Thời gian dài vừa qua, đời sống văn hóa & tinh thần nói chung, đời sống văn chương nói riêng đã diễn ra tình trạng loạn chuẩn tới mức báo động, và nổi lên những hiện tượng kỳ dị- nổi bật nhất là tình trạng “lạm phát thơ” ( như tên một bài viết), mà đỉnh cao (hay thực chất là biến tướng quái đản của nó) là hiện tượng người làm thơ dám tự nhận “mượn bút tiền nhân”…
Là một người yêu thơ, và đang làm một công việc có thể nói là lấy thơ ca làm gốc, tôi xin mạnh dạn góp mấy lời lạm bàn về hiện trạng trên.
Đúng là có sự thật: “Nhan nhản những tập thơ vô thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên bàn thờ tổ tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng…Nhưng cũng không ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân Hương khi được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…” (“Hiện tượng vè hóa, văn xuôi hóa và cũ hóa Thơ…cần báo động” – Nguyễn Trọng Tạo – trieuxuan.info ). Quả thực có chuyện: “Thơ thập- diện- mai- phục… thơ làm tắc nghẽn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho thơ sạch không có lối đi.” ( “Vấn nạn thơ đầy đường”- trannhuong.com). Bản thân tôi cũng đã bày tỏ thái độ trước sự lạm phát thơ này trong vài bộ phim truyện truyền hình phát trên Văn nghệ chủ nhật, như phim “Trời cho- trò chơi”: một ông được đền bù đất đai đã vung tiền cho mình và vợ con làm sang- vợ mở phủ, con gái mua sắm, còn bản thân thì cho in thơ “con cóc” của mình để khoe và để biếu (do một cò mồi kích thích dẫn dắt mà diễn viên Xuân Bắc thủ vai rất đạt)
Tiếp tục đọc “Vài ý nghĩ về Thơ Việt hôm nay và những cách ứng xử với Thơ”