Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do (3 kỳ)

Một điểm di dân tự do ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang dần được nhà nước đầu tư xây dựng để ổn định đời sống cho nhân dân.

***

Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do

08:01 21/03/2019

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tổng diện tích tự nhiên hơn 54.600km2 với trên 6 triệu dân. Vùng trọng điểm các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… này đang chịu áp lực nặng nề nhất cả nước về tình trạng di dân tự do…

Kỳ 1: “Nóng” cả bốn mùa

Theo thống kê, giai đoạn 2005 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên có tới 58.846 hộ di dân tự do với khoảng 220.000 nhân khẩu, cao gấp nhiều lần so với các khu vực còn lại trong cả nước. Di dân tự do đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, đói nghèo, an sinh xã hội… khu vực Tây Nguyên, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng này.

Tháng 3, đường vào làng Mông khu vực Tây Sơn, thuộc tiểu khu 179, 181, 197 và 198, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) bụi mù, nắng cháy da người. Cách đây 20 năm, nhiều hộ di cư tự do người Mông từ các tỉnh phía Bắc đã vào đây lập làng, tự khai phá gần 700ha rừng lấy đất sản xuất.

Cuối năm 2017, khu vực này có 507 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Già làng Mông Tây Sơn ở điểm tiểu khu 179 Ma Seo Cháng cho biết, điểm làng Mông ở đây có 320 hộ với 1.725 nhân khẩu, tất cả đều là dân di cư tự do đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc.

Cuộc sống của nhiều người dân di cư tự do đến Tây Nguyên gặp khó khăn.

Toàn bộ khu vực làng Mông đều được bao bọc bởi rừng, gần như cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Việc ốm đau, bệnh tật và chuyện học hành của các em nhỏ trở thành vấn đề nan giải cho cả làng và chính quyền địa phương.

Mặc dù đã canh tác ổn định tại đây 20 năm nhưng thực tế phần lớn khu vực làng Mông ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông vẫn thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sê rê pốk. Cũng theo già làng Ma Seo Cháng, người làng Mông ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tới thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng giải quyết nhưng cuộc sống của người dân di cư tự do như gia đình ông quanh năm cậy nhờ vào cà phê và sắn nên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu đất sản xuất. “Năm nào được mùa, được giá thì bán đủ tiền đong gạo, nhưng phần lớn là bà con mình thiếu đói, phải nhận sự hỗ trợ của nhà nước…”, già làng Ma Seo Cháng nói.

Đất đai phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp nên hàng chục năm qua, Tây Nguyên phải gánh chịu một lượng khổng lồ dân di cư tự do. Theo thống kê, giai đoạn 2005 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên có tới 58.846 hộ dân di cư tự do tới (trong khi khu vực Tây Bắc chỉ 5.811 hộ, Tây Nam bộ là 2.081 hộ).

Tại Lâm Đồng, giai đoạn 2005 – 2017, dân di cư tự do tới Lâm Đồng là 2.195 hộ với 7.183 nhân khẩu, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc. Phần lớn những người di dân tự do sinh sống ở trong rừng, ven rừng và xen ghép tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tại các huyện Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, Lạc Dương…

Trong khi đó, theo ông Lê Quang Dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, địa phương này có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nhiều năm qua tỉnh Đắk Nông là “miền đất hứa” của dân di cư tự do đến từ khắp nơi. Tính đến hết năm 2017, Đắk Nông có hơn 646 nghìn người, tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm tách tỉnh (năm 2004). Trong đó, dân di cư tự do đến sinh sống rải rác trong rừng là 38.191 hộ với gần 174 nghìn người.

Ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, số lượng dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp.

“Việc di cư diễn ra suốt năm, nhưng mạnh nhất thường vào thời điểm trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Người di dân tự do thường đi thành từng nhóm nhỏ, vào thăm người thân, ở tá túc với người di cư tự do đã tới trước, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào sinh sống, lập làng. Các hộ di dân tự do thường sống theo các nhóm hộ, có cùng dân tộc, huyết thống, đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, dưới các thung lũng, dọc khe suối và ít có mối tương tác với bên ngoài”, ông Sơn nói.

Theo thống kê, trung bình cứ 10 năm, dân số các tỉnh Tây Nguyên sẽ tăng thêm 1 triệu người. Hiện nay, trong vùng vẫn còn tồn tại các “điểm nóng”, bất cập trong việc giải quyết di cư tự phát. Ngoài “điểm nóng” di dân tự do tại làng Mông Tây Sơn ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khu vực Tây Nguyên còn có nhiều “điểm nóng” khác, như tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 2.384 hộ với hơn 9.300 nhân khẩu, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 1.958 hộ với gần 10.000 người.

Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk, các “điểm nóng” về di dân tự do đã hình thành tại huyện Ea Sup, Cư Mga, Ea Kar. Riêng huyện Ea Sup có tới 787 hộ với hơn 4.100 khẩu, chiếm 45% tổng số dân di cư tự do đến 10 huyện, thị trong tỉnh giai đoạn 2005-2017.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, theo đề án, giai đoạn 2005-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã lập, quyết định và phê duyệt 42 dự án ổn định đời sống người dân di cư tự do với quy mô 16.226 hộ.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có 13 dự án là hoàn thành, 29 dự án dù chưa hoàn thành nhưng vẫn phải thực hiện bố trí dân cư tự do vào ở. Hầu hết các dự án buộc phải bố trí dân cư vượt quá quy mô về số hộ, số khẩu. Áp lực về ổn định chỗ ở cho người dân di cư tự do đã gây ra tình trạng quá tải, vỡ quy hoạch các dự án. Trong khi đó, Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều cụm dân cư tự do tự phát không nằm trong quy hoạch, tuy đã được rà soát, nhưng chưa có điều kiện bố trí, sắp xếp, bổ sung.

Khắc Lịch
***

Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do

06:46 22/03/2019
Dân di cư tự do ồ ạt đổ lên Tây Nguyên lập thành các điểm dân cư tự phát, phần lớn sinh sống trong rừng sâu, cách biệt với bên ngoài. Mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ nhưng cuộc sống của phần đông người dân di cư tự do ở Tây Nguyên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; kéo theo đó là nhiều hệ lụy…

Kỳ 2: Bộn bề hệ lụy

Để vào được một điểm cư trú của bà con di cư tự do người Mông tại tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), PV Báo CAND phải vòng qua địa phận tỉnh Đắk Lắk, sau đó men theo con đường mòn dẫn vào rừng, đi ngược lại địa phận tỉnh Lâm Đồng bằng đường quanh co mịt mù đất đỏ. Điểm di dân tự do chúng tôi tiếp cận có trên 110 hộ với gần 600 nhân khẩu, đây là các hộ đến từ tỉnh Hà Giang, Lào Cao, Điện Biên và Lai Châu trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2015.

Với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đam Rông và sự phấn đấu vươn lên của chính bà con, cuộc sống của nhiều gia đình đã ngày một no đủ hơn. Các hộ phần lớn đều có đất canh tác, trong đó chủ lực là hai loại cây cà phê và sắn (cây mỳ).

Hộ anh Thò A Sẻn được biết đến là gia đình khấm khá bậc nhất làng. Anh có 3ha cà phê, thu hoạch trung bình 3 tấn mỗi năm. A Sẻn chỉ tay ra phía đầu bờ rào: “Nhà kia kìa, Sùng A Chỉnh thu hoạch nhiều hơn”. Đó là hộ đang chất nhiều gạch và xi măng trước sân để chuẩn bị làm nền. Theo Ma Seo Cháng, trung bình mỗi hộ khoảng 1 tấn cà phê trở lên và 1 tấn sắn. Nhiều hộ đã có tivi, sử dụng năng lượng mặt trời, xe máy thì hầu như nhà nào cũng có…

Tại điểm di cư tự do này đã có trường học, thuộc điểm Trường tiểu học Liêng Srônh. Cô giáo Ka Iêng dân tộc người Châu Mạ, ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tình nguyện vào ăn ở cùng bà con để “gieo chữ”.

Thanh niên tình nguyện vào dạy chữ cho người dân di cư tự do làng Mông Tây Sơn, xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông.

Theo già làng Ma Seo Cháng, ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, lực lượng Công an, đoàn kinh tế quốc phòng tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức đoàn thể vẫn thường xuyên tới thăm hỏi, khám và bốc thuốc cho bà con, hướng dẫn bà con cách sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, nhờ đó mà cuộc sống tại điểm di dân tự do này ngày càng được cải thiện.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng di dân tự do cũng diễn ra ồ ạt từ sau năm 2000. Một bộ phận dân di cư đến từ các tỉnh phía Bắc đã chọn các thôn Ea Ul, Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông làm nơi sinh sống. Người dân di cư tự do thường sinh đẻ rất nhiều, cùng với đó là hệ lụy nghèo khó.

Anh Sính Hi Chá và chị Sùng Thị Cỡ, xã Cư Pui cưới nhau được 14 năm và nay có tới 7 người con nhưng anh Chá chưa có ý định dừng lại vì chưa sinh được con trai để “nối dõi tông đường”. Còn vợ chồng anh Giàng Chúng Vừ vì muốn có con gái nên đã sinh đến con thứ 7 mới đạt được nguyện vọng…

Sinh đẻ nhiều, trình độ canh tác lạc hậu, nhận thức hạn chế… là những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, nghèo khổ của người dân di cư tự do. Bên cạnh đó, nơi sinh sống của bà con di dân chủ yếu phân tán ở vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, cách xa trung tâm xã, không có đường giao thông đi lại nên việc phát triển kinh tế, hỗ trợ các chính sách của nhà nước còn gặp không ít hạn chế.

Ông Lê Quang Dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, di dân tự do đã làm phát sinh tranh chấp đất đai, ồ ạt phá rừng để lấy đất sản xuất, khiếu kiện kéo dài và phát sinh nhiều vấn đề buộc chính quyền địa phương phải giải quyết như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…

“Người dân di cư tự do phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Từ chuyện chăm sóc y tế đến giáo dục và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Rất nhiều trường hợp người dân thuộc diện di cư tự do gặp khó khăn chúng tôi muốn giúp đỡ nhưng họ không có sổ hộ khẩu, là điều kiện bắt buộc để được hưởng các chính sách an sinh xã hội theo quy định!..”, ông Lê Quang Dân nói.

Theo ông Dân, tại Đắk Nông, nhiều hộ dân di cư tự do tới sinh sống ổn định đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được nhập khẩu. Nguyên nhân là những hộ này sinh sống và canh tác trên đất lâm nghiệp, không phải chỗ ở hợp pháp. Theo Luật Cư trú, các hộ này không đủ điều kiện để nhập khẩu. “Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, người dân cũng không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội!..”, ông Lê Quang Dân cho biết thêm.

Theo ông Cil Ha Drang, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng, di dân tự do làm gia tăng đột biến dân số cơ học tại vùng nhập cư làm cho chiến lược dân số bị đảo lộn trên cả 3 mặt là quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của Lâm Đồng không cân xứng với mức tăng dân số cơ học tự phát nên đã phát sinh nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tranh chấp đất đai, nạn phá rừng làm rẫy, môi trường sinh thái bị tổn hại.

“Đời sống vật chất và tinh thần của người dân di cư tự do trong những năm qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó một bộ phận không nhỏ thường xuyên thiếu đói, bệnh tật, thất học… nhất là những điểm di dân tự do thuộc bà con dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc”, ông Cil Ha Drang nói.

Ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, di dân tự do đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, mâu thuẫn giữa người di dân tự do với đồng bào sinh sống tại chỗ.

“Một số vụ đã xảy ra xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Có những trường hợp còn sử dụng hung khí gây thương tích, làm gia tăng tình trạng đói nghèo và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn về an ninh, chính trị, quốc phòng trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, một số phần tử xấu đã lợi dụng di dân tự do để xuyên tạc, kích động đồng bào gây rối trật tự, chống phá chế độ, ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.

Khắc Lịch
***

Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do (kỳ cuối)

07:42 23/03/2019
Để sớm ổn định đời sống cho người dân di cư tự do ở Tây Nguyên, những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền của 5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả. Các vùng di dân tự do bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực.
Kỳ cuối: Cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Từ năm 2004 đến 2012, tỉnh Đắk Lắk đãlần lượt xây dựng 5 khu tái định cư tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk. Khu tái định cư buôn Ea Kal, xã Vụ Bổn được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, gồm 66 căn nhà cấp 4 cùng hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông, công trình nước sạch với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Ông Nay Lập, trưởng buôn Ea Kal cho biết, năm 2012, có 66 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đưa về khu tái định cư buôn Ea Kal. Mặc dù còn đó những khó khăn, nhất là vấn đề thiếu đất canh tác, nhưng so với nơi ở cũ, khu định cư mới gần trung tâm, việc đi lại rất thuận tiện, cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn rất nhiều. Các em nhỏ đều được đến trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế được đảm bảo…

Theo ông Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, để giúp bà con di dân tự do sớm ổn định đời sống, địa phương đã tính toán mở con đường 12km vào khu vực làng Mông Tây Sơn. “Nếu nhập khẩu được cho bà con thì nay mai sẽ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho chính những hộ này để tăng thêm thu nhập, vừa bảo vệ được rừng. Từ năm 2016 đến nay, không còn tình trạng bà con di cư tự do đến làng Mông Tây Sơn”, ông Hởi cho biết.

 

Một điểm di dân tự do ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang dần được nhà nước đầu tư xây dựng để ổn định đời sống cho nhân dân.

Để giải quyết vấn đề di dân tự do ở Lâm Đồng, ông Cil Ha Drang, Phó Ban dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Chính phủ, bộ ngành cân đối, bố trí đủ vốn để thực hiện các dự án bố trí dân cư tại địa phương, sớm cho chủ trương lập dự án định canh, định cư khu Tây Sơn, dự án định canh, định cư ở tiểu khu 179 và dự án định canh, định cư tiểu khu 181, thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông mà Ủy ban dân tộc, Hội đồng dân tộc Quốc hội đã vẽ khảo sát từ năm 2017.

Ông Drang cũng đề nghị, các cấp chính quyền xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, các đối tượng kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do, phá rừng, giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện chính đáng của người dân. Trong đó cần xử lý dứt điểm 28 vụ khiếu kiện về tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn Tây Nguyên.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về ổn định đời sống dân di cư tự do cho 320 hộ/1.725 nhân khẩu tại các tiểu khu 179, 181, 197 và 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp, hướng dẫn, thực hiện, cụ thể.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành lập, thẩm định, phê duyệt Dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cho 320 hộ/1.725 nhân khẩu tại các tiểu khu 179, 181, 197 và 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông theo các quy định hiện hành để tổ chức triển khai thực hiện, nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân, không di cư tự do đi nơi khác.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo thành lập Tổ công tác khảo sát, đánh giá tình hình cư trú và đăng ký, quản lý cư trú tại các địa bàn có dân di cư tự do để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện đăng ký, quản lý cư trú đối với dân di cư tự do.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, trước mắt đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên sẽ bố trí khoảng 17.000ha đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do từ quỹ đất có nguồn gốc của nông, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý. Trong đó, dự kiến tỉnh Kon Tum sẽ bố trí 2.146ha, Gia Lai là 2.841ha, Đắk Lắk 5.906ha, Đắk Nông 5.224ha và Lâm Đồng là 978ha.

Ông Giàng A Chu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các “điểm nóng”, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do, nhất là ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cần có giải pháp cân đối, bố trí tiếp kinh phí để các địa phương hoàn thành cảc dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do theo kế hoạch. Ông Giàng A Chu cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, thống nhất giải pháp khẩn trương xác minh, thực hiện việc nhập khẩu, cấp CMTND, đăng ký tạm trú, thường trú, công nhận các điểm, nhóm dân di cư tự do theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm ăn sinh sống, hưởng các phúc lợi xã hội, đồng thời quản lý chặt chẽ dân cư, trật tự an toàn xã hội.Ông Giàng A Chu còn đề xuất không giao đất cho doanh nghiệp ở những nơi người dân chưa có đất, đất sản xuất còn thiếu, mà ưu tiên giải quyết cho người dân…

Để tháo gỡ những vướng mắc về đất đai và vấn đề nhập hộ khẩu cho hộ dân di cư tự do, ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cho chủ trương để các địa phương rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các loại đất rừng nhưng thực tế không có rừng, đã được các địa phương quy hoạch dự án bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên để tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Tin rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cùng với nỗ lực vươn lên trên miền đất mới, người dân di cư tự do ở Tây Nguyên sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo, cùng chung tay xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp.

Khắc Lịch

2 bình luận về “Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do (3 kỳ)

  1. Đất lành chim đậu. Nếu người ta đổ xô vào Tây Nguyên thì Tây Nguyên là vùng đất tốt.

    Hãy khuyến khích mọi người vào Tây Nguyên, rồi dùng sức người đó để tạo sức mạnh cho Tây Nguyên, dù là hơi mệt sức quản lý một chút.

    Đừng ngớ ngẩn để mà mất đi dịp may lớn.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này