Nếu có quyền lực chính trị cao nhất nước…

dotchuoinon

Chào các bạn,

Nếu có quyền lực chính trị cao nhất nước, mình sẽ thúc đẩy giáo dục. Mình nghĩ ai cũng hiểu tầm quan trọng của giáo dục với sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong giáo dục, mình sẽ đặt giáo dục đại học lên hàng đầu. Giáo dục đại học phát triển sẽ là đầu tàu để kéo các giáo dục khác đi theo, gồm: giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non…

Để giáo dục đại học phát triển, mình sẽ để đại học có quyền tự trị. Quyền tự trị đại học bao gồm tự trị tổ chức, tự trị tài chính, tự trị nhân sự và tự trị học thuật.

Quyền tự trị tổ chức nói đến khả năng quyết định tự do của trường về tổ chức nội bộ trường, như lãnh đạo điều hành, cơ quan ra quyết định, pháp nhân và cấu trúc học thuật nội bộ.¹

Quyền tự trị tài chính nói đến khả năng quyết định tự do của trường về các vấn đề tài chính nội bộ trường. Khả năng quản lý quỹ độc lập của trường cho phép trường đặt ra và thực hiện mục tiêu chiến lược của trường.²

Quyền tự trị nhân sự nói đến khả năng quyết định tự do của trường về các vấn đề liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, bao gồm tuyển dụng, tiền lương, sa thải và tăng chức.³

Quyền tự trị học thuật nói đến khả năng quyết định tự do của trường về các vấn đề học thuật khác nhau, như tuyển sinh, nội dung học thuật, đảm bảo chất lượng, giới thiệu những chương trình học và nghiên cứu để cấp bằng và ngôn ngữ giảng dạy.4

Bên cạnh phát triển giáo dục đại học, mình sẽ phát triển giáo dục tâm linh – đưa tâm linh vào nhà trường và nhà tù. Nói đến tâm linh người ta thường nghĩ đến tôn giáo, nhưng có lẽ nhà trường, như kinh nghiệm tại một số đại học do các tôn giáo làm chủ ở nhiều quốc gia cho thấy, sẽ không dạy tôn giáo như là tôn giáo, mà sẽ dạy tâm linh, tức là trái tim linh thiêng của mỗi con người. Lịch sử đã chứng minh, học thuật khoa học có thể giúp con người nắm vững kiến thức khoa học, nhưng không thể giúp chữa lành trái tim con người và không thể giúp con người yêu người vô điều kiện. Thế nên, nhà trường cần quay trở về với giáo dục tâm linh, và nhà tù cũng cần tâm linh để giúp tù nhân bớt khổ.

Nói đến đây thì phát sinh vấn đề. Nhà trường có quyền tự trị học thuật, nghĩa là nhà trường có quyền dạy tâm linh hoặc không dạy. Chính quyền không thể can thiệp vào chương trình giảng dạy của nhà trường. Vậy thì phải làm sao?

Thêm nữa, tâm linh không phải là toán học mà chỉ cần áp dụng đúng công thức thì được điểm cao, tâm linh cũng không phải là văn học mà chỉ cần viết giống như những gì thầy cô dạy thì được công nhận là giỏi và được trở thành thầy hoặc được có mác là “người có tâm/ có đức”. Tâm linh không phải như thế.

Thật khó giải quyết.

Nhưng có lẽ việc nhà trường thì để “thị trường” tự giải quyết. Nếu các môn tâm linh là môn tự do lựa chọn (selective) và không phải là môn bắt buộc (mandatory), sinh viên sẽ tự quyết định lớp này có nên học không. Và mình tin rằng quyết định của sinh viên sẽ tùy theo bài học nói về triết lý sâu sắc và trái tim con người, hay nói về lễ bái tôn giáo. Có lẽ nhiều sinh viên muốn học về trái tim con người, kể cả trái tim của chính mình, nhưng chẳng ai muốn học lễ bái làm gì.

Việc nhà tù thì ngày nay tại nhiều nước có nhiều tổ chức tôn giáo được nhà nước cho phép vào nhà tù hỗ trợ tâm linh cho tù nhân, và các tổ chức này thường dạy cầu nguyện, đọc kinh, tụng kinh, tích cực, và hiền dịu, giúp tù nhân có được đời sống nội tâm tĩnh lặng hơn. Đây là điều nhà nước cần khuyến khích, nhưng nhà nước nên hỗ trợ mọi tổ chức hỗ trợ tâm lý tù nhân, không chỉ là các tổ chức tôn giáo.

Mình cũng có lòng tin vào trái tim con người. Đặc biệt là trái tim thầy cô. Mình tin thầy cô sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho học trò của mình.

Nếu có quyền lực chính trị cao nhất nước, mình sẽ thúc đẩy giáo dục như thế. Còn bạn, nếu có quyền lực chính trị cao nhất nước, bạn sẽ làm gì?

Phạm Thu Hương

Ghi chú

[1] “Organisational autonomy refers to a university’s ability to decide freely on its internal organisation, such as the executive leadership, decision-making bodies, legal entities and internal academic structures.” University Autonomy in Europehttp://www.university-autonomy.eu/dimensions/organisational/ (accessed Oct 14, 2018).

[2] “Financial autonomy refers to a university’s ability to decide freely on its internal financial affairs. The ability to manage its funds independently enables an institution to set and realise its strategic aims.” Id., http://www.university-autonomy.eu/dimensions/financial/ (accessed Oct 14, 2018).

[3] “Staffing autonomy refers to a university’s ability to decide freely on issues related to human resources management, including recruitments, salaries, dismissals and promotions.” Id., http://www.university-autonomy.eu/dimensions/staffing/ (accessed Oct 14, 2018).

[4] “Academic autonomy refers to a university’s ability to decide on various academic issues, such as student admissions, academic content, quality assurance, the introduction of degree programmes and the language of instruction.” Id.http://www.university-autonomy.eu/dimensions/academic/ (accessed Oct 14, 2018).

2 bình luận về “Nếu có quyền lực chính trị cao nhất nước…

Gửi phản hồi cho Phạm Thu Hương Hủy trả lời