Điều tra thâm nhập ‘lò’ dán bậy – Kỳ 1: Theo chân ‘thợ’ dán quảng cáo lôi kéo khách hàng
31/10/2022 09:50 GMT+7
TTO – Trong “thế giới dán bậy” hiếm có lĩnh vực nào qua mặt được dịch vụ hút hầm cầu giá rẻ. Các khu nhà trọ, trụ điện, bờ tường, thùng rác, ống nước… đều trở thành “ổ rác” cho các nhóm thay nhau “xả”.

Hàng ngàn tờ quảng cáo in sẵn kèm số điện thoại sẵn sàng dán khắp nơi
Từ đầu tháng 9-2022, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập vào các “lò” dán quảng cáo bậy.
Hai công ty đang hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, gồm: Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) và Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chuyên tổ chức dán quảng cáo trên cột điện, cửa nhà, tường nhà…, thậm chí cả nắp cống trên đường.
Clip Phóng sự điều tra: Dán bậy tràn lan khắp thành phố, thủ phạm và chiêu trò ở lò đào tạo
Thâm nhập “lò” dán quảng cáo bậy
Hai công ty trên đang sở hữu ít nhất khoảng 12 đầu số điện thoại ghi trên các mẩu giấy decal (màu xanh, tím) cùng nội dung “thông cống”, “hút hầm cầu” hoặc “hút hầm cầu giá rẻ”.
Trong đó, Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt (gọi tắt Công ty Tiến Đạt) sử dụng ít nhất 5 đầu số gồm: 0934.255.088, 0977.678.373, 0974.274.660, 0977.636.444, 0934.224.557. Các số điện thoại này gắn cùng nội dung quảng cáo hút hầm cầu được dán tràn lan trên các trụ điện, bờ tường, ống nước ở các khu vực TP Thủ Đức và tỉnh Bình Dương.
Còn Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group (gọi tắt Công ty Sài Gòn Group) đang sở hữu một trang web khá lớn với câu slogan ấn tượng “môi trường hôm nay, cuộc sống ngày mai”.
Các số điện thoại mà công ty này thường dùng in lên mẩu giấy decal quảng cáo dán bậy ở nhiều nơi gồm: 0919.079.966, 0787.881.886, 0922.229.668, 0922.229.698, 0937.992.446, 0922.229.596, 0760.441.803, 0987.911.337.

Người dân vô cùng vất vả để làm sạch trụ điện sau khi bị dán bậy
Cuối tháng 9-2022, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, quê Hà Nội, giám đốc Công ty Sài Gòn Group) nhận vào thử việc ở mảng dán giấy decal quảng cáo. Thời điểm này, ghi nhận tại nhà ông Thành còn tồn khoảng 100.000 tờ giấy khổ 4x6cm và 8x15cm chờ “lính” đi dán. Số giấy này, theo ông, được mối quen ở tận Bình Chánh in và chuyển lên tiêu thụ theo từng đợt.
Việc dán bậy lên các bờ tường, trụ điện, ống nước…, theo ông Thành, sẽ làm tăng khả năng tiếp cận “khách hàng tiềm năng” thay vì quảng cáo trên mạng vốn “ngốn” nhiều tiền nhưng kém hiệu quả.
Ông Thành nói vừa “tung” lực lượng dán xong 140.000 tờ quảng cáo và đang tiếp tục in thêm 200.000 tờ (giá in 330 đồng/tờ) chuẩn bị cho các đợt dán mới. “Tôi nuôi tất cả bốn lính và lo phòng trọ ở miễn phí, tất cả chỉ việc ăn rồi chuyên đi dán quảng cáo”, ông Thành nói.
Tại “lò” của ông Thành, nhân viên được giao chỉ tiêu phải dán từ 1.000 – 1.200 tờ/ngày, lính mới có thể “du di” nhưng cũng phải đạt từ 700 – 800 tờ/ngày. Nếu dán thêm 300 tờ/ngày, ông sẽ thưởng nóng 50.000 đồng. Các khung thời gian “đẹp” đi dán là từ 4h đến 8h và 17h đến 19h30.
Nhằm đối phó công an hoặc dân phòng, ông Thành hướng dẫn nhân viên mỗi khi đi đều không mang giấy tờ tùy thân, sẽ có người chở đi dán. “Người ta nói kệ họ. Còn nếu có bị công an bắt cứ im lặng ngồi lì ra, họ giữ người chán sẽ thả về. Khi thấy số của công ty khác phải xé bỏ hoặc dán đè lên, tuyệt đối không được vứt bỏ giấy”, ông Thành hướng dẫn.
Sáng 29-9, ông Thành đeo vắt ngang lưng chiếc túi thể thao, bên trong chứa hàng ngàn tờ giấy in nhiều số điện thoại của công ty, bắt đầu một ngày dán quảng cáo bậy. Địa điểm ông này lựa chọn là các con hẻm trên đường 40 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức). Loại giấy lớn dùng dán lên cột điện, ông này gọi là “cáp to”, còn giấy dán lên cửa nhà dân là “cáp nhỏ”.
Đang “say mê” dán, bất ngờ ông Thành bị một phụ nữ sấn tới lớn tiếng chửi: “Dán gì nhiều quá, một trụ điện mà dán từ trên xuống dưới, nhìn như cái bãi rác”. Ông Thành dường như bỏ ngoài tai, tiếp tục dán. Không chỉ có trụ điện, cả thùng rác, ống nước… ông Thành cũng không tha, miễn chỗ nào dễ nhìn, ông này đều thẳng tay dán tờ giấy quảng cáo.

Xếp giấy vào túi chuẩn bị đi dán bậy tại lò của Bờm (quận Phú Nhuận)
Nghề làm chai mặt
Để nâng cao “trình độ dán bậy” cho lính mới, ngày hôm sau ông Thành gửi gắm chúng tôi cho một “lò” dán quảng cáo khác ở một căn nhà cuối hẻm số 5 đường Lê Quý Đôn (quận Phú Nhuận). “Lò” này có Bờm (tên thật là Việt, 31 tuổi, quản lý), Tài (22 tuổi, chuyên chở người đi dán) và Đức (20 tuổi), Sỹ (19 tuổi), Ất (16 tuổi), đều quê Hà Tĩnh, là thợ dán quảng cáo đắc lực của “lò”.
Trưa 30-9 khi chúng tôi vào “lò” dán bậy trên, đập vào mắt là hàng chục xấp giấy được bó cọc vuông vắn, in nội dung “Hút hầm cầu – thông cống”. Kèm theo đó là các số điện thoại như: 0963.074.470, 0939.228.116, 0879.233.266, 0799.429.789, 0919.069.668, 0896.415.666, 0868.336.229, 0877.611.688.
Bờm cũng thừa nhận tất cả số điện thoại trên đều do mình quản lý. Bờm phổ biến cho lính mới: “Khu vực nào trên trụ điện có nhiều giấy dán thì được gọi là khu dữ, sức cạnh tranh giữa các đội dán rất cao”.
Với hình thức hoạt động không khác gì “trực tổng đài”, Bờm phải dùng đến vài chiếc điện thoại, mỗi điện thoại thường gắn từ hai đến bốn sim nhằm tiếp nhận thông tin từ khách hàng. Mỗi ngày với số lượng hàng ngàn tờ giấy được dán, chuông điện thoại của Bờm liên tục réo lên, bởi khách liên hệ thông cống, hút hầm cầu dồn dập.
Sau nhiều lần tạm hoãn do mưa lớn, khoảng 20h ngày 29-9, nhóm của Bờm chia làm hai tốp đi dán quảng cáo ở các khu vực quận Gò Vấp và quận Tân Bình. Phóng viên Tuổi Trẻ cũng chia làm nhiều nhóm, âm thầm bám theo Tài và Sỹ – những người được giao nhiệm vụ dán “cáp nhỏ” vào cửa nhà dân dọc con hẻm trên đường Chấn Hưng (quận Tân Bình).
Khoảng 21h, sau khi thả Sỹ ở một con hẻm trên đường Chấn Hưng, Tài một mặt làm nhiệm vụ cảnh giới, mặt khác chạy xe lòng vòng qua nhiều con hẻm “tiền trạm” chỗ dán tiếp theo. Vừa được thả xuống Sỹ đã nhanh chóng bắt tay vào việc.
Thanh niên này đi bộ len lỏi vào các hẻm nhỏ chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, tay bóc giấy thoăn thoắt dán quảng cáo lên cánh cửa nhà dân. Có nhà bị dán hai đến ba tờ cùng lúc trông rất lem nhem.
Khuya cùng ngày, Sỹ bị một người dân phát hiện dán bậy truy đuổi. Thanh niên này cùng một “đồng nghiệp” vội vàng vứt cọc giấy dán tháo chạy và chỉ trong chớp mắt đã mất hút vào các con hẻm sâu chằng chịt. Sau màn rượt đuổi hú hồn, nhóm của Tài – Sỹ không dừng lại mà tiếp tục chuyển địa bàn đến đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) dán cho xong chỉ tiêu được giao.
Chiều 30-9, nhóm dán quảng cáo trên tiếp tục “hành nghề” trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận). Vừa dán, Đức truyền đạt ý kiến của Tài cho nhóm rằng “gặp ai qua khu mình dán là phải đánh trước dằn mặt”.
Đức cũng cho biết từng nhiều lần bị lực lượng chức năng rượt đuổi khi phát hiện dán bậy. Có lần bị công an thu giấy và bắt lột sạch giấy đã dán ra. Nhưng “làm riết chai mặt luôn, người ta chửi cũng im”, Đức nói.

Lính của Bờm dán bậy tại quận Phú Nhuận

Giám đốc Nguyễn Văn Thành đích thân dẫn nhân viên đi dán bậy

Giám đốc Nguyễn Văn Thành đeo chiếc túi chứa hàng trăm tấm dán có số diện thoại hút hầm cầu của công ty mình

Một thanh niên dán tờ cho vay tiêu dùng lên trụ điện trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh

Người dân vất vả cạo các lớp dán bậy trên một trụ điện

Các dãy trọ cũng là nơi ưa thích của các nhóm dán quảng cáo bậy
* Nghị định 144/2021 của Chính phủ xử phạt hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác không được phép của cơ quan thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
* Nghị định số 38/2021 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với hành vi treo đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
Vay nóng phủ sóng khắp nơi
Phía sau số điện thoại “0388.091.705 – cho vay nóng” đang “làm mưa làm gió” ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM là một thanh niên tên Mạnh. Mạnh tỏ ra rất tự hào khi nói về mạng lưới dán quảng cáo cho vay nóng của mình: “Số bọn anh dán khắp nơi, Bình Thạnh, Thủ Đức ở đâu cũng có”.
“Thầu” dán quảng cáo nhan nhản khắp nơi
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có nhiều công ty còn nhận “thầu” dán quảng cáo bậy đủ mọi hình thức. Từ lời quảng cáo “phát tờ rơi tăng doanh thu từ 20 – 50%” của một công ty, chúng tôi tìm đến và được ông Trung – giới thiệu là giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển M.N – hẹn gặp.
Cuộc gặp diễn ra ngay tại trụ sở công ty trên đường Hoàng Quốc Việt (quận 7). Ông này cho biết công ty kinh doanh đa ngành nghề, nhưng đặc biệt có “kinh nghiệm 10 năm trong việc phát tờ rơi và dán quảng cáo”.
Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu quảng cáo tuyển dụng bảo vệ, ông Trung nói quảng cáo “digital” (nền tảng công nghệ số) không hiệu quả mà khuyên nên phát tờ rơi và dán quảng cáo. Ông này báo giá 2.500 đồng/tờ (khổ A5) với cam kết đảm bảo báo cáo đầy đủ bằng hình ảnh sau khi hoàn thành hợp đồng.
“Công ty đang có 20 người chuyên đi dán quảng cáo. Với 1.000 tờ sẽ cử năm người đi dán trong vòng ba ngày”, ông Trung quả quyết và thừa nhận rằng hình thức dán này là “không thể xin phép”.
Theo tìm hiểu trên mạng, còn có rất nhiều nhóm với hàng trăm thành viên tham gia “giao dịch” dịch vụ dán quảng cáo. Có hàng chục tài khoản mạng xã hội chuyên nhận dán tờ rơi trên các bờ tường, cột điện tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Trong số này có ông Việt (ở quận Bình Tân) với hơn 10 năm trong nghề dán tờ rơi. Theo ông Việt, làm nghề này “phải có máu lửa với kinh nghiệm”. 1.000 tờ rơi decal quảng cáo nhà đất, ông này báo giá trọn gói 6 triệu đồng và có thể dán trong hai ngày.
Một người khác tên Ân (ở quận Gò Vấp) báo giá dán 1.000 tờ rơi hút hầm cầu trên cột điện 2 triệu đồng. Mỗi ngày “đội quân” của người này có thể dán khoảng 2.000 tờ quảng cáo. “Tôi bao dán khắp thành phố, cột điện chỗ nào trống, có cái tôi quất đến 6 – 7 tờ”, Ân nói.
CHÂU TUẤN – LÊ PHAN – HOÀNG LỘC – NGỌC KHẢI
***
Từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu – Kỳ 2: Vạch mặt băng ‘làm láo, ăn thật’
01/11/2022 10:04 GMT+7
TTO – Từ manh mối ở “lò” dán bậy, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ lần ra nhiều bất thường phía sau hoạt động của các công ty mang danh vệ sinh môi trường. Sau gần hai tháng điều tra, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản khó tin hé lộ…

Nguyễn Bá Đạt tại hầm cầu nhà dân ở quận Gò Vấp
“Cái này kiểu làm thật thì ít, làm láo thì nhiều. Làm láo mới có ăn chứ làm thật làm gì có ăn”, Nguyễn Bá Đạt (24 tuổi, quê Thanh Hóa), chủ nhân chiếc xe bồn hút hầm cầu biển số 29H-83149, công khai hành vi lừa đảo.
0:00
Phóng sự điều tra: Chiêu trò chỉnh đồng hồ ảo khi hút hầm cầu để moi tiền triệu từ khách hàng
Nâng khống tinh vi
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, Đạt cùng chiếc xe hút hầm cầu này hiện đang “đầu quân” cho Công ty TNHH xây dựng và vệ sinh môi trường Nam Bắc (trụ sở tại Hà Nội).
Sau nhiều ngày đeo bám, phóng viên Tuổi Trẻ xác định chiêu thức lừa đảo mà đối tượng này thường áp dụng là bấm đồng hồ ảo nâng khống thể tích chất thải. Đồng hồ này là một thanh nhựa mica trong suốt hiển thị mực nước (chất thải) trong bồn. Chỉ cần điều khiển thanh sắt giấu kín bên trái đuôi xe, mực nước lên hay xuống đều được Đạt “hô biến” trong nháy mắt.
Sáng 29-9, Đạt lái xe bồn 29H-83149 đến hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Vườn Lài (quận 12, TP.HCM). Đạt thừa nhận nơi hút chỉ là “cống bi”, giỏi lắm chỉ 1m3 chất thải. Nhưng thực tế tay này cùng một thanh niên tên Tú có mặt ở đây hơn một tiếng đồng hồ, luôn tỏ vẻ như đang cật lực hút một lượng chất thải “khủng”.
Cuối buổi, Đạt kêu chủ nhà ra chỉ vào đồng hồ ảo (đã điều chỉnh) sau đuôi bồn báo khối lượng: “10 khối rồi” trong khi chỉ hút được khoảng 1m3.
Như vậy, với chiêu này khách hàng mất trắng 5,4 triệu đồng, trong khi thực tế chỉ mất 600.000 đồng (giá thỏa thuận 600.000 đồng/m3). “Phải báo lậu lên mới có ăn, chỗ này tôi vẫn hút nhưng khối lượng rất ít”, tay này tiết lộ.
11h cùng ngày, chiếc xe này tiếp tục dừng trước địa chỉ 497/13 (đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp) hút hầm cầu cho một cơ sở bán trú tiểu học. Ngoài Đạt, lần này có thêm một thanh niên xăm trổ chạy xe máy biển số Hà Nội, mặc bộ đồng phục màu xanh ghi “Công ty TNHH thiết bị môi trường Envico”.
Vừa hút được khoảng 20 phút, Đạt dở trò kêu người nhà ghé sát tai vào lỗ thông hầm cầu nói “nước chảy ầm ầm từ ngoài vào”. Tiếp đó, tay “đồng nghiệp” phụ họa thêm: “Nước ngoài cống dồn vào tận mặt, nhìn coi có thấy nước rung rinh không”.
Nhiều người trong cơ sở ngơ ngác, yêu cầu kiểm tra số mét khối vừa hút được. Đạt nhảy tót lên lắc lắc thân xe rồi chỉ tay vào đồng hồ nước báo: “10,8m3“. Dù trước đó vừa hút cho một nhà dân ở quận 12 là 10m3, nhưng tay này lại nói xe từ công ty ở Thủ Đức lên, chưa hút cho nhà nào cả. Như vậy chỉ với số mét khối của hai lần hút đã là 20,8m3, trong khi xe này chỉ chứa tối đa 7,5m3.
Thấy nhùng nhằng, thanh niên xăm trổ nói chuyện như quát với chủ cơ sở qua điện thoại (không có mặt ở hiện trường): “Tụi tôi nhận 800.000 đồng/m3, trong khi phải đổ vào nhà máy xử lý mất 450.000 đồng rồi chứ có đổ đường đổ cống được đâu.
Cùng lắm bớt cho chị một khối đến một khối rưỡi nước, thanh niên không thích nói nhiều, chỗ đó tôi lấy 7 triệu đồng”. Lấy cớ “phải đi xử lý ngay”, Đạt lên xe nổ máy chuồn đi, trong khi tay kia chờ chủ cơ sở chuyển khoản.

Thanh điều khiển đồng hồ nước nâng khống giấu kín
Lừa bơm vi sinh, “chặt chém” cả mối quen
Ngoài Đạt, ông Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, quê Hà Nội), giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group, cũng không kém cạnh, liên tục giở đủ trò kê khống ăn chặn tiền của khách hàng.
Ông Thành hiện có ba xe bồn chuyên hút hầm cầu có dán số điện thoại 0922.229.596 trên xe (số này cũng dán nhiều ở trụ điện), gồm 51E-20432 (ông này báo 8m3) và 51D-81921, 29C-80483 (ông này báo 5,1m3).
Ông Thành khẳng định hai xe 51D-81921, 51E-20432 có gắn “đồng hồ ảo”, có thể điều chỉnh số mét khối tùy thích. “Vẫn hút, nhưng mình thích báo nhiêu mình báo. Hút 1m3, báo 5m3 là được”.
Sáng 3-10, ông Thành trực tiếp lái xe biển số 51D-81921 (5,1m3) hút hầm cầu cho căn nhà trên đường số 26, phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Dù trước đó nhiều lần khẳng định “không làm vi sinh”, nhưng ông này lại báo giá dịch vụ “hút vi sinh” tới hơn 2,8 triệu đồng 1m3 và lấy trọn 18 triệu đồng cho 6m3.
Trót lọt vụ này, ông Thành tiếp tục đánh xe tới đường Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận) xử lý hầm cầu theo định kỳ cho mối quen. Chủ nhà này khá tin tưởng và nói rằng ông Thành là chỗ quen biết. “Ảnh hút được lắm, nãy hút hết 12m3 và lấy tôi 400.000 đồng/m3“.
Như vậy tưởng rằng người quen lấy rẻ, hóa ra ông Thành giở trò nâng khống số mét khối lên chặt chém. Chỉ tính hai gia đình này số thể tích chất thải ông này hút đã là 18m3, cao gần bốn lần so với thể tích xe có thể chứa là 5,1m3.

Mực nước lên xuống tùy ý
Ảo thuật kê chuyến moi tiền
Thủ đoạn nâng khống thể tích chất thải ăn tiền nêu trên chưa là gì so với cách lừa đảo tinh vi dưới đây.
Sáng 30-9, chiếc xe 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt rời bãi đậu bắt đầu một ngày “làm ăn”. Xe này chạy thẳng đại lộ Bình Dương, rẽ vào đường Thủ Khoa Huân, sau đó dừng tại Trường mầm non Việt Anh trên đường Bình Chuẩn 62 (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Gần 12h, sau khi khoảng 30 phút Đạt báo “xe đầy” và rời đi “xử lý”. Cách thức “xử lý” mà tay này nói với giáo viên của trường là cẩu bồn đầy sang xe container và thay bồn mới.
Nhưng theo dõi hành tung, chúng tôi xác định xe này không hề cẩu bồn mà “lẻn” vào hẻm ở đường Bình Chuẩn 59 đậu “nghỉ ngơi” khoảng 7 phút trước khi quay trở lại trường mầm non tiếp tục hút xe thứ hai.
Với chiêu trò này, Đạt khai đã kê khống chất thải hầm cầu ở trường mầm non lên 20m3 (xe), tổng hai xe lên 40m3 và lấy của trường trên 20 triệu đồng. Con số này cao gấp gần sáu lần so với thực tế thể tích của xe là 7,5m3.
Tương tự chiều 7-10, phóng viên bám theo chiếc xe hút hầm cầu biển số 51D-81921 (xe 5,1m3) do ông Thành cầm lái đến xử lý chất thải tại Công ty TNHH Long Huei (phường An Phú, TP Thuận An). Ghi nhận thực tế, xe này vào ra Công ty Long Huei tất cả ba lần (đều cùng bồn và xe mang biển số 51D-81921).
Theo nhân viên bảo vệ công ty (người trực tiếp mở cửa và ký nhận khối lượng sau mỗi lần hút), ông Thành hút tại đây tất cả ba chuyến, mỗi lần 8m3, tổng cộng 24m3. “Nghe mấy anh đó nói hút đầy rồi phải đi xử lý rồi quay lại hút tiếp. Mỗi lần chỉ hút được 8m3, phải hút tới ba lần mới xong”, nhân viên này xác nhận.
Tuy nhiên phóng viên Tuổi Trẻ xác định tất cả các lần rời đi ông Thành không đi “xử lý”, mà đi rất chậm đến đậu tại khu vực đối diện Bệnh viện Đa khoa An Phú. Có lần xe dừng tại đây chừng 3 phút, tiếp tục đi đến đường Chu Văn An cách đó khoảng 1km, rồi “núp” vào một con hẻm “câu giờ” mới tiếp tục đi “tà tà” về lại Công ty Long Huei.
Điển hình vào tối 13-10, ông Thành và “đệ tử” sử dụng chiếc xe khác (biển số 51E-20432) có cú “ăn 2” khi hút hầm cầu tại nhà của ông N. thuê trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Đêm ấy, lần một nhóm này báo đầy xe 15m3 (thể tích thực 8m3) rồi lý do đi “xử lý”.
Nhưng thực chất xe này đậu trên đường Hoàng Kế Viêm (cách nơi hút gần 1km) khoảng 20 phút rồi quay lại hút thêm một lần báo 15m3 nữa và “ăn” của ông N. 42 triệu đồng cho 30m3 vừa bơm ảo, kê chuyến.

Với chiêu này, nhóm Đạt “ăn” của gia đình này 7 triệu đồng

Xe của Thành hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tối 13-10, kèm theo đó là hóa đơn hút đến 30m3 với số tiền mà người dân phải trả là 42 triệu đồng

Nguyễn Bá Đạt bên “cỗ máy ăn tiền” xe bồn 29H-83149 và hóa đơn “ăn” tiền từ doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai)

Giấy đăng kiểm giả nâng thể tích xe bồn gấp đôi thực tế của Đạt để lừa dối khách hàng
Một xe “thủ” hai đăng kiểm
Ngoài việc sẵn sàng cho các doanh nghiệp, người dân kiểm tra bồn chứa, vòi xả – hút trước và sau hút chất thải, Nguyễn Bá Đạt còn “thủ” cùng lúc hai giấy đăng kiểm của xe 29H-83149. Cả hai giấy này đều ghi cùng một ngày đăng kiểm (9-7-2022) do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2923D (Hà Nội) cấp.
Tuy vậy Tuổi Trẻ xác định trong hai giấy đăng kiểm có một giấy Đạt thuê người làm giả, giá 3 triệu đồng.
Cụ thể đăng kiểm giả ghi xe này có tổng khối lượng trên 16,6 tấn (khối lượng chở hàng 12 tấn), trong khi đăng kiểm thật chỉ có tổng khối lượng 11 tấn (khối lượng chuyên chở 6,2 tấn).
Và để hợp thức hóa cho việc nâng khống thể tích chất thải, Đạt cùng các đối tượng thường trưng đăng kiểm giả này như một loại “bằng chứng pháp lý”, hầu hết các vụ lừa đảo dù bị nghi ngờ vẫn dễ dàng trót lọt.
Đề nghị cắt số điện thoại
Đây là một trong những giải pháp trị nạn quảng cáo ở “cột điện” được nhiều bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ.
“Vì sao chuyện này kéo dài suốt nhiều năm? Mức phạt quá thấp không ai sợ. Đề xuất của tôi là gửi các số điện thoại được dán đến nhà mạng yêu cầu khóa số điện thoại”, bạn Nam Việt đặt vấn đề.
“Có số điện thoại rõ ràng sao không xử phạt được? Đơn giản và hiệu quả nhất là cơ quan chức năng phối hợp với các nhà mạng thu hồi tất cả các đầu số thuê bao được in trên decal, không cần báo trước”, bạn Trang Nguyễn nêu ý kiến.
Bạn Minh Thanh và Đình Thắng góp lời: Chứng cứ sờ sờ ra đó. Quảng cáo vi phạm pháp luật thì nên mạnh tay cắt số những chủ thuê bao này và không cho đăng ký lại trong vòng vài năm, phạt thật nặng trước khi cho đăng ký mới. Tái phạm thì vĩnh viễn chủ số máy không được đăng ký số mới nào với trên tất cả các mạng.
Bạn COC cho rằng trước hết truy từ số điện thoại trên tờ quảng cáo rồi đến các tiệm in quảng cáo, cắt số điện thoại và phạt tiền thật nặng cho đến rút giấy phép kinh doanh quảng cáo.
HOÀNG LỘC – NGỌC KHẢI – LÊ PHAN – CHÂU TUẤN
***
Từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu – Kỳ cuối: Hút từ nhà này xả qua nhà khác
02/11/2022 06:30 GMT+7
TTO – Kỳ lạ thay, một ngày các xe hút hầm cầu hút ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy, cũng không chở đi xử lý. Vậy chất thải từ hầm cầu đi về đâu?

Sau khi hút hầm cầu, ông Nguyễn Văn Thành cho xe vào khu đất trống trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) để xả thải – Ảnh: cắt từ clip điều tra
Suốt thời gian dài đeo bám và xác minh cuối cùng các giả thiết về việc chất thải hầm cầu được xả thải ra sông ngòi, kênh rạch đều bị loại bỏ. Bây giờ, thủ đoạn “hô biến” chất thải đã được các đối tượng nâng cấp một cách tinh vi hơn rất nhiều.
Bồn… không đáy
Giữa tháng 10, chúng tôi bắt đầu chú ý đến chiếc xe bồn hút hầm cầu 50H-05771 có ghi: “Công ty TNHH vệ sinh môi trường số 1 Sài Gòn”. Xe này đang đậu cùng chành với xe của Nguyễn Bá Đạt (Công ty Nam Bắc), được tay này nhiều lần khẳng định “gà chung một mẹ”.
Ngày 12-10 chúng tôi ghi nhận xe này chạy hút hầm cầu nhiều nơi từ TP.HCM đến Bình Dương với quãng đường trên 126km.
Tiếp đó, ngày 13-10, xe này di chuyển quãng đường gần 164km, hút hầm cầu ở nhiều điểm từ TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai. Thế nhưng cũng như các lần trước đó, dù hút nhiều nhưng bồn xe không bao giờ đầy và xe này cũng không vào công ty môi trường để xử lý chất thải. Không chỉ xe 50H-05771, xe 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt các ngày từ 7, 8, 9, 10 tháng 10 đều không vào bất kỳ công ty xử lý chất thải nào ở TP.HCM hoặc Bình Dương để xử lý.
Ngay cả Nguyễn Văn Thành – giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group – từng khẳng định có hợp đồng xử lý chất thải tại bốn công ty ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM (tài liệu chúng tôi có được xác định công ty này có đăng ký xử lý ở Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Hòa Bình – TP.HCM cho xe 29C-80483), nhưng cả hai xe 51E-20432 và 51D-81921 từ ngày 7 đến 21-10 đều không ghi nhận đi xử lý dù lịch trình đi hút hầm cầu dày đặc.
Ngoài các xe bồn trần nêu trên, chúng tôi còn đặt nhiều nghi vấn về hành tung bí ẩn của chiếc xe thùng (xe tải chứa bồn giấu kín bên trong) biển số 61C-02093 của Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Cũng giống như các loại xe bồn trần khác, ngày 10-10, chiếc xe này sau khi hút hầm cầu cho bốn khách ở TP Thủ Đức chạy một mạch về nằm gọn trong sân nhà tại hẻm số 5 đường Trần Hưng Đạo (phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tiếp tục giám sát đến ngày hôm sau xe này vẫn đi hút mà không hề đi xử lý chất thải.

Ông Nguyễn Văn Thành cùng “lính” đang thực hiện hành vi xả bậy chất thải hầm cầu xuống khu đất – Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Vậy đổ đi đâu?
Chất thải không đưa đi xử lý, vậy chất thải về đâu? Quá trình đeo bám các xe hút hầm cầu, chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất thường khi các đối tượng nhiều lần dùng vòi xả… để hút.
Theo Nguyễn Bá Đạt, tùy vào thực tế sẽ tính toán việc xả ngay xuống hầm nhà dân hoặc công ty. “Chủ yếu là hút lên đổ xuống. Cuối cùng lúc nghiệm thu xong chỉ còn xe không ra về thôi”, Đạt tiết lộ mánh khóe “hô biến” chất thải khi hút cho các công ty.
Đạt tiết lộ: “Chuyến đầu hút khoảng ba xô, mình báo xe đầy rồi cho xe đi ra hợp thức việc đi xử lý. Hoặc mình hút khoảng nửa xe thì chạy ra rồi quay lại đổ xuống bể. Như vậy xe mình còn gì trong bồn đâu mà phải đi xử lý”.
Bằng thủ đoạn này, ngày 4-10, nhóm Đạt đã “phù phép” xử lý chất thải tại Công ty THHH quốc tế G.L.J. Đồng Nai (thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai). Tại đây, Đạt không chỉ nâng khống thể tích chất thải lên 33m3 (thực tế không hút mét khối nào) thu lợi gần 14 triệu đồng, mà toàn bộ nước thải sau khi được thu gom đều được “trả lại” bằng cách đổ thẳng xuống hầm xử lý của công ty này.
Đạt khẳng định để làm được điều này phải “ăn rơ” với nhân viên công ty. “Cũng phải chạy ra chạy vào ba lần, mỗi lần báo xe 11m3 cho khớp 33m3 hợp thức hóa rồi xả xuống khu xử lý chất thải của công ty”, Đạt nói.
Còn với nhà dân thì sao? Đạt nói thẳng: “Hút từ nhà này chở qua thổi thẳng xuống cống của nhà khác”. Đơn cử như Cơ sở bán trú tiểu học tại quận Gò Vấp, Trường mầm non Việt Anh (Bình Dương) và hộ dân trên đường Thới Sơn 31 (huyện Hóc Môn) vừa bị nhóm của Đạt ăn tiền, vừa bị thổi chất thải trên xe xuống cống thoát hầm cầu mà không hề hay biết. “Xe chỉ 7,5m3 nếu không đổ vậy chỉ cần hút ba nhà là đầy bồn, không thổi xuống thì hút kiểu gì. Đã không đổ thì thôi, mỗi lần đổ là phải đổ bằng hết”, Đạt phân tích và cho biết thêm đôi khi cũng xảy ra tình trạng bất khả kháng phải “cõng” hàng đi đổ ở nhà máy xử lý chất thải.
Với chiêu thức nâng khống và “hô biến” chất thải này, có ngày xe của Đạt chạy được 15 – 20 chuyến. Với số chuyến nêu trên thì mội ngày phải hút khoảng 100m3 chất thải và nếu đi xử lý đúng quy định phải mất ba ngày.

Ông Nguyễn Văn Thành cùng “lính” đang thực hiện hành vi xả bậy chất thải hầm cầu xuống khu đất – Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Xả thẳng xuống đất trống
Theo điều tra, ngoài nhẫn tâm xả thẳng chất thải xuống cống nhà dân hoặc công ty, các đối tượng này còn ngang nhiên “giải quyết sự cố” bằng việc xả thẳng chất thải ra môi trường.
Giám sát dàn xe hút hầm cầu của ông Nguyễn Văn Thành suốt thời gian dài, chúng tôi ghi nhận dàn xe này thường lui tới một khu đất trống rộng 4.000m3 trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức). Khu đất này do Công ty cổ phần nông hải sản súc sản Sài Gòn quản lý, được bao bọc ba mặt xung quanh bằng tường cao kiên cố, mặt còn lại giáp với rạch Gò Dưa. Khu đất này hiện đang được công ty giao cho ông Hùng (ngoài 60 tuổi) trông nom. Dù cỏ mọc um tùm nhưng dễ dàng nhận thấy nhiều vệt bánh xe in hằn…
Vị trí căn nhà hoang nằm giữa khu đất chính là địa điểm mà ông Nguyễn Văn Thành thường cho xe đến đổ chất thải hầm cầu vào mỗi buổi sáng. Cứ cách một ngày ông Thành lại cho xe đến đổ bậy chất thải. Bình thường cửa khu đất luôn khóa im ỉm nhưng khi xe chở chất thải của ông Thành sắp đến là cánh cổng này lập tức mở sẵn.
Khoảng 9h30 ngày 21-10, chúng tôi thấy xe 51E-20432 của ông Thành lao vào khu đất. Xe vừa vào, cánh cửa nhanh chóng được khép lại. Như quá quen thuộc với việc xả bậy, ông Thành bình thản lùi xe vào căn nhà hoang rồi nhanh chóng nâng bồn, mở van “xả”. Nước thải đen, đặc quánh phun ồ ạt từ xe xuống khu đất, mùi hôi thối bốc ra ngộp thở. Chỉ trong vòng chưa đầy bảy phút toàn bộ chất thải hầm cầu (loại 8m3) được thải lênh láng khắp khu đất này. Tại đây, nước thải lâu ngày tạo thành vũng sình bốc mùi ô nhiễm.
Không chỉ lần này, tài liệu của Tuổi Trẻ ghi nhận vào khuya 7-10 xe 51D-81921 vào khu đất này xả bậy. Đặc biệt xe 51E-20432 là phương tiện được ông Thành “tin dùng” liên tục vào khu đất các ngày 13-10, 17-10, 19-10, 21-10, 25-10… xả bậy.
Đi đêm có ngày gặp ma
Tuy rất tự tin về khả năng “hô biến” chất thải, nhưng Nguyễn Bá Đạt nói cũng từng gặp tai nạn. Có lần khi đang ra sức thổi chất thải xuống hầm nhà dân, tấm đan bất ngờ bị bung khiến chất thải tung tóe khắp trần nhà. Ngoài ra, Đạt còn bị người dân quay video “bóc phốt” trên mạng. Đặc biệt từng có “đồng nghiệp” của Đạt đổ bậy chất thải xuống cống bị người dân quay phim, sau đó công an đi theo lần về tận bãi tịch thu luôn xe.
NGỌC KHẢI – HOÀNG LỘC – LÊ PHAN – CHÂU TUẤN
***
Cận cảnh khu đất rộng 4.000m2 – nơi Công ty Sài Gòn Group xả bậy chất thải hầm cầu
02/11/2022 09:53 GMT+7
TTO – Khu đất rộng 4.000m2 do Công ty cổ phần Nông hải súc sản Sài Gòn quản lý, được bao bọc ba mặt xung quanh bằng tường cao kiên cố, mặt còn lại giáp với một nhánh của rạch Gò Dưa (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Toàn cảnh khu đất rộng 4.000m2 của Công ty cổ phần Nông hải súc sản Sài Gòn (đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM), nơi ông Nguyễn Văn Thành – giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group – chọn xả bậy chất thải hầm cầu. Phía trước tiếp giáp với đường ray xe lửa, đường Phạm Văn Đồng và phía sau là nhánh của rạch Gò Dưa.
Tuy nhận thức việc đổ bậy xử phạt rất nặng, luôn miệng khẳng định “không bao giờ đổ bậy” nhưng thực tế điều tra của Tuổi Trẻ Online đủ cơ sở chứng minh ông Nguyễn Văn Thành – giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group – là “trùm đổ bậy” tại khu đất này. Điều này hoàn toàn khác xa với câu slogan của ông ta gắn trên xe hút hầm cầu và đăng trên trang website: “Môi trường hôm nay, cuộc sống ngày mai”.
Tài liệu ghi nhận vào khuya 7-10, xe 51D-819.21 vào khu đất này xả bậy. Đặc biệt, xe 51E-204.32 là phương tiện thường được ông Thành “tin dùng” liên tục vào khu đất các ngày 13-10, 17-10, 19-10, 21-10, 25-10 xả bậy…
Sau gần 2 tháng điều tra, phóng viên báo Tuổi Trẻ xác định ngoài việc nhẫn tâm xả thẳng chất thải xuống cống nhà dân hoặc công ty, các đối tượng này còn ngang nhiên “giải quyết sự cố” bằng việc xả thẳng chất thải ra môi trường.
Dưới đây là những hình ảnh cận cảnh khu đất bị xả bậy được phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại suốt quá trình đeo bám.

Khu đất này được công ty giao cho ông Hùng (ngoài 60 tuổi) trông nom, lâu ngày không người thuê khiến cỏ mọc um tùm.

Phía bên phải của khu đất có một dãy nhà bỏ hoang, đây là địa điểm mà ông Nguyễn Văn Thành chọn lui xe đổ chất thải hầm cầu.

Quá trình thực hiện hành vi đổ chất thải của ông Thành được ông Hùng “bật đèn xanh”. Không chỉ thế, khi “hành sự” còn được bảo vệ “2 lớp” từ cửa chính khóa chặt và khu nhà này che lấp. Khi xe chở chất thải hầm cầu “ẩn mình” vào trong các khu nhà này rất khó để phát hiện.

Vị trí vòi bơm xả bậy

Với lực đẩy rất mạnh, bồn chất thải 8m3 chỉ cần mất 5-7 phút là xả sạch ra ngoài.

Thời gian đổ bậy thường vào buổi sáng, cách ngày. Xe 51E-204.32 là phương tiện thường được ông Thành “tin dùng” liên tục vào khu đất xả bậy.

Khu vực đổ bậy dễ dàng nhận thấy nhiều vệt bánh xe in hằn trên cỏ…

Xe 51E-204.32 lùi vào “bãi đáp” nằm lọt thỏm trong căn nhà hoang. Lính của ông Thành đang mở van bắt đầu xả thải

Tuy nhận thức việc đổ bậy xử phạt rất nặng, luôn miệng khẳng định “không bao giờ đổ bậy” nhưng thực tế điều tra của Tuổi Trẻ đủ cơ sở chứng minh ông Nguyễn Văn Thành là “trùm đổ bậy” tại khu đất này.

Ngày 21-10, đích thân ông Thành cùng lính lái xe 51E-204.32 chạy vào khu đất này xả chất thải.

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 phút, toàn bộ chất thải hầm cầu (loại bồn 8m3) được thải lênh láng khắp khu đất này.

Nước thải tạo thành các vũng sình dọc bờ tường bốc mùi ô nhiễm.

Giữa ông Thành và người quản lý khu đất này có “mối quan hệ mật thiết”. Sau khi xả thải thường xe này ghé “chốt” để lau chùi xịt nước trước khi rời đi.
NHÓM PV BAN CTXH