây dựng nội lực, chữa lành và từ đó thoát khỏi bạo lực gia đình.

Lý do thứ 2 là vào năm 2017 khi tôi trở về Việt Nam, tham gia vào chương trình Lãnh Đạo Trẻ Việt Úc (AVYLD) và được mọi người hỗ trợ xây dựng ý tưởng kinh doanh, sau đó được các anh chị và các bạn trong cộng đồng đó truyền cảm hứng và hỗ trợ rất nhiều nên tôi đã “liều”.

– Những ngày đầu khởi nghiệp, có bao giờ chị phải nghe những câu như “Khó lắm, không làm được đâu’’?

Tôi nghe nhiều câu như vậy từ ngày đầu mới nhen nhóm ý tưởng năm 2015 khi tôi còn ở Úc, nhiều người nghĩ tôi viển vông. Tôi nghĩ mình cũng liều từ những ngày đầu vì thực sự là lúc đó đam mê thì lớn nhưng mình cũng chưa thực sự biết con đường này đang có gì chờ phía trước. Nên sau đó thì tôi thấy nó khó khăn hơn cả những gì mọi người từng nói.

Tuy nhiên, tôi là một người kiên định với những mục tiêu của mình, tôi tin vào bản thân và tôi chấp nhận rằng mình sẽ đi từ những bước nhỏ nhất, càng ngày tôi càng nhận thấy “Muốn nhanh thì phải đi từ từ”. Tôi cũng biết rằng mô hình của mình khó có thể mở rộng lớn hơn và nhanh, nhưng tôi nghĩ nếu mỗi ngày thức dậy tôi biết rằng những gì tôi làm có sự ảnh hưởng tích cực tới một vài phụ nữ mà tôi may mắn được đồng hành, thì điều đó cũng xứng đáng để tôi tiếp tục con đường của mình.

– Được biết, Hope Box đã có những đơn hàng với Uniquilo và mới đây nhất là VietnamAirlines. Chị đã thuyết phục những “ông lớn” này như thế nào để họ lựa chọn Hope Box?

Tháng 3 năm ngoái chúng tôi may mắn được hợp tác với UniqLo cho đơn hàng gần 2.000 túi bánh quy trà xanh chuẩn vị Nhật Bản để họ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và gần đây nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập HopeBox, chúng tôi cũng rất tự hào được hợp tác với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines trong việc sản xuất bánh để tặng cho khách hàng nữ trên các chuyến bay, đặc biệt nhân ngày 8.3.

Cả hai đối tác lớn này đều tìm tới chúng tôi và chủ động đề xuất hợp tác. Tôi nghĩ ngay từ đầu họ tới với chúng tôi với tâm thế là bắt tay cùng hợp tác để tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng nên mọi việc diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ.

Chúng tôi luôn tự nhủ rằng, đã làm kinh doanh thì trước tiên luôn phải đặt lợi ích của khách hàng lên đầu tiên, sản phẩm và dịch vụ phải luôn cải thiện và chuyên nghiệp theo từng ngày để khi khách hàng tới với chúng tôi trước tiên là vì nhu cầu của họ, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra và sau đó là tạo tác động tích cực cho cộng đồng.

Bình luận về bài viết này