nhanhoc.hcmussh.edu.vn – tháng 8-2006 – Trần Hữu Quang

Tại sao lại có hiện tượng coi thường khoa học xã hội? Đâu là căn nguyên của tình trạng sa sút trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội? Tại sao phải bàn về quyền tự do tư tưởng trong hoạt động trí tuệ?
Khi bàn về nhu cầu cải tổ hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta vốn đang lâm vào tình cảnh suy thoái ngày càng nặng nề, người ta thường hay nói nhiều nhất tới nguyên nhân cơ chế quản lý. Theo một cuộc thăm dò cán bộ khoa học gần đây của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, có 97,8 % trong số 233 người trả lời cho rằng cần đổi mới chính sách và cơ chế quản lý hoạt động khoa học1. Có lẽ cũng chính vì thế mà chính phủ đã ban hành Nghị định 115 (5-9-2005) về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu công lập nhằm nỗ lực cải cách theo hướng ấy. Cải tổ cơ chế quản lý khoa học là điều rất đúng đắn và cần thiết vào lúc này; tuy nhiên, theo thiển ý chúng tôi, nếu chỉ dừng lại ở đó mà thôi thì hoàn toàn chưa đủ vì mới chỉ đụng chạm vào cái thân chứ chưa đột phá tới những chiều sâu gốc rễ của vấn đề. Đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội mà bài này muốn bàn luận đến.