Một số thông tin xung quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” *

Hình ảnh Cuốn sách cho rằng “người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc” số 1

Bìa cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức do NXB Tri Thức phát hành.

*: Tiêu đề do Phạm Thu Hương – Admin CVD đặt

***

Cuốn sách cho rằng “người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc”

(TM) Cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức bị một nhà nghiên cứu “kiện”, đòi hủy buổi giới thiệu sách vì cho rằng có “những kết luận khoa học không đúng đắn như phủ nhận tính bản địa của người Việt và người Mường, coi họ đều từ Trung Quốc sang”.

 

Theo kế hoạch, vào ngày 15/5/2014, Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) tổ chức hội thảo giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành.

Tuy nhiên, vào ngay trước ngày dự kiến diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách trên, NXB Tri Thức ra thông báo tạm hoãn “vì lý do kỹ thuật”.

Theo một số nguồn tin, nguyên nhân thực sự và trực tiếp dẫn đến việc hội thảo giới thiệu sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” bị tạm hoãn, không diễn ra như kế hoạch ban đầu là do PGS, TS Bùi Xuân Đính – Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc Ngôn ngữ Việt – Mường – Viện Dân tộc học Việt Nam – đã có đơn thư “khiếu nại” về cuốn sách.

Trong khoảng thời gian từ 9 – 12/5 (ngay sát ngày dự kiến tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách trên), ông Đính đã gọi điện và viết thư đến Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội đề nghị hủy bỏ buổi giới thiệu sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”. Đến ngày 14/5, L’Espace đã quyết định tạm hoãn chương trình trên.

Hình ảnh Cuốn sách cho rằng “người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc” số 1

Bìa cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức do NXB Tri Thức phát hành.

Trong yêu cầu gửi L’Espace, ông Đính nhận mình là “một người nghiên cứu lâu năm về người Việt và người Mường, đã đọc kỹ cuốn sách” và nhận định: “Đây là cuốn sách có rất nhiều sai sót về phương pháp luận, về việc sử dụng tài liệu, do vậy, đưa đến những kết luận khoa học không đúng đắn: phủ nhận người Việt và người Mường cùng nguồn gốc, phủ nhận tính bản địa của hai tộc người này, coi họ đều từ Trung Quốc sang; phủ nhận hầu hết các thành tựu nghiên cứu của các ngành Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học, Ngôn Ngữ học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nhiều học giả Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua”.

Với giọng văn khá gay gắt, ông Bùi Xuân Đính cho rằng: “Những luận điểm về nguồn gốc Trung Quốc của nhiều tộc người ở Việt Nam đã và đang bị sử dụng để gây ly khai, chia rẽ cộng đồng các tộc người ở Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết, thống nhất của quốc gia Việt Nam… Trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam đã và đang bị dư luận thế giới phản đối, việc Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức là không phù hợp, dễ bị lợi dụng”.

Từ những phân tích của mình, ông Đính đưa thông tin: “Ngay sau khi ra mắt bạn đọc, cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức đã gây ra những phản ứng gay gắt của giới học giả khoa học xã hội Việt Nam. Đã có một số tạp chí chuẩn bị đăng bài phản ứng và phản đối những luận điểm của cuốn sách này”.

Qua đó, ông Đính yêu cầu: “Đề nghị Trung tâm không tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách trên”.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi Trung tâm văn hóa Pháp và NXB Tri Thức chính thức ra thông báo hoãn buổi giới thiệu sách, ông Đính tiếp tục gửi thư đến một số cơ quan báo chí, trình bày những nội dung cơ bản như trong thư gửi L’Espace, và cho rằng “việc các báo và tạp chí đưa tin về cuộc giới thiệu sách này là vội vàng, không tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn và không nhạy bén với tình hình chính trị”, đồng thời yêu cầu “các báo, tạp chí đã đăng thông tin về cuốn sách của tác giả Tạ Đức cần gỡ bỏ, tránh bị lợi dụng”.

Được biết, ông Bùi Xuân Đính và tác giả Tạ Đức từng là đồng nghiệp tại Viện Dân tộc học và là bạn thân của nhau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vụ việc này.

Duy Minh

 Nguồn : Người đưa tin
***

PGs.Ts Bùi Xuân Đính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chính thức về sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của Tạ Đức

  • VHNA –  BÙI XUÂN ĐÍNH
  • Thứ năm, 12 Tháng 6 2014 08:00
PGs. Ts Bùi Xuân Đính

PGs. Ts Bùi Xuân Đính

Lời tòa soạn: Ngày 12 tháng 6 năm 2014, tạp chí Văn hóa Nghệ An đã nhận được thư của PGs.Ts Bùi Xuân Đính. Trong thư PGs.Ts Bùi Xuân Đính đề cập lại một số nội dung xung quanh việc tranh luận về cuốn sách Nguồn gốc người Việt – người Mường của tác giả Tạ Đức và đưa thêm một số thông tin khác xung quanh việc bình luận, đánh giá, phổ biến cuốn sách này. Đặc biệt, PGs.Ts Bùi Xuân Đính “đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng có ý kiến chính thức về cuốn sách này”. 

Để minh bạch thông tin và rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn bức thư này.

 

Kính gửi : Ban Biên tập Tạp chí “Văn hóa Nghệ An”

Trên Văn hóa Nghệ Anngày 10 tháng 6 năm 2014, ông Tạ Đức đăng bài bàn LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH rồi “động viên”, “khích lệ” tôi “mạnh dạn hơn trong tranh luận”.

Về vấn đề này, tôi xin được thưa lại với Ban Biên tập Tạp chí và bạn đọc như sau:

1. Việc tranh luận về nguồn gốc người Việt, người Mường, hay rộng ra là nguồn gốc dân tộc không phải là cuộc “đôi co” của riêng tôi và ông Tạ Đức. Đây là vấn đề khoa học lớn, liên quan đến việc đánh giá thành tựu của các ngành khoa học xã hội, đánh giá sự tâm huyết, công sức và trí tuệ của các thế hệ nhà khoa học xã hội nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Vấn đề này còn liên quan đến lợi ích quốc gia, thậm chí đến cả “sinh mạng của dân tộc”; đến niềm tự hào về truyền thống, định hướng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ v. v…

Là người từng nghiên cứu vấn đề này, với trách nhiệm và bản lĩnh của một nhà khoa học, trách nhiệm và tình cảm của một công dân với đất nước, với quốc gia dân tộc, tôi đã và sẽ sẵn sàng cùng các nhà khoa học khác làm rõ vấn đề này, không cần mượn đến sự động viên, khích lệ của ông Tạ Đức và cũng không “ngán” bất kỳ người nào.  Tuy nhiên, tôi chỉ bàn về vấn đề này trên các diễn đàn khoa học (các tạp chí khoa học, các cuộc tọa đàm, hội thảo) do các cơ quan khoa học tổ chức, đặng làm rõ được các vấn đề về nguồn tư liệu, phương pháp luận, đến các luận điểm, các kết luận mà cuốn sách “Nguồn gốc người Việt -người Mường” nêu ra.

2. Cuốn “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của Tạ Đức đã được nhiều nhà khoa học chuyên ngành (Khảo cổ học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học và một số ngành khác) đọc và bình luận. Các thông tin thu được cho thấy, có nhiều ý kiến cho rằng, sách của Tạ Đức đã tiếp cận vấn đề sai và lệch, sử dụng phần lớn nguồn tư liệu lấy trên internet, trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là wikipedia không đáng tin cậy, phương pháp lập luận không chắc chắn nên đưa ra những kết luận sai về nguồn gốc người Việt, người Mường. Xin dẫn dưới đây ý kiến của hai nhà học giả Hà Văn Thùy và Trần Trọng Dương (những đoạn in nghiêng là do tôi nhấn mạnh để bạn đọc lưu ý):

 Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước (chỉ quan điểm sai lầm của Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc trước đây, coi người Việt từ Trung Quốc di cư sang), sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc” (Hà Văn Thùy, Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc, Văn hóa Nghệ An, 30/ 5/ 2014).

– “Cũng tiếc cho tác giả Tạ Đức. Là người có lẽ có tài và có gan muốn tạo lập lâu đài tri thức hoành tráng in dấu ấn của riêng mình, nhưng do sai ngay từ khâu thiết kế nên công trình thế kỷ chỉ còn là đống vụn tư liệu!Một cuốn sách lạc đường, đẩy học thuật Việt thụt lùi hơn nửa thế kỷ… Bên trong, không đủ tâm và trí để nói với nhân dân về cội nguồn cùng văn hóa đích thực của dân tộcBên ngoài, nó câm nín trước những đòn tấn công hiểm ác không chỉ xuyên tạc chính nghĩa dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cả những mưu toan nhân danh khoa học phủ định tới cỗi rễ dân tộc”  (Hà Văn Thùy, “Nguồn gốc người Việt – người Mường” và thực trạng học thuật  Việt Nam”, Thuyhavan. blogspot.com/ 2014/ 05).

– ”Trong khi, cả giới khoa học đã xác quyết, người Việt – người Mường là những cư dân bản địa, thì ông (Tạ Đức) cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt – người Mường là người Lạc Việt – người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống. Trong khi, ai cũng tin rằng văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn là văn hóa gốc thì ông (Tạ Đức) lại cho rằng tổ tiên của họ là người Đản (Mon) cổ vốn sống ở vùng hạ lưu sông Mân (Phúc Kiến) hay có nguồn gốc từ văn hóa Dạ Lang (Thục)… ở Nam Trung Hoa)” và “từ bối cảnh học thuật hiện tại, cuốn sách này là một phát ngôn lạc dòng và ngược dòng” (Trần Trọng Dương, Đọc “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của Tạ Đức, Văn hóa Nghệ An, 28/5/ 2014).

Ông Tạ Đức là người có đủ kiến thức và đủ bản lĩnh hãy tranh luận ba ý kiến trên của hai học giả.

3. Là người có một thời gian dài nghiên cứu về quan hệ dân tộc, nhất là có nhiều năm cùng đồng nghiệp lăn lộn ở nhiều vùng biên giới Việt – Trung, tôi thấy được âm mưu thâm độc, nguy hiểm của nhà cầm quyền TrungQuốc trong việc sử dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” của một số tộc người thiểu số ở nước ta để gây ly tán, phá hoại khối đoàn kết quốc gia dân tộc(vấn đề này, chúng tôi đã nêu rõ trong một số đề tài khoa học của cơ quanđã được nghiệm thu). Với sự nhạy cảm chính trị của người làm công tác nghiên cứu Dân tộc học, tôi càng thấy luận điểm của Tạ Đứcsẽ gây tác hại khôn lường, trong bối cảnh phức tạp kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốcngang ngược xâm chiếm lãnh hải nước ta (đầu tháng 5 đến nay). Trong khi cả nước đang phải “gồng mình” đối phó với dã tâm xâm chiếm nước ta của Trung Quốc, thì ông Tạ Đức lại tích cực tuyên truyền trên hàng chục tờ báo, tổ chức nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (ý định này không thực hiện được do Trung tâm này đã thấy được sự nhạy cảm của vấn đề) những luận điểm không có lợi cho đất nước, cho quốc gia dân tộc, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Mới đây nhất, ông Tạ Đức còn tổ chức nói chuyện về sách của mình trước một số sinh viên tại một quán giải khát ở 27 Trần Bình Trọng vào tối thứ Sáu, ngày 06 / 6 / 2014 (!?).

Xét thấy mức độ nguy hiểm, tác hại khôn lường của những luận điểm của Tạ Đức trong sách“Nguồn gốc người Việt – người Mường”, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng có ý kiến chính thức về cuốn sách này.

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2014

      Bùi Xuân Đính

***

 

Đôi lời khi đọc lời đề nghị của PGS.TS Bùi Xuân Đính về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”

  • VHNA – HÀ THỦY NGUYÊN
  • Thứ ba, 17 Tháng 6 2014 10:52

Mới đây tôi vừa được một độc giả của Book Hunter gửi bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính với  nội dung “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chính thức về sách “Nguồn gốc người Việt người Mường” của Tạ Đức.” Khi đọc bài viết này, với cương vị là người sáng lập và điều hành Book Hunter , nhóm tổ chức buổi nói chuyện của Nhà nghiên cứu độc lập Tạ Đức về cuốn sách này, tôi thấy rằng mình cần thiết phải có trách nhiệm lên tiếng.

Ngay khi buổi Seminar tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp để thảo luận các vấn đề xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” bị hoãn tổ chức một cách không rõ ràng vì “lý do trục trặc kỹ thuật” và được nghe kể về buổi phản biện công trình này tại Viện Dân tộc học tôi đã thấy rằng Nhà nghiên cứu Tạ Đức  sẽ không có nhiều cơ hội để lên tiếng trình bày rõ ràng quan điểm của mình trong cuốn sách này trên các kênh chính thống. Những phản biện không còn mang tính phản biện khoa học nữa mà có màu sắc quy kết các vấn đề chính trị sẽ nhanh chóng tạo ra nhiều hiều lầm trong công chúng về cuốn sách này. Bởi thế, các thành viên Book Hunter và tôi quyết định sẽ tổ chức một buổi nói chuyện cho Nhà nghiên cứu Tạ Đức trong chuỗi Idea Hunting của chúng tôi.

Trong lời đề nghị của mình, PGS.TS Bùi Xuân Đính đưa ra những thông tin không chính xác về buổi nói chuyện “Nguồn gốc người Việt người Mường”  do Book Hunter tổ chức: “ Trong khi cả nước đang phải “gồng mình” đối phó với dã tâm xâm chiếm nước ta của Trung Quốc, thì ông Tạ Đức lại tích cực tuyên truyền trên hàng chục tờ báo, tổ chức nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (ý định này không thực hiện được do Trung tâm này đã thấy được sự nhạy cảm của vấn đề) những luận điểm không có lợi cho đất nước, cho quốc gia dân tộc, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Mới đây nhất, ông Tạ Đức còn tổ chức nói chuyện về sách của mình trước một số sinh viên tại một quán giải khát ở 27 Trần Bình Trọng vào tối thứ Sáu, ngày 06 / 6 / 2014 (!?).”Buổi Idea Hunting này mang tính chất trò chuyện nội bộ, chúng tôi chỉ mời các thành viên trong Book Hunter và một số bạn bè chứ không hề mời PGS.TS Bùi Xuân Đính, vì vậy, buổi nói chuyện này không hề có sự có mặt của ông Đính. Nhưng ông Đính lại đưa thông tin một cách sai lệch về nhóm của chúng tôi. Thông tin chính xác là cơ sở vững chắc cho một phát ngôn mang tính khoa học hoặc mang tính chính trị, nhưng với cách đưa thông tin của ông Đính, tôi buộc phải nghi ngờ khả năng nghiên cứu khoa học và tính trung thực trong các phát ngôn trên truyền thông của ông.

Book Hunter chúng tôi không phải là một “nhóm sinh viên”, và những người tham dự buổi Idea Hunting “Nguồn gốc người Việt người Mường” cũng không phải chỉ có sinh viên.

Book Hunter chúng tôi đóng vai trò là một nhóm độc lập, quan tâm đến các vấn đề học thuật và sẵn sàng hỗ trợ các học giả,  với điều kiện học giả đó có các công trình cụ thể được trình bày nghiêm túc và đầy đủ dựa trên một số các nguyên tắc chứng cứ và lập luận khoa học. Tính đúng sai trong khoa học là không thể dự đoán, bởi chỉ cần một dữ liệu được tìm thấy thì đúng – sai cũng sẽ bị thay đổi theo, lịch sử khoa học đã chứng minh điều này. Vì thế chúng tôi không quan tâm đến tính đúng – sai mà chỉ quan tâm đến việc học giả ấy có tinh thần làm việc nghiêm túc và tinh thần chia sẻ cộng đồng hay không. Nếu PGS.TS Bùi Xuân Đính ở trong những tình trạng như trên, Book Hunter cũng sẵn sàng mời PGS.TS tham gia Idea Hunting. Còn nếu ông Đính mượn diễn đàn của Book Hunter để công kích cá nhân như đã làm trên các kênh thông tin chính thống vừa qua thì Book Hunter sẽ không thể hợp tác.

Thành viên của Book Hunter không phải sinh viên: Tôi là một trong những người sáng lập Book Hunter, và là một nhà văn bước vào con đường văn học từ năm 2004, đến nay đã có 4 tác phẩm văn học được xuất bản và 5 bộ phim được trình chiếu trên các kênh VTV1, VTV3, HTV9. Một người sáng lập và điều hành khác của Book Hunter là biên tập chủ chốt của trang Tech in Asia, một trang khởi nghiệp Công nghệ viết bằng song ngữ và có uy tín tại Châu Á. Các thành viên khác đến từ nhiều ngành nghề khác nhưng đều là những độc giả có tư duy và các kiến giải độc lập về các vấn đề học thuật và có mong muốn được trao đổi cũng như hỗ trợ để thúc đẩy Việt Nam có một nền học thuật đúng đắn và tử tế.

Buổi Idea Hunting “Nguồn gốc người Việt người Mường” được tổ chức dựa trên tinh thần đó. Do ông Đính không tham gia buổi Idea Hunting này mà chỉ nghe kể lại từ những nguồn không được đảm bảo nên đưa ra những quy kết không chính xác. Tham dự buổi hôm đó không phải chỉ có “nhóm sinh viên” mà còn có PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nhà báo Trần Trung Chính, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến, dịch giả Đinh Bá Anh… cùng với các nhóm hoạt động độc lập trong lĩnh vực văn hóa – lịch sử có uy tín trong giới trẻ như Dự án Nghệ thuật Lần Hồi, nhóm Tôi Xê Dịch, nhóm Wegreen và các thành viên của Book Hunter. Buổi nói chuyện không có ý định “truyền bá” mà chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi xoay quanh một chủ đề.

Về lời đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền

Ông Bùi Xuân Đính yêu cầu các “cơ quan thẩm quyền có ý kiến”, không rõ là các “cơ quan có thẩm quyền” này ngoài viện Dân tộc học thì còn có bên nào nữa? Giá như ông Đính vào hôm Idea Hunting của Book Hunter có thể có mặt như một “người khách không mời” và phản biện các luận điểm của ông Tạ Đức trên cơ sở chứng cứ khoa học thì chúng tôi cũng sẵn sàng ghi nhận và công khai phần tranh luận của ông để các độc giả của Book Hunter không bị “nhà cầm quyền TrungQuốc trong việc sử dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” của một số tộc người thiểu số ở nước ta để gây ly tán, phá hoại khối đoàn kết quốc gia dân tộc”. Thế nhưng ông Đính đã không thực hiện điều này với vai trò của một nhà khoa học mà chỉ muốn mượn danh của chính quyền để phục vụ các mục đích công kích cá nhân của mình. Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm này, với vai trò một nhà khoa học, một viện sĩ được công nhận, nếu muốn giúp ích cho đất nước thì phải đóng góp bằng công trình khoa học hoặc các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học chứ không phải bằng việc liên tiếp công kích một nhà nghiên cứu độc lập.

Riêng với quan điểm cá nhân tôi về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường”, tôi thấy rằng đó là một công trình đáng ghi nhận về công sức và tâm huyết của ông Tạ Đức. Mặc dù cuốn sách còn thiếu sót trong chứng cứ và lập luận nhưng tôi thiết nghĩ không có bất cứ công trình khoa học nào là hoàn hảo, nhất là những công trình nghiên cứu về lịch sử, vốn xưa nay vẫn rất nhiều tranh cãi. Cuốn sách của ông Tạ Đức bị cho rằng ủng hộ quan điểm người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nên Việt Nam phải lệ thuộc từ Trung Quốc. Điều này là sự bóp méo nội dung trắng trợn, không rõ là do ông Đính không đủ nhận thức để tiếp nhận thông tin từ văn bản hay là cố tình làm sai lệch để phục vụ mục đích cá nhân. Tôi nghĩ một người nghiên cứu dân tộc học lão làng như ông Đính phải biết rằng ở thời Đá Mới không có Việt Nam, không có Trung Quốc, mà chỉ có các cộng đồng dân cư di dân vì các yếu tố biến đổi tự nhiên, khan hiếm nguồn thức ăn hoặc do bị thua trận trong các cuộc tranh chấp. Tình trạng này không phải chỉ diễn ra ở dải đất Trung Hoa và Việt Nam ngày nay mà sự thiên di này diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới như Bắc Âu, Địa Trung Hải, Trung Cận Đông…v…v… Và cuộc di dân lớn nhất của lịch sử Cận đại phải kể đến sự hình thành các quốc gia ở Châu Mỹ và Châu Úc. Luận điểm người Việt di cư từ vùng đất thuộc quốc gia Trung Quốc hiện đại xuống vùng đất của quốc gia Việt Nam hiện đại không phải là sự khẳng định người Việt Nam là người Trung Quốc. Có lẽ ông Đính đã bị nhầm lẫn giữa các khái niệm về bộ tộc thời Cổ đại với các khái niệm về quốc gia thời hiện đại, thậm chí còn mù mờ về các vương quốc thời Trung đại. Với cách nhìn nhận của ông Đính thì có lẽ “Bình Ngô đại cáo” của cụ Nguyễn Trãi cũng nên bị cấm ở Việt Nam vì có câu

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần thay nhau dựng nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

Triệu ở đây chính là nước Nam Việt của Triệu Đà mà lãnh thổ nước Nam Việt bấy giờ nằm ở Trung Quốc và có những cuộc chinh phạt nhà nước Âu Lạc ở phương Nam. Tại sao Nguyễn Trãi, một nhà Nho yêu nước có công chống quân Minh từ phương Bắc lại nhắc đến Triệu Đà, đó là một điều nên được suy nghĩ nghiêm túc về nguồn gốc của người Việt ta.

Book Hunter có quyền lên tiếng và hỗ trợ nhà nghiên cứu Tạ Đức hay không?

Trong thông điệp đầu năm 2014 của mình, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cần phải “hoàn thiện thể chế,  phát huy quyền làm chủ Nhân dân”. Tôi thiết nghĩ muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì với tư cách là một công dân phải thể hiện ý thức làm chủ và khả năng làm chủ của mình đã. Quyền làm chủ này không chỉ là quyền bầu cử mà còn là quyền tham gia ý kiến, không phải chỉ trong các vấn đề chính trị mà trong mọi mặt của xã hội, thậm chí là lên tiếng phản biện, đồng tình, bình luận, hoặc khuyến khích những công trình, những tác phẩm trong lĩnh vực học thuật và sáng tác.

Bấy lâu nay các viện nghiên cứu khoa học và giới học giả, trí thức đã quen với lối làm việc bó hẹp, không dám công khai đối diện với công chúng, không dám tranh biện một cách đường hoàng và minh bạch trên các diễn đàn, và nếu tranh biện ở góc độ khoa học không được thì sẽ chuyển sang quy kết chính trị. Điều này khiến cho tình trạng học thuật của nước nhà ngày càng thui chột vì thiếu tương tác, các học giả kéo bè kéo cánh, lợi dụng danh nghĩa định hướng dư luận để bài xích cá nhân. Để hạn chế tình trạng này và thúc đẩy nghiên cứu khoa học và sáng tạo thì sự xuất hiện của các nhà nghiên cứu độc lập, các tác giả độc lập, các kênh truyền thông độc lập và những nhóm sinh hoạt học thuật độc lập sẽ tạo nên sự đối xứng và cân bằng để kiểm soát nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các viện sĩ công chức. Dù sao đi nữa, tiền nuôi các Viện sĩ của các Viện nghiên cứu cũng đến từ tiền thuế của người dân hoặc các quỹ nước ngoài có mong muốn mang lại đời sống tốt hơn cho người dân Việt Nam. Vậy thì với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi cũng như các thành viên của Book Hunter và rất nhiều các nhóm sinh hoạt văn hóa,nghệ thuật,khoa học, công nghệ… độc lập khác có quyền bày tỏ quan điểm và hỗ trợ những học giả – trí thức mà chúng tôi tôn trọng.

Chúng tôi đang cố gắng “phát huy tính làm chủ” của mình như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi. Bởi thế tôi viết những lời này không phải với tư cách một nhà văn hay một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mà là với tư cách một công dân, một độc giả muốn được các “cơ quan có thẩm quyền” và các viện sĩ, các học giả phải tôn trọng quyền đó. Nếu ông Đính có sự công tâm của một người làm khoa học và một người có “sự nhạy cảm chính trị” như ông nói thì hi vọng rằng ông sẽ trình lên bài viết này của tôi cùng với lời đề nghị của ông để cho các “cơ quan có thẩm quyền” thực hiện vai trò và nhiệm vụ đúng đắn của mình, tránh việc họ tiếp thu thông tin một chiều giống như ông Đính trong việc nhận định về “nhóm sinh viên” mà tôi đã đề cập ở trên.

Hà Thủy Nguyên

Admin của Book Hunter

***

Sự thật thông tin liên quan đến Viện Dân Tộc Học qua việc trao đổi về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”

  •  VHNA – VƯƠNG XUÂN TÌNH*
  • Thứ tư, 18 Tháng 6 2014 10:52

Lời Tòa Soạn: Sau một số bài trao đổi về cuốn sách “Nguồn gốc người việt – người Mường” của Tạ Đức đăng trên vanhoanghean.com.vn, sáng nay, tòa soạn VHNA đã nhận được bài viết  của ông Vương Xuân Tình, Viện trưởng viện dân tộc học [Viện hàn lâm KHXHVN] thông báo một số thông tin liên quan đến cuộc trao đổi đang diễn ra. VHNA xin cảm ơn quý ông Viện trưởng và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài viết.

Nhân đây chúng tôi cũng một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ các cuộc trao đổi, tranh luận học thuật trên tinh thần vị học thuật, công bằng, minh bạch, thể hiện tinh thần khoa học  và nhân văn của giới trí thức; Không đồng tình với việc lợi dụng danh nghĩa trao đổi khoa học để công kích cá nhân. Mong được các tác giả thông cảm và quan tâm cộng tác.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Vừa qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã đăng một số bài viết về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức, trong đó có những thông tin liên quan tới Viện Dân tộc học. Cụ thể như sau:

 – Trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ngày 13/6/2014, tác giả Tạ Đức viết:

“Ôi, tôi cứ tưởng Viện Dân tộc học là một trong các “cơ quan có thẩm quyền”, và với hai bài viết, ông– đại diện cho Viện, đã có ý kiến chính thức rồi cơ đấy.

 – Trong bài “Đôi lời khi đọc lời đề nghị của PGS.TS Bùi Xuân Đính về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, ngày 17/6/2014, tác giả Hà Thủy Nguyên viết:

Ngay khi buổi Seminar tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp để thảo luận các vấn đề xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” bị hoãn tổ chức một cách không rõ ràng vì “lý do trục trặc kỹ thuật” và được nghe kể về buổi phản biện công trình này tại Viện Dân tộc học tôi đã thấy rằng Nhà nghiên cứu Tạ Đức sẽ không có nhiều cơ hội để lên tiếng trình bày rõ ràng quan điểm của mình trong cuốn sách này trên các kênh chính thống.

Ông Bùi Xuân Đính yêu cầu các “cơ quan thẩm quyền có ý kiến”, không rõ là các “cơ quan có thẩm quyền” này ngoài Viện Dân tộc học thì còn có bên nào nữa?.

Thông tin trên đây sẽ khiến cho người đọc hiểu là: 1. Những ý kiến của PGS.TS Bùi Xuân Đính là của Viện Dân tộc học; 2. Viện Dân tộc học tổ chức một buổi “phản biện” cuốn sách của tác giả Tạ Đức; và 3. Viện Dân tộc học không tạo điều kiện để tác giả Tạ Đức trao đổi lại bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực liên quan đến vấn nêu trên cho bạn đọc. Nếu thông tin của chúng tôi sai lạc, xin mời những ai có liên đới trao đổi lại.

1. Đầu tháng 2 năm 2014, chúng tôi nhận được thông báo từ PGS.TS Bùi Xuân Đính, cán bộ Viện Dân tộc học: Ông Tạ Đức vừa cho xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” và có nhã ý ngày 13 tháng 2 sẽ đến Viện Dân tộc học tặng sách cho một số đồng nghiệp. Chúng tôi rất vui, vì ông Tạ Đức nguyên là cán bộ của Viện, và qua ông Bùi Xuân Đính, đã mời ông Tạ Đức giới thiệu kết quả nghiên cứu trong quyển sách của ông tại Viện. Ông Tạ Đức vui vẻ nhận lời. Buổi giới thiệu sách của ông Tạ Đức tại Viện Dân tộc học diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến, câu hỏi chân tình, cởi mở, và là buổi sinh hoạt khoa học thật sự. Chính ông Tạ Đức cũng rất vui. Tuy nhiên, do thời gian có hạn (từ 10 giờ đến 11 giờ 30), ông Tạ Đức chưa thể trả lời và thỏa mãn tất cả câu hỏi và ý kiến. Vì thế ngay trong buổi đó, với trách nhiệm là Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, tôi đã đề xuất ý kiến: Nên tiếp tục có những trao đổi khoa học liên quan đến cuốn sách này trên Tạp chí Dân tộc học. Mọi người đều đồng tình, trong đó có ông Tạ Đức.

Như vậy, đây là một cuộc sinh hoạt khoa học, chứ không phải buổi “phản biện” như tác giả Hà Thủy Nguyên đã viết.Thậm chí trong ngày gần đây, khi nhắc đến buổi giới thiệu sách nêu trên với chúng tôi, tác giả Tạ Đức vẫn cho rằng, đó là buổi trao đổi chuyên môn “ấm áp”.

2. Để việc trao đổi khoa học được thực hiện, chúng tôi đề nghị PGS.TS Bùi Xuân Đính, khi đó là Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc ngôn ngữ Việt – Mường viết bài đầu tiên. Ông Đính đã nhận lời; còn tôi, với trách nhiệm là Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, cũng nhắc lại nguyên tắc của Tạp chí: Việc trao đổi phải trên tinh thần khoa học, tránh xúc phạm, quy chụp lẫn nhau… Trong quá trình viết bài này, ông Đính có tham khảo ý kiến của một số nhà chuyên môn, song việc tham khảo chỉ với tư cách cá nhân. Và sau đó, bài viết “Bàn về nguồn gốc người Việt – người Mường” của PGS.TS Bùi Xuân Đính đã được đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 1+2 năm 2014. Nếu bạn đọc nào thấy bài viết này, kể cảLời Tòa soạn – giới thiệu bài viết của Tạp chí Dân tộc học, có ý gì xúc phạm, quy chụp tác giả Tạ Đức thì xin chỉ giáo, để chúng tôi rút kinh nghiệm.

3. Ngay từ lúc bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính chưa được công bố, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, chúng tôi đã thông tin cho nhà nghiên cứu Tạ Đức và mời ông gửi bài trao đổi lại. Tuy nhiên chúng tôi cũng cho ông biết, bài của ông chỉ có thể đăng vào số 4, vì số 3 là số chuyên đề dành cho một dự án hợp tác quốc tế, và đã lên kế hoạch từ năm 2013. Lúc đầu ông Tạ Đức nhận lời, nhưng sau đó cho biết, ông muốn đăng bài trao đổi với ông Bùi Xuân Đính sớm hơn, và sẽ đăng ở một cơ quan ngôn luận khác.

4. Việc PGS.TS Bùi Xuân Đính gọi điện thoại và gửi thư đề nghị Trung tâm Văn hóa Pháp hoãn cuộc trình bày của nhà nghiên cứu Tạ Đức chỉ là thể hiện chính kiến riêng, không liên quan tới Viện Dân tộc học. Cá nhân tôi khi biết thông tin này, cũng chia sẻ suy nghĩ với ông Bùi Xuân Đính: “Việc trình bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp là quyền của anh Tạ Đức”. Trong hai lần trao đổi qua điện thoại với ông Tạ Đức, tôi đã khẳng định thực chất của sự việc nêu trên là như vậy.

5. Sự thật về thông tin mà chúng tôi cung cấp cho bạn đọc trên đây, ngoài việc để đối sánh với thông tin của hai tác giả Tạ Đức và Hà Thủy Nguyên, còn là những lời gửi chân tình tới bạn đọc của Tạp chí Văn hóa Nghệ An: Cho đến nay, Viện Dân tộc học không làm bất cứ điều gì phương hại đến tác giả Tạ Đức. Chúng tôi chỉ đã và đang thực hiện trách nhiệm xây dựng một môi trường trao đổi khoa học lành mạnh và nghiêm túc./.

…………………………….

[*]: VƯƠNG XUÂN TÌNH –  Viện trưởng Viện Dân tộc học

***

Nhìn lại cuộc tranh luận “Nguồn gốc người Việt – người Mường”

  • VHNA –   HOÀNG TRỰC BÌNH
  • Thứ tư, 18 Tháng 6 2014 10:44

Hơn một tháng đã trôi qua, giới khoa học nước nhà cũng như đông đảo cư dân mạng “nóng” lên quanh cuộc trao đổi về cuốn sách Nguồn gốc người Việt – người Mườngcủa tác giả Tạ Đức.

Tạm tính từ ngày 16/ 5/ 2014 được coi là “khởi điểm” của cuộc tranh luận với bài của Trần Trọng Dương trên Tạp chí Tia sáng, đến nay, đã có trên 20 bài (thống kê chưa đầy đủ), được đưa lên các trang mạng (không tính các bài trùng nhau), thuộc các thể loại, chủ yếu là trao đổi: tin tức, phỏng vấn, bài viết dài mang tính nghiên cứu, bình luận, trả lời, thư ngỏ…; trong đó 18 bài có tính chất học thuật. Để bạn đọc nào chưa có điều kiện theo dõi liên tục cuộc tranh luận này, chúng tôi điểm lại những nét chính của các luận điểm đưa ra.

 

Điểm đầu tiên mà bất kỳ ai khi cầm “Nguồn gốc người Việt – người Mường” cũng phải thấy là cuốn sách có nguồn tài liệu rất phong phú. Không chỉ những người ủng hộ Tạ Đức mà cả những người không đồng tình với các luận điểm của ông cũng phải nhận xét như vậy. Trần Trọng Dương cho rằng, “tác giả Tạ Đức đã làm hết sức mình với một tinh thần thuần túy vị khoa học, đó là điều rất đáng trân trọng trong bối cảnh hiện nay!”. Hà Văn Thùy coi “850  trang sách khổ to: Nguồn gốc người Việt – người Mường” là kết quả mười năm làm việc của học giả Tạ Đức. Thật đáng nể phục về khối tư liệu đồ sộ được đưa vào sách” (Hà Văn Thùy c). Bùi Xuân Đính dù không tán đồng với các phương pháp và kết luận mà Tạ Đức đưa ra cũng phải phẳng định “sách có nguồn tài liệu phong phú” (Bùi Xuân Đính a). Bản thân học giả Tạ Đức cũng tự tin cho rằng “đã dùng một khối tư liệu mà tất cả ai đã đọc cũng phải công nhận là đồ sộ, phong phú của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học…Mỗi một giả thuyết đều được chứng minh bằng các bằng chứng liên ngành, với cái nhìn hệ thống-tổng thể” (Tạ Đức d). Một số luận điểm được một hai người nhận xét là sức thuyết phục, như “tác giả chấp nhận An Dương Vương là người Thục. Những trang viết đòi lại vị trí chính thống của nhà Triệu trong sử Việt thật xác đáng và thuyết phục” (Hà Văn Thùy c).

Tuy nhiên, ngoài những điểm chung đó, sách của Tạ Đức có nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều. Dưới đây, chúng tôi điểm mấy vấn đề chính.

1. Về việc sử dụng tài liệu internet trong công trình khoa học

Luận điểm của Tạ Đức và Bùi Xuân Đính là hoàn toàn “đối nghịch” nhau. Ông Đính thì cho rằng, nếu không phải là trang web của các cơ quan khoa học chính thống thì phần lớn các thông tin khoa học trên mạng là các giả thiết hay mới chỉ là ý tưởng, hoặc ý kiến mở, không cần chứng minh hay chưa chứng minh được. Một bộ phận không nhỏ các thông tin ít được hoặc không được kiểm soát, nên dễ có những sai sót nghiêm trọng. Đặc biệt, trên wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược, sơ bộ, ai cũng có thể dễ dàng bổ sung, thêm bớt hay thay đổi; vì thế, cùng một vấn đề, thông tin ở các thời điểm rất khác nhau. Bùi Xuân Đính đã thống kê sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” có đến 90 trang sử dụng tài liệu wikipedia, trong đó 7 trang sử dụng 2 lần và 1 trang sử dụng 4 lần; nhiều luận điểm quan trọng của sách được dựa trên wikipedia, từ đó đưa ra nhận định “người đọc có quyền đánh dấu hỏi về những luận điểm của sách đưa ra”.Trần Trọng Dương thận trọng hơn cho rằng, “trong một công trình khoa học, việc trích dẫn những nguồn thông tin được lấy từ mạng là nên hạn chế. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở cuốn sách của Tạ Đức mà khá phổ biến hiện nay trong giới Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Bởi lẽ, thông tin trên mạng (như wikipedia) là kiểu thông tin không nguồn gốc, có thể do bất kỳ ai đưa lên mà không phải chịu trách nhiệm khoa học về những thông tin đó” và “dùng một thông tin từ một trang mạng du lịch sẽ làm phương hại đến hệ thống luận cứ và lập luận của tác giả”.

Những nhận xét trên đây đã bị Tạ Đức “phản đòn” quyết liệt mà người “ăn đòn” nhiều nhất, lại toàn đòn nặng, là Bùi Xuân Đính, được nhận “đủ thứ” từ ông Đức, như “nhữngnhận xét nêu trên (của Bùi Xuân Đính) là của một người ít hay không hề tham khảo tư liệu khoa học nước ngoài trên mạng nên hoàn toàn võ đoán, chủ quan” (tuy nhiên, ở phía dưới bài, ông Đức lại tự mâu thuẫn với mình khi viết “Tham khảo mà không trích dẫn thì là “đạo văn”. Phải chăng BXĐ nhiều lần đã áp dụng qui định này?)”, rồi “Không cập nhật kiến thức”, “Hãy nhờ người nào đó đọc, dịch trang wiki… này” và ông khuyên ông Đính “Phải dùng mới biết” … (Tạ Đức c).

“Ông đồ 8 X” Trần Trọng Dương” cũng bị Tạ Đức cho là “có cái nhìn quá nặng nề và hơi kinh viện”(Tạ Đức a, b); rồi như một bậc “cha chú”, ông đã dạy “Dương” đủ điều, trong khi ông quên mất rằng, đây là tranh luận khoa học, mà đã là tranh luận thì phải bình đẳng, dựa trên tư liệu và lập luận để hướng tìm ra lẽ phải, không phải cứ số đông là thắng số ít, người cao tuổi là thắng người ít tuổi, người có chức quyền, hàm vị thắng người không có, người giàu thắng người nghèo, “người nhà nước” thắng “người ngoài nhà nước” .

Trong tình hình trên, cần lấy lấy một hai ý kiến trung gian làm “trọng tài”. Có vẻ như ý kiến của Nguyễn Huỳnh Mai là thỏa đáng hơn. Người viết đưa ra vài “tập tục”mà các đại học Âu Mỹ thường gợi ý cho sinh viên và nhân viên khảo cứu của họ”. Gọi là “tập tục”, nhưng dường như đã trở thành “luật”, nghĩa là trở thành nguyên tắc bắt buộc – Nguyễn Huỳnh Mai cho biết, luật đầu tiên và … duy nhất là tài liệu tham khảo phải khả tín (tin cậy được). Chữ “khả tín” ở đây được hiểu theo một nghĩa rất hẹp: phải được duyệt bởi những chuyên gia quốc tế. Hẹp đến nổi nó có thể đồng nghĩa với các bài đã được đăng trên các tập san khoa học sau khi đã qua sự bình chọn của một hội đồng “đọc” (reviewers) của tập san này.Ngay cả khi tài liệu được đăng trên các báo khoa học tín nhiệm, việc ghi rõ ngày hay năm đăng báo cũng quan trọng, vì có những khoa học, nhất là y khoa và sinh học, sự tiến bộ đi rất nhanh, một bài viết cách đây 5 năm có khi đã không còn giá trị, như vậy “khả tín bao gồm khái niệm cập nhật”.Một số tài liệu khoa học cũng có thể đọc được trên mạng, nhưng thông thường chỉ có bài tóm lược (abstract)chứ không có toàn văn (full text). Nhưng các sites, persee cũng tùy thuộc điều lệ về bản quyền của các nhà xuất bản cho ít nhất là một số tài liệu mới mà nhà xuất bản giữ bản quyền. Để bạn đọc tiếp cận các tài liệu có giá trị, tin cậy, hệ thống thư viện của các đại học lớn thường trả tiền mua dài hạn các tạp chí khoa học. Bạn đọc muốn tham khảo đương nhiên phải trả tiền. Những tài liệu khác trên internet đòi hỏi người sử dụng phải “vô cùng thận trọng vì ở đây … đá sỏi chen lẩn với đá quí”, vì bất cứ ai cũng có thể viết bất cứ cái gì rồi cho lên mạng” (Nguyễn Huỳnh Mai).

Trường hợp của vikipedia thì sao? Nguyễn Huỳnh Mai cho biết, wikipedia là loại bách khoa toàn thư mà bất cứ ai cũng có thể là cộng tác viên. Có những tài liệu rất khả tín, được viết với những cẩn trọng của một bài khoa học và được viết dưới dạng hoàn chỉnh của một tài liệu khoa học – cô đọng và súc tích với danh sách tài liệu tham khảo nghiêm chỉnh. Nhưng giá trị của các bài trên wikipedia không đồng đều. Ở đây, nhà nghiên cứu cũng phải có những cẩn mật cần thiết trước khi dùng nguồn wikipedia.

Như vậy, với ý kiến của một người có nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Huỳnh Mai, việc sử dụng tài liệu internet đã rõ. Tuy nhiên, ở nước ta, dường như chưa có luật về việc này nên mới xảy ra chuyện ông Bùi Xuân Đính thì cho rằng, “wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược”, thì ông Tạ Đức lại cho rằng, “đa số các mục, đặc biệt bằng tiếng Anh, là những bài tổng hợp công phu, được viết gọn gàng, sáng sủa, có dẫn tư liệu gốc đàng hoàng. Còn chuyện thay đổi của thông tin theo thời gian thì đó là chuyện thường, chả cứ ở wiki mà ở các sách báo hàn lâm cũng vậy”. Ông Đức còn “dạy” ông Đính “đọc trực tiếp mục về Phùng Hưng (vi.wikipedia.org/wiki/Phùng_Hưng) mà ông Đức đã dùng để xem nhận xét của mình có đúng không” (Tạ Đức c).

Nhưng, ý kiến của ông Đức đã bị một độc giả mang tên “Dân Hành Thiện” phản đối trên một trang mạng: “Khoan bàn đến chuyện ông Đức cho rằng việc thay đổi thông tin theo thời gian của wiki và sách báo hàn lâm cũng như nhau; tôi làm theo đề nghị của ông ta: đọc trực tiếp mục về Phùng Hưng”. Mục từ này, dùng 4 tài liệu tham khảo: Lịch sử Việt Nam, tập I; 2 (Phan Huy Lê, 1991), Danh tướng Việt Nam, tập IV (Nguyễn Khắc Thuần, 2007), Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử Thông giám Cương mục; ai cũng biết, trong 4 cuốn này đâu là sách gốc; vậy mà Tạ Đức lại dùng wiki”. Từ đó, “Dân Hành Thiện” kêu lên: “Trời đất! Liệu đó phải là nguồn tham khảo mà tác giả đã dùng để mất 10 năm viết 1 cuốn sách khảo cứu đồ sộ như như tác giả đã nói ?” (Hoàng Trực Bình thu thập).

2. Về tiếp cận các nguồn tài liệu mới của nước ngoài

Có lẽ đây là một trong những hạn chế, điểm yếu của một bộ phận đông các nhà nghiên cứu Việt Nam, kể cả ông Bùi Xuân Đính, ông Tạ Đức- người được những người nhận xét, giới thiệu sách cho rằng đã ”tổng hợp, kiểm định lại toàn bộ nhận thức và vốn hiểu biết và vốn tư liệu đồ sộ của mình” (Tiến sĩ Nguyễn Việt, Nhận xét 2 sách “Nguồn gốc người Viêt – người Mường”) hay “đã tập hợp được một khối lượng tư liệu khổng lồ từ các di chỉ khảo cổ học, ngôn ngữ học lịch sử và dân tộc học” (Đỗ Lai Thúy). Tuy nhiên, sách sẽ đầy đủ tư liệu hơn nếu Tạ Đức có được cuốn “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học”của Cung Đình Thanh do Tủ sách nghiên cứu Việt học, Nhà xuất bản Tư tưởng và Tập san Tư tưởng ấn hành năm 2003 tại Sydney (Australia)­- cuốn sách đã sử dụng các kết quả nghiên cứu mới nhất về gien để chứng minh Việt – Mường là cư dân bản địa ở Bắc Việt Nam. “Thâm ý” của ông Bùi Xuân Đính khi giới thiệu sách của Cung Đình Thành là, nếu năm 2003 (hoặc 2004 – 2005), ông Đức tiếp cận được cuốn sách này, không biết ông có từ bỏ ý định viết cuốnNguồn gốc người Việt – người Mường” không; hoặc nếu tiếp tục thực hiện công việc để chứng minh luận điểm “người Việt và người Mường là hai dân tộc khác nhau và đều từ Trung Quốc di cư sang”, chắc chắn ông Đức phải tìm thêm nhiều tài liệu hơn và tiếp cận theo hướng khác để chứng minh cho kỳ được công trình nghiên cứu về gien của Giáo sư người Mỹ gốc Hoa J. Y. Chu là sai.

Song, trong bài phản bác lại cả ông Bùi Xuân Đính và ông Hà Văn Thùy, Tạ Đức cho rằng, dù không có cuốn sách của Cung Đình Thanh, nhưng ông đã nắm được “hồn cốt” tư tưởng của học giả này trên các thông tin internet (tuy nhiên, các thông tin này lại không có trong mục Tài liệu tham khảo sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”) và ông cho rằng, luận điểm Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoalà hoàn toàn vô lý và không có bất cứ cơ sở nào về khảo cổ học và sử học (Tạ Đức d, đ).

Nhân bàn về những khó khăn và bất cập trong tiếp cận các kết quả nghiên cứu (ở dạng sách, tạp chí) ở nước ngoài, tôi thấy cần tím hướng “thoát”. Ở đây, vai trò của các thư viện trong việc tiếp cận và thông tin với các thư viện nước ngoài là một hướng quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học và bản thân các nhà khoa học cũng phải nỗ lực tìm kiếm, đọc tài liệu.

3. Vấn đề phương pháp luận của sách

Sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của Tạ Đức áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Những người ủng hộ ông Đức cho rằng, trên cơ sở khối tư liệu khổng lồ từ các di chỉ khảo cổ, sắp xếp chúng theo thời gian, rồi so sánh theo loại hình để tìm ra sự tương đồng, sự tiến triển hay thoái lùi của nhiều hiện vật, từ đó lần theo dấu chân thiên di (của các tộc người Việt) từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông (Đỗ Lai Thúy). Cũng tương tự là các nhận xét của Đào Hùng, Nguyễn Việt trong các lời nhận xét của sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”.

Tuy nhiên, có ba vấn đề về phương pháp luận trong sách đã được các bài viết chỉ ra.

1. Về việc sử dụng truyền thuyết

Tạ Đức dùng các tài liệu tổng hợp (trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các tài liệu khảo cổ học Trung Quốc) để chứng minh truyền thuyết Hồng Bàng, sự tồn tại của nước Xích Quỷ là có thật và khẳng định các luận điểm của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc coi người Việt từ Trung Quốc chuyển cư sang, không phải cư dân bản địa ở miền Bắc Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, Bùi Xuân Đính đã coi đó là “sai lầm về phương pháp luận”, vì truyền thuyết này có nhiều yếu tố hoang đường và phi lý mà chính sử triều Nguyễn đã chỉ ra, còn luận điểm của hai học giả Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc thì đâu đã được giới khoa học xã hội Việt Nam thừa nhận (Bùi Xuân Đinh a).

Trần Trọng Dương cũng chỉ ra “Việc sử dụng huyền thoại (một thể loại của văn học) để nghiên cứu lịch sử – như trong sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” không phải lúc nào cũng có kết quả thực sự chắc chắn. Công thức {huyền thoại + hiện vật khảo cổ} trước nay vẫn là công thức ưa thích ở Việt Nam, trong khi công thức nghiêm cẩn hơn {sử liệu + hiện vật khảo cổ} đến nay vẫn còn đầy rẫy những chông gai thử thách. Việc coi huyền thoại có tính sử liệu, hoặc ít nhiều phản ánh một phần sự thực lịch sử nào đó khiến mọi giả thuyết khoa học luôn đứng chông chênh trên ranh giới giữa thực và hư, giữa sử học và văn học!”.

2. Về các phương pháp cụ thể trong các luận điểm của Tạ Đức cũng không nhận được chia sẻ. Tác giả Huy Phong viết trên một facebook về cách sử dụng lý thuyết của Tạ Đức: “Ông ấy toàn dẫn các ý kiến, lý thuyết các bậc 1-2-3-4-5 rồi đưa ra một cái kết luận chả logic tý nào! cứ lý thuyết này chồng lên lý thuyết khác, rồi kết luận! mà chả có cái nào của ông ấy cả! thậm chí cả cái kết luận ấy!”(tổng hợp của HoàngTrực Bình). Trần Trọng Dương cho rằng, các bước lập luận và cứ liệu nêu ra trong sách nhằm để bắc cầu kết nối những khoảng siêu không gian, siêu thời gian, nối liền Lạc Việt với Đại Cồ Việt cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, và nối Lạc Việt với văn hóa người Đản (Giang Tô).

Về việc so sánh các di vật khảo cổ học cũng có những bất ổn, như so sánh hình dáng con rái cá trên internet với con vật lạ trên thạp Đào Thịnh để chứng minh rằng “rái cá” là vật tổ của người Đản kéo dài từ thời cổ cho đến tận thời Đinh Bộ Lĩnh.
(Trần Trọng Dương). Lâm Mỹ Dung thì kết luận “Nói chung là hổ lốn quá, ví dụ nối một đồ gốm Ân Thương với một đồ đồng Đông Sơn với thạp thời Trần rồi thì bảo chung một nguồn gốc sinh học thì vô lối quá. Nhiều thứ nữa”(Hoàng Trực Bình thu thập). Bùi Xuân Đính coi việc “Chỉ đem một số ít di vật trong một vài di tích có những nét tương đồng với các di tích ở Trung Quốc để so sánh và kết luận đó là do các khối cư dân ở Trung Quốc thiên di mang sang là không thỏa đáng, thậm chí là vội vàng. Sự giống nhau của các di vật trong các văn hóa khảo cổ học do nhiều nguyên nhân, hoặc do tương đồng về văn hóa, hoặc do trao đổi, có khi là quà tặng, là chiến lợi phẩm của chiến tranh, đâu phải chỉ là kết quả của thiên di” (Bùi Xuân Đính a).

Trong nghiên cứu so sánh, theo Trần Trọng Dương “việc đồng quy các hiện tượng văn hóa, hay đồng quy ngôn ngữ là việc hết sức mạo hiểm”; thế nhưng, trong sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, Tạ Đức đã tiến hành công thức truy nguyên đồng quy hàng loạt các hiện tượng về một chỉ số gốc… Trong nhiều trang, tác giả tiến hành đồng quy nhiều hiện tượng ngôn ngữ, mà sự đồng quy nhiều khi lại dựa trên bề mặt ngữ âm… Tác giả đã dùng những cứ liệu dân tộc học để đưa ra những đẳng thức ngữ âm khá chông chênh…. Và để chứng minh/hay phản biện được những kết luận này thì cần phải có những thao tác phục nguyên (tái lập âm đọc cổ: reconstruction) một cách chuyên nghiệp, chứ chưa thể dựa trên những nét hao hao trên ký hiệu văn tự của âm Hán -Việt hay phiên âm Latin ở thời điểm hiện tại (Trần Trọng Dương). Bùi Xuân Đính cũng tán đồng “để phục nguyên nghĩa và âm của một từ, phải tuân theo một phương pháp nghiêm ngặt, có trình tự, không thể căn cứ vào sự giống nhau về âm và nghĩa ở dạng thực thể đồng đại”, không thể chỉ dẫn ra sự giống nhau về âm của một số từ trong tiếng Việt với các ngôn ngữ khác, như Cửa Lò/Kulua,lòng thung lũng/klung… để chứng minh nguồn gốc bên ngoài của các địa danh thuộc địa bàn người Việt sinh sống hiện nay (Bùi Xuân Đính a).

4. Những “câu kết” về nguồn gốc người Việt – người Mường

Trong các bài trả lời, tranh luận, ông Tạ Đức khẳng định các tư liệu và luận điểm của mình là đúng, thậm chí trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ông Đức còn dẫn lại lời của nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định những điều được (ông Đức) nói “với cái gan dạ từ một tinh thần khoa học thực sự cầu thị, từ một ý chí và tấm lòng kiên định, nhiệt thành vì sự phát triển-đổi mới của khoa học lịch sử” và ông Đức “hoàn toàn tự hào và yên tâm” về những phát ngôn bị coi là “lạc dòng và ngược dòng” . Nói vậy thôi, tôi không hẳn tin ông Đức vui khi “Ông đồ 8 X” Trần Trọng Dương viết hóm hỉnh rằng:“Trong khi, cả giới khoa học đã xác quyết, người Việt – người Mường là những cư dân bản địa, thì ông (Tạ Đức) cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt – người Mường là người Lạc Việt – người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống. Trong khi, ai cũng tin rằng văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn là văn hóa gốc thì ông lại cho rằng tổ tiên của họ là người Đản (Mon) cổ vốn sống ở vùng hạ lưu sông Mân (Phúc Kiến) hay có nguồn gốc từ văn hóa Dạ Lang (Thục), văn hóa Điền, Nam Việt (Nam Trung Hoa)”.

Ông Bùi Xuân Đính sau khi chỉ ra “những bất cập” của Tạ Đức trong việc sử dụng nguồn tư liệu, trong phương pháp luận cũng đưa ra kết luận “Những thành tựu của khoa học xã hội trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định người Việt và người Mường (Lạc Việt) cùng với người Tày và một bộ phận Nùng, Thái cổ (Âu Việt) là các cư dân bản địa, sở tại, sinh sống từ rất lâu đời ở vùng Bắc Việt Nam, tạo lập ra các nền văn hóa mang tính liên tục để bước vào thời kỳ dựng nước với đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn rực rỡ” (Bùi Xuân Đính, a).

Theo Bùi Xuân Đính, cuốn sách Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa họccủa Cung Đình Thanh được ông giới thiệutrên Tạp chí Văn hóa Nghệ An (ngày 31/5/2014) đã làm sáng rõ vấn đề. Học giả Cung Đình Thanh (dựa trên các thành tựu khoa học đã được xác nhận) đưa ra hai kết luận quan trọng:

– Văn hóa Hòa Bình là một trong ba cái nôi phát sinh trồng trọt của thế giới và là nôi của cây lúa nước. Từ Bắc Việt Nam, một nhóm cư dân ở đây đem nghề này vào lưu vực sông Hoài, gặp môi trường thuận lợi đã nhanh chóng phát triển nghề nông ở đây, phát triển nghề gốm, để trở thành nền Văn hóa Ngưỡng Thiều trong phạm vi lưu vực sông Hoài.

– Theo Hà Văn Thùy, cơ sở quan trọng nhất để tìm về nguồn gốc tộc người là gien. Công trình nghiên cứu về Di truyền học do Nhà bác học người Mỹ gốc Hoa J. Y. Chu chủ trì được Cung Đình Thanh dẫn lại trong sách ông, khẳng định gốc gác của người Trung Hoa là từ Đông Nam Á di lên, sau lại lai giống với người từ Trung Á và châu Âu di cư đến, có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương” và như vậy, “Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa, người Đông Nam Á không chỉ góp phần mà còn đóng vai trò chính, là bộ phận chủ đạo của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa (Bùi Xuân Đính c).

Hai luận điểm của Cung Đinh Thanh mà Bùi Xuân Đính và Hà Văn Thùy đưa ra bị Tạ Đức phản lại trong bài LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH trên Văn hóa Nghệ An 10/6/2014. Về kết quả phân tích mẫu lúa ở hang Xóm Trại (Hòa Bình), Tạ Đức cho rằng, mẫu lúa này có niên đại thời Trần, không phải cách đây vài nghìn năm.

Tuy nhiên, có nhà nghiên cứukhảo cổ học chorằng, mẫu lúa mà Nguyễn Việt đưa sang phân tích C14 ở Đức năm 1980 không phải mẫu chuẩn, tức không phải mẫu trong địa tầng văn hóa, mà là mẫu ở bên ngoài, có thể lúa đó do chim, chuột tha vào (!?). Vấn đề này chưa thấy ông Nguyễn Việt lên tiếng. Chắc là ông Việt không dễ dàng từ bỏ quan điểm của mình.

Ý kiến về kết quả phân tích gien của học giả Mỹ gốc Hoa khẳng định người Việt ở Bắc Bộ di lên Trung Quốc chứ không phải từ Trung Quốc di xuống cũng bị Tạ Đức phản bác “là hoàn toàn vô lý và không có bất cứ cơ sở nào về khảo cổ học và sử học” Tạ Đức đ).

Có thể nói, đến nay, cuộc tranh luận về “Nguồn gốc người Việt – người Mường” diễn ra gay gắt giữa một bên là ông Tạ Đức và bên kia là ông Bùi Xuân Đính, Hà Văn Thùy, Trần Trọng Dương và một số người khác. Tất cả đã bị ông Tạ Đức bác bỏ với sự tự tin đến lạ lùng. Ông Bùi Xuân Đính là người bàn đến sách của Tạ Đức trên tạp chí Dân tộc học, rồi Văn hóa Nghệ An, nhưng đã bị Tạ Đức bắt bẻ, phản đòn và tuyên bố “ông Đính thua cuộc”. Trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ông Đức cho rằng, trên bàn cờ tranh luận, xe pháo mã của ông Bùi Xuân Đính đã bị ông Tạ Đức bắt hết, giờ cờ bí, ông Đính phải “dí tốt”, lá thư của ông Đính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm đánh giá sách của Tạ Đức chỉ là một con tốt đáng thương, tội nghiệp (!?). Vậy là “trời chẳng chịu đất, đất không chịu trời”.

Đánh giá đúng sai, hay dở, thành công hoặc không thành công cuốn sách của Tạ Đức là quyền của bạn đọc, nhất là của các nhà khoa học. Tuy nhiên, ở đây tôi vẫn cứ băn khoăn đến ba nhận xét của ông Hà Văn Thùy về sách của Tạ Đức:

– “Ông Tạ Đức nói rằng, ý tưởng thiên di-truyền bá là ông nhận được từ Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc. Ta có thể thấy, vào thập niên 1970, do hạn chế về tư liệu khoa học, đề xuất của các vị trên là những giả thuyết có tính tìm tòi. Nhưng nay, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, khoa học nhân loại đã đi những bước dài. Không chỉ cổ nhân chủng học mà cả di truyền học đều xác nhận, dân cư trên đất Việt Nam hình thành sớm và liên tục từ Sơn Vi, Hòa Bình tới Bắc Sơn, Phùng Nguyên … Do vậy, thuyết của Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc không còn đất đứng.Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc” (Hà Văn Thùy b).

– “Một cuốn sách lạc đường, đẩy học thuật Việt thụt lùi hơn nửa thế kỷ… Bên trong, không đủ tâm và trí để nói với nhân dân về cội nguồn cùng văn hóa đích thực của dân tộc; thậm chí vẫn ca những bài ca mốc meo về “ngã tư đường giao lưu quốc tế”, về “tiếp biến văn hóa,” về “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ trung Hoa”… Bên ngoài, nó câm nín trước những đòn tấn công hiểm ác không chỉ xuyên tạc chính nghĩa dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cả những mưu toan nhân danh khoa học phủ định tới cỗi rễ dân tộc” (Hà Văn Thùy c).

Bằng con đường sinh học, chỉ cần 1% lượng giấy ông Tạ Đức đã dùng, vấn đề nguồn gốc người Việt-người Mường được trình bày một cách chính xác, khoa học” (Hà Văn Thùy b).

Liệu có đúng thế không? Có nặng nề quá không?

Qua cuộc tranh luận về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” cũng lộ ra những vấn đề cần được các cơ quan hữu trách, như việc xét duyệt, thẩm định bản thảo, như Lâm Mỹ Dung đã viết trên một trang mạng :“Để in những cuốn sách gọi là chuyên khảo khoa học như thế này cần có hội đồng tử tế đánh giá về mặt khoa học, không phải cái kiểu tôi tự viết, tự in và hạ thấp những cuốn sách in bằng tiền ngân sách, những dự án do nhà nước tài trợ. Nội dung cuốn sách có thật sự khoa học hay không, không phải do tiền ai tài trợ!” (tổng hợp của Hoàng Trực Bình); về tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách, nhất là các cuốn sách có những nội dung dễ bị coi là “nhạy cảm”, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để có thể kết luận chính thức cho vấn đề, “gióng chuông hạ màn” cho những cuộc tranh luận căng thẳng, kéo dài, tôi nghĩ, cần có một trọng tài phân xử. Phải chăng, Viện Hàn lâm KHXH – cơ quan có nhiều viện chuyên ngành liên quan đến sách của Tạ Đức có đủ năng lực, sớm tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với tinh thần khoa học, cởi mở, làm rõ những vấn đề về nguồn tư liệu, các luận điểm mà tác giả Tạ Đức đặt ra; có thế mới thúc đẩy khoa học tiến bộ và lành mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Trực Binh(thu thập), MỘT SỐ BÌNH LUẬN XUNG QUANH CUỐN “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT – NGƯỜI MƯỜNG” CỦA TẠ ĐỨC TRÊN CÁC BLOG THU THẬP ĐƯỢC.
  2. Trần Trọng Dương, ĐỌC “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT – NGƯỜI MƯỜNG” CỦA TẠ ĐỨC, Tạp chí Tia sáng, thứ Tư, 16/5/2014; đăng lại trên Văn hóa Nghệ An, Thứ tư, 28 tháng 5/2014.
  3.  Bùi Xuân Đính a,BÀN VỀ “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT – NGƯỜI MƯỜNG”, Tạp chí Dân tộc học, số 1- 2.
  4. Bùi Xuân Đính b,  THƯ NGỎ GỬI TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN VÀ BẠN ĐỌC, Văn hóa Nghệ An, thứ Sáu, 30 tháng 5/2014.
  5. Bùi Xuân Đính c,“TÌM VỀ NGUỒN GỐC VĂN MINH VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG MỚI CỦA KHOA HỌC – MỘT CUỐN SÁCH GÓP PHẦN LÝ GIẢI NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT”, Văn hóa Nghệ An, Thứ Hai, 02 tháng 6/2014.
  6. Tạ Đức a, TRAO ĐỔI VỚI TRẦN TRỌNG DƯƠNG, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, 28 tháng 5/2014.
  7. Tạ Đức b, TRAO ĐỔI TIẾP VỚI TRẦN TRỌNG DƯƠNG, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, 28 tháng 5/2014.
  8. Tạ Đức c,tRẢ LỜI Ý KIẾN CỦA BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, ngày 28 tháng 5/2014.
  9. Tạ Đức d,LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH, Văn hóa Nghệ An, thứ Ba, ngày 10 tháng 6/2014.
  10.  Tạ Đức đ,TRAO ĐỔI VỚI ÔNG HÀ VĂN THÙY VỀ “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”,Văn hóa Nghệ An, thứ Năm, 12 tháng 6/2014.
  11.  Tạ Đức e,  VỀ LÁ THƯ CỦA BÙI XUÂN ĐÍNH, Văn hóa Nghệ An, thứ Sáu, 13 tháng 6/2014.
  12.  Nguyễn Huỳnh Mai,VẤN ĐỀ TÀI LIỆU THAM KHẢO, Văn hóa Nghệ An, thứ Năm, 29 tháng 5/2014.
  13. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CÓ Ý KIẾN CHÍNH THỨC VỀ SÁCH “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT – NGƯỜI MƯỜNG” CỦA TẠ ĐỨC, Thứ năm, 12 tháng 6/2014
  14. Cung Đình Thanh, PHẢI CHĂNG ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA ĐÃ CÓ THỂ KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM? Văn hóa Nghệ An, thứ Hai, 31 tháng 3/ 2014 (bài đăng lại).
  15.   Hà Văn Thùy a, TRAO ĐỔI VỚI PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH, Thuyhavan.blogspot. com/  2014/05.
  16. Hà Văn Thùy b, MỘT KIẾN GIẢI SAI VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC, Văn hóa Nghệ An,  Thứ Sáu, 30 Tháng 5 2014.
  17.  Hà Văn Thùy c,“NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”* VÀ THỰC TRẠNG HỌC THUẬT VIỆT NAM, Thuyhavan.blogspot. com/  2014/05.
  18.  Đỗ Lai Thúy, NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT, NGƯỜI MƯỜNG – MỘT GIẢ THUYẾT KHÁC, Văn hóa Nghệ An,  Thứ Ba, 27 Tháng 5/2014.

 

3 bình luận về “Một số thông tin xung quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” *

  1. Mình mong là các nhà nghiên cứu tập trung vào các tài liệu và bằng chứng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… và không nói đến lý do chính trị đương thời để định hướng viết sách.

    Thích

Bình luận về bài viết này