Nguyễn Cung Thông 1
Phần này bàn về các tên gọi thợ dào, thợ rèn, thợ máy cùng tương quan Hán Việt đ – d như đao -dao, đáo –dáo vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ), thí dụ như dộng trong câu làm khải dộng chúa hay cây da so với cây đa chẳng hạn.
Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).
1. Thợ dào, thợ rèn và thợ máy
Vào thời VBL thì ba cách dùng thợ dào, thợ rèn và thợ máy có cùng một nghĩa faber ferrarius/L hàm ý người (thợ) làm đồ kim loại (td. sắt). Sau này các nghề trên mới tách ra thành những hoạt động riêng biệt như thợ rèn thì làm đồ kim loại (dao, búa …), thợ dào (nung) làm đồ gốm và thợ máy chuyên sửa các dụng cụ hay máy móc như máy xe, máy tàu … Một cách giải thích tại sao ba cách gọi trên đều chỉ một nghề là vào TK 17 thì công nghệ cũng như kỹ thuật chưa thật sự tiến bộ (chuyên ngành) như hiện nay, ngay cả trong các môn khoa học và triết học, luật học vẫn chưa tách ra thành những môn học khác nhau. Sau ba trăm năm, tình hình công nghệ vẫn còn thô sơ như lời bình của cụ Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục (1915, trang 268 sđd):
“Đường công nghệ của ta thì kém lắm. Duy có mấy nghề độ vài chục năm nay người nước ta đã chịu khó dùng công làm kỹ càng và kiểu cách mới, như nghề khảm xà cừ, nghề thêu, nghề chạm gỗ gụ, nghề đúc đồ đồng … Lại có mấy nghề rất lớn lao, rất đại lợi, nước ta nhiều người có chí ước ao muốn mở mang mà chưa học được và chưa có thể làm được như nghề chế đồ sứ, nghề dệt vải cát bá, nghề đúc đồ pha lê, nghề đúc sắt …v.v… Các nghề ấy mới là đại dụng nhưng phải tốn nhiều tiền mới lập nên công xưởng máy móc mà làm, ước sao trong nước có được vài ba công ty to mà làm những nghề ấy”.
Dựa vào các tài liệu chữ quốc ngữ TK 17, hãy thử tìm một cách giải thích cách dùng thợ rèn và thợ dào (VBL trang 159, các tài liệu sau này thường dùng dạng rào thay vì dào).
1 Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com