Tương lai của Du học sinh Việt Nam – Buổi trò chuyện với GS Kiều Linh, ĐH California Davis tại Hà Nội

Chào các bạn,

Như đã giới thiệu, ngày 17.12 ở Hà Nội, CVD đã tổ chức buổi gặp mặt GS Kiều Linh trò chuyện với Du học sinh tại Hà Nội thảo luận về Tương lai của Du Học Sinh Việt Nam

GS Kiều Linh là chuyên gia nghiên cứu về người Mỹ gốc Châu Á và dành nhiều năm nghiên cứu về người Việt ở Hải Ngoại.

kieulinh_hopmat1-copy

Buổi trò chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các anh chị em và các bạn là cựu du học sinh, các bạn chuẩn bị du học giảng viên ĐH tại Mỹ,  các bạn chưa từng đi du học và các bạn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam hoặc có nghiên cứu về VN, admin CVD Thu Hương online từ Đà Nẵng, đã tham gia buổi trao đổi.

Mở đầu buổi trò chuyện, chị Kiều Linh chia sẻ: Tại sao có buổi trò chuyện hôm nay?

Chị Kiều Linh nói người trong nước quan tâm nhiều đến Việt Kiều. Trong thời gian gần đây, Kiều Linh có dịp gặp gỡ với nhiều cơ quan chính phủ, các nhà nghiên cứu và có một câu hỏi nổi lên là làm thế nào để thu hút Việt Kiều nói chung và Du Học Sinh – DHS trở về Việt Nam. Chính phủ đang quan tâm nhiều đến phát triển lĩnh vực kinh doanh, tìm cách nào để giữ DHS. Bởi vì nhiều DHS sau một thời gian ở nước ngoài muốn ở lại nước ngoài để tìm việc. Chính phủ VN cũng mong muốn người Việt hải ngoại quay trở lại.

Chị Kiều Linh được Bộ Ngoại Giao mời về chia sẻ ở hội nghị kiều bào.

Kiều Linh đưa ra một số câu hỏi nếu chính phủ VN quan tâm về vấn đề này thì làm sao để thu hút DHS ở lại và đầu tư như thế nào? Chính phủ có cơ hội để nói chuyện với DHS không? Hoặc có cố gắng nói chuyện với DHS không? Khi quay trở lại thì DHS có hội nhập được không?

Hiện nay theo thống kê của chính phủ có 25 nghìn DHS ở nước ngoài chỉ riêng ở Mỹ (con số ước lượng). Kiều Linh mong muốn có những đối thoại ở trong những nhóm như thế này bởi những nhóm DHS như thế này rất quan trọng, là cơ hội để DHS tạo network chia sẻ kinh nghiệm kiến thức và góp cho sự phát triển của VN.

Kiều Linh rất quan tâm đến DHS vì DHS là nhóm rất đặc biệt, và cũng có phần nào giống VIệt Kiều. Kiều Linh được biết rằng có nhiều DHS ở lại VN vì có cơ hội làm việc, có người ở lại vì gia đình ở VN, muốn giúp VN và giúp gia đình.

Câu hỏi đầu tiên Kiều Linh muốn lắng nghe chia sẻ từ các anh chị em và các bạn  “Trong quá trình chuyển đổi trở về VN, các DHS gặp những thách thức gì?

Chị Thuận DHS tại Anh mới về VN được 2 tháng chia sẻ cảm giác đầu tiên là bị shock vì Hà Nội quá đông và ô nhiễm không khí nên chị hơi mệt. Chị cần thêm thời gian để thích nghi với môi trường. Chị cảm thấy mình bị coi là day dreamer – kẻ ở trên mây khi trò chuyện với mọi người xung quanh. Có rất nhiều bạn cũng chia sẻ cảm giác bị coi là kẻ ở trên mây khi trở về VN.

Andrew, người Mỹ đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ

Anh nghe bạn anh nói rằng cô ấy phải quên đi rất nhiều kỹ năng đã được đào tạo tại Mỹ khi về VN làm việc. Và rằng cô ấy phải thích nghi rất nhiều với môi trường làm việc tại VN.

kieulinh_hopmat2
Trịnh Hà, DHS từ Nhật Bản, hiện đang làm việc tại ĐH Quốc gia HN chia sẻ 

Hà làm nghiên cứu về đo chất lượng không khí. Khi Hà về VN, Hà khá bức xúc với cách mà báo chí và các nhà khoa học trong nước nói về trình trạng ô nhiễm không khí ở HN theo một nghĩa là nó không phản ảnh đúng chất lượng không khí thực sự của toàn HN. Tình trạng không đến mức tồi tệ như vậy. Bạn không thể đo chất lượng không khí của 1, 2 điểm và kết luận toàn thành phố ô nhiễm. Điều khiến Hà bức xúc là nhiều người từ nhà khoa học đến các lãnh đạo của các nhóm hoạt động dân sự nói rất nhiều về ô nhiễm nhưng không mấy ai nói đến giải pháp. Dù thế nào Hà vẫn tin mọi thứ đang tốt lên và chúng ta cần thời gian.

Chị Mỹ Linh, DHS ở Đức đã về VN được 15 năm.

Chị đang làm việc tại Viện nghiên cứu thực phẩm của chính phủ. Sau 15 năm làm việc tại viện nghiên cứu trong ngành thực phẩm của chị, chị không thấy có sự tiến bộ trong chính sách của nhà nước để bảo hộ và trợ giúp các bằng sáng chế cho nhà nghiên cứu. Lương cán bộ nghiên cứu khoa học quá thấp. Đối với các đề tài nghiên cứu, chính sách có, ngân sách nhưng chỉ có một vài nghiên cứu có thể ứng dụng được. Chị Linh nói những người đi học về sẽ rất phí kiến thức, hoặc sẽ phải ra doanh nghiệp làm việc.

Tiếp lời chị Mỹ Linh, chị Kiều Linh muốn biết khi chị Mỹ Linh trở về VN, chị có tìm được nhóm các nhà nghiên cứu có cùng trình độ và tâm huyết xung quanh chị không?

Chị Mỹ Linh chia sẻ chị cũng có một nhóm nghiên cứu làm cùng nhưng chất lượng ngày càng đi xuống vì thu nhập quá thấp, và nhà nghiên cứu không thể tìm cách áp dụng kiến thức của mình vào công việc.

Tiếp lời chị Mỹ Linh, chị Đỗ Hạnh, cựu DHS tại Mỹ chia sẻ các nhà nghiên cứu và các viện nghiên cứu có thể tìm cách kết nối với các công ty để chuyển giao các bằng sáng chế của mình. Chị làm việc trong ngành quản lý chuỗi cung ứng, khi làm việc tại Việt Nam các đồng nghiệp của chị không dùng những kỹ năng mà chị được học và đào tạo ở Mỹ như là thu thập và phân tích dữ liệu. Ở VN, các đồng nghiệp của chị làm việc không dựa vào phân tích dữ liệu. Chị cảm thấy khó khăn và tranh đấu từng ngày để giữ cách làm việc của mình? Chị Đỗ Hạnh nói thêm chị và chồng trở về VN vì mong muốn góp sức vào sự phát triển của VN.

Anh Tùng giảng viên Học viện kỹ thuật quân sự chia sẻ.

Anh chưa từng đi du học nhưng cũng cảm thấy mình bị lạc lõng khi không tìm được kết nối giữa các nhà nghiên cứu và các công ty ở VN. Những đồng nghiệp của anh đơn giản chỉ làm những dự án trên giấy tờ mà không có tính ứng dụng mà chỉ làm để hài lòng lãnh đạo. Anh Tùng thực sự rất tâm huyết, muốn VN trở thành một đất nước tốt đẹp hơn và muốn tìm ra giải pháp.

Chị Kiều Linh đặt tiếp câu hỏi “Vậy thực sự bạn có đang trở lại một hệ thống mà bản cảm thấy không thể thích hợp được – Do you really come back to the system that you feel incompatible?”

Hồng Hạnh, DHS học về Phụ nữ và các vấn đề về giới – Women and gender studies chia sẻ

Khi Hạnh trở về VN, mặc dù làm trong môi trường của các tổ chức phi chính phủ là một môi trường cởi mở nhưng Hạnh cũng có rất nhiều khó khăn phải vật lộn về vấn đề bình đẳng giới tại VN, quan niệm con gái đến tuổi thì phải kết hôn học ít thôi. Hạnh cảm thấy thời gian đầu làm việc không được hiệu quả nhưng dần dần Hạnh cảm thấy rất may mắn vì gặp gỡ được những người bạn mà thực sự mong muốn và làm nên những thay đổi. Trong công việc Hạnh được tiếp xúc với cộng đồng bản địa, người dân tộc thiểu số, Hạnh cảm thấy mình là người được giúp và học rất nhiều chứ không phải mình đang đi giúp họ. Hạnh chia sẻ khi tiếp xúc với đồng bào địa phương, dù nghèo đói khó khăn ra sao, lúc nào cũng thấy người dân tộc thiểu số nghèo cười rất tươi.

Chị Kiều Linh đưa ra câu hỏi về những gì DSH có thể làm sau khi trở về VN?

Những bạn trở về trước có thể hỗ trợ những bạn mới về. Kiều Linh cũng chia sẻ về nhóm DHS và cựu sinh viên Đại học California tại Sài Gòn muốn tổ chức những nhóm hội cho DHS. Bởi vì network rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh sức mạnh của internet và vị trí vủa VN trong toàn cầu hoá hiện nay.

Chị Kiều Linh cũng chia sẻ ngắn  về cuốn sách Chuyển đổi VN xuyên quốc gia – Transnationalizing Viet Nam về những đóng góp của Việt Kiều cho sự phát triển của VN trong 20 năm qua, được ghi chép lại trong cuốn sách của chị. Chị Kiều Linh chia sẻ về những dự định trao đổi các nhà nghiên cứu trong tương lai với trung tâm nghiên cứu và trường ĐH của chị. Mọi sự thay đổi đều cần thời gian và VN thực sự có thay đổi và đây là thời điểm chuyển giao quan trọng mà chị cảm thấy vai trò của DHS rất lớn trong đó.

Cuối cùng chị nói, người Việt chúng ta đều là những nghệ sĩ, chúng ta làm việc từ trái tim mình và luôn cố gắng trở thành những người hữu ích – “We Vietnamese, we are all artist, we do things from our heart, always try to be helpful.”

Anh Chí Thuận, admin của CVD và founder của một công ty công nghệ, chưa từng du học, chia sẻ về cách anh đang làm cho sự phát triển của VN. Anh Thuận rất đồng ý với chị Kiều Linh việc trao đổi chia sẻ kiến thức phát triển công ty, cộng đồng tại địa phương rất quan trọng. Đây cũng là cách anh đang làm cho công ty của mình và cho cộng đồng địa phương làng quê nơi anh sinh sống. Và ở vị trí nào thì mỗi người đều góp phần cho sự phát triển của cộng đồng mình.

Để kết luận Thu Hằng chia sẻ đồng cảm với những điều chị Kiều Linh và các bạn đã chia sẻ. Hằng nhấn mạnh về sức mạnh của network mà chị Kiều Linh có nhắc đến và có ghi lại trong cuốn sách của Kiều Linh, nhờ đó một phần chúng ta nhìn thấy sự phát triển của VN hiện nay trong đó có công nghệ thông tin. Việc trao đổi cởi mở về ý tưởng và thảo luận các vấn đề của VN, đó cũng là công việc CVD đang làm với network của các DHS và trí thức Việt Nam ở khắp thế giới.

Ở đây, các anh chị em và các bạn là những người tâm huyết, sáng tạo có kiến thức tốt, mong muốn cho sự phát triển của VN. CVD là một network và là nơi chào đón những chia sẻ, trao đổi của các anh chị em và các bạn. Chúng ta khó có thể nhìn thấy sự thay đổi của VN chóng vánh trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn những gì chúng ta chia sẻ, trao đổi thảo luận đều có sức mạnh góp vào sự phát triển của VN. Và những buổi trao đổi, trò chuyện như thế này rất quan trọng và chỉ là sự khởi đầu cho những việc làm và dự án tiếp theo về VN.

Hồng Thuận, Thu Hằng ghi chép

4 bình luận về “Tương lai của Du học sinh Việt Nam – Buổi trò chuyện với GS Kiều Linh, ĐH California Davis tại Hà Nội

  1. Trân trọng cảm ơn Chị Hằng và các anh chị trong CVD đã tổ chức buổi hội thảo này.
    Trân trọng cảm ơn tấm lòng của chị Kiều Linh và sự phát triển của đất nước nói chung và vấn đề đóng góp của DHS đối với đất nước nói riêng.
    Cảm ơn câu chuyện của các anh chị đã chia sẻ trong buổi hội thảo. Vì đó thực sự là những thông tin hữu ích để bản thân Tùng suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn thái độ của mình trong công việc, và định hướng học tập sắp tới. Để làm sao có tâm huyết rồi nhưng phải có giải pháp mà hành động, như anh Thuận có nói là mỗi người làm tốt việc của mình rồi đến lúc mọi mảnh ghép ghép lại sẽ tạo ra một bức tranh của sự đổi mới, phát triển. Bản thân rất tin tưởng vào tương lai sự thay đổi, nhưng chắc chắn không thể là Overnight Change được.

    Chúc cả nhà mạnh khỏe!

    Đã thích bởi 2 người

Bình luận về bài viết này